Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

(3) Thoạt kỳ thủy: tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tiểu thuyết ngắn đương đại

Thoạt kỳ thủy: tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng tiểu thuyết ngắn đương đại

Tác giả: Nguyễn Bình Phương

  Bố mẹ quyết định cho Tính đi làm. Tính chẳng ý kiến gì, lẳng lặng theo mẹ. Ðập đá thử ba buổi, Tính có thể làm riêng. Tính đập khỏe, hăng, đá đều tăm tắp, xếp khối hình thang. Bà Liên mừng ra mặt, chốc chốc lại liếc xéo sang kiểm tra. Tính không ngẩng lên. 
    Chẳng thấy gì nữa cả. Chỉ có độc một vòng tròn của những người xóm Soi. Xám và lờ mờ lờ mờ. Nó gọi, đá cứ vỡ ra. Giòn khô khốc. Ðập chết càng nhiều đá, càng có nhiều tiền. Núi ở trên đầu, một khối nhọn hoắt đâm vào cổ lợn. Nó sắp đổ. Ðang nghiêng, nghiêng chầm chậm, bình thản. Ông Ðiện chọc cổ lợn cũng bình thản thế. Ðập, Hiền cứ nát ra, vỡ ra, kêu rên khoái trá. Sao máu Hiền lênh láng thế hả mẹ. Mắt chó vàng như trăng. Nó bị rỗ. Trăng đen, trăng đen, trăng đen. Hiền có bả vai tròn. Tròn sáng quắc. Sáng qua cả thớ đá dầy bự. Ðom đóm bung ra rồi. Bố lại gặm chén, lại gặm chén lách cách, lách cách. Chỉ cần bịt tai lại, xin ngủ nhờ dưới cánh đom đóm. Vừa ngủ vừa nghe đá kể chuyện. Có hai đám rêu xanh chụm vào nhau, thì thầm bí mật với ông Phùng. 

    Ði trên cánh tay mình như đi trên cầu tre, cứ rùng rình, cong cong. Cũng khoái nhỉ anh Hùng nhỉ? Ông Thụy chạy Tây, móm hết cả răng. Châm một mồi lửa, thì ông Ðiện chết cháy. Nhà không chết. Cô Nheo thổi cho nó sống lại. Ðá này, sống lại này. Ðá này, sống lại này. Ðá này, sống lại này. Ðá này… 
    “Nghỉ ăn cơm, con.” 
    Bà Liên đưa cặp lồng cho Tính, ngồi bên cạnh. Tính tháo găng, mặt nhăn lại vì chỗ phồng. Có bốn quả cà, hai miếng đậu. Canh rau dền thì trộn luôn với cơm. Tính húp hai miếng, hết nhẵn. 
    Bà Liên lau mồ hôi mặt: 
    “Sắp được nghiệm thu rồi.” 
    Tính lại đập. Búa chạm đá, văng những mảnh nhỏ như bụi. Bà Liên dặn con cẩn thận, khéo mù. Tính khó chịu, mắt cứ trợn lên, càng vung búa mạnh. Bà Liên bỏ về chỗ mình. Tính thấy ngứa răng. 
    Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận. 
    Xe chở đá chạy cuốn lên lớp bụi đỏ hồng. Xa xa, tiếng mìn phá đá vọng đến âm âm, váng vất. 
    Chú Mười lân la mò sang. Tính không ngẩng lên. Chú Mười kê hòn đá, ngồi kể đủ thứ chuyện. Tính nghe câu được câu chăng. Nó lao xẻng, tao tránh. Ðá thốc lên. A-lê hấp. Ngã bổ chửng. Mẹ, tức cười. Dây vào tao, chỉ có dại. Tây đen tao còn giã cho ra tóp nữa là hạng nó. 
    Ðúng là phải giã cho ra tóp. Nhưng Hiền không thích cháy nhà. Hiền thơm lắm, chú Mười ạ. Cháu ngửi, say như thạch sùng say rượu của bố cháu. 
    “Nó về dọa cô ấy ở nhà, tao đuổi theo, quát…” 
    Ðá này, sống lại này, đá này… 
    “ ...mẹ mày, giỏi thì ra đây. Một chọi một.” 
    Công cống bu lấy con cú mà đốt. Sau đó sẽ phải đem đi cắn cổ hết cho bõ. Bố lại gặm lách cách, lách cách. Trăng đen, sao mày cứ… 
    “Dạo ấy, bọn tao trẻ, khỏe. Ðuổi Tây như đuổi vịt. Mày có tin không. Ghê lắm.” 
    … choán hết mặt mẹ tao. Rét bỏ cha đi chứ lỵ. 
    Nắng quất ong ong. Mồ hôi trộn bụi đá dày cộp trên mặt đất. Bên trái, những đụn khói do đám cháy rừng cuồn cuộn tỏa lên trời. Tiếng trẻ con đi lấy củi về léo nhéo. Xe ben bấm còi inh ỏi. 
    Hết giờ, Tính ghé qua chỗ ông Phùng. 
    Ông Phùng đang uống rượu, có một quả chuối xanh cắn dở đặt cạnh cái chai. Thấy Tính, ông Phùng gật gật đầu, mắt dim lại. Tính lẳng lặng đặt búa xuống, ngồi cạnh. Ông Phùng chỉ tay về phía giò phong lan: 
    “Hiền trổ hoa rồi.” 
    Tính thấy giò phong lan vươn ra một nhành hoa tím nhạt. Ông Phùng đứng dậy, vuốt nhẹ từng cụm hoa, hai cánh mũi phập phồng. Ông Phùng mời rượu, Tính lắc. Ông Phùng hồ hởi bảo: 
    “Tao mới viết được một truyện có tên là Và cỏ. Mày muốn nghe không?” 
    Tính gật đầu. Ông Phùng lục bản thảo ra đọc.Khi đọc được nửa chừng, Tính đùng đùng bỏ về. 
    Ông Phùng gọi giật lại, hỏi. Tính đáp: 
    “Ngứa lắm.” 
    Ông Phùng cười ằng ặc, tợp nốt chỗ rượu, nằm vật ra đất, mồm lảm nhảm: 
    “Mắt chó vàng như trăng, mắt chó vàng như trăng…” 
    Ðêm. 
    Trăng lại đến. Rộng mênh mông, mênh mông. 
    Tính trằn trọc nghe chó sủa. Gió từ núi Hột mang đến nhưng tiếng rì rầm, man dại. Trời lặng đi một chút rồi mưa đột ngột đổ xuống. Mưa chạy rào rào trên các tán cây, nhỏ rin rít từ mái tranh xuống thềm. Có tiếng gà gáy lạc lõng, nhòe nhoẹt. Tính thiếp vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Gần sáng, Tính mơ. Trong giấc mơ của Tính, Hiền đang ngủ mơ thấy hai con bọ ngựa cắn nhau. Ðầu đã rơi, thân còn quấn chặt. Tỉnh dậy, thấy nằm đè lên bông hoa cải. Dưới cánh hoa nát có con sâu đen nhỏ bằng que tăm. Ba năm sau, Hiền lấy chồng mới biết mình bị mất trinh. Không hiểu từ khi nào. 
    Lúc đi làm, Tính kể cho bà Liên nghe giấc mơ của mình và hỏi trinh là gì. Bà Liên ngượng, quát át đi. Tính vẫn hỏi. Bà Liên đành bảo trinh là tóc. Tính gặng sao tóc lại mất. Bà Liên nói nó rụng. Tính im lặng nghĩ. Lúc ra bãi đá, gặp ai, Tính cũng túm lại bảo Hiền bị rụng mất trinh. Chú Mười nghe, ôm bụng cười, Dũng gấu thì nói: "Có khi mất thật rồi cũng nên". Bà Liên rỉa rói, Dũng sợ, chuồn thẳng. 
    Bà Liên quay về hỏi Hiền: 
    “Còn không?” 
    Hiền ngơ ngác, mãi sau mới hiểu, mặt đỏ rực. Thấy mắt bà Liên cầu khẩn, Hiền cắn môi gật. Bà Liên thở phào rồi bỗng dưng đưa hai tay lên bưng mặt nói: 
    “Mày khổ quá, con ạ!” 
    Hiền ngồi thụp xuống khóc. Bà Liên xoa đầu Hiền: 
    “Làm con dâu tao, tao coi như con đẻ.” 
    Từ hôm ấy, bà Liên kéo Hiền đi đập đá cùng mình. Kỳ lĩnh lương, ông Phước nằng nặc đòi giết gà. Bà Liên không nghe bảo còn để bán lấy tiền. Hai vợ chồng cãi nhau. 
    Nhân lúc vợ con đi làm, ông Phước gọi Hưng sang, bắt gà thịt, rồi mua chịu rượu. Bà ất không bán, ông Phước đành đổi nửa con gà lấy cút rượu. Hai người say sưa uống, ông Phước phát hiện rượu vơi quá nhanh bèn quay sang chửi Hưng. Hưng nhe răng, dọa mọc nanh cắn cổ. Ông Phước vác chai đập, Hưng chạy về. 
    Trưa, khát rượu, ông Phước mò đến ông Phùng hỏi vay. Ông Phùng cho nửa cút, ông Phước cúi rạp đầu: 
    “Chỉ mình bác là đức Thánh Trần thôi!” 
    Ông Phùng bật cười khùng khục. 
    Dạo này Tính hay đi chơi đêm, khuya mới về. Bà Liên cản mãi không được, mặc kệ. Ông Phước ngủ nhanh, ngáy to, nồng nặc mùi rượu. Bà Liên sờ khắp người chồng, rồi lay lay. Ông Phước chỉ càu nhàu, quay lưng ngủ tiếp. Bà Liên thở dài, vắt tay lên trán, răng nghiến lại nhìn trân trân mạng nhện góc nhà. Nhiều đêm, bà Liên vùng dậy tắm. Ở bãi đá, bà Liên tránh chú Mười. Nếu gặp, cũng làm mặt cau có khó chịu. 
    Hiền năng sang nhà bà Liên. Ông Phước vui hẳn, cái gì cũng nhờ làm hộ. Hiền băm rau lợn, thổi cơm, đem rau đi bán. Ông Phước bảo: 
    “Làm con dâu nhà này là mày làm phúc đấy.” 
    Tính thấy Hiền thì sán lại, nhưng không đụng vào người bao giờ. Thi thoảng Tính và Hiền lại ra bờ sông ngồi. Bà Liên nhận ra, hồi hộp theo dõi. Ông Bồi thấy, cáu tiết đứng trên bè đái xuống sông. Tiếng nước ồ ồ. Hiền ngượng, ngoảnh đi chỗ khác. Ông Phước dành hẳn một ngày sang lợp lại mái nhà cho Hiền. Bà Liên chọn chủ nhật, cùng Hiền đi rẫy cỏ mả ông Ðiện, cô Nheo. Hai người chờ ngày rằm mang hương ra cắm. Hiền ngồi giữa hai mộ, người thất thần. Bà Liên rủ rỉ: 
    “Ngày xưa, tao với ông bà đây thân lắm. Nhớ cái đận dìu nhau lưu lạc từ Phù Liễn đến chỗ này, khổ ơi là khổ. ấy vậy mà vẫn sống được. Có gì cũng san sẻ cho nhau. Chóng thật thôi. Bà ấy là người ít nói, hiền như cục đất.” 
    Hiền nửa nghe nửa không. Mắt Hiền lang thang khắp bãi tha ma. Bà Liên giục, Hiền bừng tỉnh đứng dậy về. 
    Ông Khoa gặp Hiền hỏi: 
    “Nghe nói bà Liên định dạm cháu?” 
    Hiền vằn mắt, không đáp. Ông Khoa bỏ đi, dáng khòng xuống. 
    Bà Liên bàn với chồng định ngày xin dạm Hiền. Ông Phước nghe, vỗ đùi, giọng hí hửng: 
    “Gì cũng được, miễn là nhiều rượu thịt.” 
    Hai vợ chồng nhìn nhau nhẹ nhõm. Cô Nhai sang ông Bồi chơi. Khi cô Nhai về, ông Bồi gọi cả nhà lại, hắng giọng: 
    “Thằng Vinh phải lấy bằng được con Hiền. Nó lam làm, không bố mẹ, đỡ tốn tiền cheo cưới.” 
    Bà Bồi định phản đối, thấy chồng huơ mái chèo lên, đành im. Ông Bồi tấp tểnh đến gặp Hiền ở bãi đá, ướm lời. Hiền lắc đầu, nói đã nhận với bà Liên. Ông Bồi đập gậy vào tảng đá đánh chát, mắt quắc lên: 
    “Nó dở điên dở dại như thế lấy làm chồng sao được hở con.” 
    Hiền vùng chạy. 
    Ông Bồi đi rêu rao khắp nơi: 
    “Chúng nó định lấy cái nhà của con bé, chứ dâu rể gì.” 
    Bà Liên giận tái mặt. 
    Vinh nghe lời bố, suốt ngày quanh quẩn bên Hiền, bà Liên lườm nguýt cũng mặc. 
    Tính đập đá, năng suất cao vọt lên. Ông Phước sai Tính mua rượu của bà ất. Nói với bà, mua chịu, bao giờ cưới thì trả. Tính ngây ngô hỏi: 
    “Sao lại lấy vợ?” 
    Ông Phước đáp: 
    “Cho có chỗ mà ấp.” 
    Tính lại hỏi: 
    “Ấp có nở không?” 
    Ông Phước đáp: 
    “Nở.” 
    “Nở rồi có được chọc tiết không? Có cắn đầu không?” 
    Ông Phước quát: 
    “Ngu như mày, đời con Hiền nó phí đi!” 
    Hùng chặn Hiền lại: 
    “Tôi đi đánh giặc về, sao không lấy tôi?” 
    Bà Liên giơ búa lên, Hùng lủi thủi bỏ đi. Mặt Hiền bấn loạn, đêm toàn đóng cửa, ngồi nhìn bàn thờ. 
    Bà Liên nấu một đĩa xôi gấc, thịt con gà sáu lạng đem sang cho Hiền, gọi là cho có lễ ăn hỏi. 
    Tính ngồi nhìn Hiền, mắt dán chặt vào chỗ yết hầu. Bà Liên thấy ngực Hiền to, phập phồng, tự dưng buồn. Bà Liên biết ngực thế kia, hông thế kia, mắt thế kia, là người hiếm. Hiền bảo Vinh mang xôi về cho mấy đứa em. Vinh dốc cả đĩa vào vạt áo, ngó bàn thờ, hỏi: "Thế còn thịt gà?" Hiền cười, lấy dao chẻ dọc, đưa cho Vinh. Vinh cho gà vào ngực áo, len lén về, chỉ sợ ông Phước hay Tính biết. Ông Bồi ném nửa con gà vào giữa mặt Vinh, nằm vật lên phản, tai đỏ giật. Vợ con sợ hãi tản sang hàng xóm hết. 
    Hiền tìm đến ông Phùng, ôm cột lều nói đã nhận lễ ăn hỏi. Ông Phùng vuốt râu hỏi lấy Tính phải không. Hiền gật. Ông Phùng than: "Tôi là chó rồi." Hiền sợ quá, bỏ về. Ông Phùng tìm đến bãi đá. Bà Liên cau mặt, vung búa đập liên hồi kỳ trận . Ðá vỡ vụn, bụi dềnh lên trắng xóa. Hiền và ông Phùng vào chỗ lán nghỉ. Bà Liên nhòm theo, nhưng bị tảng đá che khuất. 
    Ông Phùng rón rén cầm tay Hiền hỏi: 
    “Cháu yêu nó à?” 
    Hiền thẫn thờ đáp: 
    “Cháu chả biết…” 
    Ông Phùng mếu: 
    “Nghĩ cho kỹ. Bác thương cháu lắm.” 
    Hiền rụt tay lại: 
    “Cháu chẳng biết cậy vào ai cả.” 
    Ô-tô ben chạy lấy đá ầm ầm. Khói cháy rừng Linh Nham vẫn lừng lững bốc lên. 
    Ông Phùng bưng mặt: 
    “Một đời…” 
    Hiền cười buồn: 
    “Cháu tin vào số. Số cháu khổ lắm.” 
    Ông Phùng im. Bà Liên đi lại, ông Phùng chào, không đáp. Hiền vén tóc mai, với lấy tích nước. 
    Ông Phùng về. Mặt bà Liên nặng trịch. Nhìn ông Phùng lọ khọ đi, bà Liên bấu vai Hiền: "Mẹ sợ lắm!" Hiền đỡ lưng bà Liên: "Nước đây, mẹ uống đi!" Bà Liên uống bốn ca liền, mặt nhẹ dần. 
    Tính hắt xì hơi liên tục, cáu tiết vứt búa, đi nghỉ. Ðến lán thấy hai người, bèn quay lại. Bà Liên hỏi sao hai đứa ít nói chuyện. Hiền nói tại anh ấy cứ tránh. Bà Liên dạy đạo làm vợ phải gần chồng. Ngày xưa bà cũng thế. Thấy Hiền cắn môi nhìn đi xa, bà Liên thở sẽ, ra làm tiếp. Khi đập, bà Liên lẩm bẩm: "Chết cha mày, chết cha mày. Thằng già khốn kiếp!" Ðá vỡ đều hơn, chắc hơn. 
    Ðợt lĩnh lương tháng sau, gộp cả ba vào chuẩn bị đám cưới. Ông Phước nhìn tập tiền trên tay vợ, hí hửng: 
    “Con Hiền, mua cho bố cút rượu.” 
    Bà Liên lẳng lặng cất tiền vào hòm, khóa lại. Ông Phước thẹn mặt, xoay lưng ra ngoài, vai rung lên. Hiền thương, lén đi mua cho nửa chai. Tính cười hì hì: 
    “Mẹ mày, làm vợ tao rồi nhé!” 
    Hiền tấm tức đi thẳng. Tính lăn xả vào chơi với đám người điên. 
    Ngày cưới, tổ chức tám mâm mời khách. Bà Linh lùn, cô Nhai, bà Châu Cải nấu nướng. Khói bốc nghi ngút, thơm lựng. Trẻ con bỏ học, bỏ chăn trâu, xúm lại bờ rào, mặt mày háo hức, phấp phỏng. Bà Liên dặn con theo dõi, nếu ai đem cho trẻ con cái gì thì đòi lại. Tính cầm gậy tre đảo quanh bếp như dân quân đi tuần. Khách đến, ăn uống, cười nói rôm rả. Ông Bồi không sang. Ðến giờ lễ. Tính mặc quần công nhân xanh, áo phin trắng bỏ thùng. Hiền mặc quần láng đen, áo mỡ gà, cổ cánh sen. Ðang vái gia tiên, thấy con thạch sùng, Tính nhoài người vồ. Bát hương đổ, rơi xuống đất vỡ tan. Khách rú lên. Bà Liên cắn răng thay ngay một chiếc ống bơ đong gạo vào. Tính nhe răng cười không thành tiếng, thi thoảng lại véo tay vợ, rồi ưỡn ẹo làm duyên. Mặt Hiền đông cứng, cả buổi không hé miệng. Sắp tan cuộc thì Hưng lò dò sang. Thấy ông Phước đang ba hoa, khua chân múa tay, Hưng lỉnh qua bàn khác. Hưng ăn xông xáo, gỡ gạc. Bên cạnh, ông Phước nói oang oang:
    “Nó sang đây, tôi đuổi ngay về!” 
    Hưng nghe, càng thu người lại, gắp tới tấp. Ông Trọng hỏi xỉa "Cậu tác phong bộ đội nhỉ?" Hưng thản nhiên trả lời "Vâng, ăn xong em còn về gánh nước." 
    Trên bàn thờ hương cháy hết. Ông Thụy hồ hởi nói to "Hóa âm!" Mọi người xuýt xoa. Pháo đốt giòn tan. Trẻ con thừa dịp lao vào tranh nhau quả lép. Bà Liên lăng xăng đi các mâm. Thi thoảng lại nghe tiếng ông Phước hô "Rượu đâu!" Hiền lướt qua thấy tặng phẩm chất đống, toàn giấy đỏ. Cô Nhai rỉ tai bà Liên "Nhiều nồi với chậu quá!" Tính ngắm nghía mình, hai cánh mũi nở to, phập phồng. 
    Không rước dâu. Tan đám, mọi người về hết. Hai mẹ con bà Liên thu dọn, quét rửa. Cô Nhai đi trả hộ bát đĩa, nồi niêu. Ông Phước nằm ngửa trong góc nhà, ngáy như kéo bễ. Tính xênh xang ra cổng, tay cầm nắm xôi, nhồm nhoàm ăn. Ông Phùng đến, Hiền dừng tay vào tiếp khách. Bà Liên vẫn làm. Tính véo xôi chia cho những người điên. Chia đều từng hạt một. Ông Phùng uống xong chén rượu, chìa ra một phong bì mừng. Hiền không nhận. Ông Phùng đặt lên bàn. Bà Liên gióng vào "Mời bác xơi nước đi con!" Ông Phùng cười nhạt, mắt sẫm lại. Môi Hiền hé ra, nửa nói, nửa cười, nửa lại như khóc. 
    Ðêm, vợ chồng về ngủ nhà Hiền. Bà Hiền trải chiếu hoa mới, in chữ hạnh phúc ở giữa. Một màn mới, một gối mới thêu hai con bồ câu cánh nhọn hoắt. Bà Liên rỉ tai Hiền: 
    “Nó chưa biết, phải dạy nó!” 
    Hiền đỏ mặt. 
    Tính lon xon nằm ềnh lên giường, mắt díp lại. Hiền buông màn, khêu nhỏ đèn. 
    Ðêm ấy trời đất chờn vờn. 
    Ngồi một lúc, Hiền se sẽ cởi áo, lay vai chồng. Nhưng Tính ngủ say, miệng ú ớ kêu. Hiền nằm ghé bên, ngửi thấy mùi khen khét ở người Tính. Lúc sau Hiền trở dậy khêu to đèn. Hiền khỏa thân tự ngắm mình. Bà Liên nhòm trộm qua kẽ nứt của vách. Nhìn thân hình con dâu, bà Liên ngợp lên. Mặt Hiền ngời ngợi. Lúc Hiền ngước lên bàn thờ, thấy bố mẹ nhìn, vội mặc quần áo. Bà Liên rón chân về nằm cạnh chồng. Người ông Phước như can rượu không đậy nắp. 
    Gần sáng, bà Liên mang chiếu đi giặt đã thấy Hiền ngồi ở mép sông. Cạnh Hiền, đôi ô-doa nằm nghiêng, chụm vòi vào nhau. Hiền đăm đăm nhìn con cú mèo. Nó trôi lờ đờ, uể oải. Bà Liên đánh tiếng, Hiền giật mình. 
    Hiền: 
    “Mẹ dậy sớm thế?” 
    Bà Liên: 
    “Tao không ngủ được. Nó sống không?” 
    Hiền: 
    “Hình như còn. Nước chảy chậm quá mẹ nhỉ?” 
    Chó nhà ông Mịch sủa át tiếng gà. Bụi tre cọ nhau cọt kẹt. 
    “Ngày lấy chồng, tao cũng buồn như thế.” 
    Hiền: 
    “Con có buồn đâu.” 
    “Ðừng giấu mẹ… chả biết ai bắn nó nhỉ?” 
    Hiền: 
    “Chắc bên xóm Soi.” 
    “Tội chết. Nhìn mặt mụ Linh, tao ghét quá!” 
    Hiền: 
    “Bà ấy lấy thịt hả mẹ?” 
    “Ừ! Mụ ấy vứt ra vườn cho thằng Chanh.” 
    Bè vó ông Bồi lập lòe sáng. Sương loãng ra, loãng ra. Bên kia sông, bóng người gánh nước chập chờn. Thùng va lịch kịch. 
    “Hôm nay lại nắng to, mẹ ạ!” 
    Bà Liên: 
    “Mày về nghỉ, để mẹ tưới cho.” 
    “Thôi!” 
    Bà Liên: 
    “Nghỉ đi. Tao biết mày cũng mệt rồi!” 
    “Con về anh ấy lại thức.” 
    Bà Liên: 
    “Nó ngủ suốt đêm?” 
    “Vâng!” 
    Bà Liên: 
    “Không dậy lần nào?” 
    … 
    Bà Liên: 
    “Số mẹ khổ từ bé. Tao lấy bố mày cũng là vì tình vì nghĩa giữa hai gia đình.” 
    “Mẹ này, hết đợt cải, sẽ trồng tiếp cái gì? 
    Bà Liên: 
    “Súp lơ với rau diếp. Cố gắng cấy su hào cho kịp Tết.” 
    “Hôm nay mẹ ở nhà chứ?” 
    Bà Liên: 
    “Tao phải đi. Bỏ một buổi tiếc lắm.” 
    “Con cũng thế.” 
    Bà Liên: 
    “Tùy.” 
    Hai tiếng thở dài trùng nhau. 
    Trong nhà, Tính trở mình, nằm sấp, mông chổng lên, mặt áp vào chiếu. 
    Bị dắt đi, dắt đi. Có mấy sợi lông mèo treo dưới tán lá đen. Hai người ngồi trong hốc cổ thụ nói về máu. Ðập đập đập đập đập… đẻ ra từ nách này. Hôm nay có quần áo mới, họ xúm lại ăn. Bố uống thả cửa. Giá như lúc ấy vồ được con thạch sùng, sẽ đem ra chọc tiết. Cần thì cho ông Thụy thả xuống Ao Lang nuôi. Nó đỏ rực rừng rưng. 
    Hiền đỏ như máu. Ðỏ như đĩa xôi gấc. Búa tạ đập vỡ lò nhà ông Quyên cho sướng. Nát tay chứ chẳng chơi. Ai bảo nó ăn cắp thịt? Thằng Chanh Linh ấy. Mắt chó vàng như trăng. Chọc lên trời một cây khô. Anh Hưng bảo nó là mạch máu chết. Bẻ ra ăn giòn tan. Mẹ mày, tao mơ về cái đuôi rắn để đi. Trăng đi rồi chẳng lạnh nữa... Nó teo tóp bằng đít chén, bố ngồi gặm cho đỡ nhớ. Cần cũng chọc tiết được. Mẹ con cú mèo kia, mở to thế, mở to thế, xanh xanh vàng vàng. Lông hoa mơ thế, hoa mơ thế. Máu rỉ ra từ ngực. Sông hút máu như chậu hút máu lợn, bát hút máu gà, con dao ông Ðiện hút máu ai nhỉ? 
    Bị dắt đi, dắt đi, dắt đi, dắt đi… 
    Cây sợ run bần bật. Nhiều trăng lắm nhé, mẹ nhé. Thích nhỉ, mẹ nhỉ. Hiền đặt bóng vào tường. Tường cắn chặt bóng Hiền không thả ra in mãi với bóng thạch sùng. Tường chết đi. Ông Khoa có chết không hả Hiền? Cả ông Bồi què nữa, chọc tiết hết. Trừ chúng mày. Khoác bị này, bắp lõi này, dép hỏng này, lốp này. Ðem đổ hết lên đầu ông Phùng… 
    Nắng thốc vào mặt. Tính choàng dậy. 
    Hiền lúi húi nấu cơm bên nhà, quần xắn cao, lộ ra bắp chân sáng trắng, rung rẩy. Cô Nhai sang xin ít muối, mắt lấp lén nhìn quanh. 
    “Thế nào?” 
    Cô Nhai hỏi ỡm ờ. Hiền ngoảnh phắt lại, nhìn thẳng vào mắt cô Nhai: 
    “Muối đây. Cô lấy bao nhiêu cũng được.” 
    Cô Nhai chúm tay nhón: 
    “Nó bình thường chứ? Tao ấy à, ngày xưa, ngủ đến trưa mới dậy. Lão ấy vần suốt đêm…” 
    “Cô cần gì nữa không ạ?” 
    Hiền hỏi gay gắt. Cô Nhai nguây nguẩy về. 
    Bà Liên để Hiền với Tính nghỉ ba ngày. Lựa lúc vắng người Hiền níu Tính nói chuyện. Tính ngồi gục đầu, toàn hỏi con dao ở đâu. Hiền hỏi dao nào, Tính bảo dao chọc tiết lợn. Hiền sực nhớ, lôi con dao dưới gậm giường ra, con dao bị nung trong lần cháy nhà nên vàng xỉn. Hiền mài lại, thấy giữa thân dao có khắc chìm tên bố mình. Hiền định cất đi nhưng Tính giằng lấy. Tính mân mê con dao, thỉnh thoảng lại vỗ vỗ vào chuôi. Hiền hỏi sao lại đòi giữ. Tính nói thích. Hiền ôm đầu Tính dúi vào ngực mình. Tính vùng ra, mắt hoảng loạn. Hiền ngượng, mắt rơm rớm. Tối, lúc đi ngủ, Hiền áp vào chồng. Tính càu nhàu đẩy ra. Hiền hỏi: 
    “Anh làm sao thế?” 
    Tính chau mày: 
    “Sợ.” 
    Hiền bảo chồng đừng sợ, sẽ quen thôi. Tính không nghe. Hiền lẩm bẩm với bức ảnh: 
    “Chẳng lẽ con lại khổ thế, hả mẹ?” 
    Hôm thứ hai, Hiền đi làm. Bà Liên không can. 
    Ðêm, Hiền lén đến chỗ ông Phùng. Ông Phùng xem gáy, xem bắp chân Hiền để đoán vận. Ông Phùng xoa lưng Hiền tìm long mạch. Hiền buồn, cười ngặt nghẽo. Ông Phùng hỏi: 
    “Nó chẳng biết gì phải không?” 
    Hiền đỏ mặt lí nhí: 
    “Bác đừng nói chuyện ấy.” 
    Ông Phùng nghĩ nếu Hiền yêu người có văn hóa, chắc sẽ sướng. Rồi ông Phùng lần tay ra trước. Hiền gạt đi. Ông Phùng đau khổ bảo: 
    “Người thế, rơi vào tay ai cũng phí.” 
    Ông Phùng lại nâng cằm Hiền lên soi mắt mình vào mắt Hiền. Hiền run lên, nhắm lại. Ông Phùng lần tay đến ngực, không thấy Hiền chống cự, bèn dằn xuống. Hiền giãy đạp, bỏ chạy, ra đến cửa, thấy giò phong lan thì quay lại. Hiền đổ ra phản. Ông Phùng loay hoay một lúc không sao lên được bèn ngửa mặt than: 
    “Tôi già rồi!” 
    Hiền ngơ ngác mặc lại quần áo, trên đường về bước hẫng liên tục. Hiền lên giường ôm gối cười sằng sặc, cười mãi cho đến lúc mệt quá thì ngủ. Tính đi chơi khuya, đẩy vợ vào, nằm cạnh. Bỗng Tính hít hít, hỏi: 
    “Ði đâu?” 
    Hiền cựa mình không đáp. Tính soi đèn thấy vợ đang cười mơ, thích quá, cứ ngây ngô cười theo vợ đến sáng. 
    Ông Phước kéo Tính ra thì thầm: 
    “Thế nào?” 
    Tính cười ruồi, không đáp. Ông Phước bảo vợ: 
    “Thằng này khinh đàn bà.” 
    Bà Liên cũng cười ruồi. 
    Bà Liên rỉ tai con dâu: 
    “Nó có làm được không?’ 
    Hiền cắn môi, mắt nhắm lại. Ở bãi đá, có hai con chó dính vào nhau, bà Liên giật tay áo Hiền, rồi quay đi. Hiền ngượng ngùng cấu tay Tính. Tính nhìn hai con chó, cười ngô nghê. 
    Ông Bồi ngắm trộm Hiền, nói với vợ: Trông con bé thất thần thế kia, chắc thằng Tính hỏng rồi! Bà Bồi nguýt dài. Ông Bồi cưới ré lên, xọc tay vào yếm vợ. Bà Bồi nhủn người lao ra chỗ khác. Ông Bồi quát: "Con khỉ!" Lúc ấy có đàn rồng rồng đi ăn, sôi lăn tăn mặt sông. Ông Bồi hô con thả vó. 
    Trời dịu dần. 
    Hưng ngồi dưới lùm cây sát mép hủng, đón gió. Trăng vạt nửa, chòng chành giữa đỉnh trời. Hưng mở mắt nhưng không nhìn vào đâu. Trăng chếch một chút, Hưng toan đứng dậy về bỗng thấy cây kháo rung bần bật. Có con gì trắng bằng bàn tay rập rờn bay ra. Bay lẫn với sương về phía nhà Hưng. Hưng gọi: 
    “Nếu mày là bướm thì đến đây. Nếu mày là mẹ tao thì bay đi.” 
    Con bướm bay thẳng. Hưng bần thần đi vào xóm. Ðến nhà vợ chồng Tính, Hưng dừng lại. Chó thấy Hưng, chỉ hực lên, không dám sủa. Không nhịn được. Hưng đến gần nhòm vào. Trong nhà, dưới ánh đèn dầu, Hiền khỏa thân ngồi nhìn Tính ngủ. Hưng ép người sát vách, lấy tay moi moi kẽ nứt để nhìn cho dễ. Ông Phước đi đái trông tưởng kẻ trộm rình nhà con mình bèn vớ đòn gánh lướt đến phạt ngang ống chân Hưng, rồi hô hoán ầm ĩ. Hưng thụp xuống, ông Phước vẫn phang lia lịa. Hàng xóm đổ ra, châm đèn mới biết là Hưng. Dân quân xã trói Hưng giam tại ủy ban. Trưa, công an huyện xuống lập biên bản về tội ăn trộm. Hưng cãi mình là thương binh, không thèm trộm cắp nhà ai. Bà Liên xin công an tha, nhưng ông Phước không đồng ý, bảo nếu trả bữa rượu thịt hôm nọ thì tha. Khi công an bắt lên Xít-đơ-ca, bà Liên thương, hỏi Hưng sao lại thế. Hưng cười, giọng như một thanh sắt gỉ “Chỉ nhìn một tý cho vui thôi!” 
    Xã đồn ầm lên chuyện Hiền cởi truồng. Bà Liên chống đỡ không kịp. Ông Phước nhe răng: 
    “Yên tâm, đứa nào nói xấu con dâu tao, tao đánh cho bỏ mẹ. Mày còn tiền, mua cho bố cút rượu.” 
    Trẻ con hỏi: 
    “Anh Tính ngủ gần chị Hiền, thấy gì không?” 
    Tính thật thà: 
    “Tao ngủ mơ. Ðếch thấy gì.” 
    Ba ngày sau Hưng được thả về, mặt mũi thâm tím. Hưng không chào ai, đóng cửa suốt ngày. Hôm ấy, ông Khoa sang thăm Hưng. Hưng hỏi, ngày xưa bố tôi có gửi bác cái gì phải không? Ông Khoa bảo, bố cậu chỉ gửi lời thôi. Có muốn nghe không? Hưng đáp, lời thì tôi chả cần. Ông Khoa cười, tự rót nước, rồi xoa chỗ tím cho Hưng. Mắt ông Khoa buồn mênh mông. Hưng thích, rên hừ hừ, đòi ông Khoa xoa nữa. Hưng nhìn cây thánh giá treo trước ngực ông Khoa hỏi vàng thật hay giả. Ông Khoa nói là vàng giả. Hưng xui vứt đi cho khỏi nặng cổ. Ông Khoa không đáp. Hưng vươn vai nhìn ra cửa sổ. Ông Khoa rút bao Tam Ðảo châm lửa, chìa cho Hưng. Hưng nhón lấy một điếu châm lửa hút, nhả khói mơ màng. Ông Khoa đứng dậy định về. Hưng chỉ vào hình Chúa Jê-su đúc nổi trên chiếc thánh giá, hỏi ông Khoa: 
    “Thằng Mỹ nào mà dạng chân dạng tay ra thế kia?” 
    Ông Khoa cải chính: 
    “Không phải Mỹ, Chúa đấy.” 
    Rồi ông Khoa kể về Chúa Jê-su cho Hưng nghe. Tiếng ông Khoa đều đều, tiếng mọt nghiến cột nhà cũng đều đều. Hưng đột nhiên hỏi: 
    “Nhà Chúa có mọt không?” 
    Ông Khoa đáp không biết. Hưng đuổi ông Khoa về. 
    Cách mấy hôm nữa, Hưng lết đi gánh nước. Ông Phước cầm đòn gánh chạy sấn lại. Nhìn sát, thấy mặt Hưng sưng vù, liền bỏ đòn gánh, quỳ sụp xuống: 
    “Cho tôi xin lỗi!” 
    Hưng không đáp, kiêu ngạo đi qua. Ông Phước chạy theo rền rĩ: 
    “Chốc nữa sang uống rượu, Hưng nhé!” 
    Thằng Vinh bắn chim gần đấy, chen ngang: 
    “Nó lừa đấy!” 
    Ông Phước gầm lên vung đòn gánh đuổi. Vinh bỏ chạy thục mạng. 
    Cò trắng bay nhớn nháo bên xóm Soi. 
    Hưng cố gắng tránh mặt nhà bà Liên. Tính sang hỏi: 
    “Anh nhìn thấy gì?” 
    Hưng đỏ mặt quay đi. Tính gặng mãi, Hưng gắt: 
    “Ðen. Có thế thôi!” 
    Tính thất vọng: 
    “Thế thôi à?” 
    Hưng gật đầu hờ hững. 
    Ðêm nào Hưng cũng mơ thấy Hiền cởi truồng ngồi lên mũi mình. Tỉnh dậy, hai cánh mũi Hưng đau nhức, tấy đỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét