Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Giá trị của đồng tiền lẻ.

Giá trị của đồng tiền lẻ.

Mỗi lần đi chợ về tôi lại có thói quen gom hết tiền lẻ bỏ vào ngăn kéo nơi bàn làm việc của mình. Tôi không có chỗ nào khác để cất những đồng tiền lẻ ấy mà để vào ngăn kéo để có thể nhìn ngắm chúng vì đó là thói quen mà khi ba tôi còn sống ông ấy thường làm. Tôi thấy và bắt chước ông tự lúc nào không hay nhưng cho mãi tới ngày hôm nay tôi vẫn tự tin rằng thói quen nhìn những đồng tiền lẻ giúp tôi bình thản rất nhiều trong cái tranh đua thường nhật với đời sống kinh tế cùng những chật chội oi bức về xã hội của thành phố.
Bắt đầu là những tờ bạc 200 đồng. Tôi tin rằng đây là tờ bạc khiêm nhượng nhất còn lưu hành ngoài chợ tuy ngày càng hiếm đi. 200 là đơn vị tính không hề nhỏ, nhưng khi con số đó nằm trên tờ giấy được gọi là tiền đồng Việt Nam thì nó trở nên lẻ loi đến thảm hại. Không một món hàng nào ngoài chợ có cái giá 200 đồng bạc. Nó chỉ dành để thối lại mà phải nhiều tờ nhập lại mới đủ làm cái công việc thối cho khách hàng. 5 tờ thì thành 1.000 và 10 tờ thì thành 2.000…Cứ thế, những tờ bạc 200 đồng chỉ sống sót khi được nằm chung với nhau, chúng ký sinh lẫn nhau và sống đời sống tầm gửi chờ ngày biến mất.
Mỗi lần nhìn những tờ bạc nhỏ nhoi ấy tôi lại thấy thấm thía thân phận của chính mình. Ba tôi thường nói tờ bạc lẻ nói lên cả một quá trình của một chế độ với biến thiên lịch sử lẫn kinh tế xã hội của nó. Trị giá đồng tiền lẻ càng lớn thì đời sống của xã hội càng vững vàng vì nền kinh tế tận dụng từng chút giá trị của đồng bạc lẻ nói lên sự ổn định của xã hội và đôi khi cả chính trị nữa.
Sau hai đợt đổi tiền với ý đồ ngây thơ là nâng giá trị của đồng tiền lên nên ban đầu những tờ bạc mệnh giá từ 200 lên tới 2.000 tự nhiên được nâng cao giá trị. Thế nhưng giá trị thật của tờ bạc không nằm ở con số mà ở tình trạng GDP của quốc gia. Việt Nam có lẽ là một trong những nước có những đồng bạc lẻ vô giá trị trên bàn làm việc của ngân hàng tuy chúng vẫn được những chị hàng rong vui vẻ chấp nhận. Thân phận của những đồng tiền lẻ ấy vẫn còn một chút an ủi vì ít ra chúng còn được những bàn tay kham khổ của giai cấp thấp nhất xã hội vuốt ve mỗi buổi tối khi trở về từ mọi hóc hẻm của thành phố.
Người ta không chú ý đến những đồng tiền lẻ nhưng nếu được tống khứ nó đi bằng một nắm tiền để đổi lấy một tờ vé số chẳng hạn thì lại cảm thấy hân hoan hạnh phúc. Tâm lý vứt bỏ một vật kém giá trị bằng cách đổi lấy một vật có giá trị ngang với một tờ giấy lộn làm cho không ít người sung sướng. Tâm lý thắng lợi tinh thần này không những gắn liền với cách ứng xử của nhiều người mà nó còn thể hiện trong không ít chính sách hiện nay mà xã hội đang kêu rêu chống đối.
Chính sách xuất khẩu lao động có thể là một ví dụ tốt cho hình thái này. Người nghèo khó và không còn cơ hội nào nữa mới chấp nhận làm thân phận đi làm thuê ở nước ngoài. Họ như những đồng tiền lẻ mà giá trị được các công ty kinh doanh đem ra trao đổi để thu về những gói lợi nhuận nhưng không hề để ý đến quyền lợi của người làm thuê. Bao nhiêu cũng tốt và bao nhiêu cũng bán. Các công ty xuất khẩu lao động không hề bị theo dõi xem việc làm của họ có phù hợp với lợi ích của người lao động hay không bởi chính sách tận bán không cần hậu mãi của nhà nước đã và đang khuyến khích cho không ít kẻ trục lợi trên những con người nghèo khổ này.
Chính sách này cho thấy tư duy của nhà nước luôn nghĩ rằng những con người không nghề nghiệp kia được làm việc, được hưởng lương là một điều may mắn và vì vậy cho dù quyền lợi của họ có bị xem thường một chút thì cũng không đáng quan tâm. Họ giống như những đồng tiền lẻ được mang đi đổi lấy một lợi nhuận nào đó và điều này được xem là thắng lợi, thắng lợi tinh thần.
Ngược lại với những đồng tiền lẻ là những loại tiền mệnh giá tối đa. 500 ngàn là tờ bạc của người giàu hay ít ra cũng là niềm mơ ước của người nghèo. Báo chí hồ hởi viết những bài phóng sự ca tụng mức độ ăn chơi trác táng của những kẻ mới giàu làm cho người nghèo vừa nhục lại vừa đau. Họ ngồi đếm những đồng tiền lẻ và ngạc nhiên tự hỏi tại sao mình có thể sống sót qua bao nhiêu năm trời dưới cái nghèo đói triền miên như vậy?
Trong khi đó những khuôn mặt được gọi là đại gia với những thước tiền không đếm xuể không hề có một chút ấn tượng nào về loại tiền khó đếm chỉ dành cho người nghèo này. Họ chỉ có ấn tượng với những chiếc xe ngoại quốc sang trọng cực kỳ. Họ ấn tượng với những thứ sản phẩm kỳ cục được thổi lên và tán tụng lẫn nhau trong cùng giới. Những cây cảnh tầm thường được chăm chút rồi thổi phồng qua phương tiện báo chí để giá cả trở thành hàng trăm tỷ chỉ có thể lừa gạt trong giới của họ. Họ phù phiếm ngồi trong những phòng lạnh sang trọng nói về thế giới chung quanh với tâm thức và tư duy của những bác nông dân được mùa. Giọng điệu của họ dễ làm cho người có học tởm lợm nhưng lại được những người chuyên sài tiền lẻ ngưỡng phục. Sự ngưỡng phục không phải từ ý thức muốn làm giàu mà từ tâm lý trống rỗng của chiếc bao tử.
Nếu một lúc nào đó các đại gia tình cờ cầm tờ giấy bạc 200 đồng lên và thấm thía từng giọt mồ hôi vẫn còn phảng phất trên ấy thì có lẽ việc vung tiền của họ sẽ giảm bớt. Những tờ giấy bạc nhỏ nhoi ấy có thể như một trang kinh thánh bị rơi ra nhưng có khả năng nhắc nhở cho người ta rằng tiền có thể mua mọi thứ nhưng không thể mua được bình an trong tâm hồn.
Đừng tưởng là đại gia thì không có điều gì làm họ sợ hãi. Đồng tiền của họ chỉ có thể thu phục bọn giá áo túi cơm, sống bám vào hành vi bất chính và do đó khi một luồng sóng cách mạng tràn về thổi bay những rác rến ấy thì không ít đại gia sẽ lộ mặt với những thước tội không thể đếm hết mà trong đó tội móc nối với quyền lực để làm giàu trên những người sài bạc lẻ là một.
Người làm giàu bất chính lo sợ rất nhiều thứ nhưng điều họ sợ nhất là một ngày nào đó họ phải tiêu những đồng tiền lẻ mà bấy lâu nay họ không bao giờ để ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét