Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Cánh đồng vàng đã mất: Bán lúa non trên cánh đồng trăm triệu



(Dân Việt) - Những mảnh ruộng màu mỡ biến mất, người dân Xuân Quan (huyện Văn Giang, Hưng Yên) đương đầu với một tương lai mù mịt. Hướng tạo việc làm mới được vẽ lên bằng những ý tưởng lãng mạn, không thực tế.

Cánh đồng vàng đã mất: “Treo” ruộng 8 năm
Cánh đồng vàng đã mất

Mua mù, bán bốc
"Hiện anh trai tôi có 5 suất đất thuộc khu dịch vụ Chiêm Mai, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên cần bán. Mỗi suất 40m2, giá bán 230 triệu đồng/suất (không thương lượng)".
Thông tin ấy đã xuất hiện đầy trên mạng thông tin nhadat24h.net. Nhưng quả thực nếu hỏi nhà đầu tư này xem vị trí cụ thể của miếng đất ở đâu tại khu Chiêm Mai thì có lẽ chẳng bao giờ nhận được câu trả lời. Đơn giản là những chủ nhân đầu tiên của món hàng, những nông dân ở Xuân Quan còn chưa biết là miếng ấy ở đâu, mặt mũi thế nào.

Gia cảnh của bà Gián rất đáng thương.
Mỗi hộ dân tại Xuân Quan được dự án dành cho trên dưới 40m2 đất liền kề khu đô thị Ecopark để làm khu dịch vụ. Tuy nhiên, nhiều hộ vì nhiều lý do đã phải bán đất non với giá 1 - 2 triệu đồng/m2. Riêng Đội 1, Xuân Quan đã có trên 20 gia đình phải bán miếng đất - cần câu cơm cuối cùng khi mất toàn bộ đất canh tác khi chưa biết hình thù mảnh đất ấy ra sao.
Ông Phạm Phú Chu -trưởng thôn lắc đầu: "Họ đến nhờ tôi ký giấy làm chứng bán đất dịch vụ, người mua cũng mua bừa, người bán cũng bán bừa, gọi là mua mù, bán bốc".
Lý do của việc bán "lúa non" này cũng đơn giản như việc bán lúa non thật: Bí tiền. Người tiên phong cho phong trào bán "lúa non" này là gia đình bà Nguyễn Thị Gián, gia đình này cũng bị thiệt thòi nhất vì giá đất lúc đó rất rẻ.

Chúng tôi đến nhà bà Gián đúng vào lúc cô con gái út Đặng Thị Hoà vừa đi chữa bệnh về. Tháng nào cũng thế, chị phải làm một hành trình khôi hài: Từ nhà ra thị trấn Văn Giang lấy một cái giấy, cầm giấy lên thành phố Hưng Yên lấy thêm cái giấy nữa (mất khoảng hơn trăm km), sau đó vòng về Hà Nội chữa bệnh dù từ nhà chị đến Hà Nội chỉ 13 km. Cái này là thủ tục bắt buộc để được bảo hiểm y tế.
Chị bảo: "Bệnh của tôi, hết tiền là chết". Cả tiền đền bù và tiền bán đất dịch vụ được gần 200 triệu đồng nhưng hiện nay hỏi đến số tiền ấy, bà Gián bảo: "Hết rồi! Nhà có 8 người, nhận tiền đền bù, tiền bán đất đã mấy năm nay, công ăn việc làm không có, con gái út của tôi lại ốm đau liên tục. Mảnh ruộng, cơ nghiệp của cả nhà tiêu được có 3 năm là hết sạch, không biết những năm tới sống bằng gì, hết ruộng, hết bãi, muốn đi làm thuê cho các chủ vườn cũng không được nữa".
Việc mở ra hướng kinh tế mới là làm dịch vụ tại khu đô thị cho người dân được các nông dân tại đây nhận định "là trò dỗ trẻ con".
Đơn giản vì chúng tôi là nông dân
Việc gia đình bà Gián buộc phải bán đất dịch vụ còn có thêm một lý do nữa: Đó là bà sợ khi khu đô thị hoàn thiện thì bà không biết lấy đâu ra tiền để nộp cho cái gọi là "Đóng góp đầu tư hạ tầng kỹ thuật". Hiện tại con số này vẫn chưa được công bố chính thức, chính vì vậy nhiều hộ dân nghi ngờ tính chân thực của việc dành cho dân mất đất khu dịch vụ liền kề.
Trước hướng kinh tế mới mà chính quyền và nhà đầu tư vẽ lên cho những người dân Xuân Quan, ông Phạm Phú Chủ thẳng thắn: "Cho chúng tôi làm dịch vụ là viển vông. Đơn giản vì chúng tôi là nông dân".
Một sào Bắc Bộ đất thu hồi được giao 10m2 đất dịch vụ. Mức đất nhỏ nhất cho 1 gia đình là 40m2. Một suất liệt sĩ được giao 20m2. Các hộ được diện tích hơn 100m2 phải nhận 2 - 3 vị trí khác nhau, phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Với ý tưởng là những hộ dân ở đây sau khi mất đất sẽ chuyển sang buôn bán các đồ nhu yếu phẩm phục vụ cho khu đô thị để sinh sống, có lẽ chính quyền và nhà đầu tư đã quên rằng:
Ecopark sẽ là khu đô thị hiện đại bậc nhất với hệ thống siêu thị cung cấp hàng đầy đủ, thuận tiện và nhanh chóng. Sẽ chẳng còn mấy chỗ cho việc buôn thúng bán mẹt, nhỏ lẻ như tưởng tượng. Đến lúc ấy, ngay việc vào khu đô thị hiện đại này để làm những công việc phổ thông cũng cần một trình độ, sức khoẻ nhất định. Ngay điều đơn giản ấy, những nông dân Xuân Quan cũng khó đáp ứng nổi.
Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng không thể giúp gì cho cánh đồng này, vị trí đắc địa không thể giúp gì cho cánh đồng này. Những nghệ nhân, những "bàn tay vàng", những bằng khen cho người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng không giúp gì được cánh đồng này... Vĩnh biệt cánh đồng trăm triệu.
08/05/2012 | 05:58

Cánh đồng vàng đã mất

(Dân Việt) - Lại thêm một dự án lớn lấy đi những "bờ xôi ruộng mật". Lại thêm một cánh đồng trăm triệu sẽ vĩnh viễn biến mất. 500ha đất nông nghiệp của Văn Giang - niềm tự hào của nông nghiệp miền Bắc đã bị khai tử...

LTS: Vụ cưỡng chế, thu hồi đất nông nghiệp ở Văn Giang (Hưng Yên) để triển khai Dự án Ecopark đã qua gần nửa tháng nhưng dư âm của nó vẫn còn kéo dài. Cánh đồng trăm triệu, niềm tự hào của người dân miền Bắc - cánh đồng vàng Văn Giang - rồi sẽ chỉ còn lại trong ký ức của những người nông dân nơi đây. Tương lai của họ rồi sẽ ra sao? Sau Văn Giang, còn có bao nhiêu cánh đồng vàng biến mất để nhường cho dự án, công trình?
Anh Phan Văn Táo chăm sóc cây cảnh trong vườn của mình.
Thiên thời, địa lợi
Nằm sát sông Hồng, xa xưa vùng đất này là nơi chiêm trũng với rất nhiều đầm bãi. Năm 1958, “người khổng lồ” của thuỷ nông miền Bắc - kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải chính thức hoạt động, biến nơi đây thành vùng đất vàng, đất bạc, cho năng suất lúa cao nhất cả nước.
Cánh đồng đạt năng suất 5 tấn/ha, sau này phát triển thành phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Thái Bình. Năm 1966, cánh đồng 5 tấn với 64 mẫu ở khu vực này được đồng chí Vũ Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn về thăm và tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi.
Hiện nay, năng suất lúa trên địa bàn Văn Giang đã xấp xỉ 5 tạ/sào - hai vụ (trên 10 tấn/ha). Ông Lê Văn Chi - nông dân xã Xuân Quan cho biết: "Tuy chỉ được nửa sào/khẩu, nhưng về lương thực thì chúng tôi không lo thiếu. Hơn thế, với chất đất màu mỡ và thuỷ lợi cực kỳ thuận lợi, chúng tôi có nhiều hướng chuyên canh cây, hoa màu đặc sản cho năng suất cao".
Cách đây vài năm, khi cả nước phát động phong trào "Cánh đồng 50 triệu", người dân Văn Giang chỉ... cười nhạt. Với họ, thu nhập 50 triệu/ha đồng nghĩa với... thất bại.
Nhân hòa
Từ trước năm 2000, nghề trồng cây cảnh bắt đầu du nhập về đây. Gặp những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu và nhất là một vị trí thuận lợi cạnh đê sông Hồng, cây cảnh phát triển tốt, dễ dàng toả đi cả nước nên nghề này phát triển nhanh chóng.
Những làng cây cảnh tại đây bắt đầu nổi tiếng cả nước. Người thuộc hàng nghệ nhân, tay nghề cao, vốn nhiều thì trồng, tạo dáng cây thế hàng trăm triệu đồng/gốc bán cho các công trình. Người ít vốn, sức yếu trồng cây cảnh hàng chợ, ngày ngày mang bán rong trên Hà Nội.
Chị Võ Thị Loan (xã Xuân Quan) chỉ vào một góc ruộng con con nói như đinh đóng cột: "Mỗi năm phải ra vài triệu".  Trên mảnh đất ấy có khoảng tám chục gốc vạn niên thanh tím, loại cây cảnh bình dân rất được ưa chuộng tại các văn phòng.
Chị Loan cho biết: "Mỗi cây chỉ cần bán được gần trăm nghìn thôi là ổn rồi. Hơn nữa, cây cảnh không phụ thuộc vào mùa vụ, thích bán lúc nào thì bán, cứ để đấy cũng không sợ mất vốn...". Thu nhập như thế nhưng mảnh vườn này cũng chỉ là dạng cò con. Gặp những ông chủ tay nghề cao thì năng suất mơ ước "50 triệu đồng/ha" không bằng con số lẻ.
Khu vườn của anh Phan Văn Táo (đội 1, Xuân Quan) trước ngày cưỡng chế quả thật là chốn bồng lai. Những cây sanh, si, tùng, bách... ở đây đẹp kỳ ảo, đến nỗi tôi không dám hỏi giá, nhưng sau này ông Phạm Phú Chủ - Trưởng thôn bảo tôi: "Trăm triệu cả đấy". Về khu vườn này, tôi không dám bình luận bởi hàng chục giấy khen của huyện, của tỉnh treo trên tường đã thay lời cho tất cả. Nhưng phải ra khu sản xuất ngoài đồng của gia đình anh Táo mới thấy cánh đồng vàng thực sự là như thế nào.
5 mẫu đất ken chặt các loại cây cảnh, không chỉ tranh nhau diện tích, chúng còn tranh nhau cả không gian, cây nào treo lên được thì treo để tận dụng khoảng không. Vỗ bồm bộp vào mấy cây trơ trụi bị chặt hết cành tưởng như chỉ làm hàng rào, anh Táo tự hào: "Rút mấy cái cọc rào này lên cũng có tiền triệu".
Dự án khu đô thị Văn Giang có quy mô xấp xỉ 500ha thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao của huyện Văn Giang và 55ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên. Ecopark là dự án khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc, tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 6 tỷ USD.
Thì ra đây là những cây lâu năm ở nhiều nơi được cưa cụt cành, đánh gốc đưa về trồng tạm tại đây. Tất cả các khu công nghiệp, khu đô thị mới đều rất ưa chuộng loại cây này vì sau khi trồng, chẳng mấy chốc chúng lại ra cành lá sum sê.
Bên trong mảnh ruộng dễ có đến hàng nghìn chậu cây chờ khách đến chở đi. Anh Táo cho biết: "Làm nghề cây cảnh thì thu nhập còn tuỳ vào thị hiếu của thị trường, nhưng chưa năm nào thu nhập dưới 400 triệu đồng/ha".
Nói đến chuyện sắp bị mất đất, tất thảy sự hồ hởi ấy biến mất. Anh Táo chỉ thảng thốt: "Phá sản! Mất đất sản xuất thì bao nhiêu tính toán, trình độ, tay nghề cũng thành vô nghĩa hết. Tôi thì phá sản, bà con thì mất việc làm". Từ khi có thông tin triển khai dự án, suốt vài năm nay, anh Táo lo đi tìm chỗ thuê đất để sản xuất nhưng biết đi đâu để tìm được mảnh đất "bờ xôi ruộng mật" như ở đây.
Bài 2: Cầm vàng đành ném vàng đi

Cánh đồng vàng đã mất: “Treo” ruộng 8 năm

(Dân Việt) - Đất nông nghiệp không thể chuyển đổi sản xuất vì nó trót mang danh là đất dự án. Người dân thì lại thèm đất đến độ phải đi nơi khác thuê. Cứ như thế suốt 8 năm nay, sự lãng phí ấy không hề nhỏ.

Không còn cơ hội "học mót"
Trong tất cả các vùng của 3 xã thì đội 1, xã Xuân Quan (Văn Giang) là chịu hậu quả nặng nhất của việc mất đất sản xuất. Gần 50% số đất nông nghiệp tại đây đã được chuyển đổi thành vùng trồng cây cảnh lớn và có đầu tư nhiều nhất. Khi chính thức thành đất dự án, không chỉ các ông bà chủ các khu vườn trồng cây cảnh chịu thiệt, mà hàng nghìn lao động có thu nhập cao cũng sẽ mất việc làm.
Những nông dân này sẽ không còn cơ hội kiếm việc làm ở Xuân Quang (Văn Giang) .
Mảnh đất rộng 5 mẫu "rút cọc rào cũng ra tiền triệu" của nhà anh Phan Văn Táo phải thuê thường xuyên 10 người làm, lương tháng 3,5 triệu đồng, nuôi ăn. Tính ra với 1 mẫu đất (khoảng 0,3ha) của khu ruộng này đã tạo công ăn việc làm cho 2 lao động với mức thu nhập 70 triệu đồng/năm, lại thêm chi phí ăn uống.
Các lao động tại đây cho biết: "Bọn tôi đã làm nhiều năm tại đây, công việc không nặng nhọc, người quá tuổi lao động cũng có thể làm được". Riêng đội 1 có khoảng 40 người có quy mô làm cây cảnh tương đương anh Táo, có nghĩa mảnh đất nhỏ này tạo công ăn việc làm cho gần 400 người.
Trong những người đến với khu vườn này, có một toán người phương xa cũng buồn lây với nỗi niềm của người dân Xuân Quan. Toán người này gồm 6 phụ nữ, nếu làm Nhà nước thì đã lĩnh lương hưu vài năm. Họ đến đây xin việc làm tại các vườn cây cảnh.
Bà Trần Thị Thảo cho biết: "Chúng tôi cũng là nông dân bị mất đất bên huyện Như Quỳnh. Già rồi, chỉ có mỗi việc làm đồng, làm bãi là quen việc nên cũng sang đây làm thuê kiếm thêm chút đỉnh, tiện thể "học mót" tí nghề cây cảnh. Nhưng năm nay các chủ vườn bảo: Là đất dự án rồi nên không dám làm rộng thêm, các bà thông cảm".
Chỉ sang vạt ruộng trống hoác còn trơ gốc rạ, chị Tuyền - một chủ vườn bảo: "Thèm lắm! Đất thế kia mà không được chuyển đổi để trồng cây cảnh, đúng là phí của giời".
Nghịch lý đất vàng
Từ khi chính thức được quy hoạch vào dự án (2004), mọi kế hoạch chuyển đổi sản xuất bị dừng lại, trong khi các chủ vườn tại đây rất muốn mở rộng sản xuất. Các chủ vườn sẵn sàng trả 1 tấn thóc/năm cho 1 sào ruộng để trồng cây cảnh, nhưng do quy định, người dân đành phải cặm cụi, phơi mặt cày cấy trồng lúa để mỗi năm nhận về non nửa số thóc so với cái giá thuê ấy.
Hiện tại, làng cây cảnh này còn khoảng 50ha chỉ được trồng lúa, buộc phải "đẻ" ra một sản lượng thảm hại, dù cho với hoàn cảnh hiện tại đáng lẽ ra nó phải góp ích gấp rất nhiều lần như thế. 8 năm bị đưa vào quy hoạch, số tiền bị mất vì để đất trống của những mảnh vườn không được chuyển đổi trong số 500ha tại đây sẽ là một con số rất lớn.
Đã có nhiều chủ vườn phải vượt sang bên kia triền đê, ra bãi sông tìm đất trồng cây cảnh. Nhưng trồng cây cảnh ở bãi sông thì đúng là bê túi tiền đặt trước mồm Hà Bá. Hơn thế nữa, chất đất không phù hợp và hệ thống tưới tiêu thì nhờ ông trời nên họ chỉ sản xuất cầm chừng. Dự án đình trệ 8 năm, những mảnh ruộng đáng lẽ cho vài trăm triệu/ha cứ nằm co tại đấy. Người dân thì phải chịu cảnh "Mỡ treo, mèo nhịn đói".
Bài 3: Bán lúa non trên cánh đồng trăm triệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét