Người Việt, 23-2-12
‘Bệnh tiểu đường’ ở Sài Gòn
Nguyễn Ðạt/Người Việt
“Bệnh tiểu đường” trong dấu ngoặc kép ở đây, không phải là nói tới một chứng bệnh trong y học, mà là vụ việc tiểu tiện bừa bãi ngoài đường phố ở Sài Gòn.
Bất cứ ai di chuyển nhiều trên các con đường của thành phố lớn nhất nước, hẳn sẽ gặp không ở lối này cũng ở ngả kia: người đứng tiểu bên gốc cây; kẻ “tè” dưới bờ tường; thậm chí có người ngang nhiên đứng bên thành cầu, như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè,... tiểu tiện xuống dòng sông.
Chúng tôi chưa nhìn thấy tận mắt, nhưng đã không ít lần đứng gần bờ tường nhà thờ Ðức Bà-Vương Cung Thánh Ðường, chẳng thể chịu nổi mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc... Có một dạo ở vài địa điểm thuộc quận 1, quận 3 trung tâm thành phố, việc xử phạt những ai tiểu tiện ngoài đường phố được thực hiện. Ðược biết, lực lượng chức năng đã bắt gặp quả tang vài trường hợp vi phạm về việc đảm bảo vệ sinh môi trường; những người tiểu tiện ngoài đường phố ấy phải lấy nước xối rửa hiện trường. Nhưng chỉ mấy ngày sau đó tình hình lại y như cũ; và có lẽ lực lượng chức năng cũng đã giải tán rồi, hoặc đang thi hành nhiệm vụ ở những địa điểm nào đó không ai nghe nói tới.
Những người có chứng “bệnh tiểu đường” thiếu gì thời gian và không gian ở Sài Gòn, họ vẫn có thể chứng nào tật nấy mà khó bị bắt quả tang lần thứ hai. Vụ việc tiểu tiện ngoài đường phố ở Sài Gòn như hiện trạng là một vụ việc nan giải.
Trong khi tại Sài Gòn người mưu sinh trên vỉa hè quá đông, hầu như không đường phố nào không có buôn bán linh tinh các thứ choán chật hết vỉa hè. Họ phải đứng ngồi cả ngày bên đồ nghề hàng hóa của họ; các bác tài xe Honda-ôm dựng xe ngồi đợi khách; và người người trong dòng lưu thông qua lại... Thành phố lại xây dựng quá ít những nhà vệ sinh công cộng.
Con đường mang tên Nguyễn Thị Minh Khai dài dằng dặc tới 7-8 cây số mà chỉ có 1 nhà vệ sinh công cộng. Khu vực Ngã Tư Hàng Xanh tụ tập buôn bán đông đảo, hiển nhiên người người có nhu cầu tiểu tiện vệ sinh; nên không ai tự nhiên vô cớ mà lai vãng một bờ tường gần đó, là một bãi lầy xú uế! Có một thời gian nhà nước địa phương xây dựng một nhà vệ sinh gần cây xăng ở khu vực; nhưng sau đó không ai hiểu tại sao lại phá dỡ nhà vệ sinh công cộng này; bây giờ bãi lầy xú uế mặc nhiên tái hiện bên bờ tường.
Ở chợ trời buôn bán đồ kim khí điện máy trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, không có một nhà vệ sinh công cộng nào; những người mưu sinh trên vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng mặc nhiên phải giải quyết một nhu cầu không thể không giải quyết. Thế nên những bờ tường, những gốc cây gần quanh con đường phố lớn thuộc hàng nhất nhì ở trung tâm Sài Gòn luôn luôn ẩm ướt và bốc mùi xú uế. Ðường Lê Ðại Hành, quận 11, trước mặt trường đua ngựa Phú Thọ có nhà vệ sinh công cộng nhưng luôn đóng kín cửa, hầu như không ai vào đây để tiểu tiện. Bà con lao động nghèo, những người bán hàng rong trên vỉa hè phía bên trường đua ngựa Phú Thọ, hẳn đã ngại ngần không vào nhà vệ sinh công cộng. Có lẽ vì họ thấy nhà vệ sinh công cộng này sạch sẽ quá; lại bán sách báo, dụng cụ thể thao nữa, không khác một cửa hàng tươm tất sang trọng. Một anh bán mũ bảo hiểm dỏm nói: “Tui hổng dám dô đó; nếu mắc tiểu quá thì tui tới mấy gốc cây đàng kia tiểu đại cho rồi.”
Có thể, anh bán mũ bảo hiểm này nói vậy là chỉ nói ra một phần lý do của mình. Ðiều anh không muốn nói ra là, anh ngại tổn phí 2 ngàn đồng một lần đi tiểu. Cả một ngày đứng bán những chiếc mũ bảo hiểm máng móc đầy khắp quanh cái xe gắn máy cũ, may lắm mới có ai đó tới thay cái khóa nhựa ở dây gài mũ bảo hiểm; hoặc ai đó bị trộm lấy mất mũ, phải mua một cái mũ dỏm đội vào để đối phó với cảnh sát giao thông. Thử hỏi trong ngày vài lần đi vào nhà vệ sinh công cộng tốn gần chục ngàn đồng, sẽ không thành vấn đề đối với một người bán thứ hàng rẻ tiền, ế ẩm? Cho rằng nhà vệ sinh công cộng nói trên sạch sẽ, nhưng không ai vào đó để biết thực hư.
Trong thực tế, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn đa số đều mất vệ sinh. Ðã có nhiều người, không muốn cũng phải chịu mang tiếng mắc chứng “bệnh tiểu đường,” dù có nhà vệ sinh gần đấy. Họ ghê sợ sự mất vệ sinh của những nhà vệ sinh công cộng tại Sài Gòn. Những nhà vệ sinh này đều giống nhau ở chỗ diện tích nhỏ chật; lại tận dụng chứa các dụng cụ làm vệ sinh như chổi, xô thùng đựng giấy; sàn nhà vệ sinh thì nhớp nháp, trơn trợt, giấy rác vương vãi khắp chỗ; vòi nước rửa tay hư hóc, nhỏ giọt liên tục xuống sàn...
Trong thực tế, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Sài Gòn đa số đều mất vệ sinh. Ðã có nhiều người, không muốn cũng phải chịu mang tiếng mắc chứng “bệnh tiểu đường,” dù có nhà vệ sinh gần đấy. Họ ghê sợ sự mất vệ sinh của những nhà vệ sinh công cộng tại Sài Gòn. Những nhà vệ sinh này đều giống nhau ở chỗ diện tích nhỏ chật; lại tận dụng chứa các dụng cụ làm vệ sinh như chổi, xô thùng đựng giấy; sàn nhà vệ sinh thì nhớp nháp, trơn trợt, giấy rác vương vãi khắp chỗ; vòi nước rửa tay hư hóc, nhỏ giọt liên tục xuống sàn...
Từ chuyện mất vệ sinh của những nhà vệ sinh công cộng tại Sài Gòn, chúng tôi nhớ lại, đã một phen hoảng sợ khi nghe chuyện cô hàng bán nước sâm nước mía lau ở bến xe buýt trung tâm Sài Gòn, phía trước mặt chợ Bến Thành. Nhiều người đã chứng kiến kể lại: cô hàng bán nước sâm này chuyên dùng nước ở nhà vệ sinh công cộng thuộc bến xe buýt trung tâm, pha chế với nước sâm nước mía lau bán cho khách uống.
Ai cũng biết nước trong hồ chứa của nhà vệ sinh công cộng tại đây luôn vẩn đục, xộc lên mùi tanh hôi. Thế mà chúng tôi đã uống biết bao nhiêu ly nước sâm nước mía lau của cô. Thời gian ấy là những năm 1980; chúng tôi ngồi suốt ngày trên vỉa hè đường Hàm Nghi gần bến xe buýt, mua đi bán lại những chiếc đồng hồ cả dỏm lẫn thật, khi dân Sài Gòn người người chật vật khốn khó trong cuộc sống hàng ngày
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét