Lại một bài nữa có tít gây sốc. Song rất may là so với bài trước (blog này đã lưu) thì có thêm dấu chấm hỏi. Đây mới là điểm tạo ra bước thay đổi cơ bản. Đọc thấy thú vị và tán thành. Tuy nhiên cần thảo luận thêm về mấy điểm cơ bản: 1. Nền kinh tế Việt Nam hoạt động kém hiệu quả. Đấy là một nguyên nhân quan trọng và phải hết sức nỗ lực mới có thể giải quyết nổi thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, cải tổ triệt để các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm chi tiêu công kém hiệu quả. Nói như vậy thì nguyên nhân là quá xa vời và đổ trách nhiệm lên đầu các chính phủ khóa trước (1991-2005); trong khi ở các khóa trước, nền kinh tế Việt Nam (và tại đại đa số các nước đang phát triển) cũng hoạt động kém hiệu quả mà các chính phủ điều hành có để xảy ra lạm phát cao, kéo dài như ta hiện nay đâu ? 2. Nguyên nhân chính của sự đột biến CPI tháng 4 là sự điều chỉnh cấp tập, giật cục của Chính phủ trong vài tháng vừa qua đối với quá nhiều thứ hàng hóa. Điều này đúng, song nói như vậy cũng có nghĩa là cứ xa đà vào các nguyên nhân thời điểm, hiện tượng trực quan mà không nhìn vào nguyên nhân sâu xa hơn, nguyên nhân kinh tế hơn. 3. Người ta hay lý giải việc tăng giá điện và xăng là do phải điều chỉnh theo thị trường. Trong các trường hợp đó sự can thiệp của nhà nước là điều bắt buộc, không thể phó mặc cho cơ chế thị trường. Nói như thế này thì biết bao giờ mới giảm được vai trò của các đại gia doanh nghiệp nhà nước và quá trình tự do hóa giá cả và chuyển đổi sang kinh tế thị trường của ta sẽ còn vài thập kỷ nữa mới thành hiện thực trong khi chúng ta muốn đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Đừng hoảng loạn vì lạm phát cao ?
Chủ Nhật, 1.5.2011
Nguyễn Quang A
Nguyễn Quang A
Vietnamnet ngày 27-4-2011 đăng bài báo với tiêu đề “đừng hoảng loạn vì lạm phát cao”. Trong vòng vài giờ đã có đến 20 bình luận. Tôi không có bình luận gì về bài báo đó mà chỉ mượn tiêu đề và thêm một dấu hỏi (?) để cùng suy ngẫm.
Hãy xem lạm phát ở các nước lân cận thế nào?
Báo chí đưa tin lạm phát ở Trung Quốc tăng vọt: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2011 tăng lên 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 2 tăng 4,9% so cùng kỳ trong khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu 4% và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2011. Ngoài việc nâng lãi suất cơ bản, chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đến tháng 4 ông Ôn Gia Bảo tiếp tục nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc đưa nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, và sẽ nỗ lực bằng mọi cách để kiềm chế đà tăng giá. Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận tình trạng “oán giận ghê gớm” trong dân chúng vì lạm phát.
Tháng 2 tăng 4,9% so cùng kỳ trong khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu 4% và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2011. Ngoài việc nâng lãi suất cơ bản, chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đến tháng 4 ông Ôn Gia Bảo tiếp tục nhấn mạnh Chính phủ Trung Quốc đưa nhiệm vụ kiểm soát lạm phát lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, và sẽ nỗ lực bằng mọi cách để kiềm chế đà tăng giá. Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận tình trạng “oán giận ghê gớm” trong dân chúng vì lạm phát.
Còn IMF cảnh báo về lạm phát ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia như sau: tính chung cho cả 5 nước này lạm phát năm nay khoảng 6,1% trong khi mức năm trước chỉ là 4,4%. IMF dự báo tỷ lệ lạm phát ở Indonesia có thể lên 7,1%; tại Philippines khoảng 4,9% ; Thái Lan 4,0% và Malaysia 2,8% trong năm 2011 so với cùng kỳ năm trước.
Còn ở nước ta thì sao? Tổng cục Thống kê vừa thông báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 3,32% so với tháng 3, mức tăng hàng tháng cao nhất trong 35 tháng và cũng là mức CPI tháng 4 cao nhất từ 1991 đến nay. Mức tăng đột biến của CPI tháng 4 đã khiến cho mức tăng CPI của 4 tháng đầu năm 2011 lên đến 9,64%, cao hơn rất nhiều chỉ tiêu dưới 7% cho cả 12 tháng năm nay mà Quốc hội đề ra. So với bình quân 4 tháng của năm trước mức tăng là 13,95%, còn so với cùng kỳ (tháng 4-2010) lạm phát đã tăng lên 17,51%.
Ảnh minh họa. |
Vì sao lạm phát ở ta lại cao đến vậy? Người ta thường nói một nguyên nhân chính là do giá cả thế giới gia tăng, do thiên tai, dịch bệnh. Đấy là một nguyên nhân nhưng chắc chắn không phải là nguyên nhân chính! Hãy so sánh với các con số nêu trên ở Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia. Sự chênh lệch ít nhất là 10%! Các nước này cũng chịu ảnh hưởng của giá thế giới, thiên tai, dịch bệnh như ta vì thế việc đổ cho nguyên nhân khách quan là không thể chấp nhận được.
Nền kinh tế Việt Nam hoạt động kém hiệu quả. Đấy là một nguyên nhân quan trọng và phải hết sức nỗ lực mới có thể giải quyết nổi thông qua tái cơ cấu nền kinh tế, cải tổ triệt để các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm chi tiêu công kém hiệu quả. Những việc này cần thời gian và không thể giải quyết được một sớm một chiều. Đấy chủ yếu thuộc trách nhiệm điều hành kinh tế. Tuy nhiên, việc điều hành chưa tốt này cũng không thể đẩy CPI lên 17,51% so với tháng 4-2010. Chỉ cần so với các năm khác (trừ năm 2008) là thấy ngay điều này.
Nguyên nhân chính của sự đột biến CPI tháng 4 là sự điều chỉnh cấp tập, giật cục của Chính phủ trong vài tháng vừa qua đối với quá nhiều thứ. Ngày 11-2-2011 phá giá đồng nội tệ 9,3% khiến cho tác động của giá thế giới đến CPI được khuếch đại lên; ngày 24-2-2011 tăng giá xăng 17,7% rồi đến ngày 29-3-2011 lại tăng tiếp thêm 10,4% nữa; từ ngày 1-3-2011 tăng giá điện trung bình 15,32%. Tất cả những điều chỉnh cấp tập này đã là nguyên nhân chính của sự tăng CPI bất thường trong tháng 4-2011.
Quan trọng hơn nó hơn gây ra tác động tâm lý rất xấu. Tác động tâm lý lại tăng khi người ta nói giá điện sẽ do thị trường điều tiết trong thời gian tới. Tất cả các yếu tố này khiến vòng xoáy lạm phát khởi động và nhà nước phải cấp tập dùng các biện pháp hành chính, kiểm tra, kiểm soát nhưng khó có kết quả. Nếu không kịp thời chặn ngay vòng xoáy lạm phát một cách kiên quyết thì nó có thể tàn phá nền kinh tế.
Người ta hay lý giải việc tăng giá điện và xăng là do phải điều chỉnh theo thị trường. Chỉ có thể để cho cơ chế thị trường định giá, khi có cạnh tranh lành mạnh. Đáng tiếc, đối với lĩnh vực năng lượng (điện, than, xăng dầu) điều kiện đó không thoả mãn. Trong các trường hợp đó sự can thiệp của nhà nước là điều bắt buộc, không thể phó mặc cho cơ chế thị trường! Và không được nao núng trước sự kêu ca của mấy đại gia quốc doanh trong lĩnh vực này.
Việc điều chỉnh giá năng lượng là việc cần làm, nhưng điều chỉnh khi nào và mức độ ra sao cần tính toán cẩn trọng. Đáng tiếc cách làm vừa qua có phần khinh suất và gây ra hậu quả không đáng có.
Không cần hoảng loạn, nhưng phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra giải pháp đúng. Đường hướng chung của chính phủ đưa ra đầu năm về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là đúng. Vấn đề là thực hiện có nhất quán, kiên quyết hay không.
Nguyễn Quang A
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét