Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Tỷ giá cần…minh bạch ?

Tỷ giá cần…minh bạch ?

(Tamnhin.net) - NHNN cần phải xác lập một cách rõ ràng và công bố công khai, cụ thể kỹ thuật xác định tỷ giá của VND dựa trên rổ tiền tệ để tính tỷ giá thực hiệu dụng nhằm một mặt tạo được niềm tin và giúp giới kinh doanh và nhà đầu tư định được chiến lược kinh doanh và có những kỹ thuật đúng đắn để phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh.


TS Hoàng Công Gia Khánh đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu về các giải pháp điều hành tỷ giá một cách căn cơ, lâu dài tại Hội thảo khoa học “Chính sách tài khóa-tiền tệ và phát triển thị trường tài chính VN” do Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức.

TS Hoàng Công Gia Khánh nêu rõ, việc công bố cụ thể, rõ ràng rổ tiền tệ sử dụng trong xác định tỷ giá cũng sẽ giúp các doanh nghiệp VN thay đổi hành vi sử dụng tiền tệ của mình, không quá bị lệ thuộc vào việc sử dụng USD trong định giá, thanh toán và cất trữ. Nhờ vậy, các doanh nghiệp có thể giảm thiểu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và sự biến động giá trị USD, đồng thời thị trường ngoại tệ sẽ không còn cảnh quan tâm quá mức, chỉ tập trung duy nhất vào USD. Điều này sẽ góp phần đáng kể giảm đi tình trạng khan hiếm, gom vét, găm giữ USD trên thị trường.

TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, sau gần 2 tháng kể từ lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay điều chỉnh tỷ giá VND/USD (11-2) và quyết liệt triển khai các biện pháp kinh tế lẫn hành chính, thị trường ngoại tệ VN đã phần nào lắng dịu, ít căng thẳng hơn so với trước. Thế nhưng, có thể dễ dàng thấy rằng sự “yên ắng” chỉ là tạm thời nếu như không giải quyết tận gốc rễ những vấn đề còn bất cập trong cơ chế tỷ giá. 

Bởi việc xác lập tỷ giá VND/USD theo thiên hướng của cơ chế tỷ giá cố định dù xuất hiện dày đặc các chỉ báo bất ổn trong kinh tế vĩ mô - đặc biệt là lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán, phản ứng khá chậm trễ của chính sách tiền tệ trong bối cảnh vấn nạn đô la hóa trầm trọng đã đặt NHNN vào tình huống phải dựa khá nhiều vào các can thiệp hành chính trực tiếp, hậu quả là thị trường càng trở nên kém minh bạch, méo mó.

Do vậy, VN cần sớm có kế hoạch tổng thể dài hạn mang tính hệ thống với những kịch bản chi tiết, phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ mới có thể ngăn chặn những bất ổn đã và đang hiện hữu. Một trong những vấn đề then chốt là phải lựa chọn và xác lập được cơ chế tỷ giá thích hợp thay vì chỉ điều hành mang tính chất giải quyết tình thế.

Theo TS Hoàng Công Gia Khánh, hiện nay cơ chế tỷ giá của VN dù đã được cải thiện theo hướng rổ tiền tệ nhưng vẫn còn neo khá chặt với USD. Trong khi đó, quan hệ thương mại của VN và Hoa Kỳ dù chiếm tỷ lệ cao, dao động ở mức 10%-11% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN nhưng vẫn xếp sau Trung Quốc và hơn Nhật Bản. Hơn nữa, cơ cấu nợ nước ngoài nói chung và nợ nước ngoài của Chính phủ, được Chính phủ bảo lãnh đã không còn quá lệ thuộc vào USD.

Bên cạnh đó, vị thế của USD trên thị trường quốc tế cũng đã có những thay đổi lớn. Sự biến động thất thường của USD với các đồng tiền chủ chốt khác đã kéo theo sự biến động lớn của tỷ giá giữa VND với các đồng tiền mạnh khác vì VND được neo chặt vào USD. Kết quả là các hoạt động thương mại, đầu tư của VN với các đối tác lớn khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tỷ giá VND với các đồng tiền của các đối tác đó không phản ánh đúng mối tương quan kinh tế giữa VN và nước đối tác.

TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, VN với độ mở thương mại (được đo bằng tỷ lệ giữa xuất khẩu và nhập khẩu so với GDP) khá cao, sự thiếu ổn định của tỷ giá sẽ gây nên vấn đề nghiêm trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Trong ngắn hạn và kể cả trung hạn, VN khó có thể chuyển sang trạng thái có độ mở thương mại thấp nên nếu dựa trên yếu tố này, đương nhiên VN sẽ chưa thể lựa chọn cơ chế thả nổi.

Tuy nhiên, nếu đeo đuổi cơ chế tỷ giá theo hướng cứng, kém linh hoạt, VN sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh lớn bất thường khi nền kinh tế đối mặt với bất ổn trong cán cân thanh toán vì duy trì tỷ giá cứng khá lâu. Kết quả là chính những lần điều chỉnh lớn “bất thường” như vậy đã làm gia tăng rủi ro tỷ giá, tăng chi phí giao dịch, tác động tiêu cực đến việc khuyến khích hoạt động thương mại và đầu tư. Vì vậy, thay vì cố định cứng rất kém linh hoạt như thời gian qua, VN nên sớm thay đổi cơ chế theo hướng gia tăng khả năng linh hoạt.

Hơn nữa, theo thời gian, cơ chế tỷ giá cũng phải cải thiện dần về hướng linh hoạt nếu VN ngày càng đa dạng hóa hoạt động thương mại, không tập trung quá lớn tỷ trọng thương mại vào một số nước mà ngày càng sử dụng nhiều đồng tiền mạnh khác USD để thanh toán, giao dịch. Đây cũng là diễn biến chung của tình hình trên thế giới khi mà các nước đều ngày càng đa dạng hơn trong cơ cấu dự trữ quốc gia, sử dụng đa dạng các đồng tiền trong định giá và thanh toán.

Theo TS Hoàng Công Gia Khánh,  NHNN cần nới rộng biên độ tỷ giá cho các ngân hàng thương mại trở lại mức 5% và trong trung hạn có thể điều chỉnh lên 7%-10% để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại chủ động hoạt động của mình. 

Khi các ngân hàng thương mại có sự chủ động cao hơn, họ sẽ linh hoạt và mạnh dạn hơn trong các quyết định kinh doanh để đương đầu tốt hơn với sự biến động tỷ giá, từ đó thị trường sẽ không còn các trạng thái quá (cực nóng hoặc cực lạnh) vì các ngân hàng không còn thụ động chờ đợi, thăm dò phản ứng của NHNN và của thị trường trước các biến động tức thời mang tính thời cuộc.

Khi các ngân hàng đáp ứng được phần lớn nguồn ngoại tệ cho nhà nhập khẩu, dung nạp hết nguồn cung USD từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài với tỷ giá cân bằng ngay cả trong trường hợp thị trường có sự biến động bất thường trái chiều thì thị trường tự do sẽ bị thu hẹp dần nếu có sự phối hợp đồng bộ từ những chính sách khác để uy tín của VND được cải thiện, ổn định và nâng cao.

NHNN cũng cần bãi bỏ ngay các quy định mang tính xin - cho trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, thay vào đó chuyển sang cơ chế kinh doanh có điều kiện bằng các chuẩn mực cụ thể, rõ ràng và phải công bố công khai. 

Các tổ chức tín dụng đủ điều kiện sẽ mặc nhiên được phép hoạt động kinh doanh ngoại hối và triển khai các sản phẩm, kỹ thuật kinh doanh. NHNN chỉ thực hiện hậu kiểm và có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức vi phạm. Ngoài ra, nghiên cứu lộ trình để cho phép triển khai nghiệp vụ hợp đồng tương lai đối với ngoại tệ nhằm giúp doanh nghiệp và ngân hàng có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro, góp phần lành mạnh hóa giao dịch trên thị trường ngoại tệ.
Sơn Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét