Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY CỦA NỀN KINH TẾ LÀO

Bài viết cũ của tôi:

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY CỦA NỀN KINH TẾ
NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

 Mặc dù trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và khoảng 2 năm gần đây (2007-2008), nền kinh tế Lào phải chịu nhiều thử thách quyết liệt, nhất là tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và trên thế giới, đồng thời thiên tai nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, nhưng trong những năm gần đây, nền kinh tế đã bắt đầu lấy lại được nhịp độ tăng trưởng khá và tạo được đà để phát triển nhanh hơn trong những năm tiếp theo. Năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã tạo ra tiền đề cần thiết cho bước phát triển mới. Hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách ngày càng phù hợp hơn và phát huy tác dụng tích cực trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Thể chế kinh tế thị trường đã bước đầu được hình thành và vận hành có hiệu quả. Chính trị và xã hội tiếp tục được củng cố và ổn định. Quan hệ kinh tế, ngoại giao đã được mở rộng trên trường quốc tế. Thế và lực của Lào đã mạnh hơn nhiều so với trước.

Trên một số lĩnh vực chủ yếu, tình hình phát triển kinh tế trong những năm gần đây của nước CHDCND Lào như sau:
MỤC 1: NHỮNG THÀNH TỰU QUAN TRỌNG TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ:
1. Tăng trưởng kinh tế
a) Tăng trưởng của toàn nền kinh tế
 Trong suốt những năm đầu thế kỷ XXI, nền kinh tế Lào đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhanh và tương đối bền vững, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng năm sau liên tục cao hơn năm trước. Bình quân 5 năm 2001-2005, GDP tăng khoảng 6,34%/năm, cao hơn trung bình của 5 năm 1996-2000 khoảng 0,4%. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,94%/năm trong 3 năm 2006-2008, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 năm 2006-2010 sẽ vượt mục tiêu đề ra là 7,5%. Đây là những kết quả của những cố gắng rất lớn và đáng tự hào của Đảng, Nhà nước và Nhân dân các bộ tộc Lào.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lào trong ba năm gần đây vào loại cao so với các nước trong khu vực (Campuchia 9,2%, Inđônêxia 6%, Malaixia 5,9%, Philippin 5,7%, Singapore 6,7%, Thái Lan 5%, Hồng Kông 6%, Hàn Quốc 4,9%, Đài Loan 4,9% và Việt Nam 7,7%...).
b) Tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế
Điểm sáng thứ hai trong tăng trưởng kinh tế Lào những năm gần đây là tăng trưởng đã diễn ra trong tất cả các khu vực kinh tế; trong từng khu vực, tăng trưởng bước đầu đã gắn với chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng GDP nền kinh tế và các ngành lớn (%)
       
(1) Ngành nông nghiệp:
Trong 5 năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương Lào đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi nền nông nghiệp tự nhiên và bán tự nhiên sang sản xuất hàng hóa nhằm cung cấp ngày càng tốt hơn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước và bước đầu đẩy mạnh xuất khẩu. Cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả kinh tế đã tăng lên. Nhờ đó sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã tăng trưởng tương đối ổn định mặc dù điều kiện phát triển gặp nhiều khó khăn. Tính chung trong 5 năm 2001-2005, giá trị gia tăng toàn ngành tăng trung bình 3,2%/năm; trong 3 năm 2006-2008, giá trị gia tăng toàn ngành tăng trung bình 2,7%/năm.
Sản lượng nhiều loại cây trồng đến năm 2006 đã tăng lên khá nhanh, như ngô đạt 450 nghìn tấn, tăng 3,8 lần so với năm 2000; vừng 7959 tấn, gấp 2,2 lần; các loại củ có bột (khoai sắn) 284,2 nghìn tấn, gấp 5,8 lần, cao lương 21,4 nghìn tấn, tăng 6 lần; rau đậu các loại 622,5 nghìn tấn, gấp 2,8 lần; lạc 27,6 nghìn tấn, gấp 2,1; thuốc lá 24,7 nghìn tấn, bằng 62,1%; mía 217 nghìn tấn, gấp 1,25 lần; bông 2,37 nghìn tấn, bằng 55,6% so với năm 2000...
Trong những năm gần đây, phong trào sản xuất nông nghiệp hàng hóa đang phát triển mạnh tại các địa phương có nhiều tiềm năng, trong đó nổi bật là trồng cao su tại U Đôm Xay, Luông Nậm Thà; trồng điều ở Phong Sa Lỳ; trồng ngô và các loại rau và hoa quả ở tỉnh Viêng Chăn và thủ đô Viêng Chăn; trồng các loại cây có hạt ép dầu thực vật tại Savanakhét; trồng mía ở Savanakhét và các cánh đồng ở tỉnh Viêng Chăn.
Công tác nghiên cứu và áp dụng các  giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và hiệu quả cao đã được chú trọng; đến nay đã đưa vào sử dụng nhiều loại giống mới trong sản xuất lúa, ngô, rau, đậu, cà phê, thuốc lá, chè, cây ăn quả, và một số loại gia súc, gia cầm. Đến nay, ngành trồng trọt sẽ cơ bản đảm bảo được 80% giống lúa cho vụ mùa và 100% lúa giống cho vụ chiêm. Nhiều loại kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt và chăn nuôi đã được ứng dụng.
Công tác thuỷ lợi tiếp tục được tăng cường; số công trình thủy lợi trong cả nước đã tăng từ 19.170 công trình vào năm 2000 lên 24.695 công trình vào cuối năm 2004. Diện tích cây trồng được tưới trong mùa khô đã tăng từ 197,1 nghìn ha năm 2000 lên 214,8 nghìn ha năm 2004; diện tích cây trồng được tưới trong mùa mưa đã tăng tương ứng từ 293,8 nghìn ha lên 310,2 nghìn ha. Nhờ công tác thuỷ lợi và áp dụng giống mới, năng suất lúa đã tăng từ 3,06 tấn/ha năm 2000 lên khoảng 3,63 tấn/ha năm 2005; sản lượng lương thực năm 2005 đạt khoảng 2,704 triệu tấn, bình quân đầu người đạt khoảng 482 kg.
Ngành chăn nuôi và thuỷ sản phát triển khá nhanh chủ yếu do nhiều địa phương đã áp dụng mô hình nuôi theo kiểu công nghiệp. Số cơ sở chăn nuôi gia súc theo phương thức sản xuất hàng hóa tăng khá, nhất là trong chăn nuôi gia cầm. Năm 2005 đàn trâu đạt xấp xỉ 1,1 triệu con, tăng 8,8% so với năm 2000; đàn bò đạt 1,27 triệu con, tăng 28,9%; đàn lợn đạt 1,83 triệu con, tăng 66,4%; đàn gia cầm đạt 19,8 triệu con, tăng 65%; đàn dê cừu đạt xấp xỉ 151 nghìn con, tăng 51%.
Do các đàn gia súc, gia cầm phát triển khá, sản lượng thịt và cá năm 2004-2005 ước đạt 239,9 nghìn tấn, tăng 16% so với năm 2000; trong đó sản lượng thịt ước đạt 143,3 nghìn tấn, tăng 15%, sản lượng cá đạt 96,6 nghìn tấn, tăng 17,5% so với năm 2000. Đáng chú ý là có khoảng tới 10,2% sản lượng thịt đã do các trang trại với công nghệ sản xuất tiên tiến sản xuất ra, tăng 0,4% so với năm trước (năm 2003-2004 là 9,8%). Sản lượng cá nuôi chiếm 68,5% tổng sản lượng cá; trong khi sản lượng cá bắt chiếm 31,5%.
Đến năm 2005, đã có khoảng 10% đầu gia súc, 20% đàn gà đã được nuôi trong các trang trại; đàn cá giống đạt khoảng 320 triệu con, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu cá giống cho cả nước. Đặc biệt các trang trại đã chú trọng sử dụng các loại giống gia súc, gia cầm mới có chất lượng cao, nhất là trong chăn nuôi lợn thịt cao sản, gà thịt, gà gô, vịt thịt, cá lồng... Đến năm 2005, sản phẩm thịt cá cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của dân cư.
Kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu phát triển đa dạng. Nhiều trang trại được hình thành, nhiều nghề truyền thống được khôi phục. Sự phát triển các nghề truyền thống đã tạo được nhiều việc làm tại chỗ, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, đồng thời tăng sức mua của dân cư và góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.
Công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng đã được các Bộ ngành và địa phương coi trọng hơn so với kế hoạch trước. Phong trào trồng rừng của nhân dân đã được khôi phục, nhất là tại các tỉnh miền Trung như các tỉnh Viêng Chăn, Boli Khăm Xay, Khăm Muộm, Savanakhét. Đặc biệt nhiều địa phương đã kết hợp trồng rừng với phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như trồng các rừng gỗ tếch tại các tỉnh Phong Sa Lỳ, Viêng Chăn, Bò Kẹo, Cham Pa Sắc, Boli Khăm Xay và Attapư...; trồng cao su ở các tỉnh phía Bắc như Luông Nậm Thà, Bò Kẹo, U Đôm Xay.
Trong 5 năm 2001-2005, đã sản xuất được khoảng 55 tấn hạt giống, ươm được khoảng 26 triệu cây giống; diện tích trồng mới đạt khoảng 20 nghìn ha. Diện tích rừng đạt trên 11,2 triệu ha; độ che phủ rừng tiếp tục tăng lên qua các năm; đến cuối năm 2005 độ che phủ rừng đã tăng lên trên 47% diện tích toàn quốc. Nếu tính cả diện tích các rừng cây thấp dưới 5 m và rừng tre, nứa và gỗ tạp thì độ che phủ rừng đạt trên 80% tổng diện tích đất rừng.
Việc khai thác gỗ tự nhiên đã giảm mạnh trong 8 năm 2001-2008. Nếu như năm 2001 đã khai thác khoảng 300 nghìn m3 gỗ tự nhiên thì đến năm 2005 sản lượng gỗ tự nhiên khai thác chỉ còn khoảng 150 nghìn m3, và hiện nay còn lượng dưới 100 150 nghìn m3. Việc khai thác gỗ đã được tính tóan thận trọng hơn, theo hướng kết hợp khai thác với trồng cây thay thế.
Để hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy đồng thời thực hiện định canh, định cư và xóa nghèo cho đồng bào dân tộc, trong 5 năm 2001-2005, đã giao hơn 1,09 triệu ha đất canh tác và hơn 3,6 triệu ha đất rừng cho 7.125 bản với 419.250 hộ. Nhờ đó, diện tích rẫy hình thành từ phá rừng đã giảm từ 118,9 nghìn ha vào năm 2001 xuống còn 29,4 nghìn ha vào năm 2005, trong đó chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc (26,8 nghìn ha), còn lại là ở các tỉnh miền Trung (2,6 nghìn ha); các tỉnh miền Nam đã chấm dứt hoàn toàn diện tích rẫy. Số hộ sống bằng phát nương làm rãy cũng giảm tương ứng từ 174.036 hộ năm 2000 xuống còn 32.790 hộ năm 2005.
(1)   Ngành công nghiệp:
Ngành công nghiệp đã có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao và ổn định. Đồ thị trên cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp Lào liên tục tăng lên trong giai đoạn 2001-2006, với đỉnh cao nhất là 17,1% (năm 2006). Trong hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giảm dần, song vẫn còn 13,5% vào năm 2008.
Tính chung, giá trị gia tăng toàn ngành tăng trung bình 12%/năm trong giai đoạn 2001-2005 và 14,9%/năm trong 3 năm 2006-2008. Các tốc độ tăng trưởng này đều cao hơn mục tiêu nêu trong các kế hoạch 5 năm 2001-2005 và 2006-2010.
Riêng trong 5 năm 2001-2005, ngành khai khoáng tăng trên 30,4%; công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm tăng 11,8%; công nghiệp thuốc lá tăng 288,7%; công nghiệp dệt tăng 15,2%; công nghiệp may tăng 10,7%; công nghiệp giầy dép tăng 5,4%; công nghiệp chế biến gỗ giảm 6,8%; công nghiệp in, giấy tăng 10,7%; công nghiệp hóa chất tăng 9,4%; công nghiệp đồ nhựa tăng 13,1%; công nghiệp sành, sứ, thủy tinh tăng 23%; công nghiệp sản xuất sản phẩm bằng kim loại tăng 15,1%; công nghiệp sản xuất máy công cụ tăng 3,8%; công nghiệp điện tử giảm 2,9%; công nghiệp điện giảm 0,8%; công nghiệp nước tăng 5%... Tính chung, công nghiệp chế biến tăng 12,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng trung bình của toàn ngành công nghiệp; điều này phản ánh Lào đã thực sự trong giai đoạn phát triển công nghiệp hoá (tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến giai đoạn 1996-2000 chỉ đạt 9,2%/năm).
Đáng chú ý là mặc dù chưa thống kê được số liệu song các cuộc điều tra, khảo sát đã cho thấy khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng rất nhanh; tiếp đến là khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Khu vực công nghiệp nhà nước tăng trưởng chậm.
Trong những năm qua, ngành công nghiệp đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng như đưa vào khai thác mỏ vàng ở Sê Pôn, mỏ kẽm ở Viêng Chăn, nhà máy xi măng ở Văng Viêng, nhà máy cán thép ở Viêng Chăn, một số nhà máy lắp ráp xe máy, nhà máy thuỷ điện Nam Măng 3 và một số công trình thuỷ điện khác, hoàn thành một số tuyến đường dây tải điện cao thế; thử nghiệm xây dựng trạm phát điện dùng năng lượng mặt trời... Tổng công suất các nhà máy điện đến cuối năm 2005 đạt khoảng 690 MW với 11 nhà máy điện lớn, sản xuất 1.541 triệu Kwh điện; 45% số hộ gia đình đã có điện sinh hoạt. Đã bắt đầu khởi công một số công trình lớn chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm 2006-2010, trong đó đáng chú ý nhất là nhà máy thuỷ điện Nậm Thơn 2.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tỷ lệ tăng cao so với năm 2000 là than, muối, bia, nước ngọt, thuốc lá điếu, thức ăn gia súc, xà phòng bánh, giầy da, thuốc chữa bệnh, sản phẩm nhựa, đồ gỗ dân dụng, quần áo may sẵn, gạch, xi măng, nông cụ cầm tay, máy móc nông nghiệp... Đặc biệt, từ năm 2003 đã bắt đầu khai thác mỏ vàng Sepôn ở Vinabuly, tỉnh Savanakhét; sản lượng năm 2003 đạt khoảng 6 tấn, năm 2004 khoảng 6 tấn, năm 2005 khoảng 6,5 tấn...
Trong những năm gần đây nhiều sản phẩm quan trọng tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng khá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, thay thế được hàng nhập khẩu, trong đó nổi bật là sản xuất điện, khai thác khoáng sản (nhất là vàng), sắt thép, xi măng, hàng điện tử... Một số sản phẩm công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu như điện, khoáng sản, may mặc, sản phẩm gỗ...
Công nghiệp khai thác có bước phát triển mạnh; đến năm 2005 đã có 70 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ, trong đó có 30 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 39 doanh nghiệp trong nước và 1 doanh nghiệp liên doanh giữa doanh nghiệp Lào với nước ngoài.
Số cơ sở sản xuất thủ công nghiệp của Lào đã tăng lên nhanh chóng trong 5 năm qua, nhất là tại thủ đô Viêng Chăn và một số thành phố lớn. Đến cuối năm 2005, cả nước có 26.200 cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp (năm 2001 có 23.574 cơ sở), trong đó 25.458 doanh nghiệp nhỏ, 623 doanh nghiệp trung bình và 119 doanh nghiệp có quy mô lớn.
Đến nay cả nước đã hình thành một số khu công nghiệp ở thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Savanakhét... với nhiều cơ sở sản xuất có công nghệ từ khá đến hiện đại thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Việc hình thành các khu công nghiệp đã tạo thêm cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Phát triển công nghiệp trên các địa bàn, tại các vùng kinh tế trọng điểm được giữ vững. Các địa phương có tỷ trọng sản xuất công nghiệp lớn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá như công nghiệp Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh  Viêng Chăn, Chăm Pa Sắc, Khăm Muộn, Bò Li Khăm Xay, Luông Nậm Thà, Xay Nha Bu Ly, Sa Va Na Khét,...
Sự tham gia của các thành phần kinh tế trong sản xuất công nghiệp đã làm cho sản xuất công nghiệp mang tính đa dạng cả về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ, chủng loại và chất lượng sản phẩm, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các thị trường tiêu thụ.
(3) Các ngành dịch vụ
Các ngành dịch vụ có bước dịch chuyển tích cực theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư. Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đến nay đã đa dạng hơn nhiều so với đầu kế hoạch. Chất lượng hàng hóa và dịch vụ đều tăng lên. Tính chung trong 7 năm 2001-2007, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân khoảng 12%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực dịch vụ trung bình 5 năm 2001-2005 đạt 6,6%/năm, trong 3 năm 2006-2008 đạt 7,1%. Đáng tiếc là trong 5 năm 2001-2005, tốc độ tăng trưởng của khối các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế song trong 3  năm tiếp theo lại thấp hơn đáng kể.
Một số ngành dịch vụ chuyển biến khá như thương nghiệp, vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, khách sạn nhà hàng; đặc biệt nhiều ngành dịch vụ tiêu biểu cho nền kinh tế mới như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... có giá trị gia tăng tăng trưởng khá.
Lực lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng tăng và ngày càng đa dạng; tính đến cuối năm 2003 đã có trên 61,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Kết cấu hạ tầng thương mại được cải thiện đáng kể; đến cuối năm 2003 trên toàn quốc đã có 209 chợ quy mô lớn, gồm 11 chợ cửa khẩu quốc tế, 28 chợ cửa khẩu địa phương...
Các ngành dịch vụ đang từng bước chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Hệ thống văn bản pháp lý định hướng cho hoạt động của thị trường như các luật Kinh doanh, luật Đầu tư, các nghị định về hoạt động kinh doanh trong nước, về xuất nhập khẩu, về quản lý giá cả... đã được ban hành và đang phát huy tác dụng. Trung ương cũng đã và đang tiếp tục phân cấp cho các địa phương nhằm tăng quyền chủ động của địa phương trong quản lý, điều hành hoạt động thương mại, nhất là trong việc cấp đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, một số loại giấy phép xuất khẩu... 
Ngành du lịch có bước phát triển mạnh so với những năm cuối của thập kỷ 90, mặc dù môi trường quốc tế trong 3 năm đầu không thuận lợi do ảnh hưởng của chiến tranh I Rắc và bệnh dịch SARS... Từ năm 2004, do điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi hơn, ngành du lịch đã được phục hồi và bước đầu phát triển mạnh trở lại. Cơ sở hạ tầng du lịch được cải thiện đáng kể; số khách sạn và nhà khách đã tăng từ 468 năm 2000 lên 887 năm 2003, khoảng 1200 vào năm 2005. Số phòng nghỉ cũng tăng tương ứng từ 7.333 phòng năm 2000 lên khoảng 20.000 phòng năm 2005. Nhiều tuyến du lịch mới được hình thành và đã thu hút được nhiều khách quốc tế, nhất là các tuyến du lịch liên quốc gia trong tiểu vùng sông Mê Kông. Các loại hình du lịch ngày càng phát triển đa dạng với các sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn hơn. Đến giữa năm 2005, Lào đã có khoảng 364 điểm du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Trong 5 năm 2001-2005, lượng khách du lịch quốc tế đến Lào đạt xấp xỉ 4 triệu lượt người; trung bình hàng năm đạt xấp xỉ 800 nghìn lượt khách, trong đó năm 2004 đạt gần 900 nghìn lượt khách, năm 2005 đạt khoảng 1,05 triệu lượt khách. Tính chung, lượng khách du lịch quốc tế đến Lào trong 5 năm 2001-2005 tăng 9%/năm. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch đạt trung bình trên 100 triệu USD/năm.
Tỷ trọng khách du lịch đến từ các khu vực, các nước có thu nhập cao, chi tiêu lớn như Mỹ, Canada, Bỉ, Đức, Hà Lan, Na Uy, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ... có xu hướng tăng lên. Riêng tỷ trọng khách đến từ các nước châu Âu đã  tăng từ 11,7% năm 2000 lên 14,8 năm 2003 và khoảng 16,5% năm 2005.
Ngành du lịch của Lào đã có bước tiến khá mạnh trong những năm gần đây là nhờ những chính sách ngày càng cởi mở của Nhà nước Lào trong lĩnh vực du lịch. Thực hiện chủ trương đưa du lịch trở thành 1 trong 8 ngành kinh tế trọng điểm để phát triển trong kế hoạch 5 năm, Lào đã mở rộng quan hệ du lịch với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là với các nước ASEAN và khu vực sông Mêkông; đến năm 2005 đã miễn giảm thị thực nhập cảnh cho tất cả người nước ngoài đến du lịch tại Lào; đã nâng cấp 13 cửa khẩu đất liền thành cửa khẩu quốc tế để đón khách du lịch và thực hiện cấp visa tại các cửa khẩu; đã chủ động tham gia các họat động thu hút khách du lịch tại một số thị trường và tổ chức nhiều liên hoan du lịch trong nước và quốc tế tại Lào.
Trong 5 năm 2001-2005, ngành giao thông đã tập trung thực hiện các dự án chủ yếu hướng vào sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường, cầu và cơ sở hạ tầng giao thông thiết yếu hiện có, đồng thời tiếp tục xây dựng các tuyến đường tiểu khu vực, đường quốc gia, đường sắt, sân bay, cầu và một số tuyến đường quan trọng cấp địa phương. Kết quả là đã xây dựng mới hoặc trải nhựa được nhiều tuyến đường đảm bảo cho các phương tiện giao thông có thể lưu thông trong suốt năm. Nhiều công trình quan trọng đã được thực hiện như làm mới, cải tạo, nâng cấp 1.130 km đường bộ, xây dựng 39 cầu với tổng chiều dài 2.611 m. Đến cuối năm 2005, Lào có 4.497 km đường trải nhựa, 10.097 km đường trải đá, 16.615 km đường đất. Số phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy hàng năm tăng khoảng 10-12%.
Bên cạnh đó, đã xây dựng và củng cố nhiều bến cảng, nhất là trên các tuyến thuộc hệ thống sông Mê Kông; nâng cấp và xây dựng hệ thống các sân bay, đặc biệt là cải tạo sân bay quốc tế Vạt Tày, nâng cấp sân bay Luông Pra Bang và sân bay Pắc Xế thành sân bay quốc tế.
Đã khảo sát và đang thiết kế để sớm đưa vào thi công tuyến đường sắt 14 km từ cầu Hữu Nghị đến bản Khăm Xa Vạt; đã khảo sát và xây dựng phương án tiền khả thi tuyến đường sắt từ Thà Khẹk đến đèo Mụ Giạ.
Dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, đã mở rộng thêm loại hình dịch vụ thông tin liên lạc từ thành phố đến miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa... Chất lượng được nâng lên rõ rệt. Số lượng thuê bao điện thoại các loại tiếp tục tăng lên, đến cuối năm kế hoạch 2004-2005, số thuê bao điện thoại cố định đạt xấp xỉ 87,5 nghìn máy; số thuê bao điện thoại di động đạt 327 nghìn máy; số điện thoại công cộng đạt 404 máy. Tính chung, số thuê bao đạt 415,9 nghìn máy, trung bình khoảng 7,3 máy / 100 dân, vượt mục tiêu kế hoạch là 2,5 máy/100 dân vào năm 2005. Trên toàn quốc, đã có 2.570 thuê bao internet. Đến cuối năm 2005, khoảng 80% số huyện và khoảng 60% số bản đã có thể liên lạc được bằng điện thoại; cả nước có phòng bưu điện tại 104 quận với 130 trạm bưu điện, 23.247 thùng thư công cộng. Việc cung cấp các loại dịch vụ bưu điện đã được cải tạo theo hướng hiện đại. Dịch vụ chuyển hàng, chuyển thư, chuyển tiền trong nước và quốc tế tiếp tục tăng lên tuy chưa mạnh.
Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ... tiếp tục được hình thành và mở rộng. Đến nay, đã bước đầu hình thành được thị trường dịch vụ bảo hiểm với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trong những năm gần đây, cơ cấu nền kinh tế Lào tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu đã khai thác được các lợi thế so sánh của đất nước. Một số thành tựu nổi bật về chuyển dịch cơ cấu kinh tế là:
a) Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế:
Các ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch đáng kể; tỷ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong GDP đã tăng lên. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã ngày càng chú trọng vào năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bước đầu đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo giá hiện hành, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP đã liên tục giảm, từ 52,6% năm 2000 xuống còn 44,4% năm 2005 (kế hoạch 5 năm đề ra là 47% vào năm 2005) và khoảng 41% năm 2007; trong khi đó tỷ trọng công nghiệp và xây dựng liên tục tăng từ 22,9% năm 2000 lên 29,2% năm 2005 (kế hoạch 5 năm đề ra là 26% vào năm 2005) và khoảng 33% năm 2007; tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 24,6% năm 2000 lên 25,5% năm 2005 (kế hoạch 5 năm đề ra là 27% vào năm 2005) và khoảng 25,1% năm 2007. Ngoài ra còn khoảng 0,9% GDP là thuế nhập khẩu.
Đồ thị 2: Chuyển dịch cơ cấu giá trị gia tăng của các ngành kinh tế (%)
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông nghiệp trong giá trị gia tăng toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đã giảm đáng kể trong khi tỷ trọng ngành thuỷ sản tăng khá. Cơ cấu sản xuất công nghiệp đã có bước tiến đáng kể theo hướng phát huy lợi thế của từng ngành, từng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường. Tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng dần trong giá trị gia tăng toàn ngành. Công nghiệp chế tác đã bước đầu khai thác được các lợi thế về nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu. Cơ cấu các ngành dịch vụ có bước dịch chuyển tích cực theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng đa dạng về sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư. Các ngành dịch vụ truyền thống như thương nghiệp, vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, khách sạn nhà hàng phát triển khá. Đặc biệt một số ngành dịch vụ có tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất cao như ngân hàng, bảo hiểm... đã bước đầu phát triển, góp phần làm tăng giá trị gia tăng của toàn ngành dịch vụ và tăng tỷ trọng của các ngành này trong nền kinh tế. Có thể lấy các số liệu từ báo cáo năm 2007 của Quỹ Tiền tệ quốc tế để minh chứng.
b) Chuyển dịch cơ cấu lao động:
Trong 5 năm 2005-2010, đã tạo thêm việc làm cho khoảng khoảng 504 nghìn lao động (bình quân mỗi năm 100 nghìn người), trong đó khu vực nông nghiệp tạo thêm khoảng 343 nghìn việc làm, khu vực công nghiệp và xây dựng tạo ra 58 nghìn việc làm, khu vực dịch vụ tạo ra 104 nghìn việc làm.
Đến năm 2005, tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế đạt 2.714 nghìn người; trong đó 2.080 nghìn người làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, 210 nghìn người làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng, 424 nghìn người làm việc trong các ngành dịch vụ.
Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng số lao động xã hội đã giảm từ 78,6% năm 2000 giảm xuống còn 76,6% năm 2005; tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp và xây dựng tương ứng tăng từ 6,9% lên 7,7%; tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành thương mại dịch vụ tăng từ 14,5% lên 15,6%.
Đồ thị 3: Chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành kinh tế (%)
Như vậy, tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn rất cao, cần tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tỷ lệ người cần giải quyết việc làm nhưng chưa được tạo việc làm giảm từ 5,6% năm 2000 xuống còn 5% năm 2005.
c) Chuyển dịch cơ cấu đầu tư:
Cân đối vốn đầu tư phát triển liên tục được điều chỉnh thích hợp hơn để duy trì khả năng tăng trưởng khá. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư trong GDP có xu hướng tăng nhanh, từ 19,7% năm 2000 lên khoảng 27,8% năm 2005; trung bình 5 năm đạt 26,6%. Tổng vốn đầu tư đưa vào nền kinh tế trong 5 năm 2001-2005 tính theo giá hiện hành đạt khoảng 30.623 tỷ kíp, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng đề ra (chỉ tiêu Đại hội là 27.900 tỷ kíp), trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt 13.578 tỷ kíp, vốn đầu tư của khu vực dân cư đạt 2.266 tỷ kíp, vốn đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14.779 tỷ kíp.
Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm mạnh từ 67,3% năm 2000 xuống còn 35,7% năm 2005  và 29,8% năm 2007 trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực dân cư cũng giảm từ 16,8% xuống mức thấp kỷ lục là 3,2% năm 2005 song sau đó lại tăng lên tới 6,9% năm 2007.
Trái lại, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng rất mạnh từ 15,9% năm 2000 lên 61,1% năm 2005 và 63,4% năm 2007. Tính chung trong 5 năm 2001-2005, vốn đầu tư của khu vực nhà nước chiếm khoảng 12,3% GDP, khu vực dân cư chiếm 2,2% GDP, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm khoảng 12% GDP. Trong 2 năm 2006-2007, vốn đầu tư của khu vực nhà nước chiếm khoảng 10% GDP, khu vực dân cư chiếm 2,15% GDP, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm khoảng 22,1% GDP.
Đồ thị 4: Chuyển dịch đầu tư giữa các thành phần kinh tế (%)
Nguồn vốn ngân sách và viện trợ đã được tập trung đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng nhằm đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững như phát triển nông nghiệp và nông thôn, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng...
3. Cân đối tài chính tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô
a) Cân đối ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt 15.010 tỷ kíp, tăng 18,1%/năm; trong 2 năm 2006-2007 tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 10.332 tỷ kíp, tăng 17%/năm. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân hàng năm đạt khoảng 13,3% GDP trong 5 năm 2005-2005 và 14,1% trong 2 năm 2006-2007. Đến năm 2007, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 14% GDP, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 14,2% năm 2006.
Đáng chú ý là về số tuyệt đối, thu ngân sách năm sau đều tăng mạnh so với thu năm trước trong điều kiện Chính phủ Lào đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách cắt giảm thuế nhằm ưu đãi và khuyến khích đầu tư như giảm thuế suất đối với thuế doanh thu từ 4 mức 3%, 5%, 10% và 15% xuống còn 2 mức 5% và 10%;  tăng mức chịu thuế thu nhập từ 30 nghìn lên 200 nghìn Kíp... Nhờ đó, cơ cấu thu đã thay đổi, trong đó thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đã tăng nhanh và đang dần chiếm tỷ trọng quyết định trong tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2001 nguồn thu này chiếm 63% tổng thu ngân sách nhà nước, năm 2005 chiếm 71,5%, năm 2007 khoảng 73%).
      Đồ thị 5: So sánh các tỷ lệ thu – chi ngân sách trên GDP (%)
    
Tổng chi ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt 22.830 tỷ kíp, tăng 15,7%/năm, 2 năm 2006-2007 đạt 15.010 tỷ kíp, tăng 13,2%/năm. Tỷ lệ chi ngân sách trên GDP trung bình đạt xấp xỉ 20,7% trong 5 năm 2001-2005 và 20,1% trong 2 năm 2006-2007. Tính chung cho cả giai đoạn 2001-2007, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước được duy trì ở mức cao, khoảng 50% so với tổng chi ngân sách; điều đó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ cho đầu tư phát triển để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, nguồn trong nước chỉ chiếm khoảng 1/3 và có xu hướng giảm đi trong khi nguồn ngoài nước chiếm tới 2/3 và có xu hướng tăng lên.
Bội chi ngân sách nhà nước trong 5 năm đạt 8.261 tỷ kíp, bình quân hàng năm bằng 7,4% GDP; trong 2 năm 2006-2007 đạt 4.466 tỷ kíp, bằng 6% GDP. Bội chi ngân sách được bù đắp chủ yếu bằng các nguồn lành mạnh là vay và viện trợ nước ngoài; ngoài ra có một tỷ lệ nhỏ được bù đắp bằng vay trong nước. Như vậy, về cơ bản cân đối ngân sách ngày càng được cải thiện theo hướng tăng thu, giảm chi, giảm tỷ lệ bội chi.
b) Cân đối tiền tệ và giá cả
 Cân đối tiền tệ trong giai đoạn 2001-2005 đã có chuyển biến tích cực và góp phần quan trọng vào việc kiểm soát và đẩy lùi lạm phát. Đặc biệt chính phủ Lào đã có những bước chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ. Tốc độ tăng trưởng M2 trung bình đạt 20%/năm (năm 2005 chỉ tăng 8,2%), nguồn vốn huy động tăng 19,2%/năm và dư nợ tín dụng tăng khoảng 11,4%/năm.
Nhờ các chính sách trên, Chính phủ Lào đã từng bước ổn định dần giá trị đối nội và đối ngoại của đồng Kíp. Lạm phát cao đã từng bước được đẩy lùi; tỷ lệ lạm phát bình quân năm 2001 là 7,8%, năm 2002 là 8,9%, năm 2003 là 15,5%, năm 2004 là 10,5% và năm 2005 là 7,2%.
Tuy nhiên trong 2 năm 2006-2007, tốc độ tăng trưởng tiền tệ của Lào đã trở nên khá cao, năm 2006 là 30,1%; năm 2007 là 22,1% (có tài liệu nêu 38%). Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong 2 năm này tương đối thấp (6,9% và 4,5%) song nguy cơ lạm phát tăng lên sẽ xuất hiện nếu việc kiểm sóat tiền tệ bị buông lỏng.
Đồ thị 6: Lạm phát CPI và phá giá so với USD 2000-2007 (%)
          
Tỷ giá đồng kíp mất giá so với đồng đô la bình quân hàng năm tăng khoảng 6,7% . Chênh lệch giữa tỷ giá trên thị trường chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do đã được thu hẹp đáng kể so với khi bắt đầu thực hiện kế hoạch. Dự trữ ngoại tệ của Nhà nước đã tăng từ 2,6 tuần nhập khẩu năm 2001 lên 6,8 tuần nhập khẩu vào năm 2005, tạo cơ sở quan trọng để chủ động kiểm soát tỷ giá.
Tuy nhiên trong 2 năm 2006-2007, đồng kíp đã lên giá 4,7%/năm đối với đồng đô la; đây là nhân tố quan trọng góp phần kìm hãm tốc độ lạm phát. Dự trữ quốc tế của Lào cũng tăng khá nhanh trong thời gian này, từ 234 triệu USD năm 2005 lên 327 triệu USD năm 2006 và 530 triệu USD năm 2007.
Như vậy, với tình hình cân đối thu – chi được cải thiện và tỷ lệ lạm phát giảm nhanh, có thể nói nền kinh tế Lào đang đi vào thời kỳ ổn định kinh tế vĩ mô
4. Hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển khá; nước Lào ngày càng chủ động hội nhập với nền kinh tế quốc tế và khu vực

a) Họat động xuất - nhập khẩu

Chính sách đối ngoại đa phương đã từng bước giúp Lào hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, làm cho thị trường xuất khẩu đa dạng hơn; từ chỗ chỉ có một số thị trường truyền thống như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, đến cuối kế hoạch 5 năm đã xuất khẩu sang hơn 40 thị trường, trong đó có các thị trường lớn như Australia, Anh, Pháp, Đức... thương mại qua biên giới phát triển mạnh. Đặc biệt cũng trong kế hoạch 5 năm 2001-2005, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Lào để sản xuất hàng xuất khẩu.
Tính chung 5 năm 2001-2005, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,872 tỷ USD. Tốc độ tăng xuất khẩu bình quân 5 năm đạt 12,6%/năm, cao hơn trung bình của kế hoạch 5 năm 1996-2000 (tốc độ tăng trong kế hoạch 5 năm trước là 1,6%/năm) và vượt mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm (8,7%/năm). Trong 2 năm 2006-2007, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,804 tỷ USD; tốc độ tăng xuất khẩu bình quân 2 năm đạt 14,5%/năm.
Đồ thị 7: So sánh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu (%)
 Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2007 đạt khoảng 158,2 USD, tăng mạnh so với năm 2000 (65,4 USD), nhưng vẫn là mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
Đến nay, đã bước đầu hình thành được một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm điện, cà phê, sản phẩm gỗ và thủ công mỹ nghệ, may mặc, khoáng sản khai thác... Ngoài ra, đang xuất hiện một số loại sản phẩm mới có tiềm năng lớn như chè, cao su, rau quả, các loại cây lấy tinh dầu, gạo thơm, ngô, đậu các loại... Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản có xu hướng giảm dần. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu công nghiệp đã tăng khá, nhất là xuất khẩu hàng may mặc.
Kim ngạch nhập khẩu 5 năm qua đạt 3,014 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 12,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trung bình của kế hoạch 5 năm 1996-2000 (kế hoạch 5 năm trước trung bình giảm gần 1,4%/năm) và vượt mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm (tăng 8,6%/năm). Trong 2 năm 2006-2007, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 2,125 tỷ USD; tốc độ tăng xuất khẩu bình quân 2 năm đạt 9%/năm.
Cơ cấu nhập khẩu có những thay đổi cơ bản phù hợp hơn với khả năng và yêu cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng gạo và thực phẩm đã giảm mạnh, từ 32,6% năm 2000 xuống còn 9,9% năm 2002 và khoảng 4% năm 2003. Đến năm 2005, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 686 triệu USD, trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị và phụ tùng chiếm 39,2%, nguyên nhiên vật liệu chiếm 47%, hàng tiêu dùng chiếm 13,8%.
Nhập siêu trong 5 năm 2001-2005 khoảng 1.142 triệu USD, bằng 61% tổng kim ngạch xuất khẩu và trung bình hàng năm bằng 9,9% GDP. Tuy nhiên, nhập siêu trong 2 năm 2006-2007 chỉ khoảng 320 triệu USD, bằng 17,75% tổng kim ngạch xuất khẩu và trung bình hàng năm bằng 4,8% GDP. Đây là điểm sáng đáng chú ý vì tỷ lệ nhập siêu trên GDP đã giảm khá nhanh mặc dù đồng kíp lên giá khá mạnh. Điều này đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô.
b) Trong lĩnh vực thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức:
Bước vào thời kỳ 5 năm (2001-2005), do khó khăn của kinh tế toàn cầu, nguồn ODA của thế giới có xu hướng giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, nguồn ODA mà các nhà tài trợ cam kết dành cho Lào trong 5 năm qua vẫn liên tục tăng lên. Điều này thể hiện sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đối với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Lào.
Tổng vốn ODA cam kết thu hút được trong 5 năm đạt 1.963,7 triệu USD, tăng khá so với kết quả đạt được trong 5 năm trước (5 năm 1996-2000 vốn cam kết đạt 1.75 tỷ USD); ngoài ra còn khoảng 115 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ. Vốn ODA thực hiện trong 5 năm đạt khoảng 935 triệu USD, bình quân 187 triệu USD/năm. Nhìn chung, hiệu quả sử dụng vốn ODA đã có xu hướng tăng lên; việc thực hiện các dự án ODA đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội và làm thay đổi rõ rệt bộ mặt đất nước Lào.
c) Về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Trong 5 năm 2001-2005, đã thu hút được 585 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn cam kết đạt khoảng 2,8 tỷ USD; trong đó khu vực nông nghiệp thu hút được 14% số dự án và 7% số vốn cam kết; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút được 48% số dự án và 79% số vốn cam kết; khu vực dịch vụ thu hút được 38% số dự án và 14% số vốn cam kết.
Trong 2 năm gần đây, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực hơn. Ước riêng trong năm 2007, tổng số vốn đăng ký vẫn có thể đạt trên 1.200 triệu USD, giảm so với mức kỷ lục 2,7 tỷ USD năm 2006.
Tính chung 22 năm đổi mới (1986-2007) thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 12,4 tỷ USD với gần 1.100 dự án đầu tư, trong đó đã giải ngân được 2,9 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư là điện, khai thác mỏ, phát triển nông nghiệp và dịch vụ. Những nước đầu tư lớn nhất vào Lào là Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan và Việt Nam.
Trong 5 năm 2001-2005, tổng giá trị vốn thực hiện của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1415 triệu USD. Số vốn đưa từ nước ngoài vào đạt 1301 triệu USD (riêng năm 2005 đạt khoảng 430 triệu USD), chiếm 91,7% tổng vốn thực hiện của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, đầu tư vào ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 69% tổng vốn thực hiện; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 4% và dịch vụ chiếm 27% tổng vốn đầu tư thực hiện. Tỷ trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng lên.
Đặc biệt, vốn đầu tư thực hiện năm 2007 ước đạt 950 triệu USD, tăng 60% so với năm 2006. Số vốn thực hiện này tập trung vào các dự án khai mỏ có quy mô lớn như khai thác mỏ đồng ở Phoubia, trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây công nghiệp khác, phát triển các trung tâm thương mại và du lịch quy mô lớn, ba dự án thủy điện lớn là Nậm Thơn 2, thủy điện Xê Sa Mản 3 và Nậm Ngừm 2, các dự án chế biến nông sản, sản xuất bia, may mặc...
Đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực tới sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Lào, làm đa dạng hoá các ngành và chủng loại sản phẩm, đồng thời hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển.
Có được thành tựu này trước hết là nhờ Chính phủ Lào đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư như đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương (từ năm 2005 các địa phương được phép cấp giấy phép đầu tư cho các dự án có tổng vốn đầu tư đến 2 triệu đô la Mỹ), tăng đáng kể so với khi bắt đầu thực hiện kế hoạch, tổ chức gặp gỡ định kỳ mỗi năm 1 lần với các nhà đầu tư và doanh nhân để nắm bắt những khó khăn của họ và tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện nhanh cũng tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 10/2004 Quốc hội Lào cũng đã sửa đổi Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài, tạo bước phát triển mới cho việc thu hút đầu tư nước ngoài ngay từ năm 2005.
MỤC 2: MỘT SỐ TỒN TẠI, YẾU KÉM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY CỦA NỀN KINH TẾ LÀO
Mặc dù những thành tựu đạt được trong 7 năm qua rất tích cực và đáng khích lệ, song vẫn tồn tại một số mặt yếu kém:
1. Về tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, chưa tương xứng với đầu tư và chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy đã có tiến bộ song còn thấp và chậm được cải thiện.
Trong nông nghiệp, sản xuất nhỏ, mang tính tự cung tự cấp còn rất phổ biến; tốc độ phát triên sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp chưa đạt kế hoạch và chưa tương xứng với tiềm năng. Các phương thức canh tác tiên tiến chậm được đưa vào nông thôn trên diện rộng. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu độc canh cây lúa; chăn nuôi kém phát triển, kể cả gia cầm và đại gia súc. Năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng sản phẩm nông nghiệp tuy đã tăng lên nhưng còn thấp và phụ thuộc nhiều về thời tiết, khí hậu. Việc thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn còn chậm và lúng túng, chưa bảo đảm được yếu tố bền vững. Sản xuất hàng hóa tại nhiều địa phương chưa gắn với khâu chế biến và thị trường tiêu thụ. Sản lượng lương thực tính trung bình đã đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng vẫn còn khoảng 1/3 số huyện trong cả nước chưa đủ gạo ăn trong cả năm.
Ngành nghề thủ công ở nông thôn cũng kém phát triển. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn ở mức hạn chế. Việc sử dụng các cơ sở vật chất trong nông nghiệp còn lãng phí, nhất là trong thủy lợi.
Sản xuất công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Nhiều mặt hàng dân dụng trong nước có thể sản xuất được và có hiệu quả nhưng chưa được chú trọng phát triển, dẫn tới vẫn phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Chất lượng và hiệu quả toàn ngành chậm được cải thiện. Chi phí sản xuất của nhiều sản phẩm công nghiệp còn ở mức cao. Số doanh nghiệp có trình độ công nghệ khá rất ít, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong cơ cấu đầu tư, tỷ lệ đầu tư cho công nghiệp thấp, nhất là đối với phần vốn nhà nước, do quá chú trọng đầu tư cho nông nghiệp (chủ yếu là cho thuỷ lợi), kết cấu hạ tầng (chủ yếu cho xây dựng đường xá, bến cảng...) và dịch vụ. Các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chưa đủ tầm; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, địa phương để động viên phát triển công nghiệp còn yếu...
Cơ sở vật chất của nhiều ngành dịch vụ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng nhiều loại dịch vụ còn kém. Công tác quản lý các ngành dịch vụ vẫn còn nhiều bất cập; nhất là khâu quản lý các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng các đề án phát triển kết cấu hạ tầng, các đề án phát triển du lịch... còn yếu, dẫn tới hiệu quả thấp. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế.
Việc sử dụng kết cấu hạ tầng trong nhiều lĩnh vực còn nhiều yếu kém do trình độ phát triển sản xuất hàng hoá không theo kịp với phát triển kết cấu hạ tầng; điển hình là công suất sử dụng các công trình thuỷ lợi, giao thông, bến cảng, sân bay... còn rất thấp, gây lãng phí lớn cho nền kinh tế và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.


2. Các cân đối vĩ mô và ổn định kinh tế
 Các cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc, dễ bị phá vỡ bởi những tác động từ những yếu tố khách quan, trong đó thể hiện rõ rệt nhất là trên một số mặt:
Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư so với GDP tuy đã có bước cải thiện đáng kể, nhưng còn thấp so với tiềm năng và yêu cầu phát triển. Chênh lệch giữa tiết kiệm trong nước và đầu tư xã hội khá cao đòi hỏi phải nhập khẩu vốn nước ngoài (chủ yếu là vay nợ). Việc huy động nguồn tiết kiệm của dân cư vào đầu tư còn thấp do Nhà nước chưa tạo thêm được các nguồn thu và do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế chưa phát triển. Trong khi đó, vẫn chưa có chính sách, cơ chế cụ thể để biến đất đai và các tài nguyên khác thành vốn đầu tư. Với số vốn huy động cho đầu tư còn hạn chế, nhưng chưa thực sự được tập trung vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nhằm phát huy lợi thế của các vùng, chưa tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, thực hiện xoá đói giảm nghèo. Đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng còn dàn trải; thời gian thi công các công trình kéo dài. Nợ xây dựng cơ bản lớn, gây áp lực không nhỏ đối với cân đối ngân sách và ổn định giá cả.
Tỷ lệ thu ngân sách thấp và liên tục không đạt kế hoạch. Tình trạng thất thu lớn. Mặc dù còn thấp so với yêu cầu, song chi đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách, làm cho chi tiêu thường xuyên thấp, không đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả và hiệu lực hoạt động của bộ máy Nhà nước, đến phát triển các lĩnh vực xã hội và dịch vụ công cộng, trong đó tiền lương quá thấp đang là vấn đề rất bức xúc cần phải ưu tiên xử lý.
Đáng chú ý là mặc dù cân đối ngân sách còn nhiều khó khăn song một số khỏan chi ngân sách vẫn còn mang tính bao cấp, lãng phí và kém hiệu quả, thể hiện ở nhiều khoản như cấp xe ô tô, xăng dầu cho cán bộ, đầu tư một số công trình thủy lợi... và biên chế hành chính tăng lên trong khi chi cho các mục tiêu y tế, giáo dục chưa bảo đảm.
Thu thấp và không đạt kế hoạch kéo dài một phần do kế hoạch giao quá cao so với khả năng thực tế, song phần quan trọng là do công tác tổ chức thu còn nhiều bất cập; không đảm bảo sự điều hành tập trung thống nhất của Trung ương. Kỷ luật thu chưa nghiêm; miễn giảm thu không đúng quy định, không đúng thẩm quyền. Quản lý thu chưa chặt chẽ, nhất là quản lý số hộ kinh doanh và doanh số; ngòai ra còn có nhiều biểu hiện tiêu cực trọng hệ thống thu nên thất thu lớn. Tình hình trên đã làm phá vỡ cân đối ngân sách do không giảm được chi, thậm chí còn chi vượt kế hoạch, dẫn đến nợ nần của ngân sách lớn (đến cuối năm 2005 nợ ngân sách khoảng 90% GDP), vừa gây ra sự mất an toàn, mất lành mạnh nền tài chính quốc gia, vừa làm khó khăn thêm hoạt động của các doanh nghiệp.
Bội chi và nợ của Chính phủ vẫn còn lớn và kéo dài nhiều năm; do đó vẫn có nguy cơ trở thành nguyên nhân gây lạm phát cao, đe doạ sự ổn định kinh tế - xã hội.
Việc điều hành chính sách tiền tệ còn nhiều bất cập. Các công cụ chính sách tiền tệ còn quá ít và chưa hoàn thiện, vẫn chủ yếu dựa vào công cụ dự trữ bắt buộc và phát hành tín phiếu Ngân hàng Lào; các nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở... chưa được sử dụng. Do đó việc kiểm sóat luồng tiền tệ và lãi suất còn hạn chế.
Thị trường tiền tệ phát triển ở mức độ còn hạn chế. Tín dụng cho vay thấp; chưa đáp ứng được nhu cầu; thời gian cho vay ngắn gây áp lực đối với hoạt động của các doanh nghiệp và khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng thương mại. Nợ tồn động của hệ thống ngân hàng còn lớn, tập trung chủ yếu của các ngân hàng thương mại nhà nước. Năng lực tài chính và chất lượng hoạt động của các ngân hàng thương mại còn còn nhiều yếu kém. Cơ chế quản lý ngoại hối chưa phù hợp với thực tiễn nên hiệu quả thi hành hạn chế; tình trạng sử dụng ngoại tệ trong thanh tóan của các doanh nghiệp và dân cư vẫn phổ biến...
3. Về quy mô nền kinh tế và nguy cơ tụt hậu:
Quy mô nền kinh tế đến nay vẫn còn quá nhỏ; tổng GDP năm 2007 chỉ khoảng 4,12 tỷ USD; GDP đầu người đạt xấp xỉ 706 USD... Các chỉ tiêu này của Lào thấp xa so với các nước trong khu vực, phản ánh thực trạng Lào vẫn thuộc diện nước nghèo của thế giới. Mặc dù quy mô nền kinh tế còn rất nhỏ bé, thu nhập đầu người thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao (chỉ khá) và chưa tương xứng với tiềm năng rất phong phú của Lào. Do quy mô nền kinh tế Lào nhỏ nên dù tốc độ tăng trưởng khá nhưng giá trị tăng thêm của GDP vẫn rất thấp; khoảng cách về GDP đầu người giữa Lào và các nước trong khu vực tiếp tục tăng lên.
4. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Việc chuyển dịch cơ cấu ngành chỉ chú trọng tăng tỷ trọng công nghiệp, chưa chú ý nhiều tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển mạnh công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; dẫn tới phát triển nhiều ngành công nghiệp hướng nội, công nghệ lạc hậu, chi phí lớn, hiệu quả kinh tế thấp và đòi hỏi bảo hộ cao, làm giảm khả năng cạnh tranh dài hạn của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chỉ mới bắt đầu bằng việc chuyển một số diện tích lúa năng suất và giá trị thấp sang trồng cây công nghiệp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa gắn bó chặt chẽ với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; cơ cấu nông thôn còn nặng về nông nghiệp thuần (chiếm hơn 80%). Việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn do giá thành cao và khối lượng thấp; khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp.
Cơ cấu vùng lãnh thổ của nền kinh tế còn nhiều bất cập; tốc độ tăng trưởng các vùng chệnh lệch khá cao; nhiều địa phương của vùng Bắc Lào và Nam Lào phát triển rất chậm. Kinh tế của nhiều vùng phát triển chưa cân đối; do đó chưa khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của từng vùng, sản phẩm hàng hoá chưa cao. Cơ cấu các ngành kinh tế trên từng vùng chuyển dịch chậm, nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Còn khoảng cách lớn về trình độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng lãnh thổ, giữa các thành phần kinh tế và giữa các cộng đồng dân cư các bộ tộc Lào.
Cơ cấu lao động chậm dịch chuyển so với sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế trong từng ngành và từng vùng. Sự chuyển dịch lao động còn mang nặng tính tự phát, đáp ứng tức thời, với những lao động đơn giản, chưa theo một quy hoạch và kế hoạch đào tạo dài hạn nhằm phân bố lại lực lượng lao động và dân cư hợp lý, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
5. Về hoạt động kinh tế đối ngoại:
Lĩnh vực xuất, nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn. Xuất khẩu bình quân đầu người của Lào còn rất thấp do những hạn chế trong các khâu sản xuất hàng hoá với quy mô lớn và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xuất khẩu hàng nông sản thô, nguyên liệu thô có giá trị gia tăng thấp còn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu), nên giá trị xuất khẩu thấp và dễ suy giảm khi giá cả biến động không thuận. Ngoài ra, hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Lào thuộc các loại sản phẩm mà nhu cầu thị trường không ổn định (điện, dệt may) hoặc có khối lượng xuất khẩu giảm dần (gỗ), hoặc giá cả rất biến động (các mặt hàng nông sản).
Các cơ chế chính sách và biện pháp quản lý xuất - nhập khẩu còn chưa cụ thể, thiếu tính tổng thể và tầm nhìn dài hạn, do vậy hiệu quả và hiệu lực chưa cao; trong nhiều trường hợp tỏ ra bị động, nhất là trong quản lý nhập khẩu. Sự phối kết hợp của các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác xuất nhập khẩu còn lỏng lẻo và kém hiệu quả; tình trạng thiếu cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật có trình độ nghiệp vụ cao còn khá phổ biến.
Tuy nhập khẩu cao đã đóng góp đáng kể vào thành công của tăng trưởng sản xuất trong nước và xuất khẩu, nhưng tỷ lệ nhập siêu đang tăng lên rất cao so với định hướng trong kế hoạch 5 năm. Công tác quản lý nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thông tin về thị trường nhập khẩu còn khá phổ biến, do đó nhập khẩu thường tập trung vào một số ít thị trường, nhiều loại công nghệ được nhập khẩu còn lạc hậu.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đầu tư trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và vào các địa bàn khó khăn còn rất hạn chế; khả năng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp còn thấp. Việc cấp phép đầu tư trong nhiều trường hợp vẫn còn chậm với những thủ tục phức tạp. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do môi trường đầu tư chưa đủ thông thoáng, thuận lợi, nhất quán và ổn định. Giá một số yếu tố đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu, điện, cước viễn thông, cước vận tải biển... nhìn chung còn cao hơn nhiều nước trong khu vực, làm tăng giá thành và hạn chế sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Lào và làm cho Lào giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một trong những nguyên nhân chính hạn chế sự tăng nhanh của nguồn vốn đầu tư nước ngoài là tình trạng thiếu lao động có kỹ thuật. Hiện nay, lao động có kỹ thuật của Lào chỉ chiếm khoảng 2% lực lượng lao động toàn xã hội, không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nơi sử dụng lao động có tay nghề cao.
Tình trạng giải ngân ODA chậm kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng bất lợi trong việc thu hút vốn và hiệu quả sử dụng vốn.
Kết luận chung:
Trong 7 năm qua 2001-2007, nền kinh tế Lào tiếp tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá và theo chiều hướng tích cực, duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 1996-2000. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều lợi thế của từng vùng, từng ngành, từng sản phẩm đang từng bước được phát huy; hiệu quả và sức cạnh tranh của một số lĩnh vực, một số sản phẩm có nhiều cải thiện. Hệ thống tài chính, tiền tệ được hình thành và phát triển. Kinh tế đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được tăng cường. Các mặt xã hội đều có bước phát triển; đời sống nhiều vùng dân cư có cải thiện. Tình hình chính trị và an toàn xã hội được bảo đảm.
Nguyên nhân của những thành tựu nêu trên là:
Một là, có đường lối chủ trương đúng đắn được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ VII và các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, có sự lãnh đạo tập trung thống nhất và sát sao của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng; có nhiều tiến bộ trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương và các cấp chính quyền ở địa phương; chất lượng và kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ công chức đã được nâng cao.
Hai là, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện; nhiều doanh nghiệp đã từng bước trưởng thành trong cơ chế kinh tế thị trường, ngày càng năng động hơn trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường và tổ chức quá trình sản xuất phù hợp và có hiệu quả. Các công trình đầu tư trong kế hoạch 5 năm trước đã được sử dụng có hiệu quả và phát huy tác dụng tích cực.
Ba là, nhận thức về vai trò của kinh tế đối ngoại ngày càng cao và nhất quán; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy nhanh; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế ngày càng tăng.
Bốn là, đã kết hợp tốt phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội, hướng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Năm là, duy trì vững chắc sự ổn định xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.   
Tuy nhiên nền kinh tế Lào vẫn còn một số tồn tại, yếu kém như tốc độ tăng trưởng kinh tế tương xứng với tiềm năng; nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp, tư nhân trong nước và vốn tín dụng ngân hàng cho đầu tư thấp. Tỷ suất hàng hóa thấp, không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nền sản xuất hàng hóa nói chung đang ở trình độ thấp, còn mang nặng tính tự cấp, tự túc; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao, sức cạnh tranh yếu. Các loại thị trường chính đều chưa hoặc mới được hình thành và chậm phát triển, nhất là thị trường vốn.
Nguyên nhân của các mặt tồn tại yếu kém là:
Một là, việc thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật của nhà nước chưa nghiêm, thậm chí có nơi, có lúc còn buông lỏng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thóai hóa, biến chất và tham nhũng...
Việc điều hành kinh tế của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa tốt; Trung ương không nắm chắc đặc điểm, tình hình của các địa phương nên nhiều chỉ đạo chưa chính xác; do đó chưa tạo ra được phong trào đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa tại nhiều địa phương có tiềm năng cao. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương còn yếu; có thể nói đây là điểm yếu nhất trong điều hành thực hiện kế hoạch 5 năm vừa qua.
Hai là, hệ thống pháp luật mới đang trong quá trình được xây dựng nên vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Đặc biệt, còn có tình trạng chậm đổi mới tư duy kinh tế, dẫn tới chậm xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gây cản trở quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, còn nhiều lúng túng trong quá trình hội nhập kinh tế thế thế giới; chưa có chiến lược xuất khẩu dài hạn, chưa có chính sách thích hợp trong việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn ODA, làm cho hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này chưa cao.
Bốn là, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực cán bộ và cải cách hành chính chưa tương xứng và chưa có hiệu quả cao. Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội còn nhiều điểm yếu kém, bất cập, nhất là về số liệu thống kê, làm cho việc điều hành kinh tế của Chính phủ và các ngành, các địa phương gặp nhiều khó khăn.
        Năm là, nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện kế hoạch rất lớn nhưng thực tế huy động không đạt yêu cầu do các cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư; hiệu quả sử dụng vốn thấp; cơ cấu sử dụng chưa hợp lý, đầu tư cho cơ sở hạ tầng quá nhiều trong khi đầu tư phát triển sản xuất và nguồn nhân lực còn thấp.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

IMF (2007) “Lao people’s democratic republic - Selected Issues and Statistical Appendix”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2001): “Action programme for the development of the Lao PDR 2001-2010”
Government of the Lao people’s democratic republic (2001): “Fifth national socio-economic development plan (2001-2005)”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2006): “Sixth national socio-economic development plan (2006-2010)”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2001): “Ten year national socio-economic development strategy (2001-2010)”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2002): “Long term Strategy of socio-economic development to the year 2020)”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2002): “the Strategy of Industrialization and Modernization to 2020)”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2003): “The National Growth and Poverty Eradication Strategy (2001-2010)”.
Government of the Lao people’s democratic republic (2003): “the Ragional development strategy”.
Ministry of Planning and Investment of Lao: Statistical Yearbook 2000, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006.
Viện Chiến lược phát triển (2001): “Báo cáo tổng hợp quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 của nước CHDCND Lào”.
ADB (2008): “Key Indicators for Asia and the Pacific 2008”.
The World Bank (2008): “Lao people’s democratic republic economic monitor”.
Các báo cáo, tài liệu về Lào của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Các trang thông tin điện tử về Lào:
http://viendongdaily.com
http://www.mofa.gov.la/
www.vientianetimes.org.la
http://www.kpl.net
http://www.na.gov.la/      (Quoc Hoi)
http://www.stea.gov.la/(ky thuat cong nghe)
http://www.bol.gov.la/(Ngan hang quoc gia)
http://www.lncci.laotel.com/ (phong thuong mai)
http://www.moc.gov.la/ (Bo cong thuong)
http://www.pasaxon.org.la/(Bao pa sa xon  /  bao nhan dan lao)
http://www.kpl.net.la/   (bao pathet lao)
http://www.vientianetimes.org.la/ (bao vieng chan time)
www.maf.gov.la (bo nong nghiep)
http://www.LNCCI.laotel.com
http://www.MOT.gov.la
http://www.LNMCmekong.org
http://www.MRCmekong.org
http://www.Stea.gov.la (thủ tướng Lào)
http://www.NUOL.edc.la
http://www.Laotrade.gov.la
http://www.lnr.org.la/
http://www.kpl.net.la/english
http://www.imf.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét