Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DÀI HẠN CỦA NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

Bài viết cũ của tôi:
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DÀI HẠN CỦA
NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO
 CHDCND Lào là một nước láng giềng hết sức gần gũi với nước ta, tuy nhiên không phải ai cũng biết về nước bạn, đặc biệt là những đặc trưng gắn với quá trình phát triển kinh tế dài hạn. Do vậy, phần đầu của nghiên cứu được dành để giới thiệu một số nét cơ bản về đất nước CHDCND Lào.
Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào còn được gọi là "đất nước Triệu Voi" hay Vạn Tượng. Lào là quốc gia duy nhất có đất liền bao quanh tại vùng Đông Nam Á và cũng là nước nằm ở khu vực trung tâm của tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). Lào phía Bắc giáp Trung Quốc (đường biên giới dài 416 km); phía Tây Bắc giáp Mi-an-ma (230 km); phía Tây Nam giáp Thái Lan (1.730 km); phía Nam giáp Căm-pu-chia (492 km) và phía Đông giáp Việt Nam (2.067 km).


MỤC 1: VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG GẮN VỚI QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ DÀI HẠN
1. Vị trí địa lý
CHDCND Lào là một nước láng giềng hết sức gần gũi với nước ta, tuy nhiên không phải ai cũng biết về nước bạn, đặc biệt là những đặc trưng gắn với quá trình phát triển kinh tế dài hạn. Do vậy, phần đầu của nghiên cứu được dành để giới thiệu một số nét cơ bản về đất nước CHDCND Lào.
Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào còn được gọi là "đất nước Triệu Voi" hay Vạn Tượng. Lào là quốc gia duy nhất có đất liền bao quanh tại vùng Đông Nam Á và cũng là nước nằm ở khu vực trung tâm của tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). Lào phía Bắc giáp Trung Quốc (đường biên giới dài 416 km); phía Tây Bắc giáp Mi-an-ma (230 km); phía Tây Nam giáp Thái Lan (1.730 km); phía Nam giáp Căm-pu-chia (492 km) và phía Đông giáp Việt Nam (2.067 km).
Do vị trí địa lý đặc biệt của mình, Lào được xem là một địa bàn trung chuyển quan trọng của vùng Đông Nam Á lục địa từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và ngược lại. Vị trí địa lý này đã thúc đẩy các nước ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác với Lào để mở rộng thị trường. Vì vậy đây cũng là điều kiện thuận lợi để Lào đẩy nhanh quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, từ đó có điều kiện phát triển kinh tế trung và dài hạn.
2. Đặc điểm lãnh thổ:
Lào là một đất nuớc không có biển ở Đông Nam Á với những cánh rừng rậm rạp bao phủ các khu vực núi đồi lởm chởm. Diện tích lãnh thổ Lào rộng 236.800 km2. với địa hình đa dạng, có đủ cả đồng bằng, đồi, núi, cao nguyên, thung lũng và sông ngòi..., chỉ thiếu có biển. Đỉnh cao nhất của Lào là Phou Bia, cao 2.817 m. Sông Mê Kông chảy qua phần lớn biên giới phía tây với Thái Lan, trong khi đó dãy Trường Sơn chạy dọc theo biên giới phía đông với Việt Nam. Núi và cao nguyên chiếm hơn 3/4 diện tích tự nhiên của Lào.
Bên cạnh đặc điểm chung trên, địa hình Lào vẫn có một số đặc điểm riêng tuỳ từng vùng. Nếu xét theo các vùng lớn thì hai vùng Bắc và Nam Lào cũng có nhiều điểm khác biệt.
a) Bắc Lào gồm các tỉnh Phong-sa-ly, Luông-nậm-thà, Bò-kẹo, U-đôm-xay, Xayabury, Luông-phra-bang, Hủa-phăn, Xiêng-khoảng và một phần lãnh thổ của tỉnh Viêng Chăn. Đây là vùng chủ yếu là đồi núi và cao nguyên với địa hình phức tạp, xen lẫn các thung lũng sâu và sườn dốc hiểm trở.
Những thuận lợi chính để phát triển kinh tế của vùng này là có nhiều cao nguyên trung du tương đối bằng phẳng để có thể phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả. Tại vùng núi có thể phát triển mạnh các loại cây lâm sản (thông, trẩu, quế, hồi...), thảo quả và trồng rừng. Đặc biệt cao nguyên Xiêng Khoảng có độ cao trung bình từ 1200-1400 m gồm nhiều dãy núi đá vôi với nhiều hang động rất đẹp và các di chỉ từ thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đầu kim khí nên rất thuận lợi để phát triển du lịch. Đây cũng là vùng có cánh đồng Chum nổi tiếng, di chỉ của nền văn hóa cự thạch.
Ngoài ra, đây cũng là vùng có nhiều mỏ quý với trữ lượng lớn như sắt, than, đồng, vàng, đá vôi, muối mỏ...
b) Nam Lào là vùng tính từ tỉnh Viêng Chăn kéo dài xuống cực nam của nước Lào. Đặc trưng chủ yếu của vùng này là địa hình cao nguyên và đồng bằng tương đối rộng, bằng phẳng và có độ cao giảm dần từ phía Tây dãy Trường Sơn đến đồng bằng thung lũng sông Mê Kông. Dãy núi Trường Sơn chạy dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài tới 1700 km, độ cao trung bình 1300 – 1900 mét. Đây là vùng núi rừng hiểm trở với nhiều cánh rừng rậm, nguyên sinh, có trữ lượng gỗ quý lớn.
Nam Lào còn có nhiều cao nguyên như Na Kai, Xa Vẳn, Bô lô ven... Các cao nguyên có khí hậu mát mẻ, rất thích hợp với trồng cây công nghiệp dài ngày, nhất là cà phê, cao su... Ngoài ra, Nam Lào còn có những đồng bằng rộng lớn như đồng bằng Xê Bang Phay, Chăm Pa Sắc... rất thuận tiện cho việc trồng lúa, cây lương thực, hoa màu...; trong đó đồng bằng Chăm Pa Sắc là có diện tích hơn 5000 km2 là đồng bằng phì nhiêu lớn nhất và tốt nhất của Lào.
Nhìn chung, địa hình của Lào bị chia cắt mạnh nên có những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế, nhất là xây dựng các tuyến đường giao thông, các công trình thuỷ lợi..., song về cơ bản địa hình đa dạng trong điều kiện dân số không lớn, nên vẫn đáp ứng nhu cầu và vẫn tạo thuận lợi cho Lào phát triển nhiều ngành kinh tế. Đặc biệt, Lào có đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi là lợi thế rất lớn để khai thác, phát triển ngành nông nghiệp đa dạng với chất lượng cao.
Khí hậu trong khu vực là khí hậu lục địa nhiệt đới với đặc trưng là có mùa mưamùa khô trong đó mùa mưa diễn ra hàng năm từ tháng 5 đến tháng 11, tiếp theo đó là mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Khí hậu của Lào chịu tác động của hai đợt gió mùa. Gió mùa đông bắc khô và lạnh thổi từ tháng Mười cho đến tháng Tư và gió mùa tây nam ẩm từ tháng Năm đến tháng Chín. Dải nhiệt độ từ 15 đến 38 độ bách phân, và từ 0 cho đến 30 độ bách phân ở vùng núi. Lượng mưa trung bình từ 300 cm ở thời điểm cao nhất tại miền nam đến 150-200 cm tại thủ đô Viêng Chăn.
Lào cũng là quốc gia có nhiều loài động vật quí hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voibò tót khổng lồ... Tuy nhiên số lượng hiện còn rất ít. Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa diệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng.
Lào là nước nằm sâu trong lục địa, không có đường thông ra biển. Đất đai chủ yếu là đồi núi trong đó 47% diện tích là rừng. Có một số đồng bằng nhỏ ở vùng thung lũng sông Mê-Kông hoặc các phụ lưu như đồng bằng Viêng- Chăn, Chăm-pa-xắc... 45 % dân số Lào sống ở vùng núi.
Hiện nay Lào có 800.000 ha đất canh tác nông nghiệp với 85% dân số sống bằng nghề nông. Lào có nguồn tài nguyên phong phú về lâm, nông nghiệp, khoáng sản và thuỷ điện.
3. Đặc điểm dân cư và quản lý nhà nước
Dân số của Lào năm 2008 khoảng 5,943 triệu người, trong đó nữ chiếm 50,2%. Lào có 68 bộ tộc chia làm 3 hệ chính là Lào Lùm (sống ở đồng bằng) chiếm 65% dân số; Lào Thâng (sống ở lưng chừng núi) chiếm 22% và Lào Xủng (sống vùng núi cao) chiếm 13% dân số.
Dân tộc Lào bắt nguồn từ người Thái di cư từ Trung Quốc xuống phía nam khoảng thiên niên kỷ 1 trước công nguyên. 8% dân cư thuộc các sắc tộc khác ở vùng đất thấp cùng sống với người Lào được gọi chung là Lào Lùm.
Các dân tộc sinh sống ở vùng cao là người H'Mông (Mèo), Dao (Yao hay Miền), Thái đen, Shan và một ít người gốc Tây Tạng - Miến Điện, sống tại các khu vực cô lập của Lào. Các bộ lạc vùng cao với một di sản ngôn ngữ sắc tộc hỗn hợp ở phía bắc của Lào. Họ được biết đến như là người Lào Sủng hay người Lào vùng cao. Các vùng núi ở trung tâm và miền nam là nơi sinh sống của các bộ tộc thuộc sắc tộc Môn-Khmer, được gọi là người Lao Thơng.
Tôn giáo chính là Phật giáo nguyên thuỷ (chiếm 85% dân số), cùng với những điểm chung của thờ cúng linh vật trong các bộ tộc miền núi là sự cùng tồn tại một cách hòa bình của thờ cúng tinh thần. Có một số ít người theo đạo Kitôđạo Hồi.
Ngôn ngữ chính thức và chi phối là tiếng Lào, một kiểu phát âm của thuộc nhóm ngôn ngữ Thái. Người Lào vùng trung và cao nguyên nói tiếng của bộ tộc mình.
Về địa lý hành chính, Lào có 16 tỉnh, 1 thành phố. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Lào là Viêng Chăn, các thành phố lớn khác là: Louang Phrabang, SavannakhetPakse.
Lào áp dụng một hệ thống hành chính bốn cấp gồm cấp trung ương và ba cấp địa phương. Cấp địa phương cao nhất là tỉnh có 17 đơn vị. Cấp địa phương thấp hơn là các quận, huyện, thị xã. Cấp địa phương thấp nhất là các xã.
Lào xây dựng và phát triển chế độ Dân chủ Nhân dân, tạo tiền đề để từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào. Quốc hội do dân bầu, nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia; Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu, hiện Chính phủ Lào có 14 Bộ và 2 cơ quan ngang Bộ.
Từ Đại hội IV (1986) Đảng NDCM Lào đã đề ra đường lối đổi mới, Đại hội V (1991) tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện đường lối đổi, tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ Dân chủ Nhân dân, từng bước tiến tới mục tiêu XHCN. Đại hội VI (1996) tổng kết 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 10 năm lãnh đạo thực hiện đổi mới và đánh giá đó là thành quả lịch sử quan trọng. Đại hội VII (2001) đã triển khai đường lối đổi mới thành chiến lược phát triển đất nước đến năm 2020. Đại hội VIII (3/2006) tiếp tục khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và đường lối đổi mới để phát triển đất nước vững chắc hơn, đưa Lào ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho “công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hướng tới chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế trong những năm gần đây có nhiều tiến bộ với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội do các kỳ đại hội Đảng nhân dân cách mạng Lào đề ra. Các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2001-2005 và dự kiến 5 năm 2006-2010 đều đạt kế hoạch, nhất là về sản xuất lương thực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, phát triển hàng hóa, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực.
Về kinh tế đối ngoại, đến cuối năm 2005, Lào có quan hệ thương mại với 50 nước, ký hiệp định thương mại với 19 nước, 35 nước đã dành cho Lào hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Kim ngạch buôn bán hai chiều hàng năm đạt trên 01 tỷ USD triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản và hàng nguyên vật liệu.
Về an ninh, quốc phòng, nhìn chung, tình hình an ninh, chính trị cơ bản ổn định, trật tự xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, bọn phản động Lào lưu vong vẫn tiếp tục hoạt động phá hoại;  các nước phương Tây còn lợi dụng các vấn đề nhân quyền, dân tộc để gây chia rẽ dân tộc. 
Tóm lại, Lào là một quốc gia có địa hình chia cắt mạnh, nhiều sông suối có độ dốc cao thuận lợi cho khai thác và xây dựng các nhà máy thủy điện, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và sinh hoạt; có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử; nằm ở đầu mối giao thông thuận lợi với các nước Đông Nam á và Trung Quốc... Lào còn có những tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa dân tộc rất lớn. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần tạo ra tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế Lào.
MỤC 2: MỘT SỐ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DÀI HẠN CỦA NƯỚC CHDCND LÀO
1. Tiềm năng về nước và thuỷ điện
Nước CHDCND Lào có tiềm năng về nước và thuỷ điện hết sức to lớn vì Lào có mạng lưới sông ngòi khá lớn và phân bố tương đối đồng đều. Đặc biệt các sông của Lào phần lớn đều là sông có trữ lượng nước cao, lắm thác, nhiều ghềnh, có khả năng tạo nguồn năng lượng rất lớn. Do đó Lào có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển cả thuỷ lợi và thuỷ điện.
Tiềm năng to lớn về nước và thuỷ điện của Lào tập trung trước hết ở sông Mê Kông; đây là dòng sông dài nhất châu Á (4350 km), bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), chảy qua Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra biển Đông. Nét đặc trưng là sông Mê Kông hầu như chạy dọc từ tận cực Bắc xuống tận cực Nam Lào với độ dài tới 1898 km; trong quá trình chạy đó, có rất nhiều phụ lưu nối vào sông. Có 14 phụ lưu lớn chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.
Đối với nước CHDCND Lào, sông Mê Kông vừa là đường giao thông thuỷ huyết mạch từ Bắc và Nam và ngược lại, vừa làm trung tâm phát triển thuỷ lợi và thuỷ điện. Điều tra khảo sát cho thấy có tới 60% nuớc sông Mekong được tạo thành từ Lào. Hàng năm sông Mê Kông đổ ra biển Đông một lượng nước khổng lồ tới hơn 400 tỷ m3. Trữ lượng thuỷ điện vào khoảng 60 nghìn MW; trong đó riêng trên lãnh thổ nước CHDCND Lào, trữ lượng thuỷ điện chiếm trên 30% (khoảng 20 nghìn MW). Do vậy, hàng năm Lào có thể sản xuất năng lượng điện từ sông Mê Kông tới trên dưới 100 tỷ KWh/năm, gần gấp đôi sản lượng điện hiện nay của cả nước ta.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất điện hiện nay của Lào chỉ khoảng 1500 megawatt, trong số đó 60% để xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan. Trong tương lai, Lào sẽ tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp điện để nâng tổng năng lực sản xuất điện lên 2.700 megawatt vào cuối năm 2010. Chừng 75% điện sản xuất ra sẽ xuất khẩu đến các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Do chỉ có nguồn tài chính có hạn, chính phủ Lào dự định tạo thêm nhiều cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Với các chính sách của chính phủ Lào, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp điện Lào sẽ tăng nhanh hơn để cung cấp điện năng cho việc phát triển kinh tế trong vùng Đông Nam Á.
Như vậy tiềm năng thuỷ lợi và thuỷ điện của Lào rất lớn; đáng nói là nguồn lợi này hầu như chưa được khai thác. Do đó, đây sẽ là nguồn lực quan trọng để Lào đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ta.
2. Tiềm năng về đất và rừng
Như đã mô tả trong phần trên, lãnh thổ nước CHDCND Lào khá lớn, tương đương với 71,8% diện tích nước ta, trong khi dân số Lào chỉ bằng 68,5% dân số nước ta. Do vậy, mật độ dân số của Lào rất thấp.
Mặt khác, địa hình của Lào rất đa dạng để có thể phát triển rất nhiều ngành kinh tế. Vùng đồng bằng có diện tích khoảng 4,8 triệu ha, chiếm khoảng 20% diện tích đất tự nhiên, đây là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp. Những cánh đồng lớn có thể là vựa lúa của Lào là:
(i) Cánh đồng Champaxac có diện tích khoảng 1 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 122,5 nghìn ha, chiếm 12%. Đây là vựa lúa thứ hai của Lào.
(ii) Cánh đồng Savanakhẹt có diện tích 900 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 120 nghìn ha, chiếm 13,3%. Đây là vùng rất giàu tiềm năng để phát triển các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.
(iii) Cánh đồng Sêbangphay có diện tích khoảng 500 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 40-50 nghìn ha.
(iv) Cánh đồng Viêng Chăn có diện tích 460 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 110-120 nghìn ha. Đây là vựa lúa thứ hai của Lào.
Vùng địa hình cao nguyên và trung du có diện tích khoảng 11,8 triệu ha, chiếm xấp xỉ 50% tổng diện tích đất tự nhiên của Lào. Đặc điểm nổi bật của các cao nguyên này là đất đai rất màu mỡ. Đây là vùng rất thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp và phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Một số cao nguyên lớn của Lào là:
(i) Cao nguyên Boloven nằm ở Nam Lào có diện tích khoảng 360 nghìn ha;
(ii) Cao nguyên Nakai nằm ở Trung Lào có diện tích khoảng 210 nghìn ha;
(iii) Cao nguyên Mường Phuôn nằm ở Bắc Lào có diện tích khoảng 200 nghìn ha;
Ngoài ra, Lào còn có khoảng 7,1 triệu ha đất đồi núi cao (cao trên 1000 mét so với mực nước biển), chiếm khoảng 30% diện tích đất tự nhiên. Đây là vùng rất thích hợp để phát triển rừng.
Theo số liệu của Ngân hàng phát triển châu Á, tỷ lệ diện tích đất tự nhiên có thể sử dụng vào mục đích nông nghiệp của Lào đã tăng từ 7,2% năm 1990 lên 7,4% năm 1995 và 8,5% năm 2005; trong đó tỷ lệ diện tích đất đã sử dụng để trồng trọt, chăn nuôi (kể cả đồng cỏ) tăng từ 3,5% năm 1990 lên 3,6% năm 1995 và 4,3% năm 2005. Như vậy, còn khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp của Lào vẫn chưa được khai thác, sử dụng[1].
Như vậy, tài nguyên đất của Lào rất phong phú, đa dạng về rừng, có nhiều cao nguyên đất đai màu mỡ, thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cà-phê, bông, chuối và các hoa màu khác; có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, chế biến nông - lâm sản, thủy điện...
3. Tiềm năng về khoáng sản
Theo các thăm dò bước đầu, trữ lượng khoáng sản tại Lào khá phong phú và được trải rộng trên khắp các vùng của cả nước. Một số loại khoáng sản có trữ lượng khá cao tại Lào là than đá, sắt, kẽm, thiếc, muối mỏ, thạch cao, đá quý, đồng, chì kẽm, quặng bạc, vàng, pyrit, cát thuỷ tinh... Mới chỉ có một số ít khoáng sản được thăm dò, thống kê và được khai thác với quy mô rất khiêm tốn... Hiện nay công tác điều tra, đánh giá trữ lượng vẫn đang được tiến hành.
Thông tin về khoáng sản của Lào khá nhiều song độ tin cậy chưa cao; do đó cần sớm có sự nghiên cứu địa chất chi tiết hơn để có thể xác định chính xác vị trí các mỏ khoáng sản cũng như bảo đảm cho sự khai thác với sản lượng thương mại. Việc khai thác quặng dầu mỏ tiềm tàng cũng đang được thực hiện.
Gần đây, vào chiều ngày 7 tháng 4 năm 2008, tại Thủ đô Viên Chăn nước CHDCND Lào, đã diễn ra Lễ bàn giao Báo cáo kết quả Đề án "Điều tra khoáng sản và lập bản đồ địa chất vùng Bắc Lào tỉ lệ 1:200.000".
Đề án được tiến hành trong khuôn khổ của Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CHDCND Lào do Liên đoàn Intergeo (Cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) thực hiện từ năm 2001 đến năm 2007, với tổng kinh phí là 17 tỷ VND bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam.
Đề án đã hoàn thành và đạt kết quả tốt ở các mục tiêu, nhiệm vụ về địa chất và khoáng sản đặt ra: đã thành lập được bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 theo hệ thống Quốc gia trên diện tích 60.000 km2. Đây là lần đầu tiên đã tiến hành phân chia ra các phân vị địa chất đặc trưng cho vùng, giúp cho việc liên hệ đối sánh địa tầng với các vùng lân cận và trong khu vực.  Đề án được tiến hành trên một diện tích rộng lớn, công tác nghiên cứu địa chất chủ yếu sử dụng phương pháp viễn thám.
Bản đồ địa chất này là kết quả điều tra cơ bản có ý nghĩa quan trọng để hiểu biết khái quát về cấu tạo phần trên của vỏ trái đất thuộc vùng Bắc Lào, là cơ sở để điều tra phát hiện, dự báo quy luật phân bố khoáng sản và cũng là tài liệu phục vụ cho các ngành kinh tế khác; điều tra các khoáng sản ở nhiều mức độ khác nhau; lập hồ sơ cho 158 tụ điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản, trong đó có 117 tụ điểm khoáng sản mới được phát hiện. Trên cơ sở các kết quả điều tra khoáng sản đề xuất một số diện tích có triển vọng cần được tiếp tục điều tra chi tiết hơn.
Qua kết quả của Đề án có thể khẳng định được một số khoáng sản có tiềm năng lớn trên vùng điều tra như: đồng, sắt, than nâu, nguyên liệu làm xi măng... Thành quả của Đề án "Điều tra khoáng sản và lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:200.000 vùng Bắc Lào" góp phần thúc đẩy việc đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội cho các tỉnh còn nhiều khó khăn ở Bắc Lào nói riêng và CNDCND Lào nói chung.
4. Tiềm năng về du lịch – dịch vụ
Lào là nước có nguồn tài nguyên về du lịch rất đa dạng, phong phú, gồm tài nguyên du lịch tự nhiên, sinh thái và tài nguyên du lịch nhân văn.
Du lịch Lào được chia làm 7 vùng chính: Viêng Chăn, Xiengkhoang, Luang Phabang, Thakhek, Savanakhet, Pakse và Champasak. Các vùng này đều có nhiều di tích lịch sử khảo cổ.
Tổng cộng Lào có hơn 1.400 ngôi chùa, trong đó có một số chùa rất nổi tiếng và có cảnh quan đẹp như That LuổngChùa Phra Keo, Chùa Ông Tự, Chùa Sí Mương, Chùa Sisaket... Đặc biệt, Vườn Phật Suốn Xiêng Khuôn (tục gọi là Suốn Phụt tức Vườn Chư Phật) là quần thể gồm hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại rất đẹp. Vườn Phật Suốn Xiêng Khuôn nằm trong vùng Thà-Dừa, cách Viêng Chăn khoảng 25 km, gần cầu Hữu nghị Lào-Thái.
Ngoài chùa chiền nổi tiếng, Lào còn có rất nhiều hang động đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, các sông hồ và suối nước khoáng với cảnh đẹp hoang sơ có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách du lịch.
Ở Vientiane có đài Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh), sau 1975 được đổi tên thành Khải Hoàn Môn (Patuxay). Khải Hoàn Môn toạ lạc giữa bùng binh gianh giới các phố Vientiane với khu vực That Luang. Đài Anou Savary được tạo dựng từ 1958, phần dưới và ngoài mô phỏng theo đài Arc de Triumphe tại Paris, phần trên và trong gồm những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary ta có thể thấy toàn diện cảnh quan Vientiane.
Con đường huyết mạch ở thủ đô Viêng Chăn, đường Sí Mương-Samsenthay, là tuyến kinh doanh sầm uất trù phú với dấu ấn kiến trúc của Pháp chạy xuyên suốt từ khu That Khao lên trung tâm Ô - ĐiênSengLao, ra đến vùng Si Khay – Wattay, rồi đột ngột ngừng lại, nhường cho kiến trúc cổ truyền Lào là nhà sàn, tạo nên một cảnh quan rất hấp dẫn.
Thủ đô Viêng Chăn nằm thoai thoải ven sông Mê Kông. Bên kia là tỉnh Nong Khai (Thái Lan). Tại khúc sông này, năm 1994 chính phủ Ôxtraylia đã tài trợ xây chiếc Cầu Hữu Nghị Lào - Thái (Lao - Thai Friendship Bridge) dài 1240m. Chính nhờ chiếc cầu này đã ra mở ra hướng phát triển mới cho du lịch 2 nuớc, kết nối hành lang Đông – Tây và mở ra sự phát triển cho ngành du lịch của cả 3 nước Đông Dương.
Bờ sông thủ đô Viêng Chăn rất đẹp, hấp dẫn khách du lịch song chưa được khai thác đúng mức, chủ yếu mới ở mặt hàng ăn, quán cóc. Quán cóc ven bờ sông Viêng Chăn rất đa dạng về thực phẩm, với nhiều món ăn ngon và lạ miệng.
Các di sản văn hoá lớn của Lào là thành phố Luông Prabang (di sản văn hóa thế giới) và Cánh đồng Chum (ở Xiêng Khoảng). Đây là những địa danh rất hấp dẫn khách du lịch.
Đặc biệt, Champasak có thế mạnh về du lịch như di sản văn hóa thế giới Wat Phou, thác Khone Pha Pheng là thác nước lớn nhất Đông Nam á, các đền đài cổ kính mang đậm màu sắc kiến trúc Angkor, Khu bảo tồn rừng Dong Hua Sao...
Tóm lại, tiềm năng phát triển dài hạn của nước CHDCND Lào rất lớn. Rừng chiếm 70% tổng diện tích đất nước Lào với trữ lượng gỗ quý rất lớn, tạo điều kiện rất thuận lợi cho công nghiệp chế biến gỗ. Ngoài ra, Lào còn có thế mạnh lớn về thuỷ điện, khoáng sản, đất đai, môi trường; khu vực dịch vụ đặc biệt là vận tải, du lịch, khách sạn, tài chính, ngân hàng cũng có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ. Đáng nhấn mạnh là hầu hết các tiềm năng trên của Lào đều chưa được khai thác. Chính phủ Lào hiện cũng đang nỗ lực không ngừng trong công cuộc cải cách hành chính, đảm bảo môi trường chính trị, pháp lý, kinh tế tài chính ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó trong tương lai, sẽ tạo điều kiện rât thuận lợi cho sự phát triển của Lào.
MỤC 3: MỘT SỐ KHÓ KHĂN ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỚI TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DÀI HẠN CỦA NƯỚC CHDCND LÀO
Mặc dù có nhiều thuận lợi, song địa hình hiểm trở, chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt... cũng là khó khăn lớn nhất và mang tính dài hạn trong quá trình phát triển kinh tế Lào. Lào không có biển, giao thông đường thuỷ nội địa khó khăn, cơ sở hạ tầng của Lào tuy được tăng cường song còn yếu kém, không đồng bộ, nhất là về giao thông, điện, thông tin liên lạc, xa các trung tâm kinh tế lớn, các trung tâm tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á nên điều kiện, lợi thế để phát triển kinh tế hàng hoá gặp nhiều khó khăn; sức hút đối với các nhà đầu tư hạn chế.
Trong thời gian dài kinh tế phát triển chậm so với các nước trong khu vực và thế giới; tính ổn định của nền kinh tế chưa cao; phát triển không đều giữa các vùng, giữa các bộ tộc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chưa vững chắc, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh kém; thiếu công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của đất nước mình. Tỷ lệ đói nghèo còn cao, tỷ trọng thu ngân sách trên địa bàn để cân đối nhu cầu chi đạt rất thấp, vốn đầu tư hạn hẹp không đủ điều kiện và nguồn lực để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh.
Trình độ dân trí thấp và không đều giữa các vùng, giữa các bộ tộc, nhất là trình độ về sản xuất hàng hóa, về tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, về kỹ năng sản xuất... Đội ngũ cán bộ yếu và thiếu cả số lượng và chất lượng. Thực trạng cán bộ còn nhiều mặt yếu kém về trình độ, năng lực, nhất là về trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Thiếu cán bộ quản lý, chuyên gia, các nhà doanh nghiệp giỏi ở các ngành, các lĩnh vực.
Biên giới dài, địa hình hiểm trở, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Lào trên nhiều mặt; nên Lào còn tiểm ẩn những nhân tố phức tạp, đòi hỏi phải dành một nguồn lực quan trọng cho công tác bảo vệ quốc phòng- an ninh.



[1] Đối vi Vit Nam, t l din tích đất t nhiên có th s dng vào mc đích nông nghip đã tăng t 20,7% năm 1990 lên 21,7% năm 1995 và 29,5% năm 2005; trong đó t l din tích đất đã s dng để trng trt, chăn nuôi (k c đồng c) tăng t 16,4% năm 1990 lên 16,6% năm 1995 và 20,3% năm 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét