Tại sao cần dự trữ ngoại tệ?
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trên nguyên tắc, người ta cần có ngoại tệ – đơn vị tiền tệ của xứ khác – để giải quyết nhu cầu mua bán. Mua là nhập cảng, bán là xuất cảng. Bán hàng rồi là thu về ngoại tệ của xứ mua hàng và khi mua hàng thì phải thanh toán bằng ngoại tệ của nước bán hàng. Trong một chu kỳ giao dịch – một tháng hay một năm – để giải quyết nhu cầu thanh toán, người ta cần có sẵn một số dự trữ ngoại tệ, nhiều hay ít thì tùy khối lượng giao dịch. Mua bán nhiều làm chênh lệch giữa xuất và nhập cảng càng cao thì càng phải có nhiều dự trữ hơn. Câu hỏi nôm na dễ hiểu là “có đủ dự trữ cho bao nhiêu tuần nhập cảng?” Thời gian càng ngắn thì mức dự trữ này coi là càng ít.
Trong vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, nhiều quốc gia vẫn cho rằng Hoa Kỳ là thủ phạm.
Sau vụ khủng hoảng, khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm, Hoa Kỳ lại là thủ phạm lần nữa vì các biện pháp kích thích kinh tế làm Mỹ kim sụt giá khiến các nước càng khó xuất cảng để kéo kinh tế ra khỏi hố suy sụp. Những tính toán về ngoại giao chính trị còn khiến một số quốc gia đề nghị hoặc vận động việc thay thế Mỹ kim như một ngoại tệ dự trữ. Người ta nói đến “ngày tàn của Mỹ kim” như một chỉ dấu về sự suy tàn của đệ nhất siêu cường….
Ngần ấy lý luận chỉ là một phần của sự thật, nên chưa là sự thật.
Khủng hoảng tài chánh có bùng nổ tại Hoa Kỳ, nhưng vì những chứng tật cũng đã có tại nhiều nước khác: bong bóng trên thị trường gia cư khiến nhà cửa lên giá, khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp khiến hệ thống tài chánh ngân hàng vỡ nợ, v.v… Nước Mỹ không giữ độc quyền bất cẩn.
Khi khủng hoảng tài chánh bùng nổ ngay giữa một chu kỳ suy trầm - recession - khởi sự từ cuối năm 2007, ngân hàng trung ương Mỹ đã cắt lãi suất tới số không mà chưa thấy công hiệu thì in tiền để bơm vào kinh tế, gọi là quantitative easing (nâng mức lưu hoạt có định lượng). Mỹ kim vì vậy xuống giá.
Nhưng sau đó, Chính quyền Barack Obama lại còn tăng chi ào ạt, tiếng là để cứu nguy kinh tế mà thực chất là để cải tạo xã hội. Vì vậy, bội chi ngân sách và gánh nặng công trái lên tới mức kỷ lục mới càng đánh sụt giá đô la.
Khi Mỹ kim mất giá thì hàng Mỹ có rẻ hơn thật, nên Hoa Kỳ có thể gia tăng xuất cảng.
Nhưng mặt trái của sự việc là hàng nhập cảng cũng thành đắt hơn, được tiêu thụ ít hơn. Kết quả là nhờ đó mà cải thiện được cán cân ngoại thương – là xuất cảng nhiều hơn và nhập cảng ít đi, từ đó giảm số nhập siêu và quân bình lại cán cân chi phó (chi thu bằng ngoại tệ). Tiến trình điều chỉnh cần thiết ấy tất nhiên là gây dao động cho nước khác, khi họ cũng cần xuất cảng nhiều hơn và nhập cảng ít hơn… Nhiều nước bị khốn đốn vì dự trữ ngoại tệ của mình hao hụt do bị nhập siêu.
***
Tuy nhiên, những biến động hối đoái ấy dẫn tới câu hỏi về chức năng của khối dự trữ ngoại tệ.
Trên nguyên tắc, người ta cần có ngoại tệ – đơn vị tiền tệ của xứ khác – để giải quyết nhu cầu mua bán. Mua là nhập cảng, bán là xuất cảng. Bán hàng rồi là thu về ngoại tệ của xứ mua hàng và khi mua hàng thì phải thanh toán bằng ngoại tệ của nước bán hàng. Trong một chu kỳ giao dịch – một tháng hay một năm – để giải quyết nhu cầu thanh toán, người ta cần có sẵn một số dự trữ ngoại tệ, nhiều hay ít thì tùy khối lượng giao dịch. Mua bán nhiều làm chênh lệch giữa xuất và nhập cảng càng cao thì càng phải có nhiều dự trữ hơn. Câu hỏi nôm na dễ hiểu là “có đủ dự trữ cho bao nhiêu tuần nhập cảng?” Thời gian càng ngắn thì mức dự trữ này coi là càng ít.
Khi mua nhiều hơn bán thì người ta cần khối dự trữ cao hơn để thỏa mãn nhu cầu thanh toán. Và vì thị trường Hoa Kỳ mua nhiều hàng hóa nhất của thế giới, dự trữ của các xứ khác thường có một tỷ trọng Mỹ kim rất cao và hối suất đồng bạc được tính bằng Mỹ kim, là quy luật phổ biến.
Chuyện thứ hai là ấn định hối suất đồng bạc ấy như thế nào?
***
Hối suất là tỷ giá hối đoái trao đổi giữa đồng nội tệ của quốc gia với đồng ngoại tệ mà xứ này sử dụng nhiều nhất trong việc mua bán.
Khi ấn định hối suất thấp – cần ít tiền hơn để có một đơn vị ngoại tệ – thì hàng hoá của mình bán ra sẽ rẻ hơn và hàng nhập cảng sẽ đắt hơn. Trong nhiều thập niên, các quốc gia đều theo chế độ cố định có điều tiết, là ấn định hối suất cố định theo hướng có lợi nhất cho việc mua bán, nhưng vẫn điều chỉnh một cách tiệm tiến để phản ảnh thực tế cung cầu của việc mua bán ấy. Trên lý thuyết thì về dài chế độ hối đoái ấy – giàng giá đồng bạc vào một ngoại tệ, nhưng vẫn điều chỉnh – có thể quân bình được lượng hàng mua vào và bán ra.
Nhưng người ta không quên rằng đồng ngoại tệ ấy cũng là một tài sản, tương tự như một cổ phiếu, một trái phiếu – giấy nợ – hay một khối hàng hóa, v.v… Loài người vốn là sinh vật biết suy nghĩ và phản ứng sao cho có lợi nhất nên còn muốn loại tài sản này không mất giá hoặc còn lên giá, nghĩa là mua đi bán lại sao cho có lời. Nhiều chính quyền nghĩ rằng ấn định hối suất thấp thì có lợi cho ngoại thương (dễ xuất cảng và khó nhập cảng). Trong khi ấy, thị trường cũng tính toán và phản ứng theo chiều hướng đó, là khai thác sự sai biệt trên thị trường hối đoái này….
Chừng hai chục năm trở lại đây, các nước dần dần bãi bỏ chế độ hối đoái cố định mà thả nổi đồng bạc, là để thị trường quyết định về hối suất theo quy luật cung cầu. Nếu xứ này bán nhiều hơn mua thì giá trị đồng bạc tự nhiên phải tăng so với một đồng bạc khác, và ngược lại.
Chế độ hối đoái tự do dẫn tới hối suất tự do và trên nguyên tắc – tức là cũng sẽ sai trong thực tế – hối suất sẽ tự điều chỉnh để quân bình lại việc mua bán. Mua nhiều quá thì hối suất sụt nên sẽ giúp cho việc bán hàng dễ dàng hơn và giảm dần khả năng nhập cảng để đi tới cân bằng ngoại thương. Trong thực tế, việc điều chỉnh ấy không tiệm tiến và nhẹ nhàng mà gây nhiều biến động khiến các quốc gia phải có một khối dự trữ ngoại tệ lớn hơn nhu cầu thanh toán việc mua bán.
Khi ấy, tức là chừng một chục năm về trước, một hiện tượng song hành đã xảy ra.
***
Vì biến động trên thị trường hối đoái, thì muốn giữ giá nội tệ cho thấp, quốc gia phải bán ra số ngoại tệ dự trữ của mình. Và có khi bị khủng hoảng vì hao hụt dự trữ, là trường hợp Thái Lan ngày hai tháng Bảy năm 1997. Vụ khủng hoảng hối đoái ấy dẫn tới khủng hoảng kinh tế cho toàn cõi Đông Á, lan qua Nga, qua Brazil và dội về Hoa Kỳ.
Sau vụ khủng hoảng 1997-1998, các nước đều rút tỉa kinh nghiệm nên cố giữ một khối dự trữ thật lớn nếu so với nhu cầu ngoại thương của mình. Thái Lan nay có dự trữ tính ra Mỹ kim thì bằng 100 tỷ, Nam Hàn 200 tỷ, Đài Loan 300 tỷ và Trung Quốc hơn hai ngàn tỷ…
Thế thì họ làm gì với khối dự trữ ấy khi mà nhu cầu thanh toán cho ngoại thương thật ra không lớn như vậy? Họ dùng ngoại tệ ấy để đầu tư, và dự trữ ngoại tệ trở thành quỹ đầu tư.
Nhu cầu đầu tư – mua cái gì, ở đâu, thì có lợi nhất an toàn nhất? – mới quyết định về tỷ phần ngoại tệ trong khối dự trữ này. Nếu đầu tư vào Mỹ có lợi hơn vào Âu châu hay Nhật Bản thì tỷ trọng Mỹ kim trong quỹ đầu tư này cao hơn so với đồng Euro hay đồng Yen.
Đó là trào lưu chung của thế giới và cuộc tranh luận về tương lai đồng Mỹ kim không làm sáng tỏ vấn đề nếu không vạch ra một sự thật mới: khối dự trữ ngoại tệ không chì là quỹ bình ổn hối đoái mà còn là quỹ đầu tư. Và tính toán về đầu tư – hơn là ngoại thương – mới quyết định về cơ cấu các loại ngoại tệ trong khối dự trữ này.
Ngoại lệ là… Việt Nam vì không theo kịp cách suy nghĩ và phản ứng của thị trường khi ấn định hối suất so với đồng Mỹ kim theo lối chủ quan duy ý chí và bị thị trường đánh ngược. Dự trữ ngoại tệ đã hao hụt vì nhập nhiều hơn xuất lại càng hao hụt vì phản ứng đầu cơ của thị trường, cả nội địa lẫn quốc tế. Từ 23 tỷ Mỹ kim nay thành quá mỏng so với nhu cầu nhập cảng quá lớn. Một vụ khủng hoảng hối đoái vì vậy sẽ rất dễ xảy ra trong những năm tới.
Nguồn: Dainamax Magazine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét