Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Kinh tế vĩ mô: Bắt đầu thời kỳ chặt chẽ

Kinh tế vĩ mô: Bắt đầu thời kỳ chặt chẽ





Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành mổ xẻ những thông điệp của Chính phủ và thị trường về ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian gần đây.


Nghị quyết 11 tôi cho là rất kịp thời. Nghị quyết gồm 7 mục, và không mới so với 8 giải pháp năm 2008. Cái mới ở đây là chưa bao giờ chúng ta có thông điệp chính sách mạnh mẽ đến như thế về ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu xem kỹ thì không có một từ tăng trưởng nào trong Nghị quyết. Thông điệp mạnh mẽ, không lẫn lộn. Thứ hai, chính sách tiền tệ và công cụ lãi suất trước hết để chống lạm phát. Cái mới là Ngân hàng Nhà nước đang xem xét Nghị định giảm vàng hóa, giảm đô la hóa để giảm áp lực trên thị trường ngoại hối, tăng dần tính hấp dẫn của tiền đồng.
Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 11, nơi bắt tay vào làm mạnh nhất là Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất rõ ràng là thắt chặt, tăng rất mạnh. Đối với đầu tư công, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cứ 15 ngày báo cáo một lần cho đến khi tình hình gần yên ổn thì mới giãn thời hạn báo cáo. Chỉ đạo rất quyết liệt.
Quan trọng nhất là cái nhìn của thị trường
Các định chế tài chính nước ngoài đánh giá tương đối tích cực về Nghị quyết 11 ở hai điểm: 1) Việc thắt chặt, hay giảm tổng cầu là đúng; 2) Thông điệp của Việt Nam lần này rõ ràng hơn, không lấn cấn giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Chuyện đánh giá của nước ngoài không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả con số trên thị trường tài chính quốc tế. CDS (hiểu như phí bảo hiểm để mua trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế) mà cao thì họ đánh giá rủi ro của ta lớn, và ngược lại. Cách đây 1,5 năm, chỉ số này của Việt Nam ngang bằng Philippines và Indonesia. Bây giờ chỉ số của ta trên 300 mà của hai nước này chỉ khoảng 130, tức tình hình chúng ta xấu hơn rất nhiều. Nhưng vài tuần lại đây, chỉ số này của ta đang có chiều hướng đi xuống, dù đang ở mức rất cao. Song nếu xét về mặt xu hướng thì đó là tín hiệu tốt hơn.

Trong 8 năm qua Việt Nam là một trong những nước
có tốc độ tăng tín dụng cao nhất trên thế giới, trung bình 33%/năm

Đối với trong nước, có hai yếu tố cảm nhận rõ ràng nhất. Báo chí và doanh nghiệp đều cảm thấy lần này Chính phủ nói và làm thật, chứ không phải nói chơi, không phải chỉ vài tháng nữa lại nới đâu (nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ - PV) . Một cảm nhận nữa là, tôi thấy hầu hết những người gọi điện cho tôi bảo có 100 triệu đồng thì giữ tiền đồng hay USD. Cách đây 3 tháng, người ta không hỏi tôi mà đi mua đô la hay vàng ngay. Sự đắn đo, băn khoăn xuất hiện, nghĩa là tiền đồng quý hơn, cho dù giá cả vẫn còn tăng mạnh và còn nhiều bất định phía trước. Theo tôi, có hai điều chúng ta kỳ vọng. Nếu chúng ta thực hiện triệt để, cương quyết, và không có các cú sốc quá lớn từ bên ngoài thì cũng phải vào cuối quý 3, đầu quý 4 thì tình hình mới ổn định trở lại. Lạm phát theo năm vẫn sẽ còn tăng, dự báo còn tăng trên 15% trong vài tháng nữa cho đến trước khi nó có thể ổn định và bắt đầu đi xuống. Lúc đó lòng tin mới quay trở lại.
Về triển vọng cả năm nay, các dự báo nước ngoài cho rằng, họ kỳ vọng lạm phát theo năm sẽ cao quanh mức 10-11%. Nhưng có điều tốt lành, các dự báo đều cho rằng, năm 2012 tăng trưởng của Việt Nam sẽ trên 7%, còn lạm phát sẽ xuống dưới 6-7%.
Hai tuần sau khi có Nghị quyết 11, Bộ Chính trị cũng có kết luận. Tinh thần chung là ổn định kinh tế vĩ mô không phải là năm nay mà là cả năm sau và sau nữa, và là nền tảng để Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế, không phải tăng trưởng chỉ dựa vào tiền, vào đầu tư. Đằng sau tinh thần ấy là việc chúng ta sẽ bắt đầu chuyển từ thời kỳ một nền kinh tế tiêu dùng và đầu tư dựa vào đồng tiền dễ dãi sang một nền kinh tế dựa vào đồng tiền chặt chẽ hơn.
Nguồn cội của bất ổn
Thực chất của bất ổn kinh tế vĩ mô trong 4 năm qua có nhiều nguyên nhân. Về phía bên ngoài, chúng ta chưa lường hết được quy mô tác động của nó, ví dụ luồng vốn vào Việt Nam ồ ạt năm 2007, thâm hụt cán cân thương mại, cán cân vãng lai cao, các cú sốc giá lớn từ bên ngoài. Về phía bên trong, so với các nước xung quanh, công tác chuẩn bị, đối phó của chúng ta còn nhiều bất cập, thậm chí sai lầm. Một trong những bất cập nhất là lựa chọn chính sách của ta thiên vị quá nhiều cho tăng trưởng, như bà Victoria Kwakwa Giám đốc của WB đã nói. Trong rất nhiều năm, tăng trưởng của chúng ta dựa vào tăng lượng vốn đầu tư, tăng cung tín dụng. Vốn đầu tư ngân sách trong rất nhiều năm chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong khi đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 41-42% GDP. Bên cạnh đó, trong 8 năm qua Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng tín dụng cao nhất trên thế giới, trung bình 33%/năm. Nếu tính lũy tiến thì đầu 2003 tổng tín dụng là 1 đồng thì cuối 2010 tổng tín dụng là 9,6 đồng, tăng gần 10 lần, một mức tăng cực kỳ cao. Đó là nguyên nhân vì sao bất ổn vĩ mô tăng cao, lạm phát tăng cao so với tất cả các bạn hàng của chúng ta, những nước cũng chịu tác động bên ngoài na ná như Việt Nam, và kinh tế họ cũng rất mở.
Đó là một trong những sai lầm, mà theo tôi cũng dễ hiểu. Việt Nam là nước nghèo, muốn phát triển nhanh để cải thiện đời sống. Trong khi đó, tăng trưởng lại là thước đo thành công, từ trung ương đến địa phương. Vấn đề đáng lo nữa nữa gắn với rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt là ở các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ nợ xấu đang gia tăng. Khi bức tranh kiểm toán khu vực doanh nghiệp nhà nước được bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì nguy cơ tăng nợ xấu là rất rõ. Con số nợ xấu là 2,5% tổng dư nợ, và nếu gộp cả khoản vay của Vinashin với các ngân hàng thương mại trong nước thì lên tới 3,5%, theo cách tính của Việt Nam. Còn cách tính của nước ngoài thì cao hơn con số ấy 2,5-3 lần. Những con số đó nói lên tính nghiêm trọng của kinh tế vĩ mô Việt Nam.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều nghiêm trọng nhất. Điều nghiêm trọng nhất chính là ở chỗ niềm tin vào tiền đồng Việt Nam rất thấp. Niềm tin vào khả năng chúng ta có thể ổn định kinh tế vĩ mô rất thấp vì đây không phải lần đầu tiên chúng ta cam kết. Chúng ta đã cam kết nhưng làm không tốt, thậm chí thất bại.
Theo Doanh Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét