Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Cấu trúc tài chính cho phát triển: Các luồng vốn, kênh chuyển vốn và nguồn vốn ?

Bài viết cũ của tôi:

  "Cu trúc tài chính cho phát trin: Các lung vn, kênh chuyn vn và ngun vn ?"
“Development Finance Architecture:
What Flows, Channels and Pools?

5 tiêu chuẩn được đề ra để đánh giá tính hợp lý của hệ thống thể chế cung cấp tài chính cho phát triển hiện nay là: 1) Huy động, cấp đủ số vốn tài chính cần thiết (right amount of money); 2) Huy động đủ các nguồn tài chính có thể (tư nhân, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, kiều hối...) (right sources); 3) Đúng tiến độ cần thiết (right time); 4) Qua các kênh có hiệu quả nhất (right most efficient channels), tức là sử dụng đúng các công cụ và cơ chế cần thiết; 5) Nhằm vào các mục tiêu chính sách có hiệu quả nhất hoặc được mong đợi nhất (right most efficient or most desirable policy goals). 5 tiêu chuẩn được gọi tóm tắt là 5R.
Một trong nhiều giải pháp chính sách đề ra là thành lập Tổ chức Tài chính Thế giới (World Finance Organization - WFO) nhằm hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong việc tạo ra hệ thống (quốc gia và quốc tế) toàn cầu về tài chính cho hợp tác quốc tế. Thể chế này cũng giúp đỡ các nước loại bỏ các công nghệ tài chính cũ, phát triển và đưa vào áp dụng các công nghệ tài chính mới. Tổ chức này có thể được xây dựng trên cơ sở tách một số nhiệm vụ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các cơ quan cung cấp tài chính đa phương khác đang làm.

Theo giới thiệu của Bộ Ngoại giao và được sự đồng ý của Lãnh đạo, tôi đã tham dự hội thảo "Cấu trúc tài chính cho phát triển: Các luồng vốn, kênh chuyển vốn và nguồn vốn ?" do Trung tâm phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chủ trì tổ chức tại Paris trong 2 ngày 3-4/7/2006. Dưới đây là một số thông tin về hội thảo:
1) Mục tiêu hội thảo:
Mục tiêu của hội thảo là tăng cường đối thoại về tài chính cho phát triển giữa các nước OECD với các nước không thuộc khối OECD và các tổ chức phi chính phủ. Hội thảo này nằm trong chương trình chuẩn bị cho Diễn đàn phát triển toàn cầu dự kiến tổ chức vào tháng 4/2007 và nằm trong chương trình nghiên cứu 3 năm của OECD về chủ đề "Tài chính cho phát triển".
Hội thảo dự kiến tập trung thảo luận các vấn đề, thách thức đối với nhiệm vụ tài chính cho phát triển, chưa đi sâu phân tích tìm giải pháp hoặc thiết kế thể chế mới.
Đây là hội thảo đầu tiên, dự kiến sẽ còn hàng chục hội thảo khác liên quan đến rất nhiều chủ đề khác nhau trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường...
2) Đối tượng tham gia hội thảo
Vì đây là hội thảo khởi đầu với mục tiêu cụ thể là nêu rõ các vấn đề, đề ra được những thách thức lớn và các chủ đề cần nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới nên đối tượng tham gia hội thảo là các chuyên gia, đến với tư cách chuyên gia, không đại diện cho các tổ chức mà chuyên gia đang làm việc. Vì thế hội thảo này được gọi là phi chính thức (informal workshop), thậm chí rất phi chính thức (very informal workshop) như tuyên bố của bà Kiyo Akasaka, Phó Tổng thư ký tổ chức OECD, tại các phiên khai mạc và kết thúc hội thảo.
Tổng số chuyên gia tham dự khoảng 100 người, gồm 71 chuyên gia không thuộc tổ chức OECD (nhưng phần lớn chuyên gia đến từ các nước công nghiệp, chỉ có ít người đến từ các nước đang phát triển), 7 là đại diện các quốc gia tại OECD và 20 chuyên gia là cán bộ của OECD.
Chủ trì hội thảo trong cả 2 ngày là bà Kiyo Akasaka, Phó Tổng thư ký Tổ chức OECD.
Việt Nam có 1 cán bộ tham dự.
3) Nội dung chính của hội thảo:
Hội thảo tập trung thảo luận 5 chủ đề:
(1) Cấu trúc tài chính cho phát triển: Những thách thức nào đang đặt ra ?
(2) Triển vọng của các quốc gia về tài chính cho phát triển;
(3) Phối hợp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia về tài chính cho phát triển;
(4) Tìm kiếm các công cụ tài chính thích hợp và sử dụng chúng cho đúng;
(5) Đánh giá xuyên quốc gia về cải cách các thể chế phục vụ mục tiêu phát triển tài chính cho phát triển.
Vì phương thức làm việc của hội thảo là thảo luận tự do nên hầu hết các chuyên gia không chuẩn bị báo cáo chi tiết và không gửi trước, mà chỉ chuẩn bị báo cáo rất tóm tắt trên powerpoint để không quên khi trình bày.
Dưới đây là một số nội dung chính theo 5 chủ đề trên:
(1) Cấu trúc tài chính cho phát triển:
a) Vấn đề:
- Các dòng vốn tư nhân tăng nhanh và trở thành nguồn chủ yếu để tài chính cho phát triển. Chúng và các tác nhân liên quan đến chúng đã hoà nhập vào các quá trình phát triển.
- Vai trò của các quỹ tư nhân tăng lên, ví dụ quỹ Bill Gate...;
- Tuy nhiên, các nguồn vốn này và các tác nhân liên quan đến chúng vẫn bị xem nhẹ và chưa được tính đến trong nghiên cứu xây dựng các chính sách tài chính cho phát triển.
- Vốn tư nhân và vốn ODA có tác dụng bổ sung cho nhau hay thay thế nhau ? Nhiều ý kiến cho rằng nên phân tích căn cứ theo trình độ phát triển của các nước nhận vốn. Đối với nước nghèo, hai nguồn vốn này có tác dụng bổ sung cho nhau, song đối với nước đã vươn lên khá hơn thì nhiều khi hai nguồn vốn này lại thay thế nhau.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng còn tuỳ vào việc sử dụng vốn của từng nước, nếu vốn ODA được dùng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thì tốt, còn để bổ sung cho ngân sách để chi cho tiêu dùng thì lại không tốt...
- Vai trò của các dòng vốn của người lao động ở nước ngoài và kiều dân gửi về nước rất quan trọng, nhất là tại các nước mới nổi lên, song cũng chưa được chú ý trong nghiên cứu xây dựng các chính sách tài chính cho phát triển.
- Đã xuất hiện một số nhà tài trợ mới; thậm chí một số nước chưa giầu song đã tham gia tài trợ phát triển quốc tế.
- Các chính sách áp dụng tại các nước khác nhau có hiệu quả rất khác nhau.
- Viện trợ, quản lý viện trợ nên dựa theo các nhóm nước hay theo các nhóm vấn đề cụ thể ? Đa số cho rằng vẫn nên theo các nhóm nước.
- Cần nghiên cứu ảnh hưởng của ODA, FDI tới tỷ giá thực của các nước nhận viện trợ. Căn bệnh Hà Lan đã và còn có thể diễn ra tại nhiều quốc gia, khu vực; đây là căn bệnh thường gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế.
- Có ý kiến cho rằng viện trợ không có tác dụng giảm nghèo rõ rệt, kể cả viện trợ không hoàn lại.
- Về tác dụng của viện trợ tới chống sốc tại các quốc gia: Hiệu quả tốt đối với các nước quản lý tốt, song các nước này ít khi bị sốc, thường bị sốc nhẹ do chịu ảnh hưởng bởi sốc quốc tế.
Ngược lại, các các nước có nền tài chính chông chênh, hiệu quả của viện trợ tới chống sốc không đáng kể vì tiền không phải là quyết định. Vấn đề cơ bản là cơ cấu tổ chức của quốc gia, của nền kinh tế đó; do đó giải pháp chủ yếu là cần tổ chức lại nền kinh tế theo hướng tạo ra cơ cấu phát triển bền vững dài hạn.
b) Giải pháp chính sách:
- Đối với các nước nghèo: Viện trợ vẫn rất cần thiết. Thách thức chính ở các nước này là tăng cường liên kết và hài hoà các thủ tục để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn viện trợ. Ngoài ra, cần tập trung huy động các nguồn vốn tư nhân từ nước ngoài (kể cả kiều hối) để tài chính cho phát triển.
- Đối với các nước mới nổi lên: Viện trợ không còn quá quan trọng. Các nguồn tài chính khác cho phát triển đã tăng nhanh và có khả năng thay thế nguồn vốn viện trợ. Do đó, cấu trúc tài chính mới cho phát triển cần được xây dựng theo hướng bổ sung các nguồn vốn mới vào. Ngoài ra, cần tập trung chủ yếu vào khâu phối hợp giữa các tác nhân liên quan đến các dòng vốn tư nhân và các tác nhân liên quan đến các dòng vốn ODA.
- Không thể chỉ tập trung phối hợp hành động trong một nhóm các nhà tài trợ như hiện nay, nhất là không nên bó hẹp giữa các nhà tài trợ trong Uỷ ban hỗ trợ phát triển (DAC) hoặc giữa các nhà tài trợ này với các nhà tài trợ mới xuất hiện.
- Phải tăng cường phối hợp hành động giữa các nhà tài trợ và các tác nhân liên quan đến các dòng vốn tư nhân, và giữa các tác nhân liên quan đến các dòng vốn tư nhân với nhau.
- Hành động tập thể của các nhà tài trợ rất quan trọng. Ví dụ thành công là cố gắng chung của Ngân hàng Thế giới và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc để động viên sử dụng phương pháp cả gói (tiếp cận ma trận nguồn - kết quả), như:
+ Viện trợ cả gói hỗ trợ ngân sách;
+ Viện trợ cả gói hỗ trợ phát triển 1 khu vực (ví dụ giáo dục hoặc y tế);
+ Viện trợ cả gói hỗ trợ đa khu vực (ví dụ hỗ trợ phát triển thương mại - thuận lợi hoá thương mại trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha).
+ Viện trợ cả gói hỗ trợ phát triển 1 vùng (về năng lượng hoặc mạng lưới giao thông);
+ Viện trợ cả gói hỗ trợ giải quyết 1 vấn đề cụ thể (ví dụ giải quyết một loại bệnh hoặc dịch như H5N1); viện trợ khắc phục sóng thần ở một số nước châu á.
- Cần lồng ghép các chương trình (ví dụ chương trình xoá đói giảm nghèo) vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các nước nhận viện trợ.
- Cần thực hiện nhiều giải pháp để tạo ra cân đối thương mại giữa các nước giàu và nghèo.
(2) Triển vọng của các quốc gia về tài chính cho phát triển;
a) Vấn đề:
- Nhu cầu vốn đầu tư của các nước đang phát triển rất lớn, nhưng việc huy động còn rất khó khăn. Cân đối vốn cho phát triển vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn từ nước ngoài.
- Dự báo nguồn vốn sắp tới sẽ tăng nhanh hơn xu hướng cũ, song vẫn không đáp ứng yêu cầu.
- Trong những năm gần đây, các nước đang phát triển đều tập trung vào thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ thay vì chỉ hướng vào mục tiêu tăng trưởng như trong thế kỷ XX.
- Tương tự, nếu như trước kia, các nước đang phát triển đánh giá kết quả thông qua sự phát triển của khu vực xã hội thì nay đã chú ý đến nhiều khu vực hơn (thể hiện ở các mục tiêu thiên nhiên kỷ).
- Đặc biệt, các mục tiêu mang tính quốc tế hơn, giống nhau hơn chứ không chỉ mang tính riêng, đặc thù của mỗi quốc gia như trước.
- Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu còn kém, kể từ khâu nhận dạng vấn đề, sắp xếp các thứ tự ưu tiên, các chính sách phải làm và quy trình làm... đến đánh giá kết quả... đều chưa đạt yêu cầu.
- Mặt khác, việc tìm kiếm các nguồn tài chính cho phát triển (thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ) còn kém, nhất là huy động vốn tư nhân.
- Quan hệ giữa ngân sách và thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ chưa đủ chặt. Việc chi ngân sách để thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ phụ thuộc vào xu thế thu ngân sách đã hình thành trong quá khứ và các quyết định phân bổ ngân sách cho đầu tư và tiêu dùng; do đó mối quan hệ giữa chi ngân sách cho đầu tư phát triển và kết quả thực hiện các mục tiêu thiên nhiên kỷ không rõ ràng.
- Một số quan điểm phát triển dài hạn chưa rõ, dẫn tới đầu tư kém hiệu quả: Ví dụ để giải quyết các khủng hoảng về phát triển nguồn nhân lực, đáng lẽ phải tập trung vốn để cải thiện hệ thống y tế thì đã tập trung vốn vào kiểm soát một số loại bệnh cụ thể.
- Viện trợ tài chính cho các nước nghèo thường được thực hiện qua ngân sách, song hiệu quả chưa cao.
- Mỗi nhà tài trợ có một quy trình riêng làm cho việc huy động, giải ngân vốn ODA của các nước nghèo rất khó khăn.
- Các nước nghèo ít chú ý tới kiểm tra, đánh giá hiệu quả các dự án dùng tiền viện trợ, trong khi chính các nhà tài trợ lại hay lo lắng về vấn đề này.
b) Giải pháp chính sách:
- Vì cả thế giới đang phát triển hướng vào mục tiêu chung nên tài chính cho phát triển cũng nên hướng vào mục tiêu chung. Điều này thuận lợi hơn cho việc thiết kế hệ thống tài chính mới.
- Huy động tài chính phải dựa vào nguồn vốn tư nhân là chính. Để đạt mục tiêu này, cần cải thiện nhanh môi trường đầu tư. Song cách cải thiện phụ thuộc rất lớn vào đặc trưng của từng nước nên khó đưa ra phương thức chung.
- Viện trợ tài chính cho các nước nghèo cần được thực hiện qua các kênh khác ngoài ngân sách để nâng cao hiệu quả sử dụng.
- Các nhà tài trợ cần hợp tác tài trợ trong 1 chương trình chung thông qua đàm phán xây dựng một thủ tục, quy trình viện trợ giống nhau (hài hoà thủ tục).
- Các nước nghèo cần tăng cường công tác kế toán, kiểm tra, giám sát để đánh giá đúng và nâng cao hiệu quả các dự án dùng tiền viện trợ vì đây là lợi ích của chính các nước nghèo.
- Các nước nghèo cần đảm bảo tài chính cho bộ máy nhà nước thì bộ máy đó mới hoạt động có hiệu quả.
- Tăng nhanh vốn nội địa sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài, khi đó, chính sách trong nước cũng ít bị ràng buộc hơn.
- Nên tìm cách kết hợp khéo léo để khai thác khu vực tư nhân hoạt động vì lợi nhuận vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Chính phủ.
- Quốc tế nên mở một Quỹ toàn cầu có nhiệm vụ thống nhất hỗ trợ tài chính cho phát triển. Nên cử một số đoàn đi khảo sát một số nước để tìm hiểu nhu cầu, khó khăn, nguyện vọng của họ, thì việc thiết kế Quỹ sẽ tốt hơn.
- Giám đốc điều hành JBIC thông báo từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản sẽ áp dụng phương thức viện trợ khép kín (seamless aid modalities) đối với tất cả các khoản cho vay, viện trợ không hoàn lại và trợ giúp kỹ thuật...
(3) Phối hợp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia về tài chính cho phát triển
a) Vấn đề:
- Các Hội nghị các nguyên thủ quốc gia, các hội nghị quốc tế cấp ngành... đặt ra rất nhiều mục tiêu phát triển, từ các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ tới các mục tiêu cụ thể về phát triển y tế, giáo dục, xây dựng khu vực tiền tệ chung, thuế quan chung... song việc phối hợp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia về tài chính cho các mục tiêu phát triển nêu trên còn kém.
- Xem xét lại vai trò của các nhà tài trợ trong việc đề xuất các vấn đề để tăng cường phối hợp trong quá trình tài trợ. Một số câu hỏi đề ra là:
+ Ai là nhà tài trợ ? Các nhân tố mới (quỹ tư nhân, quỹ toàn cầu...) ? Động cơ của các nhà tài trợ ?
+ Tại sao cần ?
+ Các nguồn vốn tài trợ ? Nhất là các nguồn mới (kiều hối, lao động ở nước ngoài gửi tiền về, đầu tư tư nhân...).
+ Nên tài trợ vào đâu ?
+ Khi nào ?
+ Các cơ chế tài chính mới (qua ngân sách và qua các kênh khác) ?
- Một số ý kiến cho rằng viện trợ làm méo mó thị trường tài chính các nước trong khi lại không giải quyết được những vấn đề cơ bản của các nước.
- Thách thức hiện nay: Vốn đối ứng, chủ quyền quốc gia, đánh giá cao tỷ giá thực, tài chính thường dựa trên đầu ra (output), chưa dựa trên phân tích kết quả (outcome) và tác động (inpact).
b) Giải pháp chính sách:
- Cần tăng cường các nỗ lực để đạt được yêu cầu đề ra về phối hợp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia về tài chính cho các mục tiêu phát triển. Một số yêu cầu khi thiết kế hệ thống tài chính mới phục vụ mục tiêu phát triển chung là:
+ Các nước viện trợ phải tôn trọng các nước nghèo, tôn trọng phong tục, tập quán, mục tiêu, kế hoạch phát triển của họ. Các nước nghèo phải tăng cường tiếng nói để bảo vệ lợi ích của mình khi thiết kế hệ thống tài chính quốc tế mới.
+ Hệ thống tài chính mới phục vụ mục tiêu phát triển phải đồng hướng để có thể sử dụng chung tại nhiều nước nhất có thể;
+ Hài hòa, đơn giản, phổ biến để thuận lợi khi áp dụng tại các nước khác nhau, nhất là hài hoà trong xây dựng kế hoạch tài trợ, giải ngân, theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo cho Chính phủ và các nhà tài trợ.
+ Có thể đánh giá được, đo đếm được.
- Xây dựng phương thức, cơ chế phối hợp chung mới để các nguồn vốn từ nhiều nhà tài trợ khác nhau có thể:
+ Cùng hướng vào những ưu tiên của khối các nước đang phát triển, nhưng không trùng lắp;
+ Không làm méo mó các ưu tiên nói trên.
+ Hài hòa thủ tục giữa các nhà tài trợ (tất cả thì càng tốt).
- Tăng cường chia sẻ thông tin, tổ chức nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm để tiến tới cách làm chung hoặc có sự phối hợp chặt chẽ... Huy động tất cả các loại đối tác liên quan vào thảo luận, đối thoại để xây dựng các chính sách phối hợp chung có hiệu quả.
- Thảo luận chính sách không nên chỉ thực hiện với Chính phủ trung ương, địa phương mà nên cả với người thụ hưởng nguồn vốn đầu tư phát triển.
(4) Tìm kiếm các công cụ tài chính thích hợp và sử dụng chúng cho đúng:
a) Vấn đề:
- Các công cụ tài chính "đúng" hiện nay được hiểu là viện trợ ODA (các nước thuộc khối DAC), vốn từ khu vực tư nhân, vốn từ các nước mới nổi lên và vốn từ các tổ chức phi chính phủ. Nhiệm vụ của vốn ODA là mồi để thu hút các nguồn vốn trên, trong đó ODA là công cụ hỗn hợp, gồm cả cho vay và viện trợ không hoàn lại; do đó ODA có tác dụng làm giảm rủi ro đối với khu vực tư nhân. Ngoài ra, ODA cũng là công cụ tốt để cải thiện môi trường đầu tư và giải quyết những điểm thắt nút, những khâu hẹp của nền kinh tế. Như vậy, có thể dùng vốn ODA để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia giải quyết nhiều vấn đề khó khăn của đất nước.
Kinh nghiệm ở Việt Nam của ông Hiroto Arakawa, Giám đốc điều hành Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật bản (JBIC), đưa ra trong cuộc thảo luận là: Sử dụng vốn ODA Nhật Bản để làm nhà máy điện Phú Mỹ 1; từ đó chứng minh cho các thành phần kinh tế biết làm nhà máy như vậy là có hiệu quả. Khi đó, khu vực tư nhân sẽ tự bỏ vốn đầu tư làm nhà máy điện Phú Mỹ 2 và 3. Như vậy, Chính phủ có thể sử dụng vốn ODA để huy động khu vực tư nhân tham gia ổn định nguồn năng lượng.
- Vai trò nào cho các khoản vay trong ODA ? Thực nghiệm cho thấy cho vay ưu đãi có hiệu quả xã hội cao hơn viện trợ không hoàn lại.
- Viện trợ không hoàn lại liệu có thể dẫn tới giảm những cố gắng thu ngân sách, và dẫn tới phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào nguồn viện trợ ? Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy tại các nước quản lý tồi, tăng viện trợ không hoàn lại đều dẫn tới giảm thu thuế, do đó nguồn tài chính chính phủ không tăng lên.
- Có nên xoá nợ không ? Chưa thống nhất.
- Các nước nghèo rất khó tiếp cận các thị trường tài chính; do đó nhiều dự án có thể có hiệu quả xã hội cao cũng không tìm được nguồn vốn cần thiết. Đây là thách thức rất lớn.
- Việc sử dụng các công cụ tài chính ở các nước mới nổi lên khá đa dạng, song nặng về hình thức.
- Việc trợ nên hướng vào tiêu dùng hay đầu tư ? Có thể chọn lựa áp dụng tuỳ theo loại nước đã có trình độ cao hoặc thấp ? (khi khối Liên Xô tan rã, phương Tây cho rằng trình độ các nước ở đây đã cao nên tập trung cho vay để tiêu dùng; kết quả là nhiều nước lún sâu vào khủng hoảng và không trả được nợ).
- Vấn đề sử dụng công cụ bảo lãnh tài chính cho phát triển: Cần xem xét lại cho phù hợp với điều kiện mới:
+ Các mục đích của bảo lãnh (giảm thiểu rủi ro, áp dụng cho cả người vay và người cấp tài chính...
+ Làm sao để bảo lãnh ?
+ Phạm vi bảo lãnh: Chính trị (chiến tranh, khủng bố...), vi phạm hợp đồng, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh tỷ giá...
+ Các đối tượng tham gia bảo lãnh;
+ Chi phí bảo lãnh đối với người cung, người nhận...
- Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để làm rõ việc sử dụng công cụ bảo lãnh tài chính cho phát triển có ảnh hưởng gì tới hệ thống tài chính quốc tế ?
b) Giải pháp chính sách:
- Nên nghiên cứu tìm thêm các công cụ tài chính khác; tuy nhiên, việc này rất khó khăn, nhất là liên quan đến áp dụng cho các nước đang phát triển.
- Có ý kiến đề xuất xây dựng chỉ số viện trợ; chỉ số này được tính căn cứ vào thông tin quốc gia và quốc tế như GDP, lãi suất, chênh lệch tỷ giá chính thức - tự do...
- Nên ổn định nguồn vốn viện trợ, tránh tình trạng không ổn định làm ngân sách nhiều nước nhận viện trợ bị biến động mạnh.
- Chọn lãi suất cho vay ưu đãi thế nào cho hợp ? Liệu chọn một lãi suất áp dụng chung cho tất cả các nước có được không ?
- Trả lãi là cần thiết để nâng cao trách nhiệm của các nước nhận viện trợ. Có ý kiến cho là các nước nghèo nói chung ủng hộ quan điểm này.
- Nên tiếp tục khuyến khích sử dụng công cụ bảo lãnh vì cho phép các nước đang phát triển được vay với thời hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn, có sự ủng hộ của Chính phủ sở tại, song:
+ Cần thay đổi một số quy tắc cung cấp vốn, kể cả các quy định của Uỷ ban hỗ trợ phát triển (DAC);
+ Phối hợp người bảo lãnh tư nhân và người bảo lãnh công;
+ Tăng cường bảo lãnh bằng tiền nội địa;
+ Mở rộng danh mục sản phẩm được bảo lãnh,
+ Xây dựng hệ thống định giá bảo lãnh phù hợp hơn;
+ Thử nghiệm xây dựng Hãng bảo lãnh đặc thù...
+ Bảo lãnh phải gắn với loại nguồn vốn.
- Nên nghiên cứu kinh nghiệm các nước thành công các công cụ tài chính, từ đó áp dụng ra các nước khác. Đặc biệt, cần học tập các ngân hàng thương mại trong cách phối hợp cho vay, xử lý nợ, sử dụng các công cụ quản lý nợ...
- Cân nhắc, không nên vội vàng xây dựng các ngân hàng phát triển với nhiệm vụ cho vay ưu đãi. Cách làm này chưa chắc đã tốt.
(5) Đánh giá xuyên quốc gia về cải cách các thể chế phục vụ mục tiêu phát triển tài chính cho phát triển.
a) Vấn đề:
- Để nâng cao hiệu quả các nguồn tài chính dành cho phát triển, cần thường xuyên đổi mới các thể chế hỗ trợ liên quan. Tài chính cho phát triển giờ đây cũng phải được đặt trong cơ chế hợp tác quốc tế (International Cooperation - IC) toàn cầu. Hợp tác quốc tế cũng có thể được tổ chức thành một cơ quan như Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).
Trong 1 thập kỷ gần đây, thế giới đã có những chuyển biến rất mạnh mẽ theo hướng này; có thể nói trong 10 năm qua, số cơ chế mới để cấp tài chính cho phát triển đã được tạo ra lớn gấp 5 lần số cơ chế được tạo ra trong 50 năm trước. Các cơ chế mới có đặc điểm khác so với trước là:
+ Chỉ còn rất ít cơ chế hoàn toàn liên chính phủ; hầu hết đã mang tính liên kết nhà nước - tư nhân; xu hướng tới đây là thuần tuý tư nhân;
+ Các cơ chế mới thường mang tính đơn, tức là chỉ tập trung giải quyết 1 vấn đề cụ thể, trong khi các cơ chế cũ ôm đồm nhiều mục tiêu, nhiều kỳ hạn. Ví dụ trước đây tổ chức ra Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) với quá nhiều chức năng...; nay tổ chức Qũy Toàn cầu về chống HIV/AIDS, Qũy Toàn cầu về chống sốt rét...
+ Nhiều cơ chế mới, thể chế mới có thời gian tồn tại cụ thể trong khi các cơ chế cũ không được xác định khi nào thì kết thúc.
Hiện nay, hợp tác quốc tế đã ngừng xây dựng các thể chế thuần tuý liên chính phủ, chỉ xây dựng các thể chế liên kết nhà nước - tư nhân, trong đó ưu tiên thuần tuý tư nhân;
- Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy những chuyển biến trên là chưa đủ và chậm. Có nhiều áp lực đòi hỏi phải cải cách nhanh hơn:
+ Áp lực thường xuyên đã biết:
. Hội nhập quốc tế ngày càng mạnh; độ mở cửa của các nền kinh tế ngày càng lớn;
. Đánh giá và xây dựng lại vai trò của thị trường và nhà nước;
. Dân chủ xã hội và tự do hoá chính trị ngày càng cao;
. ...
+ Áp lực của thời đại mới:
. Vai trò của sản phẩm, hàng hoá công cộng toàn cầu (global public good - GPG) ngày càng tăng theo yêu cầu đề ra trong các lịch trình hợp tác quốc tế đa phương, song phương...
. Các cơ hội tăng cường quan hệ đối tác giữa nhà nước và tư nhân được cải thiện; có thể thực hiện tốt nhất thông qua các hợp đồng kỳ kết giữa nhà nước và tư nhân để tạo ra từng loại sản phẩm công cụ thể.
. Năng lực quản lý cấp quốc gia có cơ hội tốt hơn, cho phép giảm rủi ro và giảm sự can thiệp của các nhà tài trợ tới chính sách quốc gia
- Một loạt vấn đề nan giải đặt ra cho cải cách thể chế tài chính sắp tới: Thế nào là tài chính cho phát triển có hiệu quả, có ích, hoặc đơn giản hơn: Thế nào là tài chính cho phát triển được coi là hợp lý (mặc dù chưa phải thực sự có hiệu quả). Hệ thống hỗ trợ tài chính nên mở rộng đến đâu? Các biện pháp gì cần thực hiện để hệ thống hiện nay có thể hỗ trợ tốt hơn trong việc cung cấp tài chính cho phát triển ? Ai là người kiểm tra, đánh giá và quyết định điều chỉnh khi cần ?...
- 5 tiêu chuẩn được đề ra để đánh giá tính hợp lý của hệ thống thể chế cung cấp tài chính cho phát triển hiện nay là:
+ Huy động, cấp đủ số vốn tài chính cần thiết (right amount of money);
+ Huy động đủ các nguồn tài chính có thể (tư nhân, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, kiều hối...) (right sources);
+ Đúng tiến độ cần thiết (right time);
+ Qua các kênh có hiệu quả nhất (right most efficient channels), tức là sử dụng đúng các công cụ và cơ chế cần thiết;
+ Nhằm vào các mục tiêu chính sách có hiệu quả nhất hoặc được mong đợi nhất (right most efficient or most desirable policy goals).
5 tiêu chuẩn được gọi tóm tắt là 5R.
- Sự cạnh tranh ngày càng tăng mạnh giữa các mục tiêu, các tác nhân liên quan, các nguồn vốn tài trợ, các công cụ và các cơ chế...
- Ngày càng thấy vấn đề tài chính cho phát triển cần có hiệu quả hơn chứ không nên chỉ dừng ở mức hợp lý.
- Các ý kiến nói rất nhiều về tính minh bạch, song vấn đề là xác định rõ những khâu trọng tâm nào cần minh bạch ngay trong quản lý tài chính cho phát triển thì lại chưa rõ.
- Thách thức khác là chiến lược tăng trưởng, chiến lược giảm nghèo... của nhiều nước đang phát triển rất chung chung, không tập trung, không rõ ràng nên việc thiết kế hệ thống tài chính và tính toán viện trợ rất khó.
b) Giải pháp chính sách:
- Nhận thức phải rõ: Thế giới nên hành động chung. Cần chú ý tới mặt cung cấp vốn chứ không phải mặt nhu cầu. Giữ tính trung lập. Cân đối giữa các nhà tài trợ.
Cải cách phải đặt Liên hợp quốc vào vị trí trung tâm. Tránh đảo lộn quá lớn hệ thống hiện tại.
- Hai mục tiêu của cải cách thể chế hợp tác tài chính quốc tế:
+ Nâng cao tính hiệu quả của thể chế tài chính đang có;
+ Tăng cường vai trò hỗ trợ thông qua thực hiện 5R.
- Cải cách cần thực hiện trên cả hai cấp độ: Quốc tế và quốc gia.
- Trên tầm quốc tế, cần:
+ Thực hiện tại các tổ chức liên chính phủ (IGO), nhất là tại hệ thống Liên hợp quốc.
+ Đối với mục tiêu 1: Cần giảm, tránh việc hỗ trợ trùng lắp cho cùng một việc (trùng lắp của quốc tế, quốc gia, tư nhân, các tổ chức NGO...), chọn lựa mục tiêu cho đúng, tăng cường phối hợp giữa các mục tiêu...
+ Đối với mục tiêu 2: Tăng cường hiệu quả trong bố trí vốn và sản xuất; tăng cường vai trò phối hợp giữa nhiều tác nhân vay, cho vay, trả nợ...
+ Nhìn lại thời gian tồn tại, phương thức hoạt động của các cơ quan chuyên môn đã có và những cơ quan sắp phát sinh...
+ Nhận dạng các cơ quan chuyên môn đang thiếu thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Ví dụ hệ thống Liên hợp quốc đang thiếu một cơ quan chuyên về an ninh và hòa bình (hiện thuộc Ban thư ký Liên hợp quốc; Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không có bộ máy riêng mà hoạt động thông qua thư ký Liên hợp quốc) - đây là một dạng sản phẩm công cộng toàn cầu. Cần tổ chức một cơ quan chuyên về an ninh và hòa bình giống như Tổ chức Y tế thế giới chuyên về y tế.
Hoặc cần có các cơ quan chuyên về quản lý kiến thức (knowledge management), quản lý và khắc phục tổn thất bất ngờ (thiên tai, khủng bố...), môi trường, và về chính tài chính cho hợp tác quốc tế mà ta đang thảo luận.
+ Xây dựng Tổ chức Tài chính Thế giới (World Finance Organization - WFO) nhằm hỗ trợ cộng đồng quốc tế trong việc tạo ra hệ thống (quốc gia và quốc tế) toàn cầu về tài chính cho hợp tác quốc tế. Thể chế này cũng giúp đỡ các nước loại bỏ các công nghệ tài chính cũ, phát triển và đưa vào áp dụng các công nghệ tài chính mới.
Tổ chức này có thể được xây dựng trên cơ sở tách một số nhiệm vụ của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các cơ quan cung cấp tài chính đa phương khác đang làm. Một số chức năng của Tổ chức Tài chính Thế giới có thể là:
. Thiết kế khuôn khổ các Hội đồng tư vấn tài chính tư nhân - nhà nước ở mức cao để đảm bảo có sự phối hợp giữa tư nhân, nhà nước, các tổ chức liên quan.
. Động viên nghiên cứu - triển khai (R&D) về công nghệ tài chính, cơ chế, công cụ tài chính mới...
. Cung cấp các dịch vụ, sản phẩm, hàng hoá công cộng toàn cầu cho các chính phủ, các IGO, các tổ chức tư nhân và các đối tác liên quan;
. Giám sát xu hướng tài chính để sản xuất các dịch vụ, sản phẩm, hàng hoá công cộng toàn cầu;
. Cung cấp các dịch vụ tư vấn về tài chính cho phát triển;
. Cung cấp các kiểu cho vay đa phương và các kiểu bảo lãnh áp dụng cho các nước đang phát triển, bao gồm cả hỗ trợ các nhà đầu tư tư nhân tại các nước này;
. Thay mặt Liên hợp quốc và một số tổ chức khác chủ trì quản lý quỹ tài chính cho phát triển quốc tế;
. Xây dựng, quản lý ngân hàng dữ liệu về quản lý tài chính cho phát triển quốc tế;
....
+ Tăng cường vai trò của Liên hợp quốc với tư cách là người quản lý cân đối toàn cầu. Một số hoạt động như an ninh và hoà bình nên được tách ra, giao cho một cơ quan riêng thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Tổng hành dinh Liên hợp quốc chỉ nên tập trung vào:
. Làm chuẩn cho cả hệ thống thế giới (first point of reference);
. Người cứu ứng cuối cùng (manager of last resort) để đảm bảo cân đối toàn cầu, trước hết là cân đối giữa nhà nước và tư nhân, giữa quốc gia (địa phương) và toàn cầu...
. Một số vấn đề khác như hiệu quả, bình đẳng...
- Trên tầm quốc gia, cần:
+ Mục tiêu: Hướng vào tăng cường vai trò phối hợp giữa nhiều tác nhân vay, cho vay, trả nợ
+ Xây dựng ngân sách tổng thể (tích hợp) đối với chi tiêu cho hợp tác tài chính quốc tế;
+ Sử dụng công cụ ngoại giao để tăng cường nhận thức và tính tự nguyện trong việc trả nợ và đầu tư liên quan đến hợp tác quốc tế.
+ Đưa những cố gắng và cân đối tài chính cho hợp tác quốc tế vào thực hiện cùng với các sáng kiến chính sách quốc gia. Hiện nay việc phối hợp này đang rất tồi. Giải pháp đang thực hiện hiện nay là tăng cường sự khớp nhau, sự hài hòa giữa thủ tục của các nhà tài trợ và thủ tục của các quốc gia.
Tuy nhiên, thuyết liên bang về thuế (fiscal federalism theory) cho rằng cần tăng cường phi tập trung đồng thời tăng cường tính đa dạng nên việc hài hoà nhiều khi cũng khó khăn. Mặt khác, bối cảnh toàn cầu, quốc gia, địa phương hiện nay đã rất đa dạng.
Vì vậy, cần chọn con đường khác. Một số giải pháp có thể là:
. Hỗ trợ phát triển thông qua hỗ trợ ngân sách để quốc gia nhận viện trợ tự quyết định sử dụng tiền viện trợ với tư vấn của một nhóm chuyên gia quốc tế.
. Xác định ngân sách quốc gia đối với các khoản phải chi tiêu ở ngoài nước, như đóng góp nghĩa vụ với tư cách là thành viên các tổ chức quốc tế, thực hiện các cam kết với quốc tế để đóng góp vào sản xuất các dịch vụ, sản phẩm, hàng hoá công cộng toàn cầu; các khoản đóng góp khác nếu quốc gia muốn tham gia sâu hơn vào các hoạt động quốc tế...
. Bố trí vốn quốc gia để tài chính cho hợp tác phát triển quốc tế (cho cơ quan IC hoặc WFO);
. Động viên khu vực tư nhân tham gia sản xuất các dịch vụ, sản phẩm, hàng hoá công cộng toàn cầu;
. Đưa hệ thống thông tin tài chính cho phát triển quốc gia vào hệ thống toàn cầu.
...
Tổ hợp các giải pháp lựa chọn từ các giải pháp trên sẽ cho phép xác định được loại thể chế cần xây dựng.
4) Dự kiến các hoạt động sắp tới của Diễn đàn phát triển toàn cầu:
Dưới đây là tóm tắt ý kiến phát biểu kết luận của bà Kiyo Akasaka, Phó Tổng thư ký tổ chức OECD tại phiên bế mạc hội thảo:
(1) Tổ chức thực hiện:
Dự kiến sắp tới sẽ tổng hợp kết quả hội thảo đồng thời xây dựng nhóm chuyên gia nghiên cứu kỹ những vấn đề đặt ra tại Hội thảo, tập trung vào:
- Các nước đang phát triển cần gì ở các nước phát triển ? Ngoài vốn ODA còn cần gì ? Hỗ trợ ngân sách, đầu tư, tiêu dùng, phương thức quản lý tài chính, thiết kế thể chế tài chính cho phát triển, quản lý nợ, xoá nợ... ? Phải đặt hết lên bàn để thảo luận. Phương thức làm việc của hội thảo cũng là thảo luận tự do.
- Cần sử dụng các công cụ tài chính gì ? Cho loại nước nào ? Chính sách thực hiện ? Ví dụ viện trợ lương thực thì cần bao nhiêu, hình thức nào ? vai trò của các thể chế tài chính trong việc này ra sao ?
- Các mô hình về thể chế tài chính mới phục vụ mục tiêu phát triển ? Đây là chủ đề hoàn toàn mở, tự do cho mọi sáng kiến cá nhân của các chuyên gia...
- Làm sao tăng cường được tiếng nói của các nước nghèo trong việc thiết kế thể chế tài chính mới phục vụ mục tiêu phát triển ?
- Làm sao nối được hệ thống tài chính quốc tế với hệ thống tài chính quốc gia để có sự hài hòa...
(2) Tổ chức các hội thảo sắp tới:
- Tiếp tục chương trình nghiên cứu về chủ đề "Tài chính cho phát triển", dự kiến Ngân hàng Thế giới sẽ phối hợp với Uỷ ban hỗ trợ phát triển (DAC) và Ban Hợp tác phát triển (DCD) tổ chức hội thảo thứ 2 tại Paris vào tháng 12/2006 về "Chương trình toàn cầu và chương trình nghị sự (Agenda) Paris". Hội thảo này sẽ phân tích sâu hơn dựa trên các nghiên cứu kinh nghiệm thực tế tại một số nước.
Hội thảo này dự kiến sẽ làm việc theo nhóm, thảo luận chi tiết từng chủ đề, càng cụ thể càng tốt. Không nên nhiều ý tưởng mà phải cụ thể ý tưởng bằng việc làm. Hội thảo cũng sẽ cố gắng thử chuyển ý kiến chuyên gia thành quyết định của các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, OECD, quốc gia, các thể chế... trong việc thiết kế hệ thống tài chính mới vì mục tiêu phát triển.
Trong thời gian trước khi hội thảo bắt đầu, đề nghị các bạn tăng cường trao đổi qua email về các nội dung nêu trên.
- Hội thảo thứ 3 không chính thức cấp chuyên gia dự kiến sẽ được tổ chức tại Berlin tháng 2/2007 với chủ đề: "Tài chính cho phát triển: Thành tựu và sự khớp nhau của các thể chế đa phương".
Mục tiêu hội thảo là thảo luận, đề ra các tiêu chuẩn, công cụ để qua đó, các quyết định tài chính cho phát triển của hệ thống hỗ trợ tài chính đa phương có hiệu quả hơn. Hội thảo dự kiến cũng xem xét thời gian tồn tại, phân chia nhiệm vụ và lợi thế so sánh của các thể chế đa phương.
Đặc biệt, hội thảo sẽ tiếp tục cố gắng thử chuyển ý kiến chuyên gia thành quyết định của các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, OECD, quốc gia, các thể chế... trong việc thiết kế hệ thống tài chính mới vì mục tiêu phát triển.
- Hội nghị toàn thể hàng năm của Diễn đàn phát triển toàn cầu dự kiến sẽ được tổ chức tại Paris vào tháng 4/2007. Chủ đề hiện chưa được xác định chính thức.
Dự kiến tham gia hội nghị gồm Bộ trưởng và chuyên viên các nước được mời. Hội nghị sẽ thảo luận các kết quả đề xuất tại các Hội thảo nêu trên, trong đó sẽ nhấn mạnh tới các chính sách có thể để cải thiện hiệu quả chung của hệ thống tài chính cho phát triển./.



[1] "Cu trúc tài chính cho phát trin: Các lung vn, kênh chuyn vn và ngun vn ?".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét