Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Đôi điều về giáo dục ở Úc (bang Queensland)

Đôi điều về giáo dục ở Úc (bang Queensland)

(bài này là một đoạn còm bạn Kitchenhand 
viết trong Blog Hiệu Minh, xem tại đây)

Mr Kitchenhand says:
Bé nhà cháu cũng vừa kết thúc Kindy để chuẩn bị lên School vào năm tới. Hai năm tiếp xúc với Kindy, và 1 tháng tiếp xúc với school, tuy chưa có nhiều trải nghiệm, nhưng cháu cũng nhận ra được một số đặc điểm về giáo dục (mẫu giáo và bậc tiểu học) ở đây, cụ thể là trên 3 khía cạnh: con người, cơ sở vật chất, và tài chính.
Con người (văn hóa?)
Con người ở đây bao gồm cha mẹ, giáo viên và các cháu học sinh. Có một quan sát là trẻ luôn nhận được sự tôn trọng từ người lớn. Họ kiên nhẫn với trẻ nhỏ, chấp nhận trẻ nhỏ, lúc nào cũng be nice và khuyến khích với trẻ. Các cháu cũng dần hình thành quyền đó ở mình bằng việc thể hiện chính kiến của mình, cách bảo vệ ý kiến, và thậm chí cách không nghe theo ý kiến của người lớn.
Đổi lại, các cháu biết tự làm rất nhiều việc. Từ những việc quan trọng như đi vệ sinh, cách mở hộp đồ ăn, cách bóc quả chuối, … cho đến đánh răng, rửa mặt và tự tắm. Làm đồ chơi thì khỏi phải chê. Với một vài thứ người lớn bỏ đi như vỏ hộp giấy ăn, lõi của cuộn giấy vệ sinh, thì các cháu lại tạo ra thế giới đồ chơi cho riêng mình. Mỗi cháu đều bắt đầu thể hiện xu hướng cá nhân của mình, như giỏi về con số, xếp hình, ca hát, hoặc là vẽ.

Ra ngoài xã hội, các cháu luôn thấy được sự than thiện của mọi người. Từ ông bà già, người lái xe bus, bác sỹ, … cho đến cảnh sát. Con gái của cháu rất quý cảnh sát!
Một điều dễ nhận thấy là biểu hiện tình yêu thương, sự cởi mở và hòa đồng ở trẻ với giáo viên, với cha mẹ, người thân, bạn bè và cả người lạ. Khi đi phỏng vấn vào school, tôi đã hoàn toàn bất ngờ khi hôm đó con gái của mình là nhân vật chính – điều mà bố cháu nghĩ rằng không thể. Vậy mà cháu tự tin trong giao tiếp, thực hiện các động tác do giáo viên yêu cầu một cách vui vẻ.
Be nice và be happy là điều mà cháu thường nhắc nhở cha mẹ!

Cơ sở vật chất
Đó là điều kiện riêng và tôi không hề có bất cứ sự so sánh nào. Nếu như ở Kindy là thế giới thu nhỏ của đồ chơi, âm nhạc, hội họa, ….thì school, với quy mô lớn hơn nhiều lần, chú ý thêm về phát triển thể lực (nhà thi đấu đa năng, sân thể thao, bể bơi), trí tuệ (thư viện), và khu năng khiếu (hội họa và âm nhạc). Bản thân các phòng học cũng được thiết kế gần gũi và có rất nhiều sản phẩm của trẻ.
Tất cả các thiết bị trường học cũng được đầu tư và sử dụng hiệu quả. Tôi không thể liệt kê ở đây, nhưng tôi hiểu được một buổi học của con sẽ thế nào, và tại sao trẻ lại thích đến trường thế?
Nhìn vào một Kindy hay School, chúng ta sẽ nhận thấy ngay những đầu tư không nhỏ và có trách nhiệm của người lớn.
Tài chính
Nhiều người hay ca ngợi chất lượng giáo dục hay y tế ở đây. Điều đó đúng. Nhưng nên hiểu về yếu tố tài chính để góp phần lý giải tại sao.
Ở Kindy, các bậc cha mẹ phải đóng tiền từ $27 đến thậm chí $80 cho 1 ngày tùy vào loại trường, lứa tuổi. Năm 2012, con gái tôi đi học ở một hệ thống có tên là C&K. Mức học phí là thấp nhất, nhưng thời gian ở lớp chỉ có từ 9:00 am đến 3:00 pm – theo đúng thời gian biểu của một trường tiểu học.
Ở bậc tiểu học, mức học phí được áp dụng là $10600 cho 1 năm. Nhiều phụ huynh không phải trả tiền cho con là vì chính phủ giúp họ trả khoản học phí này. Còn nhà trường thì không cần quan tâm vì số tiền họ nhận được là không hề thay đổi, lương của giáo viên vẫn cao như thế. Dịch vụ y tế cũng thế, bệnh viện và bác sỹ vẫn nhận được khoản tiền lớn từ công ty bảo hiểm hoặc ngân sách chính phủ, trong khi bệnh nhân thì vui vẻ với chất lượng dịch vụ cao và cảm giác không phải trả tiền.
Bên cạnh nguồn thu chính thức, họ cũng có thu phụ. Ở Kindy, hội phụ huynh được duy trì để tổ chức các sự kiện và quyên góp tiền bạc. Centre của con gái tôi có khoảng 40 cháu, 1 người quản lý và 3 giáo viên, tổng số quyên góp năm 2011 là khoảng $46 000, năm 2012 thì chưa có tổng kết. Quản lý qũy này hoàn toàn do phụ huynh và minh bạch với mọi người.
Ở school, hoạt động này được tổ chức chuyên nghiệp hơn, và họ cung cấp các dịch vụ trong trường như trông trẻ trước 9:00 am, sau 3:00 pm, và những ngày nghỉ hè. Họ cũng quản lý các dịch vụ cung cấp sách vở, quần áo, …. Năm 2011, doanh thu của dịch vụ này tại school mà con gái tôi sẽ theo học là khoảng $ 110 000. Mọi thứ cũng hoàn toàn minh bạch và phụ huynh cũng tham gia vào quản lý quỹ.
Như vậy, có thể nhìn thấy rằng có 2 dòng tiền riêng biệt trong 1 school. Giáo viên không phải quan tâm đến chuyện quản lý tài chính trong nhà trường. Chức năng của họ là dạy bọn trẻ.
Kết luận
Giáo dục ở đây là sản phẩm của một xã hội, chịu sự chi phối của xã hội, và thực hiện chức năng giáo dục của mình để tác động ngược lại xã hội, thỏa mãn nhu cầu của xã hội.
Cơ chế này cũng hoàn toàn đúng với Việt Nam. Vì thế, với một môi trường xã hội, điều kiện kinh tế – chính trị ở Việt Nam thì chúng ta không nên phê phán gay gắt thực trạng của giáo dục nước nhà. Đây là nhận thức cá nhân, và tôi rất vui lòng nhận được góp ý của các bạn.
1
0

Đánh giá comment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét