Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Đừng quá 'tự sướng' về phẩm chất người Việt


Chúng ta vẫn thường được nghe trên báo đài về các phẩm chất của người Việt như: cần cù chịu khó, có tố chất thông minh và sáng tạo, thân thiện và mến khách... Nhưng sự thật có phải như thế hay chúng ta đang tự huyễn hoặc mình bằng những điều hoa mỹ?
Người Việt lãng phí của công
Những nhận định đánh giá này có khi là xuất phát từ chủ quan của người Việt mình, khi thì được trích dẫn từ góc nhìn của một người bạn nước ngoài nào đó. Chưa biết điều đó có thật sự đúng và khách quan hay không nhưng đôi lúc cũng làm cho tôi (và có lẽ cũng rất nhiều người khác) cảm thấy rất tự hào.
Tôi chưa có dịp đi ra nước ngoài để có thể có một sự trải nghiệm hoặc so sánh với người dân các nước khác xem thử dân mình có thật sự nổi bật hơn với những đức tính nói trên hay không.
Thế nhưng với những cảm nhận những gì đang xảy ra trong cuộc sống, cùng với những câu chuyện từ trên báo chí và của những người quen biết từng sống ở nhiều nước trên thế giới tôi chợt giật mình tự hỏi những gì lâu nay mình vẫn tự hào có phải là một sự huyễn hoặc hay ít ra đó là những đánh giá vội vàng, khiên cưỡng.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng tính cần cù chịu khó: nếu chịu khó lang thang trong các quán cà phê có mặt ở khắp nơi từ phố xá cho đến thôn quê ta không khỏi ngỡ ngàng bởi có vô số người đủ mọi thành phần, lứa tuổi đang rất nhàn rỗi bên những ly cà phê (hoặc nước giải khát) bất kể là nắng hay là mưa, trong giờ hành chính hay ngoài giờ, ngày nghỉ hay ngày làm việc.
Trong số đó có rất ít người đến để bàn công việc mà chủ yếu họ đến để “giết” thời gian. Mà nào đâu chỉ có quán cà phê, ở các quán nhậu, quán bi-a cũng có những cảnh tượng tương tự. Hoặc có điều kiện thâm nhập vào các công sở hẳn sẽ không khó khăn lắm để mục sở thị
không khí là việc uể oải, “câu giờ” của nhiều công chức nhà nước...Lúc đó chắc hẳn mọi người sẽ tự hỏi cái chất cần cù, siêng năng, chịu khó đang thật sự ở mức nào?
Còn với đức tính thông minh, sáng tạo thì chúng ta phải đặt vấn đề là có bao nhiêu phát minh khoa học, bao nhiêu giải pháp công nghệ của người Việt được thế giới công nhận? Trong tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục… có bao nhiêu phần trăm hàm lượng công nghệ mang nhãn hiệu made in Việt Nam?
Khó có câu trả lời thật chính xác nhưng ta có thể nói ngay rằng những thành quả đó là rất ít, thậm chí là không đáng kể. Thật đáng buồn hơn khi hiện tại chúng ta hầu như chưa làm chủ được các kỹ thuật công nghệ nguồn .
Sự thân thiện và hiếu khách của người Việt thì sao? Thật sự thì cũng khó đồng tình khi chúng ta thường xuyên nghe sự ta thán của không ít của du khách nước ngoài, các đối tác làm ăn kể cả các Việt kiều về việc các nhân viên hải quan, tiếp viên hàng không Việt Nam - những người được coi là tiếp tân của quốc gia, sao thường xuyên thiếu vắng nụ cười .
Cũng tương tự khi đến các công sở nhà nước, các bệnh viện, trên xe buýt… chúng ta cũng hiếm khi nhận được sự niềm nở ân cần. Rồi thì nạn chặt chém du khách, nạn chèo kéo, bu bám du khách ở rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước đã chứng minh điều ngược lại cho nhận định về sự thân thiện và hiếu khách.
Chưa kể một số mặt khác như kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác làm việc theo nhóm, ý thức cộng đồng, tính cầu thị và khả năng học hỏi của người Việt mình cũng không được đánh giá cao.
Nói như thế tôi không có ý định phủ nhận cũng như đánh giá thấp tất cả những đức tính tốt đẹp của tất cả người Việt mình, cũng không phải là một cách nhìn tự ti. Ở đâu đó và ở những thời điểm nào đó cũng có không ít con dân đất Việt đang hăng say miệt mài lao động sáng tạo và gặt hái được những thành công đáng ghi nhận.
Cũng có biết bao nhiêu con người dù trong gian khó vẫn lạc quan yêu đời, vẫn luôn luôn nở nụ cười đem lại cho cuộc sống này những gam màu tươi mát. Chỉ có điều nó chưa thật sự trở thành sâu rộng, phổ biến đến mức nổi bật và mang tính đại diện cho cả dân tộc.
Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam đều có sẵn những đức tính cần cù thông minh, sáng tạo và cũng cực kỳ thân thiện hiếu khách. Vấn đề là chúng ta phải làm sao gợi dậy được những đức tính đó.
Thế nhưng để làm sao cho những đức tính đó được bộc lộ, phát huy và lan tỏa một cách rộng khắp để trở thành như một thứ “quốc bảo” thì có lẽ còn quá nhiều việc phải làm.
Lê Quảng Đại 
 -------------------------------
Tôi đồng ý
Tôi cho rằng phẩm chất, đạo đức, tính cách, văn hoá của một dân tộc không phải tự nhiên sinh ra mà được hình thành thông qua những đường lối, chính sách đúng đắn, hợp lý mà những người lãnh đạo của dân tộc đó xây dựng nên. Những đường lối, chính sách đúng đắn đó sẽ điều chỉnh mọi hành vi trong xã hội, mọi người dân sẽ phải sống và làm việc, hành xử theo pháp luật, sau hàng trăm thậm chí hàng ngàn năm sẽ hình thành nên nền văn hoá, tính cách và những phẩm chất của dân tộc đó. Ngoài ra, việc hành xử của những người lãnh đạo, phong cách lãnh đạo cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành văn hoá, nhân cách (nếu ai đó thấy khó hình dung đối với một dân tộc thì có thể hình dung một mô hình nhỏ hơn như một tổ chức hay công ty thì sẽ thấy rõ hơn). Tôi mong rằng đất nước ta sẽ phát triển và chúng ta sẽ ngày càng hoàn thiện và cho bạn bè thế giới thấy rõ được những nét đẹp văn hoá, tư cách đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Hãy chấp nhận sự thật, Hãy ươm mầm tương lai
Gửi bạn Phan Quang! Tôi nghĩ bạn cần thay đổi cách giáo dục lớp trẻ lại đi. chắc bạn không dạy tụi nhỏ là "không được nói dối" hay nói "dối là một đức tính xấu hay sao" mà bạn lại đi lừa dối tụi nhỏ vậy? Dẫu biết đó là một sự thật phũ phàng nhưng thiết nghĩ mình phải biết chấp nhận để không ngừng học hỏi vượt qua nó chứ. Mình nghĩ thế hệ lớp trẻ rất quan trọng,đó mà mầm ươm cho tương lai,ngay bây giờ trong lúc chúng ta chia sẻ những dòng suy nghĩ của mình tôi mong các bạn hãy góp sức để ươm mầm cho tương lai thế hệ mai sau của đất nước mình. Tuổi thơ như những trang giấy trắng rất đẹp rất tinh khiết chúng ta hãy góp sức viết lên đó những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ Việt Nam mai sau các bạn nhé.
Thông tin thêm
Tôi đồng ý với quan điểm là dân tộc nào, người nào trên thế giới cũng đều có mặt hay, mặt dở. Tuy nhiên tôi cho rằng khi nước A phát triển hơn, giầu có hơn, văn minh hơn nước B trong một thời gian dài thì chắc chắn rằng người nước A, dân tộc A đang có nhiều đức tính tốt hơn người nước B, dân tộc B. Nước Việt nam ta tuy có nhiều cái đáng tự hào nhưng chúng ta nên nhìn nhận đúng một sự thật là nước Việt nam từ xưa tới nay chưa bao giờ là nước lớn, chúng ta cũng đang cố gắng thoát nghèo. So với thế giới, về mọi mặt chúng ta đều đứng ở " số thứ tự rất cao " . Điều đó nói lên rằng người Việt chúng ta đang sở hữu nhiều phẩm chất dở hơn phẩm chất hay. Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa và phấn đấu cho kịp với thế giới , đừng nên mắc vào chủ nghĩa AQ.
Tất cả chúng ta nên nhìn "cái gương" này và soi lại bản thân!
Tôi rất đồng tình với cách nhìn và nhận xét của tác giả. Mong rằng tất cả chúng ta cùng nhìn lại bản thân mình để có thể hoàn thiện hơn phẩm chất và nhân cách của bản thân, vì một đất nước VN phồn thịnh và tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Thân ái!
Rất chính xác
Tôi có một dịp nói chuyện với mấy CEO nước ngoài làm việc ở VN, họ chê nhân viên Việt Nam thụ động, lười nhác và ít người chuyên nghiệp, lâu lâu mới gặp một người. Mình nghe xong chỉ biết gật gật vì người ta nói đúng quá rồi. Xung quanh tôi, cũng không thiếu những người như thế mà.
Không thể chính xác hơn
có lẽ lời của tác giả cũng là lời muốn nói của tất cả mọi người trong chúng ta. Tại sao mỗi khi chúng ta được nghe một vài lời nhận xét của một vài du khách nước ngoài là mình lấy đó để tự đưa mình lên. Giả sử bây giờ bạn làm khách đến chơi nhà một ai đó, thử hỏi bạn có nói tốt vài điều về họ hay bạn nói xấu ngay trước mặt họ?
Đúng quá rồi
Đúng quá rồi còn phải suy nghĩ gì nữa. dù biết không nên đánh đồng tất cả mọi người với nhau.. nhưng có lẽ số người được đánh giá là hiếu khách cần cù chịu khó thông minh sáng tạo có lẽ rất ít.
Đánh mất
Không phải tự sướng đâu! Phần lớn thế hệ trẻ chúng ta đang đánh mất cái mà cha ông ta gây dựng từ bao đời nay đó. Nhìn lại lịch sử truyền thống chúng ta đi.
tôi đồng tình với tác giả bài viết
Bài viết này đúng với suy nghĩ của tôi, tại sao có nhiều người còn không nhìn nhận ra vấn đề, một dân tộc một quốc gia hùng mạnh phải biết khiêm tốn, đoàn kết, cần cù. phải nói người Việt chúng ta cực kì "lười nhác, ham chơi, vô ý thức..." tôi không quơ đủa cả nắm mà phải khẳng định như vậy, nhiều bạn không biết đã sống qua bao nhiêu năm cuộc đời rồi, đã từng đi đây đi đó không, hay chỉ ếch ngồi đáy giếng mà vỗ ngực, hãy dẹp bớt cái tôi của mình, lúc tôi còn đi học Thầy giáo dạy toàn của tôi đã từng so sánh thế này " Trong một vấn đề một người Việt và một người Nhật thì người Việt chúng ta sẽ giải quyết tốt hơn ngwời Nhật, nhưng 3 người Việt và 3 người Nhật thì chúng ta sẽ thua họ" .
Điều đó thể hiện qua xã hội của họ, tại sạo họ có "Văn hoá từ chức" còn ta thì.., công nhân viên chức của ta thì sao, nhiều anh chàng xóm tôi 8h hoặc 9h còn ngồi uống cafe tám chuyện đánh cờ tướng, chiều thì 4h chuồn ..còn nhiều chuyện muốn nói lắm...
Những tật xấu của người Việt Nam
Tôi đã 50 tuổi đã đi nhiều nước gặp nhiều người nhưng phải công nhận rằng người Việt Nam ta còn thiếu rất nhiều những đức tính , kỹ năng tốt nên đất nước ta dù được thiên nhiên rất ưu đãi so với nhiều nước khác mà nước ta tuy đã hoà bình trong nhiều năm vẫn là nước chậm phát triển.
Tán đồng với ý kiến của bạn
Mình đồng ý với quan điểm của bạn. VD mến khách của ng VN thì xem lại, bà con ta đi du lịch trong nước rồi đó, có cơ hội là bị chặt, chém liền, nhiều khi đi du lịch cho thoải mái mà mua bực tức vào người do bị đức tính hiếu khách của người VN. Khách du lịch nước ngoài thì một đi không trở lại. Lần đầu mình sang Mỹ đi thăm bảo tàng khi đi ra bị lạc đường, cộng thêm tiếng không đc tốt lắm nhưng rất ấn tượng và thấy sự hiếu khách chỉ đường của anh bảo vệ bảo tàng cho mình, họ hướng dẫn ghi vào sổ cho mình ra bắt xe bus số 26 nhưng mình tìm mãi không ra trạm xe bus quay vào hỏi được anh đó dẫn ra tận bãi xe bus và đứng đó đến khi có chuyến xe bus số 26 và chỉ cho mình lên mới tạm biệt về làm nhiệm vụ.
LÒNG TỰ TRỌNG
Việc thu nhập cao chư chắc mọi người tốt hơn lên , nếu không được giáo dục đầy đủ nhất là lòng tự trọng . tôi thấy tất cả mọi chuyện đang xảy ra ơ VN là do người dân thiếu lòng tự trọng họ không biết mắc cở với bản thân mình và mọi người xung quanh .
vì vậy mới có cảnh chen lấn khi kẹt xe , xếp hàng , đánh nhau khi có mâu thuẫn ,
mạnh được yếu thua , dường như họ lấy sức mạnh và sự liều lĩnh làm thước do giá trị của con người .
đâu phải có tiền rồi thì người ta mới hết chen lấn nhau ,có tiền rồi thì người ta mới biết xếp hàng . càng nghèo thì lòng tự trọng phải càng cao sống mà không có lòng tự trọng thì không bao giờ phát triển được . VN cũng có nhiều điều đáng tự hào nhưng tất cả những tự hào đó là thuộc vể cha ông của chúng ta chứ thế hệ hiện tại chưa làm được điều gì đáng được tự hào và chắc chắn thế hệ tương lai sẽ càng tệ hơn nếu chúng ta cứ mãi sống vị kỉ nhưng hiện tại .
Hay
đồng ý với tác giả!!!
LIKE
Nếu có một công cụ để "Like" bài viết này (giống như Facebook, Youtube) thì tôi sẽ Like một trăm lần.
Đúng
Đồng ý với tác giả về những điều nói trên.Tất nhiên cuộc sống thì có người này người khác,nhưng tôi thấy những thứ như "cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo hay thân thiện mến khách " gần như đã mất đi rồi.Tôi cũng đang ở nước ngoài nên cũng có điều kiện so sánh với Việt Nam. Cảm ơn bạn vì đóng góp hay. Chào thân ái !
Hoàn toàn đồng ý với tác giả
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả, người VN mình tệ hại hơn nhiều so với khẩu hiệu. Lịch sự, mếm khách: xin thưa là không (tranh giành, không nhường nhìn, cãi nhau chửi nhau, đánh nhau khi xung đột ở nơi công cộng). Nói chung là thất vọng, việc này muốn làm được phải sửa từ nóc để lâu dần ngấm thành văn hóa thành bản chất thì mới được, chứ không càng ngày càng xuống cấp
TÔI CŨNG TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM !
Tôi lại nghĩ ở một phương diện khác, Người Việt ta vốn bản chất là cần cù chịu khó, dễ cảm thông và sáng tạo. Tuy nhiên, theo tôi, xã hội nào thì tính tình và cách ứng xử của con người cũng theo xu hướng vậy. thái độ của một bộ phận không nhỏ những người như trong bài viết cũng bắt nguồn từ lối sống và cách giáo dục của xã hội đó.
Tôi cũng nhận ra rằng hình như con người mình cũng càng ngày càng ích kỷ thì phải? nhưng tôi cũng phần nào thông cảm với họ, Bởi như đã nói, nền giáo dục như thế nào thì hành động của con người sẽ phản ánh rõ nét nhất ra trong đời sống. Vì vậy có nên chăng chúng ta hãy cần một sự thay đổi tư duy, mỗi chúng ta hãy cùng nhìn nhận và chung tay. TÔI TỰ HÀO LÀ NGƯỜI VIỆT NAM
Bức tranh toàn cảnh của xã hội VN
Ở xã hội nào cũng có đủ thành phần mang nhiều tính cách khác nhau nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bởi vì nếu ta nhìn vào bức tranh tổng thể ở xã hội Việt Nam thì ĐA PHẦN là đúng như tác giả nói: lười nhác, trì trệ, thui chột ý tưởng và thiếu thân thiện. Ở trong phần ý kiến bạn đọc tôi thấy có nhiều người tự hào mình là người Việt và nói tác giả đánh đồng toàn xã hội. Nhưng mọi người hãy nghĩ lại, liệu một bộ phận cần cù, siêng năng, chịu khó, sáng tạo, thân thiện...chiếm bao nhiêu phần trăm trong cuộc sống diễn ra hằng ngày? Hãy cứ tự hào về quê hương, đất nước, con người ở nơi mà bạn sinh ra. Nhưng phải biết nhìn nhận cái sai để còn có bàn đạp tiến lên bước cao hơn và có nền tảng để giáo dục con cháu thế hệ sau.
Absolutely correct!
Absolutely correct! No more, no less!
Đồng ý với bài viết của bạn
Bài viết thực sự rất hợp với suy nghĩ của tôi bấy lâu nay. Người Viêt Nam chúng ta cứ nghĩ chúng ta cần cù chịu khó, có tố chất thông minh và sáng tạo, thân thiện và mến khách...etc.Nhưng mà nhìn vào thực tế cuộc sống và những gì tôi đã thực tế cảm nhận từ cuộc sống thì nó không màu hồng như những câu khẩu hiệu "Tự sướng" đó.
Đến con nít còn không tin
Mấy câu kiểu như "người Việt ta cần cù siêng năng, thật thà, thông minh, thân thiện hiếu khách... " chỉ là những câu từ sáo rỗng để người lớn lừa phỉnh con nít, hay để con nít viết trong văn chương cho người lớn đọc. Ngay cả tôi thuở nhỏ, khi được nghe về những điều ấy, tôi cũng không tin đó là sự thật. Tôi thấy chúng ta không nên giáo dục con em những gì quá xa rời với thực tế.
Bai viet hay
Toi hoan toan dong y voi bai viet tren.
Đúng như vậy
Tôi chưa đi nhiều nơi, mới chỉ tới vài nước xung quanh chúng ta, thật sự là chúng ta đang tự huyễn hoặc mình! Chúng ta không thông minh hơn người khác, cũng chưa đủ siêng năng cần cù. Điều duy nhất khiến tôi không mất tự tin khi ra nước ngoài là lịch sử và truyền thống anh hùng, nhiều người nhắc đến điều này khi nói chuyện với người Việt Nam, nhất là những người lớn tuổi.
Bai viet qua dung
Anh Le Quang Dai viet rat dung nguoi Viet chung ta hoang phi , si dien ,tinh tuong de sua chua cac van de nay thi can co nhieu nguoi huong ung. Cu the nhu co nhieu bai viet nhu cua anh Le Quang Dai.
Coi chừng tác giả bị ném đá
Tác giả có cách nhìn nhận khách quan rất đáng trân trọng, thế nhưng người Việt mình có thói quen thích được nịnh hơn là thích nghe điều trái tai dù nó đúng. Lúc trước có bài viết của một du khách nước ngoài nói rằng không bao giờ trở lại VN ngoài trường hợp buộc phải quay lại đã bị ném đá tơi bời. Nhưng người VN ơi, hãy tỉnh ngộ đi, đừng tự sướng nữa nhìn ra thế giới mà học hỏi. Một đất nước toàn đức tính tốt đẹp thế tại sao GDP chỉ 100 tỷ USD, du khách mổi năm đón được 3 đến 5 triệu khách du lịch nước ngoài. trong khi đó Thái Lan, Singapore gấp đôi hoặc gấp ba lần VN?
Bài viết rất đúng
Thực sự là chúng ta đang tự huyễn hoặc mình,khi mà những đức tính trên giờ đã chỉ còn ở thiểu số hoặc chỉ còn trong quá khứ. Bản thân mình là người VN,sống 24 năm ở nơi thủ đô,còn chẳng mấy khi thấy được 1 người như thế, thì những du khách chỉ đến 1 lần, gặp toàn văn hóa chộp giật,làm sao họ có ấn tượng tốt nổi.
Chúng ta đang quá huyễn hoặc và làm yếu đi chính mình
Tôi đồng ý với bạn, người Việt đang quá huyễn hoặc bản thân và những gì mình có. điều này làm chúng ta yếu đi và giảm động lực học hỏi, làm việc. Tôi đã làm việc với rất nhiều đối tác đến từ nhiều nước, bất cứ ai trong số họ đều rất thông mình, chăm chỉ. và rất tôn trọng công việc họ đang làm. Ở đất nước họ, họ được giáo dục là con người bình thường và đi lên bằng sự nỗ lực bản thân chứ không phải là "tôi là người cần cù thông minh" hay "đất nước tôi rừng vàng biển bạc".
Nhận xét
Bài viết rất đúng, rất hay, phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thuyết phục người đọc. Trên báo chí đã có một số bài viết với nội dung tương tự như thế này để cảnh báo. Có lẽ, người Việt nên nhận thức lại về những đặc tính tưởng như đã có, nhưng chỉ là sự mạo nhận, hay nó còn đang tiềm ẩn bên trong mà tự mỗi người chưa khai thác nó, đưa nó ra để phản ánh thực sự người Việt nói chung và mỗi người nói riêng có những đặc tính đó hay không. Cám ơn tác giả.
Mình tán hành quan điểm này của bạn
Kể cả những lúc kinh tế phát triển tốt ( trước 2007) và khó khăn ( từ 2009) đến giờ, chưa khi nào mình cảm nhận công việc lại khó khăn và nhọc nhằn như vậy. Mình ko đưa 1 đất nước làm điển hình làm so sánh với người Việt Nam, nhưng quả thật một số bộ phận chưa nhận ra được mình ở mức nào so với thế giới. JDP bình quân mới hơn 1000 $, so ra vẫn còn nghèo lắm. Những điều kiện cơ bản về cuộc sống như dân sinh, y tế .... còn lạc hậu và khổ sở vô cùng. Thành ra mình nghĩ hãy khiêm tốn học hỏi những đất nước khác, hạ mình xuống để thấy giá trị của mình ngang đâu để rồi còn phấn đấu. Thay vì luôn tỏ ra mình có giá trị quá cao.
Đúng là ảo tưởng
Hoàn toàn tán thành với tác giả bài viết. Tôi rất xấu hổ khi đọc hoặc nghe ai tự khen rằng người Việt Nam "cần cù chịu khó, có tố chất thông minh và sáng tạo, thân thiện và mến khách". Tôi thuộc thế hệ 7X và có cơ hội đi một số nước, có cơ hội so sánh tôi thấy rằng có rất nhiều người Việt Nam " Lười nhác, cố chấp, thiển cận, hẹp hòi, đố kị và không trung thực". Có lẽ sẽ rất nhiều người ném đá. Có điều nếu không nhận ra khuyết điểm của mình để sửa chữa thì muôn đời Việt Nam không giàu lên được.
Thực Tế
Đồng tình với nội dung. Lâu nay, chúng ta cứ mải nói cái đẹp của chúng ta mãi. Nên chăng, hãy song song cả hai mặt trên báo chí cho tất cả mọi người học hõi để tốt hơn. Còn rất nhiều cái mà chúng ta cần phải cải tiến cho tốt hơn mà đôi khi không biết phân biệt được thế nào là làm tốt, thế nào là làm xấu...
suy nghĩ lạc quan hơn
Ở đâu cũng phải có người này người khác, nếu thật sự giống nhau hết thì khác gì bầy kiến nào. Thật ra những gì không hay người ngoại quốc cảm nhận về ta cũng là do 1 vài cá nhân gây ra làm "rầu cả nồi canh" nước Việt. Bản chất người Việt thật thân thiện mến khách nằm ở chỗ ta biết cảm thông chia sẻ với mọi người xung quanh dù đó là người nước ngoài hay trong nước, ta thông minh sáng tạo không phải ở chổ có bao nhiêu phát minh được thế giới công nhận, mà vì người Việt mình biết tìm tòi đổi mới để vượt qua khó khăn. Dù chưa thể xác định rỏ ràng rằng khách nước ngoài nghĩ gì về ta, nhưng có thề khẳng định một điều ta có thể tự tin ngẩng cao đầu vì mình là người Việt
Cua Việt Nam
Tôi đã nghe người ta kể thế này :
Một người nước ngoài sang Việt nam chơi, họ nhìn thấy một bà đi bắt cua. Trong giỏ có rất nhiều cua.Nhưng không thấy bà ấy đậy nắp. ông khách ngạc nhiên mà hỏi rằng:" Này bà,sao bà không đậy nắp , bà không sợ cua bò ra hết à? bà ta cười và trả lời ông khách:" ông à ,đây là cua việt nam,cua này chỉ phải đậy ,và đậy thật kỹ khi chi có một con trong giỏ. Còn khi đã có hai ba con trở lên thì không cần đậy !" .Ông khách ngạc nhiên hỏi thêm:"Sao vậy Bà?".Bà ta trả lơi:" Đó là điều đặc biệt của cua việt nam.Khi một mình thì đạy kỹ thế nào nó cũng tìm cách ra được. Nhưng có tử vài ba con trở lên, thì....con nào bò lên sẽ bị các con khác kéo xuống ngay, nên không con nào ra được. Thế thôi!." ông khách gật gù cười ".À ra thế!"
Tôi tự hào là người Việt
Bạn nên xem lại tính tự tôn của dân tộc đi, chẳng có ở đâu mà tất cả mọi người đều tốt đâu bạn ah. Đừng moi móc, soi mói nhiều quá. Nước mình còn nghèo nên đa phần chưa đc tiếp cận văn hóa văn minh, hoặc một bộ phận chưa đc ăn học đầy đủ. Tôi nghĩ nếu ai cũng thu nhập từ 5-7tr/tháng thì sẽ không có bài viết này đâu.
Tại sao lúc nào ta cũng phải "Đúng là người Việt Nam". Tôi cũng tìm hiểu đa phần chúng ta chỉ thấy nưóc ngoài qua phim, chứ đời thực tôi nghĩ những nước tiên tiến hơn cũng chẳng hơn mình là bao đâu, chỉ là họ có nhiều người thu nhập tốt hơn và đc tiếp cận nhiều hơn với những văn hóa lành mạnh mà thôi. Tôi luôn tự hào mình là người Việt.
Đừng để người ta khinh
Làm gì thì làm nhưng đừng để người nước ngoài khinh thường dân mình. Tôi thấy nhiều người VN rất sỹ diện và lúc nào cũng cho là mình đúng, hay tò mò tọc mạch và nhiều chuyện, điển hình trong cty tôi rất nhiều người mắc "bệnh" ấy, đến nỗi các sếp người nước ngoài k thể tin tưởng nhân viên người Việt được nữa, chúng ta cần phải thay đổi những tính xấu đó đi đã rồi "tự sướng" sau cũng ko muộn mà.
Người VN thì luôn là người VN
Người VN từ xưa vẫn có rất nhiều đức tính tốt đẹp. Thực sự khi vào hoàn cảnh khó khăn thì đức tính đó sẽ bộc lộ rất rõ, còn thời điểm này tôi thấy tất cả XH đang vào công cuộc làm kinh tế nên đôi khi nhiều người vì miếng cơm manh áo, vì sự mệt mỏi của cuộc sống mà phải bon chen lẫn nhau. Khi cuộc sống dần no đủ, tiền của dư dật hơn, nếp sống văn mình cùng dân trí cao hơn chúng ta sẽ có 1 XH Việt Nam hiện đại cũng như Nhật và Hàn bây giờ thôi.
Cần cù, chịu khó, thông minh, thân thiện thì đã giàu có
Taị sao nhiều nước quanh ta lại giàu có hơn, học hành tử tế hơn, lịch sự hơn, nhân ái hơn, quan tâm tới cộng đồng hơn.Họ có được như vậy là vì họ cần cù, thông minh, mến khách, sáng tạo, tự lập, đầu óc họ thoáng đãng hơn.
Hãy thức tỉnh lại, không ai có thể giúp chúng ta bằng chính chúng ta
Mình cũng là người Việt Nam, và mình thấy đánh giá của tác giả là xác đáng, mỗi chúng ta hãy thức tỉnh lại bởi lẽ vài năm trở lại đây chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta đã dần hòa nhập sâu rộng vào môi trường cạnh tranh khốc liệt toàn cầu, mọi thứ biến đổi nhanh như biểu đồ tăng giảm giá vàng hay chứng khoán vậy (thay đổi từng phút). Vậy nên, đã đến lúc chúng ta phải tự cứu chúng ta bằng việc phải làm sao có hiệu quả thực sự thay vì những thứ "mơ hồ".

Tôi có một số cơ hội làm việc với người Nhật, người Hàn Quốc họ có một tinh thần dân tộc rất cao khi họ mua cái gì, cần dịch vụ gì họ luôn ưu tiên chọn mua hàng hoặc dịch vụ của những nhà cung cấp của nước họ.
Ví dụ 1 công ty Hàn Quốc họ cần mua ô tô để phục vụ công việc, mình có chào giá họ xe Nhật họ cũng lắc đầu, họ ưu tiên dùng hàng nước họ. Còn Nhật thì khỏi nói, từ dịch vụ logistic, đến ngân hàng, rồi đến mua sắm cái họ luôn ưu tiên mmua từ các hãng Nhật.

Ở VN thì sao? ngoại và ngoại.

Đất nước muốn phát triển phải bắt đầu từ mỗi công dân.
Tôi vẫn tự hào vì là người Việt
Dĩ nhiên không có dân tộc nước nào là hoàn hảo. Ở đâu cũng có người tốt người xấu. Nếu nói: " Lười nhác, cố chấp, thiển cận, hẹp hòi, đố kị và không trung thực" thì cũng quá.
Like
Bài viết hay, bài bình luận của bạn Hồng Hà hay.
Rất đồng ý
Bài viết rất hay, mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả .Hãy tự hỏi tại sao nếu con người toàn những đức tính tốt đẹp, sao đất nước vẫn nghèo?,văn hóa đạo đức ngày càng mất gốc đi xuống? đừng tự biện minh tại, bị, thì, là ,mà.... kết quả nói lên tất cả,hãy nhìn Nhật Bản mà học hỏi . Thật ra những lời hoa mỹ cũng là "tự phong" thôi,hãy để người ngoài nhận xét rồi hãy tự hào là tốt nhất hoặc đi ra nước ngoài để mở tầm mắt và so sánh
Đồng ý với bài viết
Trước đây có một người lớn tuổi có nói với tôi: - Tại Nhật, học sinh học trong trường các thầy cô luôn dạy rằng (tôi chỉ nhớ đại khái ý chính thôi vì cũng đã nghe lâu lắm rồi): "Nước chúng ta là một đất nước thất bại trong quá khứ, trong chiến tranh. Vì tương lai của đất nước các em phải phấn đấu để làm giàu cho đất nước". Đó là họ "biết người, biết ta" và hiện tại đã chứng minh họ thành công trong công cuộc làm giàu đất nước, trong hình ảnh những đứa trẻ chia nhau miếng bánh khi lũ lụt - sóng thần - khó khăn, không có cảnh tranh giành, cướp giật vô ý thức (kiểu như thấy người bị nạn thì lao vào hôi của).
Người Việt Nam ơi, xin hãy thức tỉnh, đừng để quá khứ hào hùng của ông cha ta (chứ không phải là của ta nữa) mãi ru ta, để lúc nào đó ta ngủ quên trên chiến thắng. Nên tự hào về quá khứ đó nhưng vẫn phải sống, chiến đấu và hy sinh để giành chiến thắng như ông cha từng làm, nhưng bây giờ là một trận địa mới, quân thù mới. Trận địa bây giờ là lòng người, quân thù bây giờ là cái "tôi" thái quá của mỗi con người. Chiến thắng bản thân mình là chiến thắng khó khăn nhất. - Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm của người viết, những ai vẫn còn nghĩ là những con người có tư tưởng như trong bài viết đề cập tới chỉ là "thiểu số", chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" thì hãy khách quan xem lại.
Vẫn tin tưởng đâu đó vẫn còn người tốt, những hiệp sĩ đường phố, những mái ấm cho trẻ em nghèo, những quán cơm 2.000,... sao chỉ thấy đếm trên đầu ngón tay. - Rừng ta đã gần "vàng", biển ta đã sắp "bạc". Phải có những con người có chí tiến thủ dám nói thẳng nói thật, đả phá cái tư tưởng cổ hữu bấy lâu rằng ta là số 1. Ông cha ta từng là số 1, nhưng có đúng hay không khi chúng ta cứ vin vào đó để tha hồ làm những điều xằng bậy khác và vẫn vỗ ngực "tự sướng" rằng: Ta cũng là số một?!?!?!? Trân trọng.
Tôi không đồng tình với tác giả
Không biết bạn đã có bao nhiêu phát minh, bằng khen, công nhận về thành quả của mình? Ý kiến của bạn tôi không hài lòng, vẫn biết trong xã hội còn có một số nguời "cơ hội" nhưng đó là cuộc sống, miếng cơm manh áo của cả gia đình họ. Hay thiếu nụ cười như bạn nói, vậy tại sao bạn không cười trước và chào họ bằng một nụ cười thân thiện. Bạn hãy thử về một vùng quê nào đó thử ngồi và quan sát những nguời bà, nguời mẹ, nguời chị, hay những em thơ ngày ngày cặm cụi làm việc bên những mẫu ruộng... thì mới thấy thật đáng tự hào về con nguời Việt Nam.
Dù cực nhọc, vất vả nhưng chỉ cần bạn hỏi thăm thì họ sẵn sàng mời bạn bát nước chè xanh và trò chuyện "râm ran" nhiệt tình. Cám ơn bạn đã viết bài viết này, nó có thể cho mọi người một ý kiến hay và đánh thức lối sống đẹp vốn có của người Việt nhưng cũng đừng nghe "người ta" nói và viết nhé, hãy tự cảm nhận và sống thực với con người Việt bạn sẽ thấy cái chân chất, mộc mạc, cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó, nhiệt tình, ấm áp, hiếu khách biết nhường nào.
Hoàn toàn đồng ý với tác giả
Tôi hoàn toàn đồng ý, hiện tôi đang làm việc tại Singapore, vì đặc thù công việc nên văn phòng công ty tôi có nhân viên từ các quốc tịch khác nhau: Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillipines, Ấn Độ, Thái Lan. Và có 1 điều tôi phải thú nhận: những người Việt đó tệ nhất trong các quốc tịch còn lại: không hợp tác, lười nhác, đùn đẩy trách nhiệm, luôn đòi hỏi và không đoàn kết ngay cả với chính nhóm Việt Nam, dù chúng tôi cũng chỉ có 5 người.
Dân Singapore chính gốc ư, họ giàu có, đó là điều đương nhiên. Nếu các bạn thấy họ thực sự 'cày' như thế nào, lúc nào thấy họ cũng nhanh: đi nhanh, làm việc nhanh, nói nhanh. Đi sớm và về muộn, ít có ai về lúc 5 giờ chiều, 6 giờ cũng đã là quá sớm, còn việc ở lại văn phòng tới 9-10 giờ tối là việc bình thường. Tôi không nghĩ đại đa số người Việt chịu làm việc kiểu này.
Không chỉ là người trẻ phải đi làm đâu nhé. Những người làm dọn dẹp, vệ sinh ở các khu công cộng, đều là những người lớn tuổi, một số người lưng còng xuống, và họ vẫn làm việc, cần mẫn, chăm chỉ. Tôi cũng từng có điều kiện làm việc lâu năm cùng một số người Nhật, họ không bao giờ tự hào mình thông minh (và thực sự, nhìn chung, người Nhật không thông minh xuất sắc), nhưng họ cần cù, chăm chỉ.
Khi nào những người Việt đó thoát khỏi tư tưởng làm ít hưởng nhiều, lúc nào cũng chỉ muốn ăn xổi, khi nào người Việt mới chịu cần cù làm việc trong mọi trường hợp như công dân các nước trong khối ASEAN (chứ không chỉ vì sinh kế quá thúc bách) và bỏ được thói khôn lỏi, chỉ muốn lợi cho chính mình, còn ai sống chết mặc kệ, thì khi đó, Việt Nam mới có cơ thoát khỏi ngưỡng nghèo đói, lạc hậu.
Ech ngoi day gieng
Toi thay suy nghi cua ban Minh Tu han hep qua qua cau " doi thuc toi nghi nhung nuoc tien tien hon cung chang hon minh la bao dau " That la Ech ngoi day gieng.
Những điều này có từ rất lâu
Chúng ta đang đi trên con đường hoa hồng mà thế hệ anh hùng trước đây đã đổ xương máu để trải nó, và chúng ta luôn tự hào về điều đó. Nhưng nhiều khi chúng ta đã quên rằng cần phải làm một con đường bằng phẳng cho thế hệ sau hơn là đứng một chỗ mà ca ngợi về quá khứ.
Hãy học ở người Nhật
Tôi rất nhất trí với ý kiến trong bài viết trên.Tôi đã từng làm trong công ty của Việt nam,liên doanh giữa VN với nước ngoài,Công ty nước ngoài hoạt động tại VN và nước ngoài.Thông minh,cần cù ,kỷ luật thì nên dành cho Nhật bản,các nước phát triển Tây âu.Người Việt mình chỉ cần cù ,chịu khó khi làm cho riêng mình.Giỏi mẹo vặt,copy nhanh.Ý thức tôn trọng kỷ luật,nội qui trong làm việc ,sinh hoạt kém.Hiếu khách chỉ ở giai đoạn đầu.Với Tôi ,chúng ta rất rất nên học tập người Nhật.
Bài viết phê phán quá nhẹ nhàng, lịch sự!!!
Có lẽ tác giả đã rất tâm huyết khi viết ra những điều này. Tôi cảm nhận được tác giả đang cố gắng kìm nén những bức xúc của mình để viết ra những lời lẽ nhẹ nhàng nhất có thể. Nghe khen thì dễ! Nghe chê thì khó!!! Tác giả đã dám nói thật những điều mà nhiều người đang băn khoăn suy xét...Giá mà có nhiều người dám nói thẳng như thế trong tất cả các chương trình nghị sự, lấy ý kiến quần chúng...! To Minh Tu: Giá mà bạn hiểu được "các nước tiên tiến chẳng hơn mình bao nhiêu" có nghĩa là gì!!! Khi viết câu này tôi cũng đang ở tình trạng kìm nén cảm xúc đó bạn ạ!
Không nên đánh đồng xã hội là một
Chào các bạn! để nhìn nhận một vấn đề, chúng ta cần phân tích sâu hơn về mặt tích cực và tiêu cực của nó. tôi không nói bài viết này sai, nhưng để đánh giá về con người VN thì như thế là chưa đủ nếu như không nói là có phần phiến diện. tôi không đồng tình với lối sống, cách làm việc ỡm ờ của một bộ phận nhỏ người Việt mình, nhưng tôi thấy mình tự hào là người Việt Nam. Thân!
@Minh Tú
Bạn Minh Tú ạ! Bản chất không phải chỉ là tiền như bạn nghĩ đâu. Có rất nhiều người giầu ở VN. Họ kiếm vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ mỗi tháng, nhưng văn hoá sống thì không thể chấp nhận được. Đã bao giờ bạn nhìn thấy những chiếc xe ô tô sang trọng vượt đèn đỏ chưa? Rất nhiều trường hợp như vậy xảy ra hàng ngày. Và còn rất rất nhiều xe máy cũng làm tương tự, trong khi đó không ít trong số họ kiếm hơn 5-7tr/tháng đấy. Hay đã bao giờ bạn nhìn thấy cách người Việt chúng ta xả rác chưa? Một cách nhẹ nhàng, chúng ta thản nhiên ném rác ra đường từ bên trong những chiếc xe hơi trị giá vài ba tỷ. Hãy tự hào, nhưng nên tự hào vè những gì đúng. Còn chỉ tự tôn mà không nhận ra những sai lầm của chúng ta thì đó là sự tự tôn mù quáng. Thân.
Re: Mãi và Mãi Mãi
Thưa quý báo,
Thưa quý bạn đọc,

Tôi đã định không đưa ra ý kiến của mình, vì thực ra đưa ra cũng chẳng ích gì.

Bởi vậy chúng ta hãy thử bắt tay vào một việc gì đó, bắt nguồn từ thực tế cuộc sống trước, bắt đầu từ một việc đơn giản nhất, là những điều mà mọi người ai cũng phải tham gia và tuân thủ...tôi lấy ví dụ như ở thành phố là xe phải đi đúng làn đường quy định.

Chứ cứ bình luận, nêu vấn đề mãi mà.....chẳng giải quyết được vấn đề thì.........bức xúc vẫn còn đó, có khi còn bức xúc hơn và cảm thấy mình vô dụng, và bắt buộc phải vô cảm thì ....Văn Sĩ Chán lắm.

Ai khởi xướng làm một việc gì đi, khởi sự bé thôi, để mọi người cùng theo, tôi tình nguyện tham gia diễn đàn, thảo luận xây dựng phương án và triển khai trên thực tế, sau đó đánh giá để rút kinh nghiệm rồi lại làm tiếp.
Nhận xét
Đứng trên khía cạnh tổng quan, tôi nhận thấy bài viết của bạn đưa lên nhận xét đúng, Tuy ở đâu đó trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc trên những quốc gia khác đang có rất nhiều người đang miệt mài làm việc, nhưng cũng có nhiều người vẫn còn đang rong chơi như thế. Ba tôi hay nói, Việt Nam là một nước vẫn còn mang đậm tính chất làng xã, mà ở làng xã thì đào đâu ra nhiều cái văn minh như thế, phải cho họ thời gian để trở nên tốt hơn, Chúng ta nêu lên những mặt tốt nhưng cũng nên xem lại mặt xấu của mình.
Không có gì là đáng hổ thẹn, vì con người là quá trình nhận thức một cách thấu đáo để trở thành một người hoàn chỉnh. Nhận xét thì nên khách quan, và vẫn đồng tình với cách nhận xét của bạn. Tuy nhiên, tôi vẫn tự hào mình là người Việt Nam, và vì vậy vẫn mong ở đâu đó mọi người vẫn luôn cố gắng để dân tộc Việt Nam trở nên tốt hơn trong tương lai. Mọi việc cần có thời gian, vậy hãy cho thời gian một ít thời gian.
Giỏi sao vẫn nghèo
Người Việt nam mình luôn tự hào nghèo mà học giỏi, nhưng sao giỏi thế mà vẫn cứ nghèo?
Quá chính xác
Gửi đến Lê Quang Đại. Tôi phải phục bạn vì có cái nhìn chính xác, cho dù bạn chưa từng đi ra nước ngoài để trải nghiệm. Rất hơn nhiều người mặc dù đã,đang sống ở ngoại quốc mà vẫn tự huyễn hoặc mình và không nhận ra những điều đó
Để có thể giải thích những điều bạn nói,tôi có nhận xét riêng cho mình sau đây: - Tính cần cù ,siêng năng của người VN mình: Thật ra thì nó có biểu hiện trong các công ty, nhà máy ở ngoại quốc của người mình về đặc tính này đó chứ, nếu so sánh với những người quốc gia khác. Nhưng tôi khẳng định rằng sự cần cù, siêng năng của mình là trường hợp bất khả kháng mà thôi, chứ nó không phải phát xuất từ bản tính sẳn có. Vậy thì vì sao ta lại siêng năng cần cù?
Câu trả lời rằng: 1/ Nếu muốn tồn tại trong cuộc sống ở các quốc gia tiên tiến, mà một con người không có sức khỏe tốt như những con người từ các quốc gia khác(nhỏ con,yếu sức), không thông minh bằng.....Thì mình phải "bắt buộc" cần cù, siêng năng để sinh tồn mà thôi. Nó cũng giống như câu "đói thì đầu gối phải bò" 2/ Tính thông minh,sáng tạo: Thì như bạn đã phân tích khá rõ. Tôi chỉ thêm ý. Đó là có nhiều người sẽ nói, người tài giỏi VN cũng thành công, nổi danh thế giới đó chứ. Nhưng họ quên một điều rằng phải tính trên tỷ lệ những người đó rồi đem so với dân số thì kết quả sẽ ra sao? Theo tôi thì tỷ lệ đó rất nhỏ, nếu không muốn nói như bạn là không đáng kể so với những cộng đồng khác. 3/ Hiếu khách, thân thiện: Phải nói rằng dân VN mình sống ở ngoại quốc khá co cụm nếu so với những công đồng khác về mặt giao lưu văn hóa, xã hội này nọ.
 Hiếu khách: Tôi không đề cập đến phạm trù này, vì nó khá dài dòng, theo quan điểm của tôi. Nhưng tựu chung là điều này còn tùy vào quan niệm sống của từng quốc gia trên thế giới. Cho nên chưa thể nói là chúng ta hiếu khách.
Ech ngoi day gieng thi thay bau troi chi la....
Toi hoan toan dong y voi tac gia. Nho lai cach day hon 20 nam lan dau tien toi toi Thailand va cam giac dau tien khi nhin thay phi truong va duong freeway cua nguoi ta thi toi moi biet duoc la minh da bi lua voi nhung diep ngu " Dat nuoc ta rung vang bien bat, nhan dan ta...." Khi can danh gia mot van de hay la mot dan toc tanh thi chung ta can phai biet va hieu chinh minh va biet tim hieu nhung dan toc khac truoc khi qua tu hao ve minh. Neu nhung ai co co hoi di duoc du lich ra nuoc ngoai thi co le bot Tu Phu.
Chúng ta đã làm ngơ...
Cảm ơn bạn Đại đã nói thay cho những người "chúng ta" (có lẽ nhiều chục phần trăm dân số VN) biết vấn đề này, nhưng "chúng ta" hầu như làm ngơ,.... Hi vọng sẽ có thêm "vài chục phần trăm" sẽ trăn trở như bạn...
Gửi bạn Minh Tú
Tôi tự hào là người VN, nhưng tôi không tự hào vì những đức tính huyễn hoặc kia. Bạn mới là người chưa biết tường tận về người nước ngoài mà đã nhận định này nọ, chính vì cái đầu óc bảo thủ không chịu cầu thị là 1 ví dụ điển hình để cho thấy nhận định của tác giả là chính xác. Tôi có cơ hội được làm việc và công tác ở nước ngoài; nếu so sánh với các nước đang phát triển khác, phần lớn người Việt chúng ta thua xa họ (ở cùng vị trí làm việc), không phải về kiến thức chuyên môn hay văn hóa lành mạnh, mà chỉ đơn thuần về tư chất, tính cách, văn hóa và đạo đức. Tôi có xem 1 phim tư liệu cũng khá lâu rồi, trong đó có so sánh về cách giáo dục trẻ em của nước ta và Nhật. Theo đó, khi ở ghế nhà trường trẻ em VN được dạy rằng: "các con là những đứa trẻ may mắn, tự hào là dòng dõi con rồng cháu tiên, sở hữu rừng vàng biển bạc..." trong khi trẻ em Nhật thì được dạy rằng: "các con là những đứa trẻ không may mắn, tài nguyên đất nước không cho các con thứ gì, tương lai của đất nước này phụ thuộc tất cả ở các con...". Và hiện tại, chúng ta đã thấy sự khác biệt giữa 2 quốc gia như thế nào.
Tùy theo góc nhìn để đánh giá
Có thể nói không ở đâu trên thế giới mọi ngừoi trong một quốc gia đều hòan hảo cả. Theo tôi những nuớc như pháp ý nổi tiếng lịch lãm sang trọng nhưng đó cũng chỉ là bề nổi. Trong khi đó nuớc mình mới đi lên từ đổi mới trình độ văn hóa và nhận thức chưa cao cộng thêm nuớc mình còn nghèo nên xuất hiện những điều như tác giả viết cũng ko có gì là lạ.
Muốn thay đổi nếp sống muốn thay đổi suy nghĩ sẽ có 2 cách làm đó là đc giáo dục tử tế ngay từ nhỏ từ nhà trừơng từ chính ngôi nhà của bạn thì bạn sẽ quen với những cách sống và cách ứng xử "văn minh". Và còn 1 cách nữa cũng có thể khiến con ngừoi ta thay đổi nhanh chóng đó là : Nghèo đói, bệnh tật hoặc chiến tranh đưa con ngừoi đến những quyết định mang nhiều tính cảm tính miễn sao có lợi.
Điều này cũng ko hẳn những nuớc khác ko như vậy (trừ nhật bản vì đó là tinh thần của họ). Tóm lại một điều tác giả viết bài viết thế này chỉ đúng ở 1 khía cạnh đó là nhìn vào thực tại xã hội hiện nay để đánh giá chứ chưa đủ sâu sắc để đánh giá về cả 1 dân tộc hay 1 con ngừoi. Hãy đi nhiều nơi hơn đến từng góc cạnh của cuộc sống để tìm hiểu hết những giá trị thật sự của những điều tốt đẹp ko nên chỉ nhìn vào 1 mặt của xã hội tại nơi phồn hoa bạn đang sống để đánh giá vì như thế bạn đang tỏ ra mình là 1 ngừoi nóng vội và ko suy xét.
GOP Y
CHUNG TA CO NHUNG PHAM CHAT AY, NHUNG KHONG PHAI LUC NAO CUNG SAN SANG UNG DUNG. NHUNG GI DUOC COI LA CO THI NGUOC LAI SE CO LUC KHONG CO. BAN THAN CAC BAN SINH VIEN CUNG VAY MA THOI. KHI CON HOC PHO THONG THI RAT SIENG NANG HOC TAP DE CO VAO DAI HOC. KHI VAO DAI HOC THI BAT DAU ...BOT SIENG NANG VA CHO RANG MINH DA GIOI ROI.
SAU KHI TOT NGHIEP THI XIN VIEC LAM RAT VAT VA NEN VAO LAM VIEC THI MET MOI UE OAI. THE LA CHUNG TA LAI NHO VE NHUNG NGAY XUA SIENG NANG DE TU AN UI MINH VÀ THOA MAN NHAP NHAP LY CA FE SANG.....
QUY TRINH NO LA THE THOI.
CAC BAN CO THE THAY NHUNG DAN TOC PHUONG TAY HO CHE TAO RAT NHIEU NHUNG VAT DUNG TIEN NGHI CHO CUOC SONG. NHUNG THUC CHAT LA PHUC VU CHO CON NGUOI LUOI BIENG. XA HOI CHAU AU DA MOT THOI GIAN BI BEO PHI VI DOI SONG CONG NGHIEP IT VAN DONG. NAY HO DA PHAI SUY NGHI LAI VA DAM DAU DI TAP THE DUC DAY THOI.
HO AN CHOI, SU DUNG CHAT GAY NGHIEN CON NHIEU HON CHUNG TA DAY....TOI PHAM CUA HO CUNG DANG CAP HON NHIEU. VA HO VAN DANG MO TRO LAI PHUONG DONG DE SAN TIM NHUNG CON COP CHAU A DAY CAC BAN A.
CHUNG TA VAN LA VON QUY CUA THE GIOI DAY. DIEU QUAN TRONG LA CHUNG TA CO GIN GIU, DUY TRI DUOC LIEN TUC TINH SIENG NANG, CHIU KHO, SANG TAO TRONG SUOT CUOC DOI MINH HAY KHONG. NHAT TRI?
Hoàn toàn tán thành
Tôi hoàn toàn tán thành với bài viết. Khi còn nhỏ tôi luôn được nghe : nước Việt Nam rừng vàng biển bạc, dân tộc Viết Nam cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo. Hơn 30 năm kể từ ngày hiểu được câu đó Việt Nam chúng ta ra sao? Trong khi nước Nhật từ nhỏ các em học sinh đã được dạy : nước Nhật đất đai nhỏ hẹp, tài nguyên nghèo này, thế chất người Nhật nhỏ bé...nếu so sánh 37 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc 1945 và 37 năm sau ngày 30/04/1975 thì Nhật họ phát triển xa lắm so với Việt Nam. tại sao vậy ? Vì họ không tự ru ngủ họ. Cái chúng ta phải lo nhất hiện nay là đạo đức và lối sống của nhiều người Việt Nam ngày càng đi xuống. Sống tại Miền nam Việt Nam, nếu so sánh trước đây và hiện nay thì đạo đức và phong cách sống của một bộ phận người Việt Nam chúng ta đi xuống rất nhanh. Những gì trước đây mọi người có đó là nỗi nhục, đáng lên án thì hiện nay được nhiều người tôn vinh, xem là cái hay. Mới đây việc một trọng tài sau khi làm nhiệm vụ bị đánh trên đường về và nhiều vụ án xảy ra hiện nay cho thấy suy thoái về đạo đức cần cảnh báo.
Đồng hành cùng bạn
Đọc bài viết của bạn tôi cảm thấy mình đã có người đồng hành, cùng suy nghĩ với mình. Thật đáng lo ngại cho lớp trẻ sau này, mỗi ngày chúng tiếp cận, gặp gỡ điều tốt thì ít mà điều chưa tốt thì nhiều. Tôi nêu ra một ví dụ nho nhỏ để mọi người cùng suy nghĩ: Hàng ngày tôi thường chở con tôi đi học bằng xe máy. Tới ngã tư gặp đèn đỏ thì tôi dừng lại, chờ đèn xanh xuất hiện mới bắt đầu đi. Một số người Đèn đỏ vẫn còn sáng còn 6,7 giây mới hết mà đã rồ xe chạy, con tôi thấy liền hỏi: Mẹ ơi, sao đèn đỏ mà họ vẫn chạy xe vậy mẹ? Tôi không biết trẻ lời con trẻ như thế nào, trong khi bản thân mình dạy con phải đi đúng luật giao thông, mà mọi người xung quanh thì không như vậy. Và còn rất nhiều, rất nhiều điều chúng ta cần phải suy nghĩ.
Bài viết rất hay!
Đồng tình với nội dung này. Tôi cảm thấy bấy lâu nay chúng ta đang tự lừa dối mình là con người VN rất tự hào này nọ kia...nhưng điều tự hào đó chỉ còn sót trong một số nhỏ dân số Vn mà thôi. Tôi thấy buồn cho một thế hệ, nhưng cũng tự hào về một số nhân phẩm còn sót lại .
Nhận xét chính xác!
Mỗi quốc gia đều có nhiều thành phần khác nhau và văn hóa, cách hành xử cũng khác nhau, không bao giờ có chuyện một quốc gia chỉ toàn người văn minh, chăm chỉ, thân thiện, thông minh .v.v hay ngược lại chỉ toàn những người lười biếng,ỷ lại, chỉ thích bắt chước, tính toán ngắn hạn v.v
Nếu như bài viết trên là nhận định về cách hành xử của đa số người Việt Nam hiện nay thì tôi đồng tình với tác giả và có lẽ nếu bỏ phiếu thì tỷ lệ đồng tình cũng sẽ rất cao.
Nên nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh
Ai cũng cho là bài này viết đúng, tôi cũng công nhận là bài viết không sai nhưng thiết nghĩ cũng chỉ phản ánh được một phần, một khía cạnh nhỏ thôi. Nói ngược lại nếu không cần cù, chịu khó thì làm sao có những bà mẹ buôn gánh bán bưng chấp nhận xa quê mấy năm liền để vào thành phố mà nuôi con ăn học thành tài, Nếu không chịu khó, không cầu tiến thì đâu có những người cha, người anh đạp xích lô, lượm vỏ ni long ...để kiếm tiền nuôi em út ăn học, nuôi mẹ bệnh đau.... nếu không thông minh, sáng tạo sao có những em nhà nghèo, ở tận vùng sâu, vùng xa, sáng học chiều đi chăn trâu, không học thêm, học tăng tiết, không đi ôn ở các trung tâm lớn mà lại đậu thủ khoa trong các kì thi đại học...Tôi nghĩ bản chất người Việt của mình đúng với những gì mà từ trước tới giờ chúng ta đã nghe, nhưng xã hội phát triển, sự phân hóa giàu nghèo càng rõ nét và một bộ phận nào đó bị tha hóa mà thôi.
Tôi đồng ý cách nhìn này!
Tôi vẫn nhớ tới một câu như thế này : Đừng tự hào vì người Việt nghèo mà vẫn học giỏi, hãy tự hỏi tại sao Giỏi mà vẫn Nghèo??? Chúng ta thích nuôi gà chọi hơn là nuôi cả đàn gà tre mà biết chọi!
ý kiến
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bạn Ngọc Mai: có rất nhiều người Việt Nam " Lười nhác, cố chấp, thiển cận, hẹp hòi, đố kị và không trung thực".
Lạc quan để được trẻ lâu
Thì người nước mình có tính lạc quan nhất thế giới còn gì . các nước khác làm gì có thành phố 1000 năm , có một tẹo phố cổ Hà Nội chật chội khổ sở mà lúc nào cũng cứ như trên mây . Thủ công mỹ nghệ toàn tự thổi kèn khen hay , mà có ai biết xe Roll Royce toàn làm thủ công đấy . Nhưng thôi cũng nhờ có tính lạc quan cao mà con người mới trẻ lâu .
Cái nhìn phiến diện đầy mặc cảm tự ti
Việc đầu tiên hãy cùng đồng ý: Trong bất kỳ xã hội nào cũng song song tồn tại cả người tốt lẫn người xấu, chăm chỉ / lười biếng...Ở Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, tuỳ từng lúc, tuỳ biến động xã hội của từng giai đoạn mà cái xấu có thể bị chế ngự hay nó trở nên thắng thế trong cái xã hội ấy. Nếu anh Lê Quảng Đại từng đọc nhiều thì chắc đã biết rằng ngay cả các xã hội văn minh nhất hiện nay cũng đã từng trải qua những thời kỳ đen tối khi mà con người cư xử gần như con thú.
Vậy thì khi nói về những cái tốt của Việt Nam, khi viết sách để dạy con trẻ, người ta phải nhìn vào một bức tranh lớn hơn, người ta phải nhìn xa hơn, rộng hơn những gì đang diễn ra quanh ta. Thậm chí người viết sách giảng dạy cho thế hệ trẻ cũng cần phải truyền cho con trẻ những mục đích cao cả, những nguồn cảm hứng tốt đẹp để chúng có thể tin vào tương lai mà vươn tới. Nếu đồng ý với mục tiêu ấy chắc anh Đại sau này không bao giờ muốn dạy con rằng: "Con ơi, con chỉ là một trong những kẻ ngu si, lười nhác, ươn hèn... mà thôi. Con rồi sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu". Tôi cầu khẩn anh không dạy con anh như vậy.
Trên các diễn đàn xã hội ngày nay có vô số những lập luận kiểu này nhưng không ai biết thực chất những người như anh Đại này là ai. Nhưng ngoài những người có suy nghĩ hạn hẹp ra thì trong đó hẳn phải có những kẻ rất mong muốn tước đi một vũ khí mạnh mẽ nhất của người Việt Nam, đó là lòng Tự Hào. Không có vũ khí đó, cha ông ta đã không thể giữ được Tổ Quốc Việt Nam cho đến ngày nay. Mong các bạn suy xét. Đừng tung hô, vào hùa vào những luồng ý kiến như vậy. Tôi yêu Việt Nam và tôi luôn cho rằng cái xấu rồi sẽ thua cái tốt.
Rất chính xác
Đọc bài viết này tôi thấy rất hay . Lâu nay chúng ta thường hay tự hào những đức tính trên một cách rất chủ quan và có khi là lố bịch. Điều này thật sự tai hại vì nó sẽ mang đến tâm lý tự thỏa mãn và kìm hãm sự phấn đấu của chúng ta. Hãy nhìn lại mình một cách thực tế và đừng " tự sướng " nữa , chỉ có như vậy thì chúng ta mới có động lực để phấn đấu và vươn lên.
Người Việt góc nhìn khác
Gửi các bạn tham khảo bài sưu tầm đánh giá người việt qua nghiên cứu của người Mỹ: 1. Cần cù lao động, song dễ thoả mãn, tâm lý hưởng thụ còn nặng 2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tư duy dài hạn, chủ động 3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm) 4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý tưởng nâng lên thành lý luận 5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện vì công ăn việc làm, ít chí khí, đam mê) 6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền 7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích học đòi) 8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong những điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện 9. Yêu hoà bình, nhẫn nhịn song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt 10. Thích tụ tập nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng 1 việc: 1 người làm thì tốt, 3 người làm thì kém, 7 người làm thì hỏng)
Bài viết rất hay
Tôi rất tán đồng với suy nghĩ trên của bạn đúng là chúng ta chỉ đang tự huyễn hoặc một bức tranh về con người đầy tốt đẹp, nhưng thực ra là nó không hề tồn tại. tôi cũng giống như bạn chưa có điều kiện ra nước ngoài để xem cuộc sống và con người của họ nhưng nói thật nói về con người việt nam của khoảng thế hệ cha ông ta thì ta có thể tự hào vể một thế hệ với những phẩm chất cần cù chịu khó, có tố chất thông minh và sáng tạo, thân thiện và mến khách.
 nhưng đến thế hệ sau của chúng ta thì tôi nghĩ những phẩm chất này đã không còn nhiều nữa rồi, rất hiếm trong cuộc sống tôi mới thấy được một người với những phẩm chất như vậy. Tôi cũng đi nhiều xuyên xuốt từ Bắc vào Nam cũng gặp bao nhiêu người nghe bao nhiêu câu chuyện và tôi thấy một điều giống như bạn nói những con người với những phẩm chất như trên sắp không còn nữa rồi.
Hãy nhìn vào người Hàn
Bài viết rất hay và tôi cũng có cùng quan điểm như bạn. Trẻ em, học sinh, sinh viên của chúng ta đã bị tâng bốc quá đáng khi được học rằng "đất nước Việt nam giàu đẹp, có rừng vàng biển bạc". Như vậy mặc nhiên họ sẽ nghĩ rằng nước ta rất giàu, không cần làm cũng có ăn!!! Hãy nhìn vào người Nhật, họ giáo dục con cháu họ là đất nước họ rất nghèo, không có tài nguyên nhưng dân tộc họ có lòng tự trọng và quyết tâm cao. Hãy nhìn vào người Hàn, họ chỉ cần có 40 năm đã trở thành một cường quốc kinh tế và có nền công nghệ phát triển vượt bậc.
đồng tình
Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn. Phải nhìn thẳng vào vấn đề mới mong giải quyết được vấn đề !
@Minh Tú
Ai là con dân của nước Việt Nam đều tự hào mình là người Việt, kể cả tác giả bài viết trên cũng không có 1 câu nào nói là xấu hổ vì mình là người Việt cả, bạn đừng nghĩ xấu cho người ta. Đúng là đất nước ta còn nghèo, còn lạc hậu, nhưng không vì thế mà những hành vi mất văn hóa vẫn có thể xảy ra đầy rẫy, hàng ngày như vậy được. Đơn cử tôi nói mỗi ngày bạn đi ra đường, đảm bảo bạn sẽ gặp những thanh thiếu niên mặc quần áo học sinh (lẽ dĩ nhiên là coi như họ có học vấn đàng hoàng nhé) nhưng văng tục, chửi thề, thậm chí là đánh nhau, vô lễ với người lớn tuổi nữa.
Bài viết phân tích rất đúng, rất sâu sắc, tôi tự hào là người Việt Nam, tôi yêu đất nước, dân tộc Việt Nam, nhưng tôi sẵn sàng nhìn nhận những khuyết điểm đáng chê trách của người VN để không mắc phải những điều đó, người ta nói nếu không biết tự nhìn nhận khuyết điểm của bản thân mình thì chẳng bao giờ bạn tiến bộ được, bạn nên xem lại nhận thức của mình. Xin cám ơn tác giả vì bài viết ý nghĩa.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét