Thử tìm mô hình tăng trưởng kinh tế cho mười năm tới | ||
PGS.TS. Nguyễn Sinh Cúc | ||
|
Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu quan
trọng trong những năm sắp tới. Trong ảnh: Kênh Ba Bò bị ô
nhiễm nặng do rác và nước thải chưa qua xử lý. Ảnh: Thanh Tao.
(TBKTSG) - Mười năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đã bộc lộ những hạn chế và nhược điểm ngày càng rõ nét: tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa đều, chưa vững, chất lượng và hiệu quả thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ chưa theo kịp yêu cầu của quan điểm phát triển bền vững. Đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách và lộ trình thích hợp để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm an sinh xã hội và môi trường sinh thái.
Tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng: hiệu quả thấp và không bền vững
Năm năm từ 2006-2010 là thời kỳ tăng trưởng chủ yếu nhờ vào tăng đầu tư. Tỷ trọng vốn đầu tư thời kỳ này đều trên 42% GDP nên hiệu quả đầu tư thấp và giảm dần. Hệ số ICOR các năm 2007, 2008, 2009 và 2010 theo thứ tự là 5,2%; 6,6%; 8,0%; và trên 8,4%. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, nhất là các dự án về điện, giao thông; đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nổi bật nhất là các dự án thuộc tập đoàn Vinashin. Chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp còn thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tính hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.Chỉ số giá tiêu dùng CPI các năm 2007, 2008, 2009, 2010 tăng tương ứng 12,6%; 19,8%, 6,5%, 11,7%, và năm 2011 ước tăng 18% so với năm trước, kéo theo giá trị tiền đồng giảm. Với các con số này Việt Nam là nước có tốc độ tăng giá cao nhất trong khu vực.
Có rất nhiều nguyên nhân tác động tới chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu là năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn vật chất và năng lượng thấp. Với mức tăng 5,1% trong giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam được cho là thấp so với các nước trong khu vực, khi Trung Quốc gấp trên hai lần so với Việt Nam; Thái Lan gấp 4,5 lần; Malaysia gấp 12 lần và Hàn Quốc gấp 23,5 lần.
Về hiệu quả sử dụng vốn, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mới chỉ tập trung vào chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sức lao động giá rẻ, chứ chưa tập trung vào tăng trưởng chiều sâu, chưa chú trọng các yếu tố: năng suất, chất lượng; hiệu quả và môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, cấu trúc đầu vào của tăng trưởng, những bất ổn về môi trường và hệ số co giãn giảm nghèo đang giảm dần và bất bình đẳng có xu hướng tăng mạnh… cũng là những nguyên nhân tác động không nhỏ tới chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Có một điểm đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp từ năm 2001-2011 khá ổn định, tốc độ trung bình 4,2%/năm, góp phần giúp tăng trưởng phục hồi. Nhưng đầu tư tập trung chủ yếu vào công nghiệp và dịch vụ còn nông nghiệp rất thấp là vấn đề đáng suy nghĩ. Sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ chưa tạo ra nhiều việc làm để thu hút lao động thiếu việc từ khu vực nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo ở nông thôn cung cấp việc làm cho 52,6% lao động nhưng họ chỉ nhận thu nhập bằng 20% GDP và hơn 6% đầu vốn đầu tư xã hội những năm 2006-2010 là quá thấp, không hợp lý, kể cả mục tiêu đề ra và chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình ưu tiên cho công nghiệp - dịch vụ hiện nay.
Có thể thấy mô hình tăng trưởng hiện nay đã quá nhấn mạnh đến khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, huy động tối đa nguồn vốn, nhưng sử dụng thiếu hiệu quả. Không thể mãi ỷ thế vào những nguồn tài nguyên (kể cả tài nguyên tái tạo và không tái tạo) để khai thác thật nhiều và mang về những nguồn lợi to lớn về ngoại tệ phục vụ nhu cầu phát triển. Hệ quả là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế không cao, thu nhập của một bộ phận đáng kể người lao động thấp, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng có yếu tố dựa quá nhiều vào khu vực kinh tế nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, các tổng công ty nhà nước. Năm 2010, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm khoảng 70% tổng tài sản cố định toàn bộ nền kinh tế quốc dân, chi phối 30% vốn đầu tư toàn xã hội, 60% tín dụng ngân hàng thương mại, 50% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, 70% nguồn vốn ODA. Với nguồn lực lớn như vậy, nhưng DNNN mới chỉ đóng góp vào GDP từ 37-39% và chỉ tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% lao động và năng suất lao động thấp hơn khu vực tư nhân từ 10-14%.
Kinh doanh không hiệu quả, năng suất lao động thấp, lợi nhuận thu về thấp hơn nhiều so với nguồn vốn bỏ ra, thua lỗ, nợ nần chồng chất. Cụ thể, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 chỉ rõ, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 813.435 tỉ đồng, nếu tính cả nợ của Vinashin (theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỉ đồng) thì nợ của khu vực DNNN đến cuối năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP (không kể chín tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có số liệu). Những con số trên liệu đã đủ phản ánh thực trạng yếu kém của mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khu vực DNNN?
Mô hình tăng trưởng kinh tế nào cho mười năm tới?
Quan điểm chỉ đạo trong các văn kiện Ðại hội XI về mô hình tổng quát phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn 2011-2020 là kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế hợp lý với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Dưới đây xin nêu một số định hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong mười năm tới.Để tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và bền vững, đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách và lộ trình thích hợp để tái cấu trúc nền kinh tế, với đa số lao động có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng đi vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo thuộc các ngành công nghệ mũi nhọn, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Từ đó nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn, với chất lượng cao hơn và người lao động cũng có thu nhập xứng đáng để cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của mình.
Cần khắc phục các biểu hiện của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, vốn dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, xuất khẩu nông thủy sản thô và tình trạng phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn FDI và vốn vay nước ngoài.
Cần tạo cơ hội cho các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước được tiếp cận bình đẳng các yếu tố “đầu vào” của sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa thực hiện tốt hơn tiến bộ và công bằng xã hội. Ðối với các kết quả “đầu ra” của quá trình sản xuất, kinh doanh, cần tiếp tục thực hiện nhất quán nguyên tắc phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Việc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế được xem là chủ yếu vì chính lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả mới thực sự là nguồn gốc quan trọng nhất tạo ra mọi của cải cho xã hội. Trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, ngoài phân phối theo kết quả lao động, việc phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh cũng phải được coi là công bằng.
Trong việc đầu tư các nguồn lực của Nhà nước cho phát triển đất nước, cần có quy hoạch và kế hoạch cụ thể để cân đối hợp lý mức đầu tư cho các vùng lãnh thổ khác nhau. Việc dành mức đầu tư cao hơn cho các vùng kinh tế động lực là rất cần thiết nhằm tạo ra những “đầu tàu” tăng trưởng để kéo “đoàn tàu” kinh tế Việt Nam đi lên. Mặt khác cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các vùng khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cho nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện thành công chương trình nông thôn mới, nhằm giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, giữa thành thị với nông thôn, bảo đảm cho sự phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng gắn liền với tăng trưởng kinh tế của tất cả các vùng, miền, các khu vực kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét