Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Khái Niệm Về Vốn Xã Hội

Khái Niệm Về Vốn Xã Hội


 
 

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn
Nguồn: Trankiemdoan.net
Khi nói về vốn liếng, người ta thường nghĩ ngay đến những giá trị vật chất cụ thể mà người sở hữu có thể nhìn thấy, cất giữ hay cân, đo, đong, đếm được. Những giá trị phi vật thể, đặc biệt là những giá trị tinh thần tạo nên bản sắc đặc thù của một quốc gia, một xã hội, một dòng họ hay một con người được coi như những “bẩm tính trời sinh”, bị chìm khuất sau biên cương và hào lũy truyền đời của lịch sử và văn hóa.
Từ trong nếp nghĩ theo thói quen và cảm tính, VXH thường bị xem hay được xem là một hệ thống giá trị mặc nhiên (taking for granted value system), mỗi người sinh ra là đã có nó như khí trời, thiên nhiên cây cỏ. Thật ra, nguồn vốn to lớn và quan trọng bậc nhất là Vốn Xã Hội (VXH). Trong cụm từ “Vốn Xã Hội” đã ngầm chứa hai thành tố là: Vốn (capital) + Xã Hội (social).
Vậy thì Vốn Xã Hội là gì và ai là sở hữu chủ của nguồn vốn đã bén rễ, đâm chồi nẩy lộc lâu dài và phong phú đó?
Vốn Xã Hội là một thực tại đã có chung dòng lịch sử với đất nước và con người từ thuở sơ khai. Nhưng người ta đã gọi nguồn vốn nầy theo những khái niệm và từ ngữ khác nhau.
Khái niệm về “Vốn Xã Hội” xưa nhất của người Việt Nam xuất hiện trong câu chuyện dân gian là chuyện Thằng Bờm. Giá trị của “có” (thằng Bờm) và “đổi” (phú ông) trong câu chuyện nầy căn cứ trên nguồn “vốn” thì mờ nhạt mà đậm nét nhất chính là cuộc trao đổi nặng tính chất tâm lý và xã hội giữa hai nhân vật có quan hệ mua bán và trao đổi là Phú Ông và Thằng Bờm. Cái quạt mo chỉ là biểu tượng của vật chất. Thằng Bờm mới chính là biểu tượng của xã hội và khát vọng cụ thể của con người trong xã hội đó.
Với phương Tây, khái niệm “vốn xã hội” (social capital) được Lyda Judson Hanifan, một nhà giáo dục Mỹ, nói đến lần đầu tiên năm 1916 khi ông ta bàn đến vấn đề quan hệ trong các trường ốc ở vùng thôn dã tại Bắc Mỹ. Để nói về vốn xã hội, ông xác định rằng: “ những giá trị hiện thực đó có tác dụng lên hầu hết cuộc sống hàng ngày của con người” (those tangible substance [that] count for most in the daily lives of people).

Từ đó, vấn đề vốn xã hội đã được nhắc nhở, nghiên cứu, phát triển và áp dụng một cách có hệ thống và rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, xã hội, tâm lý… tại Mỹ, các nước phương Tây và các quốc gia kỹ nghệ trên toàn thế giới. Năm 1961, Jane Jacob phân tích và thảo luận về vốn xã hội trong mối tương quan của đời sống ở thành phố. Năm 1983, Pierre Bourdieu soạn hẳn ra một lý thuyết riêng về VXH. James S. Coleman phát triển lý thuyết thành một nội dung giáo dục về nguồn vốn xã hội. Ý tưởng nầy đã được một tổ chức tài chính lớn nhất hành tinh là Ngân Hàng Thế Giới sử dụng như một ý kiến rất hữu ích về mặt tổ chức. Ngân Hàng Thế Giới xác định rằng: “ bằng chứng mỗi ngày một nhiều chỉ rõ rằng, sự liên kết xã hội là rất thiết yếu cho các xã hội trong việc làm giàu mạnh kinh tế và cho việc phát triển tiến lên không ngừng”. (Increasing evidence shows that social cohesion is critical for societies to prosper economically and for development to be sustainable (World Bank 1999) ”.
Trong khi vốn vật chất (physical capital) nói đến các vật thể hiện hữu và vốn nhân sinh (human capital) nói đến tài sản cá nhân thì vốn xã hội nói đến liên hệ nối kết giữa những con người. Đấy là mạng lưới xã hội với những tiêu chuẩn giao dịch qua lại trong sự tin tưởng lẫn nhau và đồng thời đó cũng là đạo lý cư xử giữa người và người trong xã hội. Theo định nghĩa của Ngân Hàng Thế Giới thì vốn xã hội là những gì liên quan đến các cơ sở, các mối quan hệ và những giá trị truyền thống. Tất cả cùng hợp sức tạo nên chất lượng và số lượng của thành phẩm làm nên bởi sự tương giao hợp tác trong xã hội… Vốn xã hội không phải chỉ đơn thuần là sự tổng hợp những khối lượng vật chất của xã hội mà là chất keo làm dính chặt những khối lượng tài sản xã hội nầy lại với nhau.
Nói một cách cụ thể hơn về vốn xã hội, Cohen và Prusak (2001) định nghĩa: “Vốn xã hội bao gồm phần lớn sự hợp tác xây dựng giữa những con người với nhau: Sự tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau, và sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách nối kết những thành viên trong các tập đoàn, các cộng đồng lại với nhau làm cho việc phối hợp hành động có khả năng thực hiện được”.
Như vậy, vốn xã hội chính là con người. Trong khi con người lại chính là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội hiện hữu và phát triển trong một hoàn cảnh kinh tế, một bối cảnh lịch sử, một truyền thống văn hóa cụ thể nào đó.
Nhìn về Vốn Xã Hội Việt Nam
Ngày 24 tháng 4 năm 2006 vừa qua, Bill Gates, chủ nhân công ty Microsoft và cũng là người giàu nhất thế giới với gia tài xấp xỉ 53 tỷ đô la Mỹ, đến thăm Việt Nam. Nhân vật nầy đã được giới trẻ Việt Nam cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi. Đã có người tự hỏi: “Nếu Bill Gates sinh ra tại Việt Nam hay một nơi nào đó không phải là Mỹ thì liệu một ‘Bill Gates hạt giống’ có khả năng trở thành một Bill Gates thành công lẫy lừng như hôm nay không? Tuy đây chỉ là câu hỏi giả định, nhưng câu trả lời dĩ nhiên là “không!” và câu hỏi tiếp sẽ là “Tại sao?” Câu trả lời đơn giản nhất sẽ là: “Vì Mỹ khác, ta khác. Mỹ có nhiều phương tiện kinh doanh và điều kiện thuận lợi nghiên cứu kỹ thuật và tham khảo thị trường mà ta không có…” Thế thì có người lại hỏi, một nhân vật Mỹ nổi tiếng khác cũng đã đến thăm Việt Nam, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, có một người em trai cùng cha khác mẹ, lớn lên trong cùng một mái ấm gia đình, suýt soát tuổi nhau là Roger Clinton lại trở thành một tay lêu lổng, bị tù tội vì ghiền xì ke, ma túy. Như vậy có hai Clintons trái ngược nhau trong cùng một hoàn cảnh. Clinton anh là vốn xã hội đáng quý và Clinton em là cục nợ xã hội đáng thương hại.
Trên đây là thí dụ cụ thể về mối tương quan và sự tác động qua lại giữa con người và hoàn cảnh. Đây là cả một sự tương tác về cả ba mặt: Vật chất, tinh thần, hoàn cảnh riêng, chung. Bởi vậy, phương pháp luận cũng như dữ kiện về các mặt nhân sinh và môi trường xã hội thường là những đối tượng rất phức tạp trong việc đo lường hay phân tích nguồn vốn xã hội.
Các nhà nghiên cứu phải lưu ý đến ba định mức của vốn xã hội: (1) Mức độ vốn xã hội vi mô (micro-level social capital), (2) mức độ vốn xã hội trung mô (Meso-level social capital), và (3) mức độ vốn xã hội vĩ mô (macro-level social capital). Ba định mức nầy liên quan đến: (1) Cá nhân, (2) gia đình, trường học, cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, và (3) xã hội, đất nước và toàn cầu. Mối liên hệ hữu cơ là: (1) Nếu cá nhân không được chuẩn bị kỹ càng; (2) nếu nghiệp vụ không được đào tạo, huấn luyện nghiêm túc; (3) kết quả sẽ tạo ra là những thành viên xã hội có chất lượng nghèo nàn và hệ quả tất yếu là sẽ làm cho nguồn vốn xã hội suy thoái hay khánh tận.
Công trình nghiên cứu về vốn xã hội gần đây nhất của Robert D. Putnam (1993; 2000) nhấn mạnh về sự hợp tác hai chiều và nhiều chiều của các thành viên trong xã hội. Ông cho rằng sự hợp tác và chia sẻ giữa các thành viên xã hội với nhau là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng vốn xã hội. Từ đó, Putnam cũng báo động nguy cơ về sự xuống dốc của nguồn vốn xã hội tại Mỹ. Nguyên nhân chính là vì chủ nghĩa cá nhân (individualism) ngày một chiếm thế mạnh và trẻ em chỉ sống với cha hay mẹ một mình do tình trạng ly dị gia tăng làm cho tinh thần hợp tác xã hội yếu dần.
Nhìn lại vốn xã hội Việt Nam, cảm nhận tức thời trước khi đưa lên bàn cân tính toán là nước ta và dân ta có một nguồn vốn xã hội phong phú được tích lũy qua “bốn nghìn năm văn hiến”. Nếu đem các tiêu chí điển hình nhất của khái niệm vốn xã hội cơ bản như truyền thống đạo lý, phong cách xử sự hợp tác làm ăn nghiêm túc, đáng tin cậy, giàu tinh thần hợp tác và chia sẻ, có tay nghề vững vàng trong lĩnh vực chuyên môn… thì đất nước và con người Việt Nam xưa nay không thiếu. Nguồn vốn xã hội Việt Nam, do đó, sẽ rất nhiều. Nếu không có nguồn vốn xã hội giàu có làm căn bản cho sự sống còn và vươn lên của đất nước và con người Việt Nam thì có lẽ nước Việt Nam đã bị đồng hóa hay biến mất giữa những thế lực xâm lăng cường bạo đến từ mọi phía trong những nghìn năm qua. Nhưng nếu xin tạm gác lại niềm tự hào dân tộc để nhìn vào thực tiễn cuộc sống của dân ta trong dòng sinh mệnh của đất nước và trong bối cảnh lịch sử thế giới thì ta thấy được những gì?
Phải chăng nguồn vốn xã hội của Việt Nam trong bao nhiêu năm qua đã được tận dụng đem làm vũ khí chống xâm lăng? Nguồn vốn quan trọng đó bây giờ đang cạn kiệt hay vẫn còn dự trữ tràn đầy dưới dạng tiềm năng?
Căn bản để tạo ra nguồn vốn xã hội là con người. Phẩm chất của con người Việt Nam không thua sút bất cứ dân tộc nào trong cùng hoàn cảnh địa dư và lịch sử. Trong những trường đại học Mỹ mà người viết bài nầy có dịp giảng dạy, sự thể hiện rất rõ ràng là sinh viên Việt Nam, thuộc cả hai thế hệ trẻ từ quê nhà sang du học hay sinh ra và lớn lên tại Mỹ đều không thua kém mảy may sinh viên của bất cứ nước nào, nhất là đối với sinh viên châu Á như Nhật, Trung Quốc, Đại Hàn, Singapore… Thế nhưng trong thực tế đất nước, về mặt chuyên môn và khả năng khai phá, sáng tạo trong khoa học, kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm kỹ nghệ hiện đại, chúng ta vẫn còn bị giới hạn và tụt hậu so với họ? Vốn xã hội hiện nay của đất nước ta có đủ phẩm chất và lượng dự trữ để đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường hay không? Đấy vẫn còn là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách khách quan và khoa học mới có thể tìm ra câu trả lời thích đáng.
Kết Luận
Vốn xã hội là một khái niệm tương đối còn mới mẽ trong sinh hoạt kinh tế đậm tính truyền thống và kế thừa của người Việt chúng ta. Khi nói về nguồn vốn, người ta quen nói đến nguồn vốn vật chất hữu hình và cụ thể (tangible). Còn nguồn vốn xã hội là một giá trị phi vật thể (intangible) nên người ta mơ hồ thấy nó “ở đâu đó” qua những biểu hiện “tài năng” cá nhân có tính chất tiểu xảo và tiểu thương theo kiểu: “nói dẽo quẹo như mẹo con buôn…”! Lenkowsky (2000) đã chứng minh rằng xã hội càng kém phát triển, sức mạnh kinh tế càng yếu thì nguồn vốn xã hội càng dễ bị quên lãng. Nguồn vốn xã hội là một tiến trình hình thành và đầu tư lâu dài chứ không xuất hiện cụ thể và nhanh chóng trong đời sống như “mì ăn liền”. Tuy nhiên, Putnam cũng đưa ra một “kính chiếu yêu” để nhìn vào và nhận biết những vùng đang có nguồn vốn xã hội cao hơn… khi “những nơi công cộng sạch sẽ hơn, con người thân thiện, đáng tin cậy hơn, và đường sá an toàn hơn.
Sự phát triển kinh tế thường đi song song với sự cải thiện đời sống về mặt vật chất. Nhưng một vùng đất nào đó rất giàu có về vật chất thuần túy mà thiếu vắng vốn xã hội. Nghĩa là thiếu đi chiều sâu văn hóa và chiều cao nhân văn thì đấy cũng chỉ là một hình thức phồn vinh thô thiển mà người xưa gọi là “trọc phú” (thanh bần hơn trọc phú) hay theo mắt nhìn của quần chúng bình dân là “giàu mà không sang”. Hình ảnh của những vùng đất giàu vốn vật chất mà nghèo vốn xã hội thường xuất hiện trong những vùng kinh tế “nước nổi”. Nếu có dịp ghé đến những vùng kinh tế quanh các khu quân sự, hầm mõ hay hảng xưởng khai thác kinh doanh tạm thời ở Phi Luật Tân, Panama, Trung đông, Nam Phi… sẽ thấy rõ hình ảnh “giàu mà không sang” nầy xuất hiện nhan nhản. Theo Sennett, R. (1998) thì “Dấu hiệu báo động đầu tiên của sự suy thoái nguồn vốn xã hội là số người phát giàu mà không làm gì cả hay kiếm lợi bất chính một cách công khai càng lúc càng đông và khoảng cách giữa những người nghèo lương thiện và những người giàu gian manh mỗi ngày một lớn”.
Các nhà nghiên cứu về nguồn vốn xã hội trong tương quan kinh tế đều đồng ý với nhau rằng, một nền kinh tế lành mạnh trong một đất nước có kỷ cương và văn hiến không thể nào thiếu vắng nguồn vốn xã hội. Friedland (2003) đã nêu dẫn trường hợp các nước châu Mỹ La Tinh và sự èo uột của vốn xã hội. Giới lãnh đạo và thân hào nhân sĩ trong vùng thường vinh danh tinh thần địa phương và lòng tự hào nhân chủng một cách quá bảo thủ và cực đoan đến độ lơ là không quan tâm đúng mức đến sự un đúc, nuôi dưỡng và phát triển nguồn vốn xã hội. Hậu quả là sự thiếu hợp tác giữa những thành viên xã hội và các thế lực đầu tư đã đưa đến quan hệ một chiều và dẫn đến chỗ vốn xã hội bị phá sản. Các nhà kinh doanh đầu tư nản lòng lui bước. Thay vì hợp tác song phương trong tinh thần ngay thẳng, bình đẳng và danh dự thì lại biến tướng thành quan hệ “đút” (bribe) và “đớp” (being bribed) trong mối quan hệ bệnh hoạn của hối lộ và tham nhũng. Kết quả là hơn một thế kỷ qua, các nước nghèo vẫn nghèo. Dân chúng vẫn lầm than; nền kinh tế các nước trong vùng rất giàu tài nguyên nhưng vẫn kiệt quệ vì giới tài phiệt sử dụng nhân lực và tài nguyên đất nước để làm giàu cho riêng cá nhân, gia đình và dòng họ của mình rồi tìm cách chuyển tiền của và gửi con cháu của mình ra nước ngoài du học và lập nghiệp.
Kẻ thù dai dẳng nhất của quá trình tích lũy, phát triển nguồn vốn xã hội là tham nhũng. Bởi vậy, vốn xã hội và tham nhũng có mối quan hệ nghịch chiều với nhau: Nạn tham nhũng càng bành trướng, vốn xã hội càng co lại. Khi tham nhũng trở thành “đạo hành xử” hàng ngày thì cũng là lúc vốn xã hội đang trên đà phá sản.
Nếu chỉ có ánh sáng mới có khả năng quét sạch hay đuổi dần bóng tối thì cũng Tương tự như thế, vốn xã hội được tích lũy càng cao, nạn tham nhũng càng có hy vọng bị đẩy lùi dần vào quá khứ.
Thử nhìn lại vốn xã hội Việt Nam trong tương quan nguồn vốn xã hội của thế giới, chúng ta mới thấy rõ được đâu là thế mạnh và thế yếu của mình. Nhìn rõ mình không phải để thỏa mãn hay nản lòng dễ dãi nhất thời mà để cầu tiến bộ; để sửa đổi và điều chỉnh kịp thời trước sự đòi hỏi như một xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hóa. Sẽ không bao giờ muộn màng, cũng như chẳng bao giờ quá sớm để gây vốn xã hội, vì vốn xã hội là xương sống của đời sống kinh tế và nhân văn cho đất nước hôm nay và cho thế hệ đàn em mai sau.
Sacramento, Xuân 2006
Website: Trankiemdoan.net
Email: Doantran@sbcglobal.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét