Bài này viết quá chán. Tưởng Toán học VN có thành tựu gì mới nhờ có Viện Toán cao cấp của GS Châu. Hóa ra bài viết là 1 dạng treo đầu dê - bán thịt chó:
Toán học Việt Nam tiếp tục “ghi điểm”
Chủ nhật, 22/01/2012 sggp: GS Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học. Cuốn chuyên khảo gồm phần lớn những thành tựu nghiên cứu của GS và học trò của ông mang tên “Global Optimization - Deterministic Approaches” (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) được Springer (nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới) in lại 3 lần, từ năm 1990 đến năm 1996, được coi là kinh điển trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục. GS Hoàng Tụy đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996, giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2010.
Tháng 7-2011, Giáo sư Hoàng Tụy trở thành người đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng “Constantin Caratheodory Prize” do Tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục trao tặng. Giải thưởng mang tên nhà toán học lừng danh Constantin Caratheodory người Hy Lạp (1873 - 1950), mới được tổ chức này đề xướng vào năm 2011, nhằm vinh danh những cống hiến đã vượt qua thử thách của thời gian. Như vậy, một lần nữa, toán học Việt Nam được thế giới vinh danh. GS Hoàng Tụy được xem là một tấm gương tự học tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho nền toán học trong nước và thế giới, nhất là trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục. Năm 2007 khi ông 80 tuổi, Pháp đã trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự. Trước đó, năm ông 70 tuổi, Trường Đại học Linkoping - Thụy Điển cũng đã tặng ông tấm bằng như vậy. “Chính vì thế, khi xét giải thưởng Constantin Caratheodory Prize, người ta nghĩ đến tôi vì tôi sáng lập ra ngành này và có những đóng góp cơ bản cho ngành. Tôi tự hào khi Việt Nam là quê hương của ngành Tối ưu toàn cục. Trải qua 40 năm, Tối ưu toàn cục đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Rất tiếc, ở Việt Nam lại chưa được ứng dụng nhiều. Tôi mong muốn xây dựng một tập thể các nhà khoa học ở trong nước lớn mạnh và nhanh chóng đưa toán Tối ưu toàn cục vào ứng dụng trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở Việt Nam”, GS Hoàng Tụy cho biết. * PV: Xin GS nói một chút về hoàn cảnh ra đời của công trình mang tên Tối ưu toàn cục? * GS HOÀNG TỤY: Những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta có phong trào các nhà khoa học đi vào thực tế. Lúc đó anh em làm toán rất lúng túng vì không biết đưa kiến thức toán học vào thực tế bằng cách nào. Tôi đã suy nghĩ và phát kiến ra “vận trù học” – đây là một ngành khoa học dùng phương pháp tối ưu để phân tích tìm ra những giải pháp tốt nhất trong nhiều tình huống. Trong hoàn cảnh chiến tranh, phải đi sơ tán, ban ngày lên lớp dạy trong tư thế phải sẵn sàng tránh máy bay, ban đêm làm việc dưới ánh đèn dầu, tôi cũng ngạc nhiên không hiểu nhờ đâu mà mình lại có thể tìm ra và hoàn thành công trình đầu tiên mang tên Tối ưu toàn cục. * Phát kiến đó được áp dụng cụ thể ra sao, thưa GS? * Ngành áp dụng đầu tiên là giao thông vận tải. Trong hành trình vận chuyển, có rất nhiều đoạn xe tải phải chạy không, như khi chạy đến nơi lấy hàng, rất lãng phí. Chúng tôi đã tính toán để điều hành các xe rút bớt được quãng đường đi không, tiết kiệm được rất nhiều. Chính trong khi làm công tác vận tải, tôi nảy ra một bài toán gọi là “quy hoạch lõm”. Hồi đó cũng rất may mắn, tôi đã đề xuất được một phương pháp giải, đó là bài toán đầu tiên về Tối ưu toàn cục. Lâu nay người ta vẫn nói là những vấn đề khoa học mới chỉ có thể nảy sinh ở những nước phát triển, còn những nước chậm phát triển thì không thể. Nhưng tôi chứng minh được rằng, tại một nước chậm phát triển vẫn có thể giải quyết được bài toán đã phát sinh tại các nước phát triển mà bản thân họ chưa giải quyết được. * Hẳn GS có nhiều kỷ niệm đáng nhớ đối với công trình này? * Cuối tháng 8-1969, trước khi Bác mất, tôi được thông báo lên Phủ Thủ tướng làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhưng đến nơi lại gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác hỏi chuyện tôi rất nhiều, khi tôi ra về Bác có nói: “Chú hãy cố gắng áp dụng vận trù học”. Điều này khiến tôi rất hạnh phúc. Sau đó một thời gian, đồng chí Lê Duẩn mời tôi đến gặp, nói rằng đã đọc bài của tôi trên báo rồi chỉ thị cho Ủy ban Khoa học lập viện nghiên cứu để tôi làm ở viện này. * Xin cảm ơn GS! MAI PHẠM - PHAN THẢO http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/nguoiduatin.vn/GS-Hoang-Tuy-Toi-chua-hoc-dai-hoc-1-ngay-dung-nghia/7757264.epi GS Hoàng Tụy: “Tôi chưa học đại học 1 ngày đúng nghĩa”22-01-2012 | 08:57(Nguoiduatin.vn) - Năm 2011 là một năm đầy ý nghĩa với giáo sư Hoàng Tụy khi ông vinh dự được nhận giải thưởng Constantin Caratheodory, giải thưởng dành cho người xuất sắc có cống hiến căn bản cho lý thuyết, lập trình và ứng dụng trong lĩnh vực tối ưu toàn cục. Với vị trí là người đặt nền móng, cha đẻ của toán học tối ưu toàn cục, ông là người đầu tiên trên thế giới nhận giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học lừng danh người Đức (gốc Hy Lạp) này. Những ngày đầu xuân, vị giáo sư đã ngoại bát tuần như trẻ lại khi nhớ về những dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời ông. Từng giẫm vỏ chuối... vì môn chính tả Tuổi thơ với Hoàng Tuỵ là những tháng ngày gian khổ ở mảnh đất xứ Quảng khô cằn và nghèo khó. Nhà đông con, nhưng bố ông lại mất sớm, khi cậu bé Tuỵ mới vừa 4 tuổi và dưới ông là hai người em, một em mới 2 tuổi, một em vẫn còn trong bụng mẹ. Mất đi trụ cột gia đình, trách nhiệm kinh tế được dồn lên vai người anh cả khi đó đang là giáo viên trung học. Nhưng rồi anh trai Hoàng Tụy cũng bị cho thôi việc vì tham gia phong trào yêu nước. Một mình mẹ ông lại phải bươn chải để chăm lo cho mười mấy miệng ăn trong gia đình. Cái nghèo vẫn đeo đuổi, các anh của ông đi làm ăn tứ xứ. Hoàng Tuỵ cũng hết vào Nha Trang theo anh thứ 2, khi ông mới 6 tuổi, lại xuôi Sài Gòn ở cùng anh cả, rồi sau đó lại về quê Quảng Ngãi. Cứ học chỗ nay chỗ ấm chân đã phải đổi sang chỗ kia, nhưng là người sáng dạ nên Hoàng Tuỵ vẫn mấy khó khăn để bắt kịp bạn bè. Nhớ lại thời thơ ấu, khuôn mặt của vị giáo sư ở tuổi 84 bỗng rạng ngời bởi bao kỷ niệm nối tiếp ùa về. Ông bảo: "Tôi cũng từng thi trượt đấy, khi mới học lớp 2". Ngày đó bậc tiểu học học 6 năm, học xong ba năm đầu thi lấy bằng yếu lược, hết ba năm sau thi bằng tiểu học. Dù khi đó, Hoàng Tuỵ mới học hết lớp 2 nhưng thấy em trai thông minh, học giỏi, anh trai của ông đã khuyến khích ông thi vượt 1 năm để lấy bằng yếu lược. Thế nhưng cú đột phá, đốt cháy giai đoạn này của ông không thành. Ông "giẫm vỏ chuối" trong kỳ thi bởi môn học tưởng như dễ nhất làõ môn chính tả (thời đó, gọi là môn ám tả). Ông cười hỉ hả: "Tôi vẫn nhớ đề thi khi đó là bài viết tả hai con đường. Một con đường rộng rãi thênh thang và một con đường quanh co khúc khuỷu. Tôi chịu, không biết viết chữ khuỷu như thế nào. Thế là trượt!". Lần đầu tiên và duy nhất trong đời thi trượt, nhưng nó lại mở ra cho ông một hướng đi mới: Học nhảy cóc, vượt cấp. Và Hoàng Tuỵ có lẽ là một trong số ít người học nhảy lớp nhiều nhất Việt Nam. Việc học nhảy cóc bắt đầu từ bậc trung học, khi đang học năm thứ 3 ở trường Quốc học Huế, một ngôi trường nổi tiếng nhất miền Trung lúc bấy giờ. Hoàng Tuỵ khi đó đã là một cái tên rất nổi tiếng về thành tích học tập, được nhận học bổng toàn phần của trường, được ở ký túc xá miễn phí và mỗi tháng lĩnh tới 12 đồng Đông Dương (trong khi ăn cơm cả tháng chỉ hết có 3 đồng, một bát phở ngon cũng chỉ có 3 xu). Học ở một ngôi trường danh tiếng với suất học bổng cao là mơ ước của biết bao nhiêu người, nhưng vì sức khoẻ yếu, Hoàng Tuỵ đành làm một việc khá ngược đời là xin ra học trường tư. "Khi chuyển sang trường mới, ban đầu tôi định học vượt một năm, đó là năm cuối để thi lấy bằng thành chung (tương đương với hết bậc trung học cơ sở) để vào thẳng năm thứ nhất bậc tú tài. Nhưng anh tôi khuyên nên bỏ luôn cả năm nhất. Thế là tôi vào học thẳng năm thứ hai", Giáo sư Hoàng Tuỵ kể. Dù ngày đầu vào học, mức điểm của ông chỉ đạt 6/20 điểm, nhưng sau vài ba tháng, Hoàng Tuỵ đã kịp trang bị cho mình kiến thức của cả hai năm nhảy cóc, đuổi kịp bạn bè trong lớp và đỗ cao trong kỳ thi tú tài phần 1. Thi xong, thay vì học tiếp một năm, ông lại khăn gói về quê rồi tự học, tự đăng ký thi theo diện thí sinh tự do kỳ thi tú tài phần 2. Một kết quả ít ai ngờ là dù không thầy, không trường lớp, ông vẫn đỗ đầu trong kỳ thi này. Không chỉ tự học chương trình phổ thông, ông còn tự học luôn cả chương trình đại học. Say mê với toán nhưng ở Việt Nam khi đó, chưa có trường có bậc học cao hơn (trường Cao đẳng Khoa học đã giải thể), ông phải vừa dạy ở Bình Định, vừa mua sách về tự học. Năm 1951, được tin ngoài Việt Bắc thành lập trường đại học, ông vội vã xin nghỉ dạy, khăn gói đi bộ từ Bình Định vượt Trường Sơn ra Bắc để tầm sư học đạo. Đi ròng rã mấy tháng trời, nhưng ra đến nơi, ông lại được thứ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết trường ông định học không thành lập nữa. Trò chuyện và nể phục với khối kiến thức của Hoàng Tuỵ, vị thứ trưởng Bộ Giáo dục đã lập tức điều ông sang dạy trường Trung cấp Sư phạm được đặt nhờ bên đất bạn ở Nam Ninh (Trung Quốc). Thế là từ vị trí người học, ông chuyển sang làm thầy. Tại Nam Ninh, những cuốn sách toán học của Nga lại làm ông say mê. Lần mò từng chữ vì không biết tiếng, Hoàng Tuỵ đã tự trang bị cho mình không chỉ tiếng Nga mà cả kiến thức toán học ở trình độ đại học. Có lẽ vì thế, năm 1957, khi được cử sang Nga bồi dưỡng kiến thức 1 tháng, ông đã được giữ lại để làm luôn bằng tiến sĩ. Tính ra trong cuộc đời mình, ông chưa hề một ngày học đại học đúng nghĩa. Kể về thời cắp sách của mình, Giáo sư Hoàng Tuỵ bảo, ông có may mắn là được học với rất nhiều người thầy nổi tiếng. Ở bậc tiểu học, đó là các thầy Lê Trí Viễn - giáo sư văn học hàng đầu Việt Nam, thầy Khương Hữu Dụng - một nhà thơ nổi tiếng. Với sự giúp sức của những người thầy đầy tài năng ấy nên dù là một cậu học trò nghèo ở một ngôi trường quê, Hoàng Tuỵ vẫn đỗ cao vào trường Quốc học Huế, nơi chỉ dành cho những học sinh xuất sắc nhất miền Trung. Ở bậc trung học, ông lại được học thầy Hoài Thanh, nhà phê bình văn học kiệt xuất của thế kỷ XX. Có lẽ, cũng ít ai ngờ một Giáo sư toán học hàng đầu như Hoàng Tuỵ lại từng là một học sinh giỏi văn nhất lớp, là học trò cưng của nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh. Trong khi bạn bè chỉ mơ ước được điểm 7 của thầy thì các bài văn của trò Tuỵ thường ở ngưỡng “miễn cạnh tranh” là 8, 5 điểm. "Khi ấy, thầy Thanh đang soạn cuốn Thi nhân Việt Nam và ông cũng cứ nghĩ tôi sẽ theo nghiệp văn", Giáo sư Hoàng Tuỵ chia sẻ. Giáo sư Hoàng Tụy "Được vinh danh, tôi lại thấy cay đắng" Đang say sưa với những tháng ngày niên thiếu, giáo sư bỗng chùng giọng khi được hỏi về giải thưởng quốc tế Constantin Caratheodory mà ông vừa được nhận. ông buồn bã trải lòng: "Khi nhận giải thưởng này, tôi không ngạc nhiên vì những đóng góp của tôi cho ngành toán tối ưu đã được mọi người thừa nhận. Điều này cũng không mang lại cho tôi nhiều vinh dự mới. Trái lại, nó khiến tôi buồn hơn. Buồn vì Việt Nam chính là nơi có những đóng góp cơ bản, sơ khai nhất cho toán học tối ưu toàn cục và trải qua 40 năm, nó đã được áp dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó ở Việt Nam, mặc dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng vận động nhưng vẫn không được ủng hộ. Tôi đã không làm được gì và cảm thấy hơi cay đắng". Công trình khoa học đã làm nên tên tuổi ông từ nhiều thập niên trước (năm 1964) là phương pháp giải nhiều bài toán tối ưu toàn cục, được giới toán học quốc tế gọi là "Lát cắt Tụy" (Tuys cut). Đây được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành toán học Lý thuyết tối ưu toàn cục. Cuốn sách toán tiếng Anh do Giáo sư Hoàng Tụy viết chung với Giáo sư người Đức Reiner Horst nhan đề Global Optimization - Deterministic Approches (Tối ưu toàn cục - tiếp cận tất định) được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là cuốn kinh thánh của chuyên ngành tối ưu toàn cục. Kể về sự ra đời của công trình này, Giáo sư Tuỵ cho biết: "Những năm 60 của thế kỷ trước, nước ta có phong trào các nhà khoa học đi vào thực tế. Lúc đó các anh em làm toán rất lúng túng vì không biết phải làm cách nào. Tôi đã suy nghĩ và phát kiến ra vận trù học và đây là một ngành khoa học dùng phương pháp tối ưu để phân tích tìm ra được những giải pháp tốt nhất trong nhiều tình huống. Khi đó, sáng kiến này được áp dụng đầu tiên vào ngành giao thông vận tải. Những xe tải đi lại để trả hàng, trong hành trình, có rất nhiều đoạn xe tải phải đi không để đến nơi lấy hàng. Muốn tận dụng khoảng thời gian lãng phí đó, chúng tôi đã tính toán để điều hành các xe rút bớt được quãng đường đi không, tiết kiệm được rất nhiều. Chính trong thời gian làm công tác vận tải, tôi đã nảy ra một bài toán gọi là "quy hoạch lõm". Hồi đó cũng rất may mắn, tôi đã đề xuất được một phương pháp giải, đó là bài toán đầu tiên về tối ưu toàn cục”. Mặc dù đạt được thành tựu lớn nhưng do những hiểu lầm và mâu thuẫn quan điểm, những công trình khoa học của ông đã không được ứng dụng rộng rãi. Ông cho biết: Trước khi mất khoảng 2 tháng, Hồ Chủ Tịch đã gọi ông đến gặp và đề nghị ông hãy cố gắng nghiên cứu và vận dụng vận trù học. Tuy nhiên, sau khi Bác mất, mọi việc lại dang dở vẫn do những mâu thuẫn về quan điểm, tư tưởng. Giáo sư Hoàng Tuỵ chia sẻ, điều khiến ông vẫn tin tưởng và đứng vững chính là sự ủng hộ của Bác, của những vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng rất ủng hộ quan điểm của ông và đề nghị lập một viện nghiên cứu riêng giao cho ông phụ trách. Tuy nhiên, những chỉ đạo ấy vẫn không trở thành hiện thực. "Mình lập ra một ngành học, nước ngoài phát triển được, dùng được, ứng dụng được, nhưng ở trong nước không được ủng hộ, thậm chí không được đánh giá tốt nên tôi thấy rất buồn", Giáo sư Hoàng Tuỵ chia sẻ. Bất chợt, ông trở nên trầm lắng như một nhà hiền triết: "Nếu có gì có thể nói là kinh nghiệm cho người trẻ thì theo tôi, phải có một đam mê thực sự, có mơ ước và luôn luôn cố gắng thực hiện mơ ước ấy, dù hoàn cảnh khó khăn, có rủi ro. Thứ hai là phải có niềm tin. Đó là phẩm chất rất quan trọng của người làm khoa học, phải tin việc mình làm không vô ích". Đó có lẽ chính là bí quyết để ông vẫn sống, vẫn làm việc hết mình, đầy nhiệt huyết, cho dù đã từng không được ủng hộ. Cái tên Hoàng Tuỵ vì thế, nói như Giáo sư Hàm Châu: "Đã nổi tiếng trên trường khoa học quốc tế còn hơn cả ở Việt Nam". Năm 1997, nhân dịp ông tròn 70 tuổi, một cuộc hội thảo để vinh danh ông đã được tổ chức ở Thụỵ Điển. Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã tập trung các công trình nghiên cứu để làm sách tặng Giáo sư Hoàng Tuỵ. Cuốn sách đã được xuất bản ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Hà Lan. Năm 2007, mừng Giáo sư Hoàng Tuỵ 80 tuổi, giới toán học quốc tế lại tổ chức tại Pháp một cuộc hội thảo về tối ưu toàn cục để vinh danh ông một lần nữa. Và năm 2011, với giải thưởng Constantin Caratheodory, cái tên Hoàng Tuỵ lại tiếp tục được giới khoa học quốc tế tôn vinh. Những vinh dự to lớn ấy, có lẽ, ít nhà khoa học nào có được. Lý Bình |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét