Nhân tài khoa học đâu rồi!
Chính sách sử dụng và đãi ngộ nhân tài chưa hợp lý cùng môi trường làm việc chưa tốt là hai lý do cơ bản khiến nước ta “thất thoát” nhiều tài năng khoa học
Nhiều tài năng toán học trẻ của Việt Nam trước đây, sau khi đạt học vị cao ở nước ngoài đã trở về nước làm việc; không ít người giỏi khác thì ở lại nước ngoài. Tại sao?
Xuất sắc dân chuyên toán
Biết tôi vẫn giữ mối quan hệ với nhiều học sinh trước đây từng đoạt giải toán quốc gia và quốc tế, không ít người thường nêu câu hỏi trên.
Ở nước ta, kỳ thực chưa có một cơ quan Nhà nước nào được giao trách nhiệm theo dõi những học sinh giỏi toán cũng như giỏi ở các lĩnh vực khác để biết rõ họ ở đâu, làm gì, sống ra sao...
GS Lê Tự Quốc Thắng. Ảnh: ĐÔNG HOA |
Theo tôi biết, hàng ngàn học sinh THPT chuyên toán ở các trường đại học lớn như Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước kia, đã trở thành tiến sĩ (TS), phó giáo sư (PGS); hàng trăm người trở thành TS khoa học, giáo sư (GS).
Nếu bạn đến thăm các cơ quan khoa học trong nước thì nơi đâu cũng “đụng đầu” với dân chuyên toán cũ! Nghĩa là phần lớn học sinh giỏi toán trước kia, nay đang làm việc ở trong nước.
Chẳng hạn, ta có thể gặp GS-TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba; GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước; GS-TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; GS-TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba; GS-TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam; GS-TSKH Hoàng Ngọc Hà, trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; GS-TSKH Nguyễn Đông Anh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Cơ học...
GS-TSKH Phùng Hồ Hải cũng như PGS-TS Phan Thị Hà Dương đang có chỗ làm tốt, lương cao ở Đức, Pháp nhưng vẫn dứt khoát trở về Hà Nội, nhận việc tại Viện Toán học vì “không muốn con mình trở thành người Đức hay người Pháp”...
Đến một đơn vị kinh tế mạnh như Tập đoàn FPT, ta có thể gặp TS Nguyễn Thành Nam, người nhiều năm giữ chức tổng giám đốc tập đoàn, cùng nhiều cựu học sinh chuyên toán khác như Lê Trường Tùng, Phan Phương Đạt...
“Chảy máu” tài năng
Tiêu biểu nhất là GS Ngô Bảo Châu. Ngoài ra, còn có thể kể thêm một số nhà toán học, vật lý lý thuyết nổi tiếng khác nữa, vốn cũng là học sinh chuyên toán trong nước, như GS Đàm Thanh Sơn (Đại học Washington, Mỹ); GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ); GS Lê Tự Quốc Thắng (Viện Công nghệ Georgia, Mỹ); GS Phạm Hữu Tiệp (Đại học Florida, Mỹ); GS Vũ Kim Tuấn (Đại học Tây Georgia, Mỹ); TS Lê Thái Hoàng (Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton, Mỹ); GS Nguyễn Tiến Dũng (Đại học Toulouse, Pháp), GS Đinh Tiến Cường (Đại học Paris 6, Pháp), TS Ngô Đắc Tuấn (Đại học Paris 13, Pháp); GS Nguyễn Hồng Thái (Đại học Szczecin, Ba Lan)... Những nhà khoa học ấy nổi tiếng vì đã công bố nhiều công trình trên các tạp chí toán học và vật lý hàng đầu hoặc đỉnh cao của thế giới. Vậy tại sao sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, họ ở lại nước ngoài làm việc?
Chính sách đối với nhân tài không thể không bao gồm đủ 3 khâu: Phát hiện và tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Hai khâu đầu, Nhà nước ta - từ thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các bộ trưởng Bộ GD-ĐT như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên - đã hết sức quan tâm, qua việc tổ chức những kỳ thi học sinh giỏi, mở nhiều trường chuyên ở bậc trung học.
Gần đây, ta mới mở thí điểm các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư tài năng ở bậc đại học. Dù vậy, việc đào tạo chất lượng cao ở bậc sau đại học vẫn chưa làm được, chất lượng TS tốt nghiệp trong nước vẫn còn nhiều “vấn đề”.
Nhưng điều quan trọng hơn, về khâu sử dụng và đãi ngộ nhân tài, nước ta chưa có chính sách cụ thể và nhất quán. Chính sách đó trước hết phải thể hiện rõ ở chế độ tiền lương chứ không phải ở những lời tuyên bố.
Đặc biệt, đối với những người làm nghiên cứu cơ bản như toán học, vật lý lý thuyết... thì ngoài tiền lương ra, họ không có thêm một khoản thu nhập “phụ” đáng kể nào khác.
Mấy năm trước, khi GS Ngô Bảo Châu về giảng bài ở Viện Toán học, Viện trưởng Ngô Việt Trung dù đã cố gắng vận dụng mọi quy định hiện hành về tiền lương nhưng cũng chỉ có thể ký hợp đồng với GS Ngô Bảo Châu 5 triệu đồng/tháng.
GS Vũ Hà Văn (phải) và bố - nhà thơ Vũ Quần Phương. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hiện nay, cử nhân tài năng, TS ưu tú mới ra trường thường chỉ được nhận lương vài ba triệu đồng/tháng. Với khoản lương ít ỏi đó, nhân tài trẻ chưa đủ tiền trang trải việc ăn, ở, đi lại..., sao có thể yên tâm nghiên cứu?
Một lý do khác khiến nhiều nhà toán học nước ta quyết định ở lại nước ngoài là vì ở đó có môi trường nghiên cứu tốt hơn. Thực tế cho thấy những ý tưởng mới thường xuất hiện qua việc tiếp xúc, trao đổi ý kiến trực tiếp với những nhà khoa học tài năng trong các hội thảo hay hội nghị khoa học trình độ cao. Ở trong nước, lương chẳng đủ sống, lấy đâu ra tiền mua vé máy bay đến dự những hội thảo, hội nghị khoa học như thế!
Trong võ thuật, không ai có thể chỉ ngồi đọc sách dạy võ, rồi tự luyện một mình mà trở thành võ sĩ. Trong toán học, cũng có những “miếng võ” mà kẻ hậu sinh chỉ có thể được người thầy giỏi trực tiếp truyền dạy cho, chứ nếu chỉ ngồi đọc sách suông thôi thì không thể lĩnh hội nổi.
Hơn nữa, trước đây, việc xét công nhận chức danh GS, PGS vẫn theo khuynh hướng “sống lâu lên lão làng”, làm nản lòng các tài năng trẻ. Gần đây, ở ta mới cố gắng tiệm cận các tiêu chí quốc tế trong lĩnh vực này và công nhận chức danh GS cho một số nhà toán học trẻ như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, Phùng Hồ Hải...
Mới đây, việc GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields đã tạo một hiệu ứng đáng mừng là thúc đẩy Chính phủ ta phê duyệt nhanh chương trình quốc gia phát triển toán học đến năm 2020.
Giải pháp trước mắt là tập trung xây dựng Viện Nghiên cứu và Đào tạo cao cấp về toán học, do GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học và GS Lê Tuấn Hoa làm giám đốc điều hành. Hy vọng viện sẽ trở thành mái nhà chung cho các giảng viên đại học, các nhà toán học, các TS trẻ định kỳ đến thực hiện nghiên cứu toán học trình độ cao cũng như đào tạo nghiên cứu sinh ở tầm quốc tế. Như vậy, các tài năng toán học mới được đào tạo liên tục suốt đời để không bị lỗi thời, tụt hậu.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một chương trình có thời hạn, chưa nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản, lâu dài như tiền lương, trợ cấp nghiên cứu thường xuyên, hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại... cho các tài năng khoa học, nhất là các tài năng trẻ.
Vẫn giữ quốc tịch Việt Nam Hầu hết các nhà toán học, vật lý xuất sắc mang dòng máu Việt dù ở lại nước ngoài làm việc nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Hằng năm, họ vẫn sắp xếp lịch làm việc, bỏ tiền túi ra mua vé máy bay về nước tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; kết hợp thăm nhà, thăm quê. Điển hình là GS Ngô Bảo Châu. Mấy tháng hè vừa qua, GS Châu đã về nước giảng bài tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo cao cấp về toán học ở Hà Nội. |
Đông Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét