Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Tái cấu trúc kinh tế Việt Nam: Loại bỏ đầu cơ và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm

Tái cấu trúc kinh tế Việt Nam:
Loại bỏ đầu cơ và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm 

 -
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, việc tái cấu trúc nền kinh tế là đòi hỏi cấp bách để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế một cách hiệu quả, chuyên gia tư vấn tài chính chiến lược, đồng thời là cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud (Thụy Sĩ) Phạm Nam Kim cho rằng, Việt Nam nên ưu tiên loại bỏ nạn đầu cơ ra khỏi nền kinh tế và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm Việt.
Sản xuất bóng đèn huỳnh quang compact tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội).

Theo chuyên gia Phạm Nam Kim, nạn đầu cơ có ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia. Hiện tượng đầu cơ tại châu Âu và châu Mỹ chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng hiện nay. Tại Việt Nam, nạn đầu cơ chính là nguyên nhân gây ra sự chênh lệch cung cầu, sự tăng trưởng quá mạnh của khối tiền tệ dẫn tới áp lực lạm phát và sự bất ổn của kinh tế vĩ mô.

Ông Kim phân tích, giới đầu cơ thường có xu hướng sử dụng nguồn tài chính lớn để thao túng thị trường, “làm giá” thổi phồng những biến động nhỏ của thị trường để sinh lời, bất ổn kinh tế từ đó mà ra. Vì vậy, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo quan điểm đã được Đại hội Đảng lần thứ XI xác định, Việt Nam phải quyết liệt bài trừ nạn đầu cơ, mạnh dạn loại bỏ kinh tế ảo ra khỏi nền kinh tế quốc gia, như vậy mới tạo được một nền kinh tế thị trường bền vững.

Trong giai đoạn qua, kinh tế nước ta dựa chủ yếu vào nông nghiệp, nguyên liệu thô và gia công sản xuất với giá thành thấp. Chiến lược dựa trên hoạt động sản xuất hàng hóa với số lượng lớn và giá rẻ, có thể nói, đã thành công, tuy nhiên, một mặt, thị trường thế giới đã thay đổi vì suy thoái kinh tế và vì nhu cầu chất lượng của người tiêu thụ đã khác trước, mặt khác, sản xuất nông sản và nguồn nguyên liệu thô cũng có giới hạn, hơn nữa, áp lực tăng lương cũng làm cho chiến lược dựa trên gia công sản xuất và giá rẻ trở nên không còn phù hợp.

Việt Nam nên theo gương Nhật Bản, lấy chất lượng làm nền tảng cho chiến lược phát triển quốc gia.

Phát triển chất lượng sẽ không chỉ chú trọng vào lĩnh vực công nghệ mà sẽ là kim chỉ nam cho mọi lĩnh vực kinh tế. Về nông nghiệp, với chỉ tiêu “nông sản sạch, môi trường sạch” Việt Nam phải phấn đấu nâng cao thị phần nông sản cao cấp, chất lượng cho sản phẩm thô cũng như sản phẩm chế biến. Về công nghệ, nhiều ngành hàng phải đạt được chất lượng hàng đầu thế giới trên những sản phẩm tự thiết kế, sản xuất.

Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể thực hiện được chiến lược chất lượng hay không? Chuyên gia Kim cho rằng, một số sản phẩm sản xuất ở Việt Nam cho những công ty đa quốc gia được đánh giá rất cao tại thị trường nước ngoài. Điều này chứng tỏ khả năng sản xuất hàng hóa chất lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, để triển khai chiến lược chất lượng phải có sự nhất trí của toàn dân và sự chỉ đạo và điều hành của Đảng và Nhà nước.

Chiến lược “chất lượng” sẽ không những giúp Việt Nam chiếm thị phần trên thị trường thế giới mà còn giúp chinh phục lại thị trường nội địa hiện quá chuộng hàng ngoại so với hàng nội địa. Đó cũng là điểm tối quan trọng trong công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia.

Thực vậy, trong giai đoạn đầu, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề xuất khẩu, vì cần ngoại tệ tài trợ cho phát triển kinh tế và đã không chú ý đến thị trường nội địa và từ khi gia nhập WTO đã phải buộc mở cửa cho những mặt hàng và dịch vụ quốc tế. Ngoài ra, với tư tưởng chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước, những năm vừa qua, Việt Nam phải đối phó tình trạng thâm hụt của cán cân thương mại và dẫn đến mục tiêu xuất khẩu để phát triển kinh tế quốc gia đã không đạt được.

Chuyên gian Phạm Nam Kim kết luận, chủ trương phát triển dựa vào “chất lượng của sản phẩm” như nêu trên sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục người tiêu dùng trong nước, nhưng đồng thời, Việt Nam cũng cần tái cấu trúc lại cơ cấu quản lý và sản xuất của doanh nghiệp. Phải khắc phục tình trạng doanh nghiệp dệt may Việt Nam biết rõ nhu cầu của người tiêu thụ ở Connecticut (Hoa Kỳ) hơn là người tiêu thụ ở đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả là nông dân vùng này mặc quần bò sản xuất từ Trung Quốc.

Tái cấu trúc nền kinh tế là khúc quanh rất quan trọng, đặt nền tảng cho phát triển đất nước trong những năm tới, vì vậy, mục tiêu, hướng đi và lộ trình phải được đặt ra một cách thật rõ ràng và phải làm sao huy động được toàn dân trong công cuộc này.

Trần Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét