Đến quê hương vợ chồng A Phủ ăn bánh dầy đón Tết
Không khí xuân dường như đến sớm hơn ở Hồng Ngài – Bắc Sơn – Sơn La. Nếu những ngày giáp Tết, đồng bào Kinh chuẩn bị bánh chưng thì ở Hồng Ngài nói riêng, Tây Bắc nói chung lại chuẩn bị bánh dầy để cúng năm mới.
Tô Hoài đã tả không khí xuân ở Hồng Ngài trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ với tiếng sáo, những điệu múa khèn, trò chơi ném pao và hơi men của rượu. Tết vùng cao không thể thiếu bánh dầy.
|
Nếp mới sau khi được đồ chín thì đượm nồng ngọt ngào vì ngấm cái nắng, cái gió vùng cao. Xôi nếp được đổ vào chiếc cối to làm bằng nửa thân cây gỗ. Công việc giã bánh dầy là khá nặng nhọc, phải do những người đàn ông khoẻ mạnh đảm nhiệm. Theo nhịp chày hạ xuống, xôi nếp trong cối quện quánh, tan vào nhau. |
|
Tiếp đó là công việc của những người phụ nữ. Từng vắt bánh nóng hổi tròn trịa dần dưới bàn tay các mẹ các chị. Năm nào thời tiết khắc nghiệt, mùa màng kém, bánh dầy hơi đen và không dẻo. Năm nào mưa thuận gió hòa, bánh ngon và giã quánh, đỡ vất vả hơn. |
|
Lá chuối xanh đã được chuẩn bị sẵn sàng để bọc những chiếc bánh dầy tròn xinh xắn. Người Mông ăn tết với bánh dầy như người Kinh ăn tết với bánh chưng. Đây cũng là món quà Tết chỉ để dành tặng cho những vị khách quí. |
|
6 cặp bánh đầu tiên được gói nhanh, gói đẹp để dâng lên trời đất và vị thần mùa màng của dân bản. 6 cặp bánh gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Những chiếc bánh còn lại xếp vào một hộp gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn. |
|
Bánh dầy vùng cao để được khoảng 3 – 4 ngày. Khi ăn, bà con nướng bánh trên than củi. Bánh dẻo, thơm mùi nếp quện với mùi thơm gỗ, vị ngọt của nếp nương thật quyến rũ. |
Lâm Tuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét