QUAN HỆ VIỆT NAM – LIÊN XÔ
TRONG NHỮNG NĂM 1965 – 1975
TRONG NHỮNG NĂM 1965 – 1975
TS. Nguyễn Thị Mai Hoa *
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, ĐHQG Hà Nội
Thế kỷ XX đã khép lại với rất nhiều sự kiện in dấu đậm nét trong lịch sử nhân loại.
Thế kỷ XX cũng đã ghi nhận những kỳ tích tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đi vào lịch sử như một sự kiện hào hùng nhất của một dân tộc nhỏ bé đã vượt qua những thách thức vô cùng to lớn để chiến đấu và chiến thắng. Trong cuộc đấu tranh hiện nay vì độc lập dân tộc, hạnh phúc và tiến bộ xã hội trên thế giới, cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân Việt Nam là biểu tượng cho khát khao tự do, hoà bình và của bản lĩnh, trí tuệ. Chính vì thế, tầm vóc, nguyên nhân thắng lợi và những vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ luôn chiếm được sự quan tâm nghiên cứu và thảo luận sôi nổi. Một trong những câu hỏi thường được đặt ra là: Quan hệ Việt Nam với đồng minh chiến lược quan trọng của mình là Liên Xô trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến có diện mạo như thế nào? Nó bị tác động ra sao và ở chừng mực nào bởi các mối quan hệ quốc tế liên quan khác? Bài viết dưới đây, trong khả năng có thể, nhằm mục đích tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy.
1. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô ấm lên và phát triển
Sở dĩ có thể đưa ra nhận định rằng, trong những năm 1965-1975, quan hệ Việt Nam – Liên Xô có những biến đổi rõ rệt, theo chiều hướng tích cực là bởi dựa trên kết quả của việc so sánh quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong những năm 1965-1975 với giai đoạn trước đó – từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tới trước năm 1965.
Quan hệ Việt Nam – Liên Xô trong những năm 1950-1965 nổi lên hai xu hướng chính:
Xu hướng tích cực
Xu hướng này thể hiện ở hai điểm chủ yếu:
Thứ nhất, trong thời kỳ 1950-1954, Liên Xô triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Việt Nam về mặt vật chất và tinh thần, tạo điều kiện choViệt Nam đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến kết thúc; thứ hai, từ năm 1954-1965, mặt tích cực trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô được đánh giá thông qua chủ trương ủng hộ việc khôi phục, xây dựng miền Bắc với sự viện trợ vật chất to lớn (viện trợ không hoàn lại, cho vay các khoản ưu đãi và vay dài hạn; giúp Việt Nam chuyên gia, thiết bị và kỹ thuật trong các kế hoạch kinh tế 1954-1957, 1957-1960, 1961-1965…).
Xu hướng tiêu cực
Xu hướng này nổi trội và là kết quả của những tính toán chiến lược của Liên Xô trong bối cảnh thế giới diễn biến đầy phức tạp, chịu sự tác động mạnh mẽ của lợi ích Liên Xô và Mỹ. Xu hướng này được biểu hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, Liên Xô vẫn chưa coi trọng quan hệ với Việt Nam như với một số nước châu Á khác (Ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia…). Liên Xô tích cực giúp đỡ các nước lớn không phải thể chế chính trị XHCN ở châu Á1, nhưng trong quan hệ với Việt Nam thì lại nhạt nhoà.
Thứ hai, Liên Xô thực hiện một chính sách đối ngoại khôn ngoan, tránh dính líu trực tiếp vào các xung đột, tranh chấp khu vực. Tại Hội nghị Geneve, Liên Xô giữ quan hệ Pháp – Tưởng làm đối trọng, nên đã im lặng trước mục tiêu quay lại Đông Dương của Pháp, nhằm chống âm mưu gây chiến mà Mỹ theo đuổi.
Thứ ba, thái độ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam có nhiều điểm không thuận. Liên Xô muốn Việt Nam chỉ tập trung xây dựng kinh tế ở miền Bắc, chủ trương giữ nguyên hiện trạng ở miền Nam và hoà bình thi hành Hiệp định Geneve, giải quyết vấn đề miền Nam thông qua thương lượng. Quan hệ Việt Nam – Liên Xô đặc biệt xấu đi kể từ sau Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng (khoá III- 12/1963)2.
Khơrusôp gây sức ép với Việt Nam, doạ cắt khoản viện trợ quân sự vốn đã ít ỏi (2-1964), có những tín hiệu để Việt Nam hiểu rằng “sẽ không có triển vọng cho việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, nếu Hà Nội không thay đổi lập trường”3. Khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (12-1960), Liên Xô không muốn đề cao vai trò của của Mặt trận, phản ứng thận trọng trước sự kiện Vịnh Bắc Bộ (8-1964). Đây là giai đoạn xấu nhất trong lịch sử hai nước.
Từ năm 1965 trở đi, tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến mới, phức tạp.
Cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt và thu hút sự chú ý, quan tâm của cả nhân loại. Vấn đề Việt Nam thực sự trở thành vấn đề chính trị quốc tế, liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều nước trên thế giới. Đối với Liên Xô, chính sách tiêu cực với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đã làm cho uy tín của Liên Xô bị giảm sút trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế. Sự thay đổi Ban lãnh đạo (10- 1964) ở Liên Xô đã dẫn đến những điều chỉnh về đường lối đối nội, đối ngoại, nhằm khôi phục uy tín trong và ngoài nước, đồng thời tăng cường lực lượng của Liên Xô nhân lúc Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam, tạo thế có lợi để tiếp tục hoà hoãn với Mỹ, đối phó với sự đả kích của Trung Quốc. Trong bối cảnh ấy, quan hệ Việt Nam – Liên Xô dần ấm lên, thể hiện trên những mặt sau:
Ủng hộ về mặt chính trị
Từ năm 1965 trở đi, Liên Xô tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn và toàn diện. Đảng và Nhà nước Liên Xô khẳng định lại vai trò “đồng Chủ tịch Hội nghị Giơneve” về Đông Dương. Tháng 1-1965, Liên Xô chấp thuận cho MTDTGPMN đặt đại diện thường trú tại Liên Xô. Tháng 2- 1965, Đoàn đại biểu Liên bang CHXHCN Xô – viết do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N.Côxưghin dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ, Liên Xô và Việt Nam cũng nhất trí về những biện pháp nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Việt Nam DCCH. Quan điểm này của Liên Xô được đưa ra đúng vào thời điểm Mỹ bắt đầu ném bom dữ dội miền Bắc Việt Nam. Do vậy, nó đã góp phần cổ vũ nhân dân Việt Nam và củng cố hơn nữa quan hệ hai nước. Sau chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng A.N. Côxưgin đã ghé qua Bắc Kinh trên đường về nước, gặp Thủ tướng Chu Ân Lai và nêu vấn đề “thống nhất hành động ủng hộ Việt Nam”. Kể từ thời điểm này, mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô bước vào một giai đoạn phát triển mới về chất. Hàng loạt các chuyến thăm viếng ngoại giao giữa hai nước đã chứng minh nhận định trên. Theo thống kê, từ năm 1965-1975, giữa Việt Nam và Liên Xô đã có “51 cuộc gặp gỡ cấp cao từ uỷ viên Bộ Chính trị trở lên”4. Các cuộc hội đàm nhằm mục đích thống nhất nhận thức và đảm bảo cho lợi ích của từng nước, cũng như lợi ích chung.
Ngày 17-8-1966, tại Liên Xô, 6.000 đại biểu nhân dân Thủ đô Matxcơva đã họp mít tinh, nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chống Mỹ. Đại hội XXIII Đảng Cộng sản Liên Xô (1966) được tổ chức trùng vào thời điểm Mỹ đánh phá ác liệt, mở rộng “chiến tranh cục bộ” trên toàn bộ chiến trường miền Nam. Đại hội đã giao trọng trách cho Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Xô-viết “làm tất cả những gì có khả năng để chấm dứt sự xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, để quân đội Mỹ và quân đội nước ngoài rút khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình”5. Năm 1969, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời ở miền Nam Việt Nam được thành lập một thời gian, Liên Xô đã công nhận và thiết lập quan hệ ở cấp đại sứ với Chính phủ. Sự kiện này góp phần làm tăng thêm uy tín của cơ quan chính quyền nhân dân miền Nam Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, Liên Xô thường xuyên có những cuộc tiếp xúc, trao đổi về mặt nhà nước với Chính phủ CMLTMNVN, đánh giá cao và ủng hộ đề nghị 10 điểm của Chính phủ CMLTMNVN.
Liên Xô luôn thể hiện thái độ ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với Mỹ, đề cao vấn đề Việt Nam trên trường quốc tế. Trong cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Giônxơn và Thủ tướng A.N. Côxưghin tại Mỹ (6-1967), Liên Xô thể hiện mong muốn một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh: Việc giải quyết vấn đề Việt Nam chỉ có thể thực hiện được nếu Mỹ chấm dứt ném bom Việt Nam DCCH và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 9-2- 1965, lần đầu tiên về mặt Nhà nước, Liên Xô chính thức ra tuyên bố cảnh cáo Mỹ ném bom lãnh thổ nước Việt Nam DCCH. Đặc biệt, việc Liên Xô lên án đế quốc Mỹ một cách găy gắt khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất đã góp phần động viên tinh thần của nhân dân Việt Nam và tập trung sự chú ý của dư luận tiến bộ trên thế giới vào vấn đề này. Năm 1968, Liên Xô đã nỗ lực triệu tập Hội nghị bốn bên tại Paris để tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Từ năm 1970-1975, trên các diễn đàn quốc tế, trong Đại hội các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, hoặc nhân các chuyến trao đổi đoàn đại biểu các cấp với các nước khác… Liên Xô thường xuyên nêu lên và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Liên Xô cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam vận động các đoàn thể chính trị thế giới, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, tranh thủ sự đồng tình của các lực lượng tiến bộ đối với Việt Nam.
Tăng cường viện trợ vật chất
Một trong những ủng hộ kịp thời và giá trị của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam trong những năm 1965-1975 là viện trợ quân sự. Tên lửa “đất đối không” của Liên Xô đã được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 24-7- 1965 và đã bắn rơi máy bay Mỹ. Trong giai đoạn 1965-1968, số hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cũng tăng vọt: 226.969 tấn 6. Mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, khi cuộc chiến đấu của quân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc diễn ra quyết liệt, chúng ta rất cần vũ khí, đạn dược, Liên Xô đã đưa gấp sang Việt Nam “100 khẩu súng chống tăng, 500 súng cối các loại, 400 dàn pháo phản lực và 45 chiếc máy bay chiến đấu” 7. Như vậy, trong hai năm 1966-1967, Liên Xô là nước cung cấp chủ yếu viện trợ quân sự cho Việt Nam. Tính ra, “Liên Xô đã cung cấp 500 triệu rúp trang thiết bị cho lực lượng quân sự Bắc Việt Nam (xấp xỉ 550,5 triệu USD)”8. Trong những năm 1969-1972, mức viện trợ quân sự của Liên Xô cho ta đạt 143.793 tấn. Chỉ riêng năm 1969, giá trị hàng viện trợ quân sự lên tới 1,1 tỷ rúp. Cùng với viện trợ quân sự, Liên Xô còn tích cực đào tạo giúp Việt Nam đội ngũ cán bộ quân sự giỏi, có thể vận hành được những vũ khí hiện đại do Liên Xô cung cấp. Riêng năm 1966, có 2.600 sĩ quan Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô. Đồng thời, nhiều chuyên gia quân sự của Liên Xô cũng đã sang chiến trường Việt Nam trực tiếp giúp bộ đội Việt Nam về mặt kỹ thuật. Từ năm 1969-1971, Liên Xô đã ký với Việt Nam 7 hiệp nghị viện trợ và tăng cường hợp tác kinh tế, quốc phòng. Từ năm 1973-1975, Liên Xô chuyển sang Việt Nam 65.601 tấn 9 hàng hậu cần và trang bị vũ khí, kỹ thuật. Đây là một trong những điều kiện đảm bảo cho quân dân ta đẩy mạnh các hoạt động quân sự và giành thắng lợi quyết định trên chiến trường, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (1-1973) và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến kết thúc. Liên Xô cũng không ngừng viện trợ kinh tế cho Việt Nam. Kể từ năm 1965, Liên Xô đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định viện trợ và hợp tác. Riêng năm 1965-1966, Liên Xô đã chuyển sang Việt Nam khối lượng hàng hoá trị giá khoảng 38,5 triệu rúp 10. Trong năm 1968, Liên Xô đã viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam ước tính khoảng 543,3 triệu rúp (tương đương với 608,1 triệu USD)11. Như vậy, viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam trong năm 1968 đạt mức cao nhất, chiếm khoảng 50% viện trợ của các nước XHCN. Từ năm 1969-1972, Liên Xô và Việt Nam liên tiếp ký kết các hiệp định về việc Liên Xô viện trợ không hoàn lại, cho vay dài hạn, về trao đổi hàng hoá… phục vụ cho nhu cầu củng cố quốc phòng và phát triển kinh tế của Việt Nam. Trên tinh thần các hiệp định đã ký kết, Liên Xô cho Việt Nam vay khoản tiền ưu đãi là 152 triệu rúp không phải trả lãi. Năm 1973, Liên Xô đã xoá cho Việt Nam các khoản nợ cũ từ năm 1973 trở về trước (khoảng 1,3 tỷ rúp). Trong những năm 1974-1975, Liên Xô đã cố gắng giải quyết những nhu cầu thiết yếu của Việt Nam về lương thực, thực phấm, xăng dầu, sắt thép…, góp phần tích cực phát triển kinh tế Việt Nam.
2. Những mặt không thuận trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô
Bên cạnh những biểu hiện tích cực, thái độ của Liên Xô đối với vấn đề Việt Nam còn nhiều phức tạp. Liên Xô kiên trì gợi ý Việt Nam hạn chế thâm nhập và bó hẹp các hoạt động quân sự ở miền Nam, đổi lấy việc Mỹ không đem quân vào. Trước sau như một, Liên Xô chủ trương giải quyết vấn đề Việt Nam bằng thương lượng, thông qua vai trò trung gian của mình, mà điều kiện đưa ra là thấp hơn so với yêu cầu của Việt Nam. Từ tháng 2-1965, Liên Xô đã đưa ra gợi ý triệu tập một Hội nghị quốc tế về Đông Dương do Liên Xô làm chủ tịch, theo mô thức của Hội nghị Geneve. Trên tinh thần ấy, Liên Xô đã vận động các nước hữu quan như Anh, Pháp, Campuchia, Ấn Độ, Miến Điện… Sau khi bị Việt Nam khước từ với lý do là điều kiện chưa chín muồi, Liên Xô đã chuyển sang hình thức truyền đạt cho Việt Nam ý kiến của các nước muốn làm trung gian cho Mỹ, hoặc của chính Mỹ cho tới năm 1973. Đỉnh cao là trong những năm 1967-1968 và trong năm 1972, khi Việt Nam, Mỹ đã ngồi vào bàn thương lượng và khi khả năng đi đến giải pháp đã thành hiện thực, Liên Xô liên tục tác động tới Việt Nam, vận động Việt Nam thương lượng trên những điều kiện thấp (cho rằng, Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt đánh phá “không điều kiện” là không thực tế; muốn Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Mỹ trên nguyên tắc “có đi, có lại” – nghĩa là Việt Nam chấm dứt chiến đấu và rút quân ra khỏi miền Nam…). Liên Xô cũng chủ trương giải quyết vấn đề ngừng ném bom miền Bắc trước, vấn đề miền Nam sau; giải quyết vấn đề quân sự miền Nam trước, vấn đề chính trị sau. Cũng trong những năm 1967-1968, Liên Xô liên tục đề nghị Việt Nam nói chuyện với chính quyền Sài Gòn và tỏ ý không hài lòng khi Việt Nam từ chối. Cũng chính vì lý do đó mà Liên Xô đã không ngay lập tức công nhận Mặt trận DTGPMNVN và Chính phủ CMLTMNVN là đại diện chân chính, duy nhất của nhân dân Việt Nam. Liên Xô cũng luôn muốn đóng vai trò trung gian từ khi nổ ra cuộc chiến tranh đến khi ký Hiệp định Paris. Liên Xô đã nhiều lần gợi ý để Mỹ và Việt Nam gặp nhau hoặc ở Matxcơva, hoặc trên tàu chiến của Liên Xô, hoặc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Paris. Liên Xô cũng không ngừng yêu cầu Việt Nam cho biết lập trường và nội dung các giải pháp của các cuộc đàm phán. Tháng 3-1970, khi tình hình Campuchia căng thẳng, Liên Xô đã hai lần yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Tháng 4-1972, nhân chuyến thăm Việt Nam, Kotuchov một lần nữa lại thể hiện quan điểm giải quyết vấn đề quân sự ở miền Nam trước, “còn các vấn đề chính trị, ta tiếp tục đấu tranh đòi hỏi giải quyết theo lập trường của ta”12. Về hình thức thương lượng, năm 1972, khi Mỹ muốn họp bí mật trước, họp công khai sau, Liên Xô cũng muốn Việt Nam chấp thuận. Tháng 10-1972, Liên Xô vận động Việt Nam hoãn việc ký Dự thảo hiệp định đã được hoàn tất. Năm 1972 cũng là năm Mỹ muốn tranh thủ Liên Xô và Trung Quốc để gây sức ép với Việt Nam, giành thế chủ động trên bàn đàm phán trong Hội nghị Paris. Với Liên Xô, Nicsơn chủ trương đặt việc giải quyết vấn đề Việt Nam trong “cuộc mặc cả toàn cầu”. Quan hệ Xô – Mỹ đi vào hoà hoãn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cách mạng Việt Nam. Từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1-1973), Liên Xô không muốn để chiến tranh bùng nổ lại; việc hoàn thành độc lập và dân chủ ở miền Nam, Liên Xô muốn Việt Nam thực hiện bằng con đường chính trị. Như vậy, Liên Xô muốn duy trì “nguyên trạng” đã đạt được bởi Hiệp định Paris, giữ nguyên hai vùng kiểm soát, hai chính quyền và ba lực lượng chính trị (trong đó Liên Xô có quan hệ với cả ba bên). Liên Xô tiếp tục muốn đóng vai trò trung gian chuyển ý kiến của Mỹ cho Việt Nam. Có thể nhận thấy rằng, sau Hiệp định Paris, thái độ của Liên Xô đối với việc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam là không thuận. Liên Xô không ủng hộ Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.
Do những quan điểm tiêu cực trên đây, mà trong việc viện trợ cho Việt Nam, Liên Xô cũng tính toán lại. Liên Xô đã giải quyết rất ít những yêu cầu của ta về viện trợ quân sự cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, hoãn việc trao viện trợ quân sự trong hai tháng, hoãn ký hiệp định viện trợ cho năm 1969. Như vậy, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam giảm hẳn trong năm 1969. Năm 1972, song song với việc giảm viện trợ kinh tế, phía Liên Xô đã ngừng cung cấp viện trợ quân sự, kể cả các khoản đã được ký kết trước đó. Liên Xô cũng không giải quyết yêu cầu của Việt Nam về tên lửa hiện đại để chống B.52 trong đợt Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược cuối năm 1972. Sau Hiệp định Paris (1-1973), do tác động từ hoà hoãn Xô – Mỹ, nên viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam giảm đi nhiều so với trước.
3. Bàn về quan hệ Việt Nam – Liên Xô dưới tác động của quan hệ tam giác Mỹ – Xô – Trung
Có thể nói rằng, trong quan hệ Việt – Xô, tình thân, sự hợp tác hữu nghị và mâu thuẫn, thậm chí bất đồng là hai mặt thường trực của mối quan hệ và thay đổi theo từng thời gian nhất định. Trước tiên, phải nhận thức rằng, đây là điều hết sức bình thường và có thể hiểu được trong quan hệ quốc tế, trong quan hệ giữa các quốc gia, kể cả các quốc gia cùng ý thức hệ. Tính hai mặt này có thể lý giải bằng hàng loạt lý do và nguyên nhân: Lợi ích chiến lược toàn cầu của Liên Xô; sự thay đổi chính sách đối với Việt Nam của Mỹ; Trung Quốc và Liên Xô cạnh tranh ngôi vị trong phong trào cách mạng thế giới. Do đó, ba yếu tố Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và quan hệ tam giác giữa các cường quốc này ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ Việt Nam – Liên Xô. Và vì vậy, không thể không nghiên cứu một cách thích đáng sự tác động của quan hệ tam giác Mỹ – Xô – Trung đối với quan hệ Việt Nam – Liên Xô theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Từ năm 1965 đến năm 1975, quan hệ Xô – Trung tiếp tục giảm sút một cách nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo hai nước chính thức kêu gọi quân và dân sẵn sàng bảo vệ biên giới của nước mình. Sự căng thẳng của quan hệ Xô – Trung, đặc biệt là xung đột biên giới nổ ra nhiều lần trong năm 1969 đã dẫn tới sự đối địch giữa hai nước lớn trong thời gian sau đó.
Trong tình hình quan hệ với Trung Quốc ngày càng xấu đi, Liên Xô tỏ rõ thái độ ủng hộ Việt Nam chống Mỹ để cô lập Trung Quốc và phá hoà hoãn Mỹ – Trung đang có những dấu hiệu khởi động và “chỉ có như vậy, mới có thể thực hiện thế bao vây chiến lược toàn diện đối với Trung Quốc để đảm bảo cho Liên Xô không ở vào thế hết sức bị động sau khi Trung – Mỹ tiến hành hoà giải”13. Ủng hộ Việt Nam, nắm được vấn đề Việt Nam là một đảm bảo cho Liên Xô trong việc đạt tới ngôi vị số một so với Trung Quốc trong phong trào cách mạng thế giới. Mặt khác, khi mâu thuẫn Xô – Trung càng sâu sắc, thì trong nhiều thời điểm, Liên Xô cũng nghi ngờ Việt Nam ngả theo Trung Quốc chống Liên Xô. Điều này càng làm cho Liên Xô ý thức hơn việc củng cố quan hệ với Việt Nam, lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc. Quan hệ Mỹ – Xô từ năm 1965 đến năm 1972 cũng không phát triển tốt đẹp như trước nữa. Những điểm chung trong quan hệ Xô – Mỹ ngày càng ít dần. Quan hệ hai nước có những căng thẳng mới. Tình trạng này kéo dài cho tới cuộc đi thăm Liên Xô của Tổng thống Mỹ Nicsơn (5-1972) mới dịu đi. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước Liên Xô chuyển sang mở rộng và củng cố ảnh hưởng của mình với các nước, nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Mỹ trên thế giới và củng cố vị trí của mình, tạo thế cân bằng với Mỹ. Với mục đích đó, Liên Xô thực hiện viện trợ ngày càng nhiều hơn cho Việt Nam. Đồng thời, Liên Xô cũng tỏ rõ thái độ phê phán và lên án Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mặt khác, trong chiều hướng quan hệ hai nước không mấy mặn mà, Ban lãnh đạo mới của Liên Xô vẫn muốn duy trì và tăng cường quan hệ Xô – Mỹ. Từ năm 1965-1969, “Xô – Mỹ đã có chín thoả thuận về các quan hệ tay đôi”14. Điều này lý giải những biểu hiện không thuận trong quan hệ Việt Nam – Liên Xô những năm 1967-1968. Từ năm 1972 trở đi, do muốn phá hoà hoãn Mỹ – Trung và thực hiện hoà hoãn Xô – Mỹ, nên sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam bên cạnh mặt tích cực, có phần nào giảm đi, thể hiện qua việc Liên Xô muốn Việt Nam “giữ nguyên trạng” theo Hiệp định Paris. Nhưng biến động lớn trong những năm 1965-1975 là sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và sự gần gũi của Trung Quốc với Mỹ sau những năm dài thù địch. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có ý đồ xích lại gần nhau. Bất đồng và xung đột Xô – Trung là một trong những lý do dẫn đến sự thay đổi của sự đối đầu Trung – Mỹ. Ngay từ năm 1968, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đẩy Mỹ vào thế bất lợi, Mỹ đã chú ý đến thái độ của Trung Quốc trong vấn đề này. Tất cả những sự kiện đó làm cho làm cho cả Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm khả năng hoà hoãn giữa hai nước. Chuyến đi bí mật (7-1971) của H.Kitxinhgơ, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ và công khai của Tổng thống Nicxơn (2-1972) tới Trung Quốc đã mở ra một thời kỳ mới giữa hai nước. Quan hệ Mỹ – Trung được thiết lập sau nhiều năm đối đầu. Sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Trung Quốc là một biến động quốc tế lớn nhất trong quan hệ giữa ba nước Liên Xô – Mỹ – Trung Quốc. Việc Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau, theo đánh giá của H.Kitxinhgơ “đã làm biến đổi cấu trúc chính trị quốc tế”. Thủ tướng Chu Ân Lai cũng cho rằng, sự kiện này làm cho “thế giới bị rung chuyển”.
Quan hệ Mỹ – Trung được thiết lập đã tạo ra một quan hệ tam giác có tính chất chiến lược giữa ba nước lớn Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc, mà H. Kitxinhgơgọi đó là “trò chơi ba chiều”. Quan hệ Trung – Mỹ buộc Liên Xô phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, trước hết là với Mỹ. Trong hoà hoãn Trung – Mỹ, Liên Xô nhìn thấy ở đó hiểm hoạ của sự câu kết chống Liên Xô. Mục đích của Liên Xô là phải phá hoà hoãn Trung – Mỹ; đồng thời, khi quan hệ Xô – Trung bị tan vỡ hoàn toàn và khả năng Mỹ bại trận, rút khỏi Việt Nam để lại khoảng trống quyền lực ở Đông Nam Á, Liên Xô muốn duy trì sự kiểm soát của mình vùng này ở thông qua Việt Nam. Những tính toán này là một lý giải thuyết phục cho tính hai mặt trong quan hệ Xô – Việt thời kỳ này.
4. Kết luận
Sau khi phân tích quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trong những năm 1965-1975, phải khẳng định rằng ảnh hưởng của mối quan hệ tới tiến trình lịch sử mỗi nước, đặc biệt là với Việt Nam là rất lớn. Đây là quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước có cùng một hệ tư tưởng, là mối quan hệ tác động hai chiều, qua đó mỗi bên đều tìm thấy những lợi ích thiết thực cho mình. Những giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập là rất to lớn cả mặt vật chất và tinh thần. Liên Xô là nguồn động viên, khích lệ, thế dựa cho cách mạng Việt Nam. Mặt khác, đối với Liên Xô, Việt Nam có những đóng góp nhất định cho sự tồn tại ổn định của đất nước Xô-viết. Việc Việt Nam từng bước đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ đã tạo điều kiện cho Liên Xô đối thoại với các nước đế quốc. Hơn thế, cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm Mỹ tiêu hao rất nhiều nhân lực và vật lực, dẫn đến địa vị của Mỹ xuống dốc nhanh chóng. Ngược lại, khi Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Liên Xô lại tăng nhanh thực lực của mình, đặc biệt là nhanh chóng phát triển quân sự. Đến cuối thập kỷ 60 – đầu thập kỷ 70 (XX), cuối cùng Liên Xô đã giành được địa vị ngang bằng với Mỹ. Trong so sánh lực lượng Mỹ – Xô đã có sự thay đổi không có lợi cho Mỹ. Trên cơ sở đó, Liên Xô lợi dụng sự suy yếu của Mỹ, nhanh chóng tăng cường ảnh hưởng vào các khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Trung Mỹ. Như vậy, đây là mối quan hệ dựa trên cơ sở lợi ích riêng của mỗi bên trong sự kết hợp với lợi ích chung, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Ngoài ra, quan hệ tam giác Mỹ – Xô- Trung – quan hệ giữa một bên là kẻ thù chủ yếu và một bên là đồng minh chiến lược của Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp. Sự bất đồng Xô – Trung ngày càng sâu sắc, sự hoà hoãn, xích lại gần nhau giữa Liên Xô – Mỹ và Trung Quốc – Mỹ đã tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam – Liên Xô theo hai chiều hướng: Tích cực và tiêu cực. Sự vận động của tam giác Mỹ – Xô – Trung trong những năm diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam phản ánh một hiện thực điển hình trong quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi mỗi nước đều theo đuổi những mục đích quốc gia riêng, nhưng lại chịu sự chi phối nhất định của lợi ích phe phái và ý thức hệ Hiện nay, các nước trên thế giới (dù có chung hệ tư tưởng hay không) đang bị chi phối bởi quá trình hội nhập quốc tế. Các nước, đặc biệt là các nước nhỏ đang tìm kiếm những hình thức mới trong quan hệ hợp tác, nhằm đạt tới sự bình đẳng, trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của nhau, mang lại hiệu quả thiết thực. Mặc dù thế giới có nhiều đổi thay, nhưng kinh nghiệm cũ vẫn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Bài học rút ra ở đây là: Ngoại giao là tấm gương phản chiếu sự thịnh, suy, yếu, mạnh của mỗi quốc gia trong mối quan hệ tương tác các lợi ích, trí và lực. Do vậy, muốn đạt tới quan hệ bình đẳng trong một ván cờ ngoại giao, trước hết phải tự củng cố, xây dựng thực lực của đất nước, đặt mình vào trong sự chuyển động của các mối quan hệ quốc tế, vận động cùng thế cục .
——-
1Với sự giúp đỡ Inđônêxia 367.5 triệu rúp và Ấn Độ 1.5 tỉ rúp, thì sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam còn rất khiêm tốn.
2 Hội nghị đã thông qua nhiều vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng Việt Nam và một số vấn đề về quốc tế, trong đó có
chủ trương phải thắng Mỹ trong chiến tranh đặc biệt và “chống chủ nghĩa xét lại hiện đại”.
3 Gaiđuk. V.I (1998), Liên bang Xô-viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 53.
4 Ngoại giao Việt Nam (1945-2000) (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội., tr. 235.
5 Lịch sử chính sách đối ngoại của Liên Xô (1945-1970) (1971), Nxb Khoa học, Matxcơva, bản lưu tại Viện Sử học, tr.520
6 Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Sdd.
7 Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt- Trung, Nxb Đà Nẵng, 1996, tr 73.
8 Gaiđuk. V.I (1998), Sđd, tr. 126.
9 Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Sdd.
10 Việt Nam- Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980) (1980), Nxb Ngoại giao, Hà Nội, tr. 139.
11 Gaiđuk. V.I (1998), Sđd , tr. 125.
12 Quan hệ Việt – Xô trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bản lưu tại Văn phòng lưu trữ Trung ương Đảng,tr. 30
13 Lý Đan Tuệ (2000), “Xung đột và mâu thuẫn Trung Quốc –Liên Xô trong vấn đề viện trợ cho Việt Nam chống Mỹ”,
Tạp chí Nghiên cứu Liên Xô Trung Quốc đương đại, số 3, tài liệu dịch từ tiếng Trung Quốc, lưu tại viện Sử học, tr.1.
14 Quan hệ Việt – Xô trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sđd, tr. 35.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét