Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán: Nhân tài & giấc mơ "thảm đỏ"

GS Lê Tuấn Hoa bảo vệ quyền lợi cho Viện Nghiên cứu Cấp cao về Toán và chuyện GS Ngô Bảo Châu nhận nhà công vụ do CP tặng là đúng vì ông là giám đốc điều hành Viện. Nhưng tôi thì không tán thành cả hai chuyện này. Thực sự thì GS Ngô Bảo Châu đã tự nguyện trở thành "đồ trang sức" của quốc gia, đồng thời Chính phủ, nhất là ông PTTCP Nguyễn Thiện Nhân, đã lợi dụng sự tự nguyện này của GS Châu để thổi phồng thành tích của nền giáo dục VN nói chung và cá nhân CP VN nói riêng trong việc đào tạo nhân tài. 
Việc GS Hoa lấy ví dụ về 1 gia đình có 7-8 người con thì nên tập trung đầu tư cho 1 đứa để sau này thành đạt nó sẽ vực dậy hết được cả gia đình... là điều hết sức viển vông. Theo tôi, cái quan trọng nhất là đừng đẻ nhiều con, chỉ cần 1 - 2 đứa và nuôi cho thật tốt, công bằng giữa 2 đứa trẻ. Nước ta đã có 1 Viện toán học rất danh tiếng với những tên tuổi xuất chúng như các GS Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Ngô Việt Trung, Trần Đức Vân; đã có những khoa toán nổi tiếng ở một số trường đại học... Nay hà cớ gì mà CP lại sinh ra một Viện Nghiên cứu Cấp cao về Toán cũng lại được nuôi bằng tiền thuế của dân ? Có chăng chỉ là nhằm có chỗ trưng bày "đồ trang sức" của quốc gia mà thôi (cũng tương tự như cấp nhà công vụ để trưng bày vậy). 
Chúc mừng GS Hoa được cử làm Giám đốc nhà trưng bày và có thu nhập (mà ông cho là hợp lý) gấp hàng trăm lần ông Viện trưởng Viện toán học sơ cấp. Hy vọng với thu nhập mới này, GS sẽ có những kết quả cao gấp trăm lần so với trước. 

Nhân tài & giấc mơ "thảm đỏ"

21/01/2012 11:54:37
- Do còn khó khăn, chế độ đãi ngộ người tài còn nhiều bất cập, môi trường làm việc chưa hấp dẫn... làm cho chuyện trải thảm đỏ đối với nhân tài xem ra vẫn chỉ là "giấc mơ chưa tới" của giới khoa học.
Nhiều nhân tài phải phiêu dạt, lận đận... chỉ vì cơm áo gạo tiền. KH&ĐS đã cùng GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Cấp cao về Toán, chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, đi tìm căn nguyên của tình trạng này.
a
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa

Được tặng nhà là chuyện thường quá!

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa mở đầu câu chuyện: Hồi đầu năm nói chuyện GS Ngô Bảo Châu được tặng nhà công vụ, dư luận cũng làm rùm beng lên. Thực ra nhà công vụ là chỗ để ngồi làm việc, mỗi lần về để ở chứ không phải tài sản của giáo sư. Chuyện đó thường quá!
Nhiều người nói rằng đó là nhà khoa học đầu tiên được tặng nhà là không đúng vì các cán bộ ngày trước được phân nhà, được nhiều ưu đãi, được hỗ trợ... thì cũng đâu có gì là lạ. Trải thảm đỏ để thu hút nhân tài trước hết là phải cải cách chế độ tiền lương.
Cách đây 2 năm tôi sang Pakitstan công tác thì phát hiện ra là một người học bảo vệ xong tiến sĩ, ra trường về dạy các trường đại học thì lập tức được hưởng lương 1.500USD, trong khi công nhân ở bên đó, một người lao động bình thường để kiếm được một công việc khoảng 30USD là rất khó. Chênh lệch 50 lần. Thế là trong một thời gian ngắn, số lượng nhà khoa học tăng lên vùn vụt. Đứng ngoài nhìn vào có vẻ như bất công vô lý nhưng nó lại hoàn toàn hợp lý.
Vợ chồng GS 20 năm chưa có nhà

Điều kiện kinh tế thấp, thu nhập chưa tương xứng, đời sống khó khăn là những nguyên nhân chiếm đến 80% trong số những nguyên nhân ta không thu hút được người tài, không có thảm đỏ cho họ. Nhiều nhà khoa học về nước làm việc không phải vì thu nhập xứng đáng mà về như là làm việc thiện, vì có học trò giỏi nên người ta sẵn sàng về. Họ vẫn chọn về đây vì họ thấy việc dạy của họ có ý nghĩa. Nhưng cái cốt lõi làm nên việc chưa có thảm đỏ chính là thu nhập và điều kiện sống. 
Người ta không thể nào vợ con đang đói mà say sưa nghiên cứu. Tôi là nhà khoa học, tôi vẫn nói với học sinh, sinh viên, dù Nhà nước trả lương thế nào thì các em cũng phải chứng minh được rằng nhà khoa học thì không thể bê tha, không thể bần hàn được. Trả lương xứng đáng không phải để các nhà khoa học có thể giàu mà trả để có được cuộc sống đảm bảo.
Ví dụ, hai vợ chồng bạn tôi là giáo sư ở Tây Ban Nha, sau 20 năm vẫn chưa đủ tiền để mua một căn hộ hơn 100m. Để thấy làm khoa học thì không giàu được. Đòi hỏi giáo sư phải có nhà cao cửa rộng là đòi hỏi vô lý. Nhưng người ta phải có thu nhập đảm bảo để họ không phải đi làm thêm, tập trung vào nghiên cứu.

Năm ngoái GS Châu được giải thưởng Fields thì có một số người nói rằng anh Châu có được đào tạo ở Việt Nam đâu mà ta lại nhận, phải chăng đó là kiểu thấy người sang bắt quàng làm họ? Tôi nói rõ rằng thời này không phải là thấy người sang bắt quàng làm họ nữa mà người ta phải bỏ tiền ra để giành giật những nhân tài. Người ta phải bằng mọi cách để giành giật nhân tài, không mời họ về được nhiều thì về được ít, không được 1 - 2 tháng thì 1 - 2 tuần, không được một hai tuần thì 1 - 2 ngày.
Tiến sĩ chạy xe ôm

Cũng có những người đã từng rất thành danh nhưng rồi sau này do nhiều yếu tố tác động mà cái tài đó không có đất dụng, bị mai một, thậm chí trở nên bê tha. Số này rất ít. Cách đây mấy ngày tôi có liên lạc thì mới được biết tình trạng hiện nay của một người đã từng thành danh trong khoa học. Trường hợp này thì tôi phải giấu tên.
Anh này trước kia được huy chương vàng quốc tế, được đào tạo khá bài bản ở Liên Xô rồi bảo vệ tiến sĩ khá sớm. Nhưng về nước thì không phát huy được khả năng. Rồi không hiểu do suy nghĩ nhiều quá hay vì lý do nào đó mà thần kinh của anh ấy không hoạt động bình thường. Nếu ở môi trường tốt thì có thể bệnh của anh không phát triển đâu.
Nhưng rồi môi trường không tốt, lương không đủ sống, bệnh ngày càng nặng thêm. Anh ấy về nhà mình lương bổng thấp, trong điều kiện đó thì bệnh của anh tăng lên. Mà bệnh chưa đến mức liệt giường thì phải chạy xe ôm kiếm sống.
Giờ cứ vào các viện, vào các trường có thể chỉ được ngay những cái tên trước đây có thành tích khá cao, thành công khá sớm, nhưng sau này lại bị thụt lùi, trở nên rất bình thường nếu không muốn nói là không có phát kiến đột phá nào. Vì thế, tôi mới nói có 50% trong số các em đoạt giải cao thành danh đã là may mắn lắm rồi.
Cào bằng, đi đều bước

Chính sách ưu đãi nhân tài hiện nay là quá dở. Xuất phát từ chuyện cào bằng. Tại sao chúng ta không đẩy mạnh mũi nhọn tập trung để vực dậy cả nền giáo dục? Mỗi năm chúng ta có hơn 1 triệu học sinh mới mà chúng ta không tập trung nổi tiền cho khoảng 1.000 em. Chỉ cần bớt đi một ít cho các em đại trà là có thể làm được việc tập trung này.
Một gia đình nông thôn mà có đến 7 - 8 con mà nuôi cả 7 đứa ăn học thì bố mẹ sẽ không thể làm được. Nuôi 1 trong số đó thành đạt thì nó sẽ vực dậy hết được cả gia đình, chứ nếu cho cả 7 đứa đi học thì sẽ không đứa nào thành cái gì cả.
Tiền chi cho giáo dục không hề ít nhưng cách suy nghĩ dàn hàng ngang, đi đều bước khiến cho không tạo ra sự đột phá. Nói cho cùng thì không thể trải thảm bằng nước bọt được. Không thể bắt người ta hưởng cái lương 5 - 6 triệu đồng/tháng như các GS trong nước. Vì thế, chuyện thảm đỏ ở Việt Nam vẫn còn xa lắm.
Nếu như GS Ngô Bảo Châu có nguyện vọng về nước làm việc thì chính chúng tôi sẽ là người đề nghị GS không nên về. Về đây tất cả những chất xám GS đang có mình cũng không được dùng đến, nó cũng bị mai một đi, không có điều kiện để phát huy. Chứ nếu GS về hẳn đây, cần phải trao đổi với ai đó là phải bay một chuyến, mình có xuất cho GS 2.000USD để đi vài ba ngày xong rồi về không? Tài chính chắc chắn là không duyệt.
Tô Hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét