Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Cái Tết trằn trọc nhất?

Cái Tết trằn trọc nhất?


(Vietstock) - “2012 sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho TTCK”. Vì sao một lãnh đạo vốn ít xuất hiện trước công luận và mang đặc tính kiệm lời như bộ trưởng Huệ lại không ngần ngại đối mặt với một lĩnh vực được coi là khó dự đoán nhất trong tất cả các lĩnh vực?
Hai cái Tết - hai sắc thái
Cái Tết kỷ niệm chẵn 12 con giáp của TTCK Việt Nam hóa ra lại là thời gian chờ đợi tâm tư nhất, u uẩn nhất và có thể dài nhất đối với các nhà đầu tư.
Khác hẳn với Tết năm 2007. Khi đó thị trường đã làm nên điều thần kỳ, khi chỉ trước Tết chưa đầy hai tháng đã bứt phá đến 60%, từ vùng 500 điểm tiến thẳng đến vùng 800 điểm. Cũng khi đó, nhà đầu tư chỉ mong sao cho Tết chóng… trôi qua. Quả thực, thị trường sau Tết vẫn tiếp tục thỏa mãn cho đại đa số. Rốt cuộc, đến cả những người phụ nữ bán rau và đàn ông chạy xem ôm còn biết về chứng khoán…
Hãy nhớ lại, năm Mèo cũng đâu đến nỗi tệ. Con vật được ví như thầy dạy võ cho loài hổ đã từng được kỳ vọng sẽ trở thành một linh vật cầm tinh cho thị trường. Mèo lại là loài có phản ứng cực nhanh. Thế nhưng trái ngược với bản chất tự nhiên của linh vật, thị trường lại rơi vào cơn buồn ngủ chưa từng có trong lịch sử của nó.
Còn năm nay, dù là dựa hơi Rồng, nhưng mọi chuyện sao vẫn quá ủ dột. Cuối năm, đại đa số, nếu không muốn nói là hầu hết ý kiến chuyên gia đều ngao ngán về tương lai của thị trường trong năm 2012. Cái hầu hết này lại đang diễn ra rất hợp với tình cảnh thực tế của nó: lãi suất, yếu tố được xem là đòn bẩy duy nhất cho thị trường, vẫn chưa hề được Ngân hàng nhà nước ngó ngàng về động thái kéo giảm.
Trong khi đó, câu chuyện tái cấu trúc khối công ty chứng khoán vẫn chưa đến hồi kết. Mà tất cả mới chỉ là bắt đầu. Một vài CTCK nhỏ bị đóng cửa và thu hồi giấy phép thật ra mới chỉ là động tác can thiệp hành chính đầu tiên của Ủy ban chứng khoán nhà nước.
Một cách nhìn đã xuất hiện trong giới phân tích: chỉ sau khi chiến dịch tái cấu trúc CTCK được hoàn tất, thị trường mới có cơ hội đi lên.
Nhưng khi nào thì cơ quan quản lý chứng khoán mới công bố kết quả cuối cùng?

Không ai có thể trả lời được câu hỏi này. Như một khối u đã chịu ung từ quá lâu, cơ chế điều trị cho nó hoàn toàn không đơn giản. Chẳng hạn, một trong những liệu pháp đầu tiên cần làm là chiếu theo yêu cầu của bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ, tức UBCKNN phải tổ chức thanh tra toàn diện các CTCK, thì quá trình thanh tra hàng trăm đơn vị này sẽ phải mất ít ra 6 tháng.
6 tháng cũng là khoảng thời gian mà một chuyên gia phong thủy nước ngoài nhận định là u ám nhất cho nền kinh tế Việt Nam, và đặc biệt là đối với TTCK. Nhân đây, cũng rất xin lỗi vì đã phải viện đến quốc tịch nước ngoài, đến lĩnh vực phong thủy để bắt mạch cho TTCK, chứ không phải chuyên gia trong nước và lĩnh vực phân tích kỹ thuật nữa mà đã bị một số nhà đầu tư coi là “hết thiêng”.
Với chuỗi thời gian đằng đẵng như thế, bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải trằn trọc về tương lai ngắn hạn của thị trường.
Những dự cảm u uẩn càng như được củng cố khi đợt tăng ngay trước Tết đã khó có thể được đặc trưng đầy đủ như một con sóng. Dù chỉ số VNI đã bứt đến 11%, nhưng nhược điểm quá lộ liễu là biên độ tăng của chỉ số HNX chỉ bằng phân nửa VNI. Mà một trong những kinh nghiệm xương máu của thị trường trong suốt năm 2011 là chừng nào biên độ tăng - giảm của hai chỉ số này còn chưa đồng đều nhau, thị trường thật khó có cơ hội được trả về giá trị thật của nó, và do đó chưa thể nhìn thấy cơ hội phục hồi bền vững.
Sẽ đỡ trằn trọc hơn?
Nhìn quanh quất, chỉ còn lại vài ý kiến trái chiều.
Trước Tết, lãnh đạo bậc trung của một CTCK đã “đoán mò” về khả năng TTCK tạo lập đáy. Như một ứng nghiệm, dự báo này được tiếp nối bởi chuỗi tăng điểm sưởi ấm cõi lòng vốn đã quá tê lạnh của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một chuyên gia khác, lại là người mang quốc tịch nước ngoài thuộc CTCK Kimeng, cũng đưa ra dự báo rất lạc quan về TTCK năm 2012. Dù không nêu rõ những cơ sở cho nhận định có vẻ tươi hồng này, nhưng dù gì việc Kimeng đã và đang tồn tại như một CTCK vững vàng cũng khiến nhận định đó có phần đáng tin cậy.
Tuy nhiên, tất cả những nhận định và dự báo trên mới chỉ xuất phát từ những cá nhân riêng lẻ, điều mà năm nào, Tết nào cũng có. Trong khi tính riêng lẻ lại không thể đại diện cho số đông, nhất là khi nó đi ngược lại số đông.
Có lẽ căn cứ đáng thuyết phục nhất chỉ đến từ nhận định của người phụ trách cơ quan chủ quản của UBCKNN.
“2012 sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho TTCK”, trong một buổi trả lời trục tuyến trước Tết Nhâm Thìn, ông Vương Đình Huệ đã lần đầu tiên nêu ra dự báo này.
Điều đáng chú ý là nhận định trên của ông Huệ cũng xuất hiện lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức bộ trưởng vào tháng 8/2011.
Vì sao một lãnh đạo vốn ít xuất hiện trước công luận và mang đặc tính kiệm lời như ông lại đã không ngần ngại đối mặt với một lĩnh vực được coi là khó dự đoán nhất trong tất cả các lĩnh vực?
Không chỉ một lần, mà bài trả lời trực tuyến của ông Huệ còn đề cập đến “TTCK sẽ khởi sắc trong năm 2012” trong đoạn kết luận.
Với những người bi quan, họ có thể so sánh nhận định của ông Huệ với lời hô hào “Nếu có tiền, tôi sẽ mua ngay cổ phiếu vào lúc này” của một phó thủ tướng vào quý 1 năm 2008, khi toàn bộ thị trường đang lao dốc đến vùng 700 điểm.
Nhưng liệu có mối tương quan hay không giữa hai nhận định, của hai nhân vật đều phụ trách ngành tài chính?
Trong bối cảnh xuất hiện đánh giá đầu tiên của bộ trưởng Vương Đinh Huệ về TTCK, một hiện tượng khác cũng cần được lưu tâm là sự “biến mất” của thị trường bất động sản. Trước đó, thị trường này đã nổi đình đám vào giữa tháng 11/2011 khi hiện ra động thái “giải cứu” từ phía NHNN. Chỉ hơn nửa tháng sau, bất động sản lại nhận được một văn bản tối quan trọng của Chính phủ: Chỉ thị 2196 do chính Thủ tướng ký, được xem là khung pháp lý mở đầu cho sự phục hồi của thị trường này.
Song từ đó đến nay, “không hiểu sao” thị trường bất động sản vẫn tái diễn tình trạng bất động. Cũng không khác với chứng khoán, tuyệt đại đa số nhận định và dự báo về thị trường nhà đất năm 2012 đều chung nét bi quan.
Ai đó đã “quên” hay “tạm quên” bất động sản chăng?
Mà nếu bất động sản đã bị tạm cho vào một trạm chờ nào đó, cùng với dự báo “Vàng sẽ là kênh đầu tư rủi ro rất cao” của thống đốc Nguyễn Văn Bình, liệu chứng khoán có trở thành “kênh đầu tư hấp dẫn” như nhận định cũng của người lãnh đạo khối ngân hàng?
Nếu nhìn thuần túy như thế thì cái Tết này lại có hy vọng đỡ trằn trọc hơn.
Hạ Xuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét