Chuyện nhân quả và cái duyên
Gieo “nhân” nào thì gặt “quả” đó, nhưng “nhân” tốt chưa hẳn đã ra “quả” tốt, mà còn phải cần hữu “duyên” tốt. Duyên ở đây không phải là yếu tố ngẫu nhiên, mà là một môi trường phù hợp cần thiết vun trồng để “nhân” được phát triển tốt cho ra “quả” tốt.
Ai ai đến Việt Nam làm ăn cũng rất ấn tượng về sự năng động, khả năng vượt khó và khát khao làm giàu của doanh nhân chúng ta. Đây là những điều kiện cần và quý giá cho một sự phát triển vượt tầm có thể sánh với doanh nhân các nước con rồng châu Á (Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản) ba bốn thập niên về trước. Thế nhưng tại sao sau hai thập niên từ khi Nhà nước ưu tiên cho sự "Đổi mới" cùng với Luật doanh nghiệp ra đời, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng mức, không đủ sức cạnh tranh, vẫn phải thủ phận làm ăn nhỏ lẻ? Đó là vì còn thiếu cái "duyên", tức môi trường kinh doanh với mức độ thông thoáng, minh bạch và công bằng tối thiểu cho cái "nhân" tốt của doanh nghiệp có điều kiện ra "quả" tốt .Phải nói rằng ai làm ăn cũng bị ám ảnh bởi "yêu cầu đầu tiên là tiền đâu". Nhưng tiền, tín dụng chỉ là một vế của vấn đề. Còn vế kia lại mâu thuẫn mỉa mai ở chỗ khi doanh nghiệp đã có xe, có xăng, có tài xế giỏi nhưng con đường đi làm ăn lại ngoằn ngoèo trắc trở, không định trước được những rủi ro dọc đường, thì chắc chắn tài xế khó mà giao hàng đúng hẹn và hệ quả là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ vì chi phí bị đội lên quá cao.
Rất dễ hiểu khi ai đó đã từng ví von làm kinh tế không khác gì tham gia vào một cuộc chơi mà sân chơi là thị trường của một quốc gia. Thị trường càng năng động thì ngày càng thu hút nhiều người biết đến và thích vào chơi (vì điều kiện chơi thông thoáng); cảm thấy rất dễ chơi (vì luật chơi minh bạch, dễ hiểu); và từ đó người chơi có lòng tin vào sự nỗ lực và thành công của chính mình (vì sự công bằng). Thế là "Hữu xạ tự nhiên hương", sân nhà ngày càng tăng thêm doanh thu, rung đùi hưởng lợi từ vô số các dịch vụ phát sinh, tạo thành một vòng xoay phát triển kinh tế hầu như vô tận. Trên thế giới có thể nói các quốc gia hơn thua nhau là ở sự vận dụng linh hoạt những quy luật kinh tế này, chứ không hẳn là nhờ vào vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hay ngay cả thể chế chính trị. Các con rồng châu Á là một minh chứng sống động cho câu chuyện làm ăn thời hội nhập này.
Vậy thì để có được một sân chơi thông thoáng, một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam được cất cánh thì điều kiện tiên quyết là phải có một bộ máy hành chính hiệu quả, biết tự điều chỉnh, thanh lọc mà không cần sự giám sát thường xuyên của Nhà nước. Ta cứ tưởng như vấn đề này ai cũng biết, cũng thấy vì thường xuyên được ưu tiên nêu lên tại các diễn đàn doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế và nhận được sự đồng thuận cao. Ấy vậy mà thấy được và hiểu được là một chuyện, quyết tâm làm và làm được tốt lại là một chuyện khác, vì cơ bản đây không chỉ là một vấn đề kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả một quyết tâm chính trị, điều mà không phải xã hội nào cũng có thể làm được.
Thực tế cuộc sống con người ta thiếu tiền thì nhu cầu bức xúc phải đi kiếm tiền, thiếu ăn thì đói phải đòi ăn ngay; còn một đất nước mà thủ tục hành chính thiếu minh bạch và công khai thì cũng giống như con người mắc bệnh tim mạch ngấm ngầm, làm việc mau mệt mà hiệu quả chẳng được bao nhiêu. Khổ nổi bệnh tim mạch lại khiến người ta thường có tâm lý "sống chung với bệnh", chấp nhận thực tại, cố gắng thích nghi với nó cho qua ngày theo kiểu người ta sao mình vậy, không dám đối đầu với thực tế cho đến khi bị đột quỵ. Chính vì vậy hệ lụy của một hệ thống hành chính thiếu minh bạch lại thiếu trách nhiệm giải trình nếu không sớm được khắc phục sẽ là môi trường dung thân cho nạn tham nhũng tác quái, bức tử doanh nghiệp cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước.
TP. Hồ Chí Minh, một trong những thành phố phát triển nhất nước. Ảnh vnphoto.net |
Trong mấy năm qua, tình hình suy thoái kinh tế thế giới rõ ràng đã có tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam và cũng làm rõ thêm những yếu kém cơ bản của chúng ta khi phải đối đầu với những thử thách khắc nghiệt này. Nhưng, tình hình kinh tế thế giới thật ra không phải là mối quan tâm chính trong chiến lược phát triển dài hạn của một quốc gia, ngoại trừ các siêu cường kinh tế đếm được trên đầu ngón tay. Mà cốt lõi giải quyết vấn đề đối với những nước còn nghèo như Việt Nam chúng ta thì chỉ có một việc và một việc duy nhất là làm sao xây dựng được một nội lực thâm hậu với cơ cấu hệ thống hành chính vững chắc làm nền tảng giúp doanh nghiệp vận hành tốt và đi lên.
Có như vậy doanh nghiệp cả trong và ngoài nước mới dám mạnh dạn đầu tư làm ăn nhờ vào môi trường kinh doanh có độ tiên liệu cao hơn. Và đây cũng chính là thước đo sức mạnh kinh tế của một đất nước; bởi doanh nghiệp trong nước có mạnh thì mới có những sản phẩm, dịch vụ thật sự cạnh tranh, tạo nên một sân chơi năng động thu hút được những nhà đầu tư tầm cỡ nước ngoài vào cuộc chơi cuả chủ nhà. Vì thực tế những nhà đầu tư này luôn muốn tìm đến những đối tác tương xứng trong nước để tạo nên một giá trị gia tăng cao, hơn là hợp tác gia công lẻ tẻ như phần lớn sự kết hợp các cuộc hôn nhân "nửa vời" hiện nay.
Từ đó ta có thể thấy thủ tục hành chính được cải thiện thật sự nghiêm túc là mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp trong nước để tự cởi trói, phát huy đúng mức tiềm năng của mình. So với những "đại chương trình" tái cấu trúc đòi hỏi cải tổ toàn diện với chi phí tốn kém, mất nhiều thời gian, khó khả thi khi có nhiều lực cản quá lớn, cải cách hành chính là một giải pháp khiêm tốn được sự đồng thuận của xã hội, không đòi hỏi đầu tư cao, kết quả hầu như tức thời và có độ lan tỏa rộng giúp khai thông những bế tắc khác.
Hiện nay Việt Nam đang có một lợi thế cơ hội phát triển "vàng" hiếm có bởi nguồn nhân lực lao động dồi dào, và đây cũng chính là thời điểm đòi hỏi các nhà lãnh đạo trách nhiệm lịch sử để biến cơ hội này thành hiện thực. Theo thống kê ta đang có một tỷ lệ dân số trẻ lao động rất cao, đây là tỷ lệ dân số vàng mà mấy thế hệ mới có thể lặp lại. Trong đó chủ yếu là các doanh nhân trẻ thuộc thế hệ 7X hay ngay cả 8X đã được đào tạo tốt, có cơ hội tiếp cận thông tin học hỏi và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Với sức sống trẻ nhiệt huyết và kiến thức hiện đại hợp thời, tầng lớp này chính là năng lực cần thiết cho sự phát triển của cả một dân tộc, một đất nước. Bên cạnh đó vẫn đang còn một tầng lớp doanh nhân đầu tàu thuộc thế hệ 5X hay 6X là lớp người có ý chí làm giàu mạnh mẽ, giàu kinh nghiệm thực tiễn, từng đồng cam cộng khổ trong giai đoạn trưởng thành của Việt Nam những năm 70 và 80 thế kỷ trước.
Nhật Bản đã cho ta một bài học là nếu biết tận dụng sức trẻ, kết hợp kinh nghiệm thương trường của người đi trước, mạnh dạn đầu tư khôn ngoan thì mới có thể đưa đất nước vào một quỹ đạo phát triển ổn định. Nhờ vào tỷ lệ dân số trẻ cao, cộng với ý chí phấn đấu vượt khó sau Thế chiến thứ Hai, chỉ trong vòng hai thập niên Nhật Bản đã có thể khẳng định được đẳng cấp vươn lên của mình, trở thành siêu cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới. Thành quả của những năm ấy đã cho quốc gia này một nội lực vững chắc và có đủ vốn tích lũy để vượt qua những khó khăn sau này khi xã hội Nhật Bản đang dần trở thành một "xã hội già".
Một cuộc "đổi mới" thứ hai, bắt đầu bằng một cuộc cải tổ hành chính "đúng nghĩa" sẽ tạo nên một sức bật mới, có thể đưa đất nước vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình khi cánh cửa cơ hội còn đang rộng mở.
- Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét