Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Tết này, tiếc nhớ phiên chợ Mơ

Gia đình tôi sống ngay cạnh chợ Mơ, quê gốc của tôi là làng Hoàng Mai. Dòng họ tôi đã có hàng chục thế hệ sống trong làng, đến đầu thế kỷ XX, ông nội tôi mua đất làm nhà ven đường Trương Định, nhưng cuộc sống của thế hệ bố tôi vẫn gắn chặt với làng. Chỉ đến đời chúng tôi thì quan hệ với làng mới giảm mạnh. Trong làng hiện nay ngoài chùa chung cho cả làng, chúng tôi còn có nhà thờ tổ và nhà thờ theo các chi trong họ. Đến tận cuối những năm 1980, cứ 10h sáng ngày mùng một tết chúng tôi lại lếch thếch kéo nhau vào làng chúc tết họ hàng và thắp hương ở các nhà thời họ. Đọc bài dưới đây lại nhớ đến các làng Hoàng Mai, Mai Động, Tương Mai... mà ngày bé tôi vẫn đi lang thang dạo chơi, đặc biệt là kéo xe cải tiến đi sau để kiếm bèo về nuôi lợn. Kỷ niệm nhớ nhất về chợ Mơ ngày bé là đêm nào đám trẻ con chúng tôi sau một hồi đuổi nhau đều tụ tập trước cổng chính của chợ để thi nhau ném vỡ chiếc đồng hồ gắn trên nóc chợ. Tôi rất chia sẽ với tác giả những ký ức trong bài. Giờ mỗi lần đi qua khu đất chợ Mơ cũ, nhìn thấy công trình do Vinaconex xây mỗi ngày một cao, lại càng nhớ đến chợ cũ. Đó mới là nếp văn hóa và tâm hồn Việt.

Tết này, tiếc nhớ phiên chợ Mơ

(VEF.VN) - Khi tòa nhà cao tầng xây trên khu đất chợ Mơ sắp hoàn thành cũng có thể là lúc người Hà Nội lại chia tay với một trong những chợ phiên lâu đời nhất của mình. Sau chợ Bưởi, đến chợ Mơ... , những phiên chợ truyền thống liệu có còn đất sống trong lòng Hà Nội.
Cho đến cuối thế kỷ XX, nội đô Hà Nội nay vẫn còn hai cái chợ níu giữ được phiên là chợ Bưởi và chợ Mơ. Phiên chợ Bưởi nay bán nhiều chim, cây, đá, gỗ cảnh. Phiên chợ Mơ ít cây và đá hơn nhưng lại có nhiều loại con khác: mèo, chó, gà... So với những gì đã có và được nhiều người lưu giữ thì những gì còn lại của hôm nay đã khác xưa quá nhiều và rồi nó cũng sắp chẳng còn cho những thế hệ tương lai một lần được biết.
Nhà tôi ở làng Hoàng Mai - Kẻ Mơ - vùng thái ấp của Thượng tướng quân Trần Khát Chân vang bóng một thời cũng chính là người khai cơ lập ấp cho dân Kẻ Mơ - Cổ Mai (gồm cả Mai Động, Mai Hương, Bạch Mai, Tương Mai, Hoàng Mai ngày nay).
Hoàng Mai xưa có nghề nấu rượu ngon, có nhiều sản vật: có giống cà pháo dày cùi, muối giòn tan, giống cải Hoàng Mai cũng ngon nổi tiếng. Sau này Hoàng Mai còn là làng hoa ven nội suốt nhiều năm thời bao cấp.
Thời đó tôi còn nhỏ lắm nhưng cũng đã đủ "khôn" để nhìn và để nhớ. Dù bố mẹ chỉ là "cán bộ nhà nước" bình thường như bao người khác cùng thời nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được bố dẫn đi thăm đình, chùa (cả ở Hoàng Mai, Mai Động, Tương Mai), đi vòng quanh làng, đi chơi phiên chợ Mơ, dù chẳng mua bán gì nhưng như lời bố tôi là để: "Biết làng mình... ".


Chợ Mơ xưa...
Tôi được đi chơi phiên chợ Mơ khi chợ Mơ đã chuyển xuồng từ ô Cầu Dền thành chợ mới Mơ từ lâu. Nay cùng chẳng còn mấy ai biết địa danh ô Cầu Dền của Hà Nội xưa cũ. Họ chỉ biết ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân hay bị tắc đường. Người ta cũng đã quên dần chữ mới, chỉ gọi là chợ Mơ như cũ. Chợ Mơ "cũ" trong ký ức của tôi ở trong cái góc vuông hai phố Bạch Mai và Minh Khai bây giờ.
Những chợ "đặc biệt" như chợ "tâm linh", chợ "tình" họp mỗi năm một phiên như chợ Viềng, chợ tình Khau Vai, chợ tình Mộc Châu.... Chợ vùng cao phía Bắc thường họp mỗi tháng một phiên. Còn chợ vùng đồng bằng thì gần như không có lệ chung mà tùy từng vùng, tùy từng chợ.
Nhưng chỉ có những chợ "lớn" (cũng chỉ lớn bậc trung thôi) mới có phiên để những người buôn bán "lớn" (hơn) tiện hẹn giao dịch. Chợ lớn hơn nữa - cỡ như chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, chợ Đông Ba... thì ngày nào cũng tấp nập bán mua mà chẳng cần định phiên làm gì.
Chợ Mơ ở cửa ngõ phía nam Long thành xưa. Lái buôn theo cả đường bộ và đường sông về đây đều thuận tiện nên chợ Mơ là "chợ cấp vùng" chứ không chỉ là của riêng kẻ Mơ nữa. Chợ Mơ họp một tháng sáu phiên. Nhiều người ở đây vẫn nhớ thuộc lòng: phiên chợ Mơ ngày 2 ngày 7, chợ Bưởi ngày 4 ngày 9, chợ Hôm ngày 3 ngày 8. Chợ Hôm xưa được đặt tên như vậy vì họp từ đầu hôm tinh mơ mờ sáng vẫn còn sao hôm, nay đã lọt giữa trung tâm, một phần đã biến thành siêu thị, chẳng còn phiên nữa. Chỉ còn chợ Mơ và chợ Bưởi là còn lay lắt ký vãng phiên xưa.
Đã là phiên thì phải khác ngày thường. Chợ ngày phiên đông hơn, những thứ ngày thường vẫn bán cũng có nhiều hơn, lại có những thứ mà ngày thường không có. Thời tôi được bố mẹ dẫn đi phiên chợ Mơ thì quy mô này đã nhỏ đi rất nhiều nhưng vẫn còn buôn bán những thứ nhiều chợ khác không có: bò, trâu ngựa, chó, mèo, gà, vịt, lợn giống, cả than, cả củi...
Lần nào được đi chơi phiên chợ Mơ tôi cũng cố nài bố để được đến xem khu bán trâu, bò, ngựa - dù ở tận phía cuối, bên rìa chợ. Đó là cả một thế giới hấp dẫn và khác lạ. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác của mình kinh ngạc, ngưỡng mộ đến mức nào khi thấy bác dắt ngựa thu cương ghìm con ngựa đang lồng dựng hai vó trước khiến mọi người nháo nhác.
Những con trâu, bò đã nhìn quen mắt từ hồi còn phải đi sơ tán tránh bom B52 nhưng cũng vô cùng hấp dẫn với thế giới tuổi thơ mặc dù khu bán gia súc chẳng vệ sinh, đẹp đẽ gì. Lũ trâu bò luôn dậm chân kiến bùn bẩn bắn tung, đuôi thì luôn đập hai bên khiến nhiều người không để ý bị bắn dính cả bùn và ruồi vào người.

...sắp tới sẽ trở thành trung tâm thương mại hiện đại như thế này.
Sau này tôi mới biết là thời đó chẳng ai dám công khai buôn bán hay giết thịt trâu bò vì sẽ bị quy tội làm thiệt hại nguồn sức kéo, phá hoại sản xuất... Ấy vậy mà làng Mai Động xưa nổi tiếng trong thời bao cấp về nghề giết trộm bò. Có chuyện (chẳng biết có thật không) rằng: Các "cao thủ" Mai Động điêu luyện đến mức có thể thịt bò cả trên xe tải. Phía cuối thùng xe (loại có mui) giăng một cái màn như có người đang ngủ nhưng ở bên trong chỉ cần không đến vài mươi phút là đã xử lý gọn gàng cả con bò - từng món đều đã có địa chỉ và được đưa đi chóng vánh. Không thể biết họ làm thế nào mà hết sạch cả dấu vết để đến khi trời tang tảng sáng là xe có thể ung dung đi khỏi "hiện trường" (!).
Ngày xưa không biết thế nào nhưng lúc tôi được đi chơi phiên chợ Mơ thì đã thấy gà vịt được nhồi bánh đúc. Các bà hàng gà vịt cứ nhoay nhoáy bóp mỏ từng con rồi ấn vào đó những miếng bánh đúc to tướng. Ấn một hồi rồi vứt toạch sang một bên khi thấy đã đủ mà chúng chưa bị chết ngay. Người mua biết thừa nhưng đành phải mặc cả "trừ diều" theo ước lượng cảm tính vậy.
Gà bán ở phiên chợ Mơ thật là nhiều loại nhưng tôi thích nhất những đôi chân sần sùi gân guốc như những gốc cây cổ thụ của những con gà Đông Cảo ít lông, đầu cổ đỏ gay như uống rượu... Cạnh những lồng gà là lũ chó con í oẳng râm ran.
Rồi một hàng dài những rọ lợn. Con nào cũng hồng hào. Nhưng bố tôi bảo: Lợn đó bị "hồ" nên mới đẹp thế. Ông còn lẩm bẩm: "Lợn rọ, chó bu...". Tôi cũng chẳng biết những con lợn giống ngày ấy được 'hồ" thế nào nhưng thấy chúng hồng hào đẹp đẽ vậy lại bị nhét trong một cái rọ chật cứng thật tội nghiệp nên chẳng có thiện cảm gì với những người bán lợn.
Bẵng đi quãng thời gian tôi đi học, rồi lớn lên, dần quên mất những phiên chợ Mơ đi cùng với bố. Cũng dễ hiểu thôi vì khi chúng tôi đến tuổi biết tự đi chơi thì chẳng có nhu cầu gì với các phiên chợ Mơ nữa... Theo thời gian và thế sự, chợ Mơ cũng biến đổi, hiện đại dần lên trong "cái áo" càng ngày càng tỏ ra chật chội. Nói hiện đại là về những mặt hàng thôi - nhiều thứ chẳng còn, nhiều thứ mới sinh ra. Nhưng phương thức bán mua thì vẫn thế, chẳng có gì hiện đại mà vẫn như một cái chợ làng.
Rồi đến gần đây, chợ Mơ lại trải qua thêm một phen "vật đổi sao rời". Các tính toán của nhà đầu tư cho thấy rằng xây một cái trung tâm thương mại cao tầng ở chỗ chợ Mơ cũ thì có lợi hơn nhiều so với việc cứ duy trì cái chợ lụp xụp nhếch nhác trong con mắt những người đi ô tô.
Thế là có dự án. Thế là đền bù, di dời... Cũng có vài xao động nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng đã yên. Chợ Mơ "cũ" của tôi lại "mới" một lần nữa - chuyển ra ở tạm ven đường hai bên sông Kim Ngưu. Nhưng may (?) vẫn còn nét độc đáo là chợ Mơ "mới" nay vẫn cố "ngắc ngoải" giữ nếp phiên từ thủa nào, dù chẳng còn được như thời tôi còn bé.
Tất nhiên nay chẳng còn ai dắt trâu, bò, ngựa, lợn vào đây mà bán nhưng chim, gà và chó mèo, thì vẫn còn... Chó, mèo "quốc tịch" khác có nhiều hơn, lồng cũng "sang trọng" hơn... Nhưng người bán thì vẫn thoải mái "hét" giá giống như ngày xưa. Người mua thì hết bĩu môi lại lắc đầu rất lâu trước khi chịu móc hầu bao.
Tạm bợ trong khoảng đất chật, lụp sụp dãy kiot quây tôn bên bờ sông, tự tràn lấn lên vỉa hè và cả xuống lòng đường những khi "khuất mắt chính quyền", chợ Mơ "mới" (tạm) phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu trao đổi bán mua của góc thị trường phía đông nam thành phố. Ngặt một nỗi bây giờ đường chật, người đông, xe cộ lắm.
Mỗi ngày phiên chợ Mơ là cả đoạn đường Kim Ngưu lại dồn ứ người và xe cho tới buổi trưa. Người mua - bán chật chội. Người đi len lách... Những phiên chợ Mơ (tạm) vẫn họp trong những lời lẩm bẩm, càu nhàu, thậm chí cả trong sự giận dữ của những người đi lại dưới đường..
Một điều chắc chắn rằng những phiên chợ này không lâu nữa sẽ biến mất. Thời gian đã có thể đếm ngược trên đồng hồ. Trung tâm thương mại mới đã xây gần xong trên nền chợ cũ. Chừng năm sau chợ Mơ sẽ lại có một cuộc thiên di "trở lại nơi cũ". Những đó là sự trở lại mà không như cũ. Chợ Mơ mới sẽ ở trong lòng siêu thị giống như chợ Hôm. Và vĩnh viễn chẳng còn phiên chợ Mơ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét