Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Trung Quốc và nghịch lý của thịnh vượng

Trung Quốc và nghịch lý của thịnh vượng 

 

Múa rồng mừng năm mới Nhâm Thìn bên bờ sông Dương Tử tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 19/01/2012.

Múa rồng mừng năm mới Nhâm Thìn bên bờ sông
Dương Tử tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 19/01/2012 

Thụy My
Theo nhận định của The Economist, quá khứ đầy máu lửa đã dạy cho đảng Cộng sản phải đặt nỗi sợ hãi sự hỗn loạn lên trên tất cả. Nhưng một bài học khác của lịch sử là, những ai bám víu vào quyền hành tuyệt đối, sẽ kết thúc bằng hai bàn tay trắng. Nghịch lý mà một số người trong đảng đã bắt đầu nhận ra, là để đạt đến thành công, Trung Quốc sẽ phải chia tay với cái mô hình đã phục vụ tích cực cho quốc gia này.

Trung Quốc và nghịch lý của thịnh vượng
Đặc biệt, tuần báo The Economist tuần này chú trọng đến Trung Quốc, với chủ đề « Trung Quốc và nghịch lý của thịnh vượng ». Tờ báo cho biết, đã từ rất lâu mới quay lại dành trang bìa cho một quốc gia. Đó là do Trung Quốc nay đã là một siêu cường kinh tế, và đang nhanh chóng trở thành một sức mạnh quân sự có khả năng làm cho Hoa Kỳ phải lo ngại. Bên cạnh đó còn có một lý do nữa về chính trị : Trung Quốc được điều hành bởi một hệ thống hoàn toàn không đồng bộ với các tiêu chuẩn toàn cầu. Theo tờ báo, vì vậy mà Trung Quốc sẽ còn mê hoặc và khuấy đảo phần còn lại của thế giới trong thời gian dài sắp tới.
The Economist nhắc lại, chỉ mới 20 năm trước đây thôi, hãy còn rất xa vời để Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, công cuộc cải cách kinh tế bị phe bảo thủ đe dọa, và Bắc Kinh bị cô lập trước thế giới. Cho đến năm 1992, chính sách Nam Tuần của Đặng Tiểu Bình lại được đẩy mạnh ở một số tỉnh có khuynh hướng đổi mới, và kinh tế bắt đầu tăng tốc.
Tuy nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, nhưng phần chìm phía dưới là xã hội một bị xáo động. Vụ nổi dậy ở làng Ô Khảm mới đây là một ví dụ, mà Quảng Đông là nơi trước đây ông Đặng vẫn đến kinh lý thường xuyên. Rồi đến vụ xung đột chủng tộc ở khu vực Tây Tạng tại Tứ Xuyên tuần này, nỗi lo thị trường địa ốc bị sụp đổ… tất cả những dấu hiệu đó làm cho công việc của đảng Cộng sản Trung Quốc thêm khó khăn. Theo bản năng, Đảng đã phản ứng bằng cách siết chặt lại. Vì vậy mà các nhà ly khai như ông Dư Kiệt đã bị nhân viên an ninh tra tấn, quấy nhiễu, phải tị nạn tại Hoa Kỳ.

Cuộc cách mạng thứ ba tại Trung Quốc
Theo The Economist, nếu không có các cải cách kinh tế do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng, thì đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải lui vào quá khứ như ở Liên Xô và Đông Âu cũ. Thành tựu kinh tế đã thay thế cho một ý thức hệ chính trị đã bị phá sản. Bắc Kinh không chỉ chỉnh đốn các công ty quốc doanh vô hiệu quả, mà còn sử dụng được một số hiền tài. Việc pha trộn giữa kiểm soát về chính trị và cải cách về kinh tế đã mang lại những lợi ích khổng lồ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hai thập kỷ vừa qua là vụ bùng nổ kinh tế chưa từng thấy từ trước đến nay. Tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%, và 440 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo, đây là cuộc xóa đói giảm nghèo lớn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên theo tuần báo kinh tế, thì mô hình này sẽ phải thay đổi nếu muốn tiếp tục phát triển, vì Trung Quốc và cả thế giới đều đang đổi thay. Trung Quốc chống chọi khá tốt trước cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng nếu muốn tiếp tục tỉ lệ tăng trưởng cao, thì cần chuyển đổi từ một nền kinh tế chú trọng đầu tư và xuất khẩu để hướng sang tiêu thụ nội địa.
Nhiều người cảm thấy rằng sự tăng trưởng ngoạn mục của đất nước không đem lại bao nhiêu lợi ích cho họ. Những người lao động nhập cư bị đối xử như công dân hạng hai, không có được các quyền lợi về y tế và giáo dục. Việc các viên chức địa phương tịch thu đất của dân một cách tùy tiện là nguyên nhân chủ yếu gây phẫn nộ, công nghiệp hóa bừa bãi làm ô nhiễm đất đai, gây hại cho con người, nạn tham nhũng khiến người dân bất bình. Và những công dân bất mãn có thể trao đổi với nhau qua internet, một điều trước đây họ chưa từng làm được.
Các cán bộ đảng cho rằng các vụ nổi dậy là bằng chứng cho thấy tự do hóa là nguy hiểm. Theo họ, nhập cư vừa giúp cho tăng trưởng nhưng cũng là nguyên nhân gây bất ổn. Các vụ phản kháng của công nhân làm thiệt hại cho sản xuất, sự khuấy động của xã hội công dân chứa đựng mầm mống của hỗn loạn. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại trước các nguy cơ này, nhất là trong năm nay sẽ có một thế hệ lãnh đạo mới lên thay chân lớp cũ.
Khuynh hướng muốn kiểm soát này cũng dễ hiểu, và có thể lý luận rằng ổn định cần thiết hơn các quyền tự do – dù sao đi nữa, âm vang của mùa xuân Ả Rập không có mấy tiếng vọng nơi đây.
Nhưng theo The Economist, thì tự do sẽ giúp cho kinh tế phát triển chứ không gây trở ngại. Hoạt động của các nghiệp đoàn sẽ làm giảm bớt các vụ đình công tự phát, các nhóm đấu tranh giúp kiểm soát nạn tham nhũng. Đền chùa, nhà thờ, đền thờ Hồi giáo có thể thúc đẩy những người Trung Quốc giàu có đóng góp vào công tác xã hội, các tổ chức tôn giáo và văn hóa có thể mang lại những ý nghĩa khác cho cuộc sống con người, ngoài khát vọng làm giàu.
Tờ báo kết luận, quá khứ đầy máu lửa đã dạy cho đảng Cộng sản phải đặt nỗi sợ hãi sự hỗn loạn lên trên tất cả. Nhưng một bài học khác của lịch sử là, những ai bám víu vào quyền hành tuyệt đối, sẽ kết thúc bằng hai bàn tay trắng. Nghịch lý mà một số người trong đảng đã bắt đầu nhận ra, là để đạt đến thành công, Trung Quốc sẽ phải chia tay với cái mô hình đã phục vụ tích cực cho quốc gia này. Cho dù Trung Quốc tiếp tục là một người khổng lồ độc đoán, dậm chân tại chỗ, phân hóa, hay – như chúng ta mong muốn – trở nên tự do hơn và thịnh vượng hơn, điều này không chỉ xác định tương lai của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến cả phần còn lại của thế giới nữa.
Cánh tay nối dài của đảng Cộng sản Trung Quốc
Trong một bài báo khác mang tựa đề « Đảng ở đâu ?», The Economist cho biết đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng trải rộng ảnh hưởng sang khu vực tư nhân như thế nào.
Bài báo của The Economist mở đầu với hình ảnh, trong khi nhiều độc giả Trung Quốc say mê đọc ấn bản tiếng Hoa của các tạp chí phương Tây như Cosmopolitan, Vogue…thì một tờ tạp chí rất khô khan là Party Construction in Non-State-Owned Enterprises (Xây dựng đảng tại các xí nghiệp ngoài quốc doanh) lại được nhiều cán bộ đảng ưa chuộng.
Một nghịch lý lớn lao của xã hội Trung Quốc hiện nay, là làm thế nào đảng có thể duy trì sự kiểm soát, trong khi về mặt ý thức hệ thì không còn là cộng sản nữa ?
Theo The Economist, thì việc đóng cửa hàng loạt công ty quốc doanh trong thập niên 90 đã làm rơi rụng nhiều cơ sở đảng. Trong thập niên vừa qua, một ưu tiên của đảng Ban Tổ chức Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là xây dựng các chi bộ tại các công ty tư doanh. Nếu năm 1999, chỉ có 3% công ty tư nhân có tổ chức đảng, thì nay tỉ lệ này lên đến 13%. Không chỉ nhằm duy trì mối quan hệ đối với quần chúng, mà việc xây dựng cơ sở đảng trong khu vực tư nhân còn giúp duy trì sự ổn định và nắm tình hình kịp thời.
Trung Quốc sẽ xây lò phản ứng nguyên tử tại Pháp ?
Một phát hiện đáng chú ý của tuần báo Le Nouvel Observateur, đó là một tài liệu mật cho biết tập đoàn điện lực Pháp EDF sẵn sàng mở cửa cho đối tác Trung Quốc vào xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ngay trên đất Pháp. Bài viết mang tựa đề : « Liệu sắp tới người Trung Quốc sẽ xâm nhập vào nền công nghiệp nguyên tử của Pháp ? »
Le Nouvel Observateur tiết lộ, khi nghiên cứu vụ cựu chủ tịch tập đoàn Areva chuyên sản xuất các lò phản ứng nguyên tử tố cáo bị theo dõi, hai đại biểu đảng Xã hội là Bernard Cazeneuve và Jean-Marc Ayrault đã nhận được bản sao của một tài liệu tối mật. Đó là một hợp đồng thỏa thuận được Tổng giám đốc EDF ký với tập đoàn Trung Quốc CGNPC tại Bắc Kinh ngày 29/04/2010, trong đó đối tác Trung Quốc có thể tham gia xây dựng các lò phản ứng nguyên tử tại Pháp.
Quá sửng sốt trước phát hiện này, hai dân biểu trên đã gửi thư chất vấn Thủ tướng Pháp. Thư có đoạn viết : « Hợp đồng này gây ra các quan ngại lớn lao về tương lai của ngành nguyên tử Pháp…Mai đây một công ty Trung Quốc có thể xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Pháp, và nhà sản xuất Pháp là Areva sẽ phải chịu sự cạnh tranh của một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc? ». Đã năm tuần lễ trôi qua chưa có câu trả lời, hai dân biểu này dự định đưa vấn đề ra trước Quốc hội.
Tờ báo nhắc lại là Tổng giám đốc EDF, ông Henri Proglio chưa bao giờ giấu diếm tham vọng chinh phục thị trường Trung Quốc, vốn dự định xây dựng 200 lò phản ứng nguyên tử trong vòng 15 năm tới. Nhưng cho đến nay EDF chỉ nói đến việc cùng xây dựng các lò phản ứng có công suất tương đối nhỏ hơn các lò EPR, 1.000MW thay vì 1.600MW, phù hợp hơn với nhu cầu Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ ông này tiết lộ việc để đổi lại, đối tác Trung Quốc CGNPC có thể đặt chân vào thị trường nước Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét