Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Vài cảm nhận về Viện Toán cao cấp Việt Nam

Trong phần phản hồi ý kiến bạn đọc tại một bài viết trước, tôi có đề cập đến anh Vũ Duy Mẫn. Hôm nay rất vui được đọc một bài của anh mà ý kiến của anh rất trùng với suy nghĩ của tôi.

Vài cảm nhận về Viện Toán cao cấp Việt Nam
Bài viết của TS Vũ Duy Mẫn. UN New York.


Lễ ra mắt Viện Toán cao cấp. Ảnh: GD

Tin Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields năm 2010 làm nức lòng nhiều người Việt Nam, nhất là giới sinh viên và những người làm toán. Giáo dục Việt Nam nhân sự kiện này khuyến khích, động viên việc học, việc nghiên cứu khoa học là điều rất tốt và thiết thực, còn nếu Chính phủ lấy đó làm xuất phát điểm để đầu tư cho một Viện Toán cao cấp thì lại là một viêc cần xem xét.
Hôm nay đọc bài “GS Ngô Bảo Châu tiết lộ ‘bí mật’ của Viện Toán cao cấp” đăng trên báo Giáo duc Việt Nam (Thứ tư 18/01/2012), không thể không viết lại vài cảm nhận.
Bài viết có đoạn Ngô Bảo Châu phát biểu: “Hiện nay tỷ lệ giảng viên toán có trình độ tiến sỹ chỉ là một con số rất nhỏ, quan trọng hơn tỷ lệ giảng viên toán có các công trình nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế nào đó lại là một con số vô cùng nhỏ.”
Phát biểu trên đúng không chỉ đối với ngành toán mà còn đối với mọi ngành khoa học của Việt Nam. Vậy câu hỏi được đặt ra là: “Liệu toán học có phải là ngành cần đầu tư phát triển nhất ở Việt Nam?” Rất có thể khoa học xã hội, nông nghiệp hay môi trường xứng đáng được ưu tiên phát triển hơn và mang lại nhiều lợi ích trực tiếp hơn cho đất nước.
Viêt Nam là nước đang phát triển, còn rất nghèo, có nền toán học chưa tiên tiến. Vậy tại sao lại “hào phóng” đầu tư nghiên cứu toán cao cấp để có thể người được hưởng lợi nhiều chưa chắc đã là Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới” thực chất chẳng có ý nghĩa gì nhiều và hoàn toàn không đáng để hấp dẫn.
Đoạn: “Được biết, kinh phí hoạt động của Viện toán được Chính phủ dành tới 650 tỷ đồng để hoạt động, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học…” làm người đọc bức xúc về sự “dễ dãi” trong điều hành của Chính phủ. Khi trao kinh phí cho một đơn vị, Chính phủ cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của đơn vị đó.

Viện Toán cao cấp đã ra đời, còn cần thêm một thời gian nữa để đánh giá về hiệu quả của nó nói riêng, về chính sách phát triển nói chung và rút ra những bài học.
Vũ Duy Mẫn. UN New York.
Bạn đọc có thể phản hồi trên blog này hoặc gửi thẳng trên blog của tác giả. Vì lý do kỹ thuật nên đường link để riêng và ảnh minh họa chưa đưa vào. HM Blog sẽ sửa lại sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét