Việt Nam đã rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình chưa?
GS Kenichi Ohno:
“Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình”
Theo lý giải của GS Kennichi, có nhiều dấu hiệu chứng minh rằng Việt Nam đang rơi vào bẫy này. Đó là tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại trong khi năng suất lao động kém, khu vực tư nhân chưa đủ mạnh và còn nhiều yếu kém, trong các bảng xếp hạng toàn cầu Việt Nam vẫn ở vị trí trì trệ. Thêm vào đó là Việt Nam đã và đang đối mặt với các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng đem lại như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, tắt nghẽn giao thông, chênh lệch giàu nghèo...
TS Lưu Bích Hồ:
“Chưa rơi vào bẫy nhưng rất đáng cảnh báo”
Hiện nay chúng ta chưa rơi vào bẫy. Nếu theo Ngân hàng Thế giới nhận định, chúng ta còn 20 năm nữa mới rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và nếu rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao thì thêm 14 năm nữa. Vì vậy không cần bàn chuyện đó. Chúng ta trở thành nước thu nhập trung bình mới có mấy năm nhưng với tình trạng phát triển hiện nay thì rất cần cảnh báo. Bởi lẽ nếu cứ tăng trưởng như giai đoạn trước năm 2006 thì chúng ta đã qua được cơn chấn động và khôi phục tăng trưởng. Nhưng sau khủng hoảng năm 2008 đến nay có một thực trạng cực kỳ quan trọng là chúng ta đang tăng trưởng với hiệu quả thấp, năng suất thấp.
PGS-TS Trần Đình Thiên:
“Nền kinh tế đang có vấn đề nghiêm trọng”
Tôi nghĩ nếu Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì cũng sắp rơi vào rồi. Bởi có hai thực tế rất rõ đó là đẳng cấp phát triển của Việt Nam rất thấp. Nếu lấy công ra nói thì vẫn chủ yếu khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Tức là những ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam chủ yếu là những ngành đẳng cấp thấp nhất. Trong khi đó thế giới họ đang chuyển sang kinh tế tri thức, chuyển mạnh sang công nghệ cao. Bằng chứng thứ hai trong vòng bảy năm nay, từ khi hội nhập vào WTO nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giảm. Mấy năm nay tốc độ tăng trưởng của ta giảm cho thấy có vấn đề nghiêm trọng.