Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Ukraine sẽ không tránh khỏi chiến tranh?

Có lẽ Nga không cần chiếm lãnh thổ Ukraine mà chỉ muốn giữ Ukraine làm vùng đệm hứng bom đạn và giữ biên giới cho mình nếu có xung đột với NATO. Vì vậy, Nga cần một chính phủ thân Nga ở Ukraine; nếu chính phủ đó không thân Nga (thậm chí chống Nga như hiện nay), thì Nga sẽ tìm cách gây mất ổn định liên tục để lật đổ chính phủ đó chứ không muốn đưa quân vào Đông Ukraine; bất đắc dĩ phải đưa quân thì sẽ thực hiện chiến lược đánh xong là rút, nếu cần lại vào đánh tiếp rồi lại rút.
Ukraine sẽ không tránh khỏi chiến tranh?
Chiến tranh có vẻ như đã đến gần khi quân đội Ukraine được điều động rầm rộ tới miền đông giữa lúc Nga tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở gần biên giới hai nước. Khoảng 40.000 binh sĩ Nga tập trung tại biên giới với Ukraine trong lúc các cuộc tập trận đang diễn ra. Giới chức Ukraine cũng điều động quân đội để lấy lại quyền kiểm soát tại các thành phố phía đông nơi các tòa nhà chính quyền đang bị các lực lượng thân Nga chiếm giữ.
Người biểu tình thân Nga ở miền đông Ukraine.
Trên mặt trận ngoại giao, căng thẳng cũng leo thang do Mỹ thẳng thừng chỉ trích Nga không thực thi thỏa thuận Geneva hồi tuần trước. Washington cũng đe dọa sẽ áp đặt thêm các lệnh cấm vận kinh tế sau khi Mátxcơva cảnh báo có thể hành động để bảo vệ “những người Nga” đang chịu sự đe dọa của các lực lượng an ninh Ukraine.

Vậy phải chăng với tình hình hiện nay ở Ukraine, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi?

Theo BBC (Anh) câu trả lời là chiến tranh không phải không tránh khỏi nhưng những tiền đề cho một cuộc xung đột đang thực sự hiện hữu. Quân đội các bên đã được đặt vào vị trí sẵn sàng và các bên vẫn đang leo thang “khẩu chiến”.

Nga đã thể hiện cho dư luận thấy nước này có thể sẽ có hành động quân sự với lí do “gìn giữ hòa bình” và các lực lượng của Nga có thể hành động ngay sau khi có lệnh. Có thể chiến tranh không phải “không thể tránh khỏi” nhưng có khả năng các cuộc giao tranh với sự tham gia công khai của quân đội Nga sẽ nổ ra.

Các cuộc giao tranh rải rác hiện nay giữa các lực lượng chính quyền Kiev và các tay súng thân Nga có thể khơi mào cho xung đột. BBC đã vẽ ra 3 kịch bản cho sự "biến tướng" xung đột ở Ukraine, theo đó, gần như không có "một giải pháp hòa bình" nào được áp dụng thành công trong các kịch bản này.

Một cuộc tấn công tổng lực của Nga

Một điều chắc chắn là Mátxcơva có đủ quân, hậu cần và phương tiện vận tải để tiến hành một cuộc tấn công lớn vào miền đông Ukraine.

Các tư lệnh NATO tính toán rằng có thể Nga sẽ tìm cách tấn công xuyên lãnh thổ Ukraine tới tận vùng Odessa ở phía nam hoặc thậm chí cả vùng đất Moldova, Transnistria chịu sự kiểm soát của Nga.

Các tư lệnh này dự tính quân đội Ukraine sẽ phản kháng mạnh, các lực lượng Nga có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh du kích chống lại mạng lưới liên lạc của và ngay cả lực lượng Nga hùng hậu cũng có thể sẽ bị căng mình và Nga có thể sẽ phải điều quân tiếp viện để đảm bảo chiến thắng.

Tiếp tục tình trạng bất ổn hiện nay

Một kịch bản khác là tình hình rối loạn hiện nay sẽ tiếp diễn, có nghĩa là các nhóm thân Nga sẽ được điều động vào bên trong Ukraine tham gia vào các cuộc giao tranh lẻ tẻ, dựng hàng rào chắn trên đường phố và phối hợp trực tiếp với các lực lượng đặc nhiệm của Nga.

Mục tiêu của Nga là duy trì tình trạng bất ổn bằng cách tiếp tục giữ các lực lượng nước này ở biên giới đồng thời liên tiếp đưa ra những lời đe dọa trong bối cảnh chính quyền Kiev không thể kiểm soát được chính lãnh thổ của mình. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ các sự kiện diễn ra có thể khơi mào một cuộc giao tranh khiến Nga sẽ can thiệp sâu hơn.


Xe tăng của quân đôi Ukraine tiến vào Slavyansk, miền đông nước này.

Can thiệp có giới hạn thông qua một “lực lượng gìn giữ hòa bình”

Đây có vẻ là phương án được Nga ưa chuộng hơn cả nếu căng thẳng leo thang. Có thể Nga sẽ hành động can thiệp qui mô nhỏ để “bảo vệ những người nói tiếng Nga” tại một vùng nào đó.

Trước đó, Nga vẫn khăng khăng rằng nước này có cơ sở pháp lý cho hành động này. Tuy nhiên, có vẻ các lực lượng Ukraine sẽ đáp trả và một cuộc can thiệp “có giới hạn” của Nga sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc tấn công lớn hơn.

Mặc dù chiến tranh có thể tránh được nhưng các sự kiện diễn ra hiện nay lại đang tiến tới thế đối đầu.

Tuy nhiên, câu hỏi ở đây không phải là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo mà cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc như thế nào?

Nga có thực sự muốn chiếm đóng và sau đó sát nhập các vùng miền đông Ukraine như đã từng làm với Crimea không? Mátxcơva có dám đánh đổi những thiệt hại về kinh tế cho một hành động quân sự ở Ukraine không?

Hoặc phải chăng phương Tây đã không hiểu rằng Ukraine có vai trò quan trọng ra sao đối với Nga? Và phương Tây cũng có thể không ngờ rằng ông Putin sẵn sàng đánh đổi những tổn thất về kinh tế để bảo vệ cái mà ông cho là lợi ích quốc gia then chốt chiến lược của nước Nga?

TÙNG LÂM (Lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét