Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Ấn Độ lập “Chuỗi tràng hạt” kiểm soát biên giới Trung-Ấn

Ấn Độ lập “Chuỗi tràng hạt” kiểm soát biên giới Trung-Ấn
ANTĐ - Để đối phó với những hành động của Trung Quốc đang ngày một gia tăng ở khu vực biên giới 2 nước, Ấn Độ đã phân đoạn biên giới và xây dựng thêm 35 trạm gác tiền tiêu, nhằm chống xâm nhập, siết chặt an ninh biên giới.
Một trạm gác của quân đội Ấn Độ trên biên giới Trung-Ấn
Theo tin của Press Trust của Ấn Độ ngày 1/9, hiện nay Ấn Độ đã có 150 trạm gác ở khu vực tuyến kiểm soát thực tế giáp biên giới Trung - Ấn, trong đó 98 trạm đã tăng cường thêm binh lính trấn giữ. Hiện nay, Ấn Độ lại quyết định triển khai thêm 35 trạm nữa nhằm mục đích xây dựng một “chuỗi tràng hạt”, bít kín các lỗ hổng xâm nhập biên giới.

Một sĩ quan cao cấp của lực lượng biên phòng Ấn Độ cho biết: “Đây là một kế hoạch toàn diện. Thông qua phương thức phân đoạn chặt chẽ, chúng tôi sẽ hoàn tất hạng mục xây dựng thêm 35 trạm gác tiền tiêu trong tổng thể các điểm canh giữ biên giới, bảo đảm không để tái diễn tình trạng lính biên phòng Trung Quốc xâm nhập sâu và ở lì trong lãnh thổ Ấn Độ”.

Hệ thống “chuỗi tràng hạt” mới trấn thủ biên giới sẽ đòi hỏi thêm kinh phí đầu tư và thêm nhiều binh lính, nên Ấn Độ đang có kế hoạch tuyển mộ thêm tân binh bản địa nhằm tăng cường rải quân lấp kín biên giới. Tờ “Deccan Herald” cho biết, 35 trạm gác mới lập sẽ bổ sung vào những đoạn cách quá xa ở khu vực biên giới phía tây, đoạn giữa và biên giới phía đông. Các chốt này đều được lập ở các khu vực có độ cao 9000 feet (khoảng 2743m) đến 18.700 feet (khoảng 5500m) trên mực nước biển.

Trang mạng NDTV của Ấn Độ cũng cho biết, hiện nay, ở các đoạn biên giới băng tuyết, Ấn Độ đã có hơn 150 trạm gác, bảo đảm canh giữ tuyến kiểm soát thực tế dọc biên giới Trung - Ấn dài 3.488km. Còn tờ “Thời báo Kinh tế” thì bổ sung, lực lượng bộ đội biên phòng hiện có quân số khoảng 65.000 người đã triển khai huấn luyện trên các địa hình sơn địa. Lực lượng nay ngoài nhiệm vụ trấn thủ bảo vệ biên giới, còn có nhiệm vụ tác chiến chống phiến quân, bảo vệ trật tự trị an và cứu hộ, cứu nạn…

Cũng theo “Thời báo Kinh tế”, những hành động xâm phạm biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ về chính trị, quân sự mà còn cả du lịch. Tính đến cuối tháng 8 năm nay, lượng khách du lịch đến Ladakh chỉ đạt 105.547 người, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 19.258 người.

Một số người cho rằng, những thông tin liên tiếp về các vụ việc binh lính Trung Quốc xâm phạm sâu vào đất Ấn Độ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Những thông tin trên ồ ạt xuất hiện vào đúng tháng 5, thời điểm bắt đầu mùa du lịch. Hơn nữa, những khu vực lính Trung Quốc đột nhập chỉ cách các trung tâm du lịch biên giới vài trăm km, nên đã làm thiệt hại đến ngành du lịch Ấn Độ.

Tờ “Daily Mail” của Anh cho biết, gần đây, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã có bản báo cáo đánh giá, công tác xây dựng mạng lưới phòng thủ của Ấn Độ dọc biên giới Trung - Ấn rất lạc hậu. Bộ Quốc phòng chỉ trích các quan chức làm việc quan liêu, trì trệ, nhân lực thiếu, vấn đề môi trường đã cản trở nhiều công trình quan trọng.

Theo tiết lộ của báo cáo này, trước đây, Ấn Độ xây dựng kế hoạch trước năm 2022 sẽ hoàn thành dự án thi công 503 nhánh đường quốc lộ kéo dài dọc tuyến biên giới nhưng đến nay mới hoàn thành được 17 nhánh, 50 nhánh khác đang thi công còn lại hơn 400 nhánh vẫn đang nằm trên giấy.

Bản báo cáo còn cho biết, quân đội Ấn Độ triển khai kế hoạch tăng quân dọc tuyến biên giới Trung - Ấn thì đầu tiên là phải xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp. Trong vòng 10 năm nữa, Ấn Độ sẽ thành lập lực lượng chuyên tác chiến rừng núi, để tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới giữa 2 nước.

Đức Thắng
Theo Press Trust

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét