Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Thống đốc, sao không là Tổng giám đốc?

Thống đốc, sao không là Tổng giám đốc?
Bạn đọc: Tại sao lại gọi người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Trung ương là “thống đốc” mà không phải là “tổng giám đốc”? Có phải “thống đốc” là một cách gọi theo Trung Quốc không? Chữ “thống” có nghĩa gốc là gì? Xin cám ơn ông. M.Nam (Vũng Tàu)
Học giả An Chi: Tuy “thống đốc” là hai yếu tố Hán Việt nhưng việc dùng hai tiếng này để chỉ người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Trung ương ở ta lại không phải là do ảnh hưởng của hệ thống chức danh bên Tàu hiện nay. Nói chung, Tàu đại lục gọi người đứng đầu ngân hàng là “hàng trưởng” [行], nghe ra rất bình dân. Đứng đầu Ngân hàng trung ương của Tàu hiện nay là Trung Quốc Nhân dân Ngân hàng hàng trưởng [中国人民银行行長], dịch sát nghĩa là “Trưởng Ngân hàng (của) Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”.

Ở nước ta, từ khi thành lập Ngân hàng Quốc gia theo Sắc lệnh số 15/SL ngày 6/5/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khi đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước (1960), rồi sau khi tiếp quản và quốc hữu hóa Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của chính quyền Sài Gòn, thì chức danh của người đứng đầu là tổng giám đốc. Từ tháng 4-1989, chức danh này mới được đổi thành Thống đốc. Nhưng cách gọi “thống đốc” thì đã tồn tại ở miền Nam trước 30/4/1975.

Chữ “thống” [統] có nghĩa gốc là “mối tơ”; vì thế nên nó mới thuộc bộ “mịch” [糸], mối tơ chỉ có nghĩa là “sợi tơ nhỏ”. Từ nghĩa gốc là “mối tơ”, “thống” mới có nghĩa phái sinh là “gom các mối tơ lại”, tất nhiên không phải là gom kiểu rối nùi, mà là áp đầu sợi sau vào đầu sợi trước và cứ thế cho đến hết sợi rồi vuốt thành tép (nếu là ít), thành bó (nếu là nhiều) cho gọn và ngay thẳng. Từ nghĩa phái sinh mang tính tác động này, ta lại có một nghĩa phái sinh mới nữa, thể hiện tính kết quả, là “nối tiếp nhau theo thứ tự”. Tổng hợp lại, ta có một nghĩa phái sinh “xa vời” hơn, là “trông coi, kiểm soát, quản lý, cai trị, v.v...”. Đây chính là cái nghĩa của chữ “thống” trong “thống đốc”.

“Thống đốc” [統督] vốn là một đơn vị từ vựng xuất hiện từ khi thực dân Pháp xâm lược rồi tổ chức cai trị nước ta. Đây là hai tiếng dùng để dịch danh từ “gouverneur” của tiếng Pháp, thường thấy trong danh ngữ “gouverneur de la Cochinchỉne”, tức “thống đốc Nam Kỳ”, để phân biệt với “gouverneur général”, tức “toàn quyền”, thường thấy trong “gouverneur général de l’Indochine française”, tức “toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp”, nói tắt thành “gouverneur général de l’Indochine”, tức “toàn quyền Đông Dương”. Wikipedia Trung văn có mục [南圻統督] (Nam Kỳ thống đốc), cho rằng “Thống đốc Nam Kỳ”, tiếng Pháp là “Gouverneur-général de la Cochinchine” (dẫn vào lúc 11:37 PM ngày 21/4/2014). Đối dịch như thế thì sai nặng! Gouverneur général là toàn quyền; thống đốc còn dưới quyền toàn quyền thì làm sao có thể là “gouverneur général”.

Danh từ “gouverneur” có 3 nghĩa thường thấy mà Le Petit Robert đã cho như sau:

- “Chef de certaines grandes institutions financières, et spécialement, de la Banque de France” (nghĩa 3), nghĩa là “người đứng đầu của một số cơ quan tài chính lớn, đặc biệt là của Ngân hàng nước Pháp”;

- “Anciennement - Fonctionnaire qui, dans une colonie ou un territoire dépendant d’une métropole, était à la fois le principal représentant de l’autorité métropolitaine et le chef de l’administration” (nghĩa 4), nghĩa là “Xưa - Viên chức đồng thời là đại diện chính của nhà cầm quyền chính quốc và người đứng đầu việc quản lý tại một thuộc địa hoặc một lãnh thổ phụ thuộc vào một chính quốc”;

- “Moderne - Aux Etats-Unis, Chef du pouvoir exécutif d’un État, élu généralement pour un mandat de quatre ans, disposant d’un droit de veto et du droit de grâce” (nghĩa 5), nghĩa là “Hiện đại - Tại Hoa Kỳ, người đứng đầu quyền hành pháp của môt bang, thường được bầu cho một nhiệm kỳ 4 năm, có quyền phủ quyết và quyền ân xá”.

Với ba nghĩa trên, “gouverneur” đều được dịch sang tiếng Việt thành “thống đốc”. Riêng trong Nam thì từ lâu trước 30-4/1975, nghĩa 3 của “gouverneur” đã được đối dịch thành “thống đốc” để áp dụng cho người đứng đầu Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (của chính quyền Sài Gòn) mà một trong những thống đốc là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, người được trong dụng sau Giải phóng, từng là Cố vấn kinh tế cho ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Văn Kiệt. Sau 30/4/1975, danh từ “thống đốc” dành cho ngành ngân hàng đã “trùm chăn”; đến tháng 4/1989 thì nó mới được đánh thức để dùng cho đến bây giờ. Cứ như trên thì ở miền Bắc nước ta trước giải phóng, rồi trên toàn quốc cho đến tháng 4/1989, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương đã từng được gọi là “tổng giám đốc” trong vòng 38 năm. Đến năm 1986 thì Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI quyết định đổi mới và Việt Nam chuẩn bị mở cửa để hội nhập.

Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987 là văn bản luật đầu tiên góp phần tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Ta chuẩn bị làm ăn với nước ngoài mà chung quanh ta thì những người đứng đầu các ngân hàng trung ương đểu là “thống đốc”, tiếng Pháp là “gouverneur”, tiếng Anh là “governor”, từ Bank of Thailand của Thái Lan, Bank Indonesia của Indonesia, Bangko Sentral ng Pilipinas của Philippines, Autoriti Monetari Brunei Darussalam của Brunei, Bank Negara Malaysia của Malaysia cho đến National Bank of Cambodia của Campuchia. Đều là thống đốc tất. Chẳng có lẽ một mình ta trơ trọi “tổng giám đốc” (directeur général, director general) thì lép vế? Do đó mà đến tháng 4/1989, chức danh “tổng giám đốc” của Ngân hàng Nhà nước đã được đổi thành “Thống đốc” để hội nhập với chung quanh.

A.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét