Chiến lược khống chế Ấn Độ Dương của Trung Quốc (1):
Trung-Ấn và cuộc chiến giành giật Ấn Độ Dương
Ấn Độ Dương nằm phía tây Trung Quốc, giàu tài nguyên chiến lược, là tuyến đường giao thông, thương mại, năng lượng từ Trung Quốc đến Nam Á, Trung Đông, Tây Á và Đông Á, với châu Âu và châu Phi, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế Trung Quốc.
Tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Trung Quốc trong đợt
tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia trên Ấn Độ Dương
Chiến lược bành trướng sang Ấn Độ Dương của Trung QuốcẤn Độ Dương có tuyến vận chuyển dầu khí và các sản phẩm dầu khí quan trọng từ vịnh Ba Tư và Indonesia. Những nơi có trữ lượng hydrocacbon (dầu thô) lớn nằm ở các khu vực ngoài khơi A-rập Saudi, Iran, Ấn Độ, và Tây Australia. Khoảng 40% sản lượng dầu khí trên biển của thế giới phải thông qua Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, các bãi biển cát chứa nhiều khoáng vật nặng và các mỏ sa khoáng được khai thác bởi các quốc gia sở hữu một phần vùng biển này, đặc biệt là Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia, Sri Lanka và Thái Lan.
An ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh, là một vấn đề then chốt trong chiến lược bước ra biển và phát triển hải dương của Trung Quốc, đồng thời trở thành “tuyến đường huyết mạch trên biển” của đất nước hơn 1,3 tỷ dân này.
Với sự phát triển nhanh của nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh ngày càng trở nên cấp bách. Hơn 80% nhu cầu cung ứng dầu mỏ đều phải qua Ấn Độ Dương cho thấy một điều là, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Ấn Độ Dương và biển Đông.
Luận đề “Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương” đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển hải dương của Trung Quốc. Mục tiêu chủ yếu hiện nay của Trung Quốc là bảo vệ tuyến đường huyết mạch này.
Áp dụng sách lược “từ dễ đến khó”, “vững bước tiến vào”, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm” của mình trong khu vực biển này nhằm nâng cao vị thế quốc tế, xây dựng hình tượng nước lớn, đồng thời lợi dụng các thông lệ quốc tế để bảo đảm an ninh hàng hải.
Trung Quốc còn tích cực thử nghiệm xây dựng một số tuyến đường dự bị, hình thành đối đối số có hiệu quả, tránh tình trạng bị các nước khác lấy vấn đề an ninh trên biển để gây sức ép đối với mình.
Bắc Kinh còn không ngừng mở rộng có hiệu quả các con đường ra biển lớn, trói buộc lợi ích của các quốc gia có liên quan vào cơ cấu an ninh Ấn Độ Dương của mình, cuối cùng thực hiện chiến lược vươn mình từ một cường quốc hải dương khu vực trở thành một cường quốc hải dương thế giới.
Quan hệ Trung-Ấn xoay quanh vấn đề Ấn Độ Dương
Trong những năm gần đây, vấn đề Ấn Độ Dương trong mối quan hệ Trung - Ấn dần dần “lộ diện” rõ nét, có liên quan mật thiết đến vị trí địa - chính trị chiến lược của đại dương này kể từ sau chiến tranh lạnh đến nay và có liên quan chặt chẽ đến nhận định của mỗi bên về giá trị của nó, trong chiến lược phát triển quốc gia của mình.
Để duy trì lợi ích chiến lược hợp pháp ở vùng biển này, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách “tiếp cận không trực tiếp”, tức là dùng phương thức hợp tác để tiến vào Ấn Độ Dương. New Dehli cho rằng, Bắc Kinh là một đối thủ lớn nên việc Trung Quốc tiến vào khu vực này bằng “sân sau” được xem như mối đe dọa đối với Ấn Độ.
Năm 2012, tàu ngầm Ấn Độ đã chạm mặt “tàu ngầm lạ” 22 lần trên Ấn Độ Dương
Từ nhận thức này, người Ấn cũng đã áp dụng nhiều chính sách để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, còn phản ứng của Bắc Kinh là thận trọng và ôn hòa hơn để vấn đề này không trở thành “điểm nóng” trong quan hệ giữa hai nước.
Trung Quốc luôn mong muốn Ấn Độ Dương tương lai là một vùng biển hài hòa, hợp tác chứ không phải là một vùng biển nóng, đầy xung đột, giải quyết thỏa đáng vấn đề này, vừa có lợi trong quan hệ giữa hai nước Trung - Ấn, vừa giúp Bắc Kinh đạt được lợi ích của mình.
Tuy nhiên, vị trí chiến lược của Ấn Độ Dương ngày càng được nâng lên, quan hệ giữa chia sẻ lợi ích và cạnh tranh giữa 2 quốc gia này cũng không ngừng tăng lên. Cùng với sự quật khởi của hai “Thiếu gia” Trung-Ấn, “con đường tơ lụa trên biển” có thể gặp môi trường bên ngoài phức tạp và tính cạnh tranh gay gắt.
Đặc biệt, chiến lược “Hướng Đông” của Ấn Độ và chiến lược “Tây Tiến” của Trung Quốc cũng có mặt hợp tác, nhưng vẫn tồn tại xung đột lợi ích, làm sâu sắc thêm sự chồng chéo không gian chiến lược hai nước. Xây dựng một Ấn Độ Dương hài hòa, hòa bình là phù hợp với lợi ích quốc gia của hai nước.
Trung Quốc “tiến ra” Ấn Độ Dương thể hiện rõ hai mục đích: Lợi ích kinh tế và an ninh của các tuyến đường biển. Mục đích kinh tế, Bắc Kinh đang đạt được thông qua các tương tác thương mại với các quốc gia ven Ấn Độ Dương.
Còn an ninh hàng hải, từ cuối năm 2008, hải quân Trung Quốc đã tham gia các nỗ lực quân sự quốc tế chống cướp biển tại các vùng biển ngoài khơi Somalia. Ấn Độ Dương đang trở nên ngày càng quan trọng đối với lợi ích quốc gia không ngừng mở rộng của Bắc Kinh và là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” (Ảnh minh họa)
Xây dựng hành lang kinh tế và con đường tơ lụa
Nhanh chóng hoàn thành tuyến đường quốc tế Trung Quốc - Myanmar – Bangladesh. Sau khi hoàn thành tuyến đường cao tốc và tuyến đường sắt Trung Quốc - Mianma - Bangladesh, Bắc Kinh sẽ trực tiếp tiến vào Nam Á, rút ngắn tuyến đường vận chuyển, giảm nhẹ những quan ngại trong vấn đề an toàn hàng hải.
Trung Quốc có thể sử dụng ưu thế về tài chính và công nghệ, mượn hình thức viện trợ kinh tế, hợp tác thương mại... để giúp thắt chặt quan hệ với các nước xung quanh Ấn Độ Dương, giúp đỡ các nước này xây dựng sân bay, cầu cảng, đường xá.
Là một bộ phận nằm trong chiến lược đầy tham vọng là thiết lập bàn đạp cho khả năng triển khai toàn cầu, xây dựng các cảng khẩu ở nước ngoài là bước đột phá để Trung Quốc có thể thực hiện chiến lược bành trướng từ lục địa xuống phía nam, trực tiếp quyết định sự thành bại cục diện Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc hiện tích cực phát triển quan hệ đối tác hợp tác hải dương với các nước Ấn Độ Dương, cùng nhau xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” thế kỷ 21, thông qua cơ chế hợp tác đa phương, không ngừng mở rộng điểm hội tụ lợi ích giữa Trung Quốc và các nước Ấn Độ Dương để đạt được lợi ích.
Tháng 10-2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất với ASEAN về việc khôi phục "Con đường tơ lụa trên biển" của thế kỷ 21. Hiện nay, ban lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách thực hiện chiến lược này bằng việc lập Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN trị giá 3 tỷ nhân dân tệ, dành cho kinh tế hàng hải, môi trường, hải sản, cứu hộ và liên lạc trên biển.
(Còn nữa)
Thu Huệ
Tổng hợp
Viễn cảnh khốc liệt của cuộc đấu vũ khí hạt nhân Trung-Ấn
Ấn Độ thành lập quân đoàn tác chiến sơn địa, chuyên trị Trung Quốc.
Trung Quốc lép vế trước Ấn Độ trong tranh chấp biên giới
Không quân Ấn Độ đè bẹp không quân Trung Quốc trên cao nguyên Tây Tạng?
Trung Quốc sợ khả năng cơ động đường không cực nhanh của Ấn Độ
Ấn Độ thành lập quân đoàn tác chiến sơn địa, chuyên trị Trung Quốc.
Trung Quốc lép vế trước Ấn Độ trong tranh chấp biên giới
Không quân Ấn Độ đè bẹp không quân Trung Quốc trên cao nguyên Tây Tạng?
Trung Quốc sợ khả năng cơ động đường không cực nhanh của Ấn Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét