Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Tại sao thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp?

Tại sao chính quyền lại thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp?
Một cô hàng xóm hỏi, sao chị quan tâm đến chuyện của nông dân làm gì? Tôi bảo, chị em mình là dân làm công ăn lương, cho dù là trong hay ngoài nhà nước thì hàng tháng có lương. Đến khi về hưu lại có lương hưu. Còn nông dân, em nghĩ họ sống bằng gì? Cô em thông minh gật đầu ngay. Hiểu rồi!

Hôm cưỡng chế vừa rồi, tôi biết chả đời nào người ta cho mình vào xem cưỡng chế ra sao. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh cưỡng chế ở Văn Giang năm nào, lại sốt ruột không chịu được. Gần trưa, áng chừng đã tan cuộc, chắc các chốt canh cũng đã lỏng lẻo , tôi rủ một chị (nick Sông Quê) đến xem sự tình thế nào. 

Dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, chạy dài hàng km, là những hàng rào bằng tôn che kín mít. Tôi tự hỏi, những khu đất rộng mệnh mông bên trong đó là của ai? Cho dù đất đai do nhà nước quản lý, nhưng làm gì có đất để hoang? Phải có người sử dụng nó chứ? Trước khi có hàng rào tôn này có đến già nửa thế kỷ (từ năm 1954), hẳn đó là đất trồng lúa, hay trồng màu, nuôi sống bao nhiêu con người?

Theo luật, nhà nước chỉ thu hồi đất đai vào việc xây dựng các công trình an ninh quốc phòng, hoặc an sinh xã hội, như các công trình thủy lợi, đường giao thông, đường điện, trường học, bệnh viện v.v… Còn nếu là các khu đô thị, hay khu công nghiệp, nhất định nó phải có ông chủ cụ thể. Những ông chủ đó không thể là các cơ quan nhà nước, hoạt động bằng tiền ngân sách. 

Vậy tại sao, các cơ quan nhà nước lại đứng ra thu hồi đất của người này, giao cho người kia kinh doanh kiếm lời? Thay vì các chủ đầu tư phải đứng ra thỏa thuận đền bù với dân, nhà nước lại tổ chức cưỡng chế, bắt người dân phải giao nộp đất sản xuất của họ cho các chủ đầu tư, với giá 1m2 đất chỉ bằng 8 bát phở tối thiểu (201.900đ/m2), trong khi theo giá thị trường, đất ở đó tối thiểu cỡ 30 triệu/m2. Vậy có thể hiểu được rằng, nhà nước bảo kê cho chủ đầu tư, cướp đất của dân? Những khoản lợi nhuận khổng lồ từ các khu đô thị và khu công nghiệp, hay khu dịch vụ chết tiệt nào đó đem lại sẽ chui vào túi ai?

Tôi nghĩ, đúng là không ở đâu chủ đầu tư sướng bằng ở Việt Nam. Một khi đã có “chính quyền” đứng ra dọn đường, thì khó khăn nào mà chả vượt qua?

Đi qua một chốt chặn nhỏ, có dăm anh công an ngồi bên cạnh mấy cái xe máy dựng ngang nửa đường, chị em tôi ăn theo một cái xe tải nhỏ lách qua chốt này. Tôi ko dám mạo hiểm, là xuống xe làm một kiểu ảnh. Đường vắng thế này!!!

Đi thêm vài km thì đến chốt chặn toàn tập. Vài chục người và xe đứng bên ngoài rào chắn. Bên trong hàng rào là đủ các thành phần áo xanh, áo vàng thuộc lực lượng cưỡng chế (LLCC). Chúng tôi vào quán nước ngồi, chuyện trò với mấy người đàn ông ở Dương Nội. Họ kể sự tình, rằng dân thì chỉ có khoảng trăm người, nhưng lực lượng cưỡng chế đến cả nghìn người. Họ bảo, “chúng nó” tràn xuống nhanh quá, cả từ hai phía trước và sau, dân không kịp trở tay. Mà trở tay kiểu gì? Có bà quỳ xuống đất, vừa vái sống LLCC, vừa kêu gào đảng và bác Hồ đến cứu dân, bảo sao hòa bình rồi mà dân vẫn khổ thế này?

Mấy chục năm qua mà dân mình vẫn ngây thơ một cách tội nghiệp đến vậy. LLCC là của đảng và bác chứ của ai? Chả đi cũng chả được, “chúng nó” cứ xô đẩy, kẹp cổ, bấm huyệt, xốc nách các bà lôi đi. Cảnh tượng hàng trăm người co kéo, xô đẩy, gào thét hẳn là hỗn loạn lắm. Đến khi có mấy bà bị ngất do “va chạm” mạnh, cánh đàn ông bấy giờ mới xông vào “CỨU”. Một ông (em chồng bà Thêu) tự nhận người đang ngất là vợ mình bị bệnh, không cho LLCC đem đi đâu (chả tin được). Cứu được người này, thấy thêm người khác bị ngất lại xông vào “CỨU” tiếp. Một “an ninh cái” soi được, la bắt ông chồng “hờ”, bảo ai cũng nhận vợ mình là thế nào. Khi đó ông nông dân xửng cồ cãi: tất cả những người ở đây đều là người thân của tôi. Thấy họ như thế thì tôi không đành được.

Ngồi một chốc, chị em tôi theo những người nông dân Dương Nội quay về trụ sở công an quận Hà Đông, nơi đang giam giữ những người bị bắt trong cuộc giằng co buổi sáng. Trong đó có vợ chồng bà Cấn Thị Thêu, người phụ nữ đã viết giấy ủy quyền cho tất cả những người đấu tranh như một bản di chúc, phòng trường hợp bà bị bỏ tù, hay chết trong đồn công an, hãy đòi công bằng cho cá nhân bà cũng như cho nhân dân Việt Nam.



Trên vỉa hè trước cửa công an quận, chừng hơn chục phụ nữ đang nằm ngồi la liệt. Quần nhau từ sáng đến giờ (đã quá ngọ từ lâu), hẳn tất cả bọn họ đã mệt phờ. Nghe họ kể, bà Thêu đã bị đưa về trại giam số 3. Khi xe ô tô đi ngang qua cửa, ngồi giữa những công an viên trên cabin, bà Thêu vẫn giơ tay vẫy mọi người, nhắn nhủ hãy giữ đất đến cùng!



Nông dân bây giờ nghĩ, ngày xưa, bác Hồ (chứ không phải cách mạng) lấy ruộng của nhà giàu, chia cho dân nghèo. Còn bây giờ, “chính quyền” lại lấy đất của người nghèo, chia cho các ông chủ đời mới (núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp). Nhận định của họ chả cần màu mè gì cả, rất chân thật!

Nghe mà cay đắng quá các bác ạ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét