Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

GS Nhật vẫn khẳng định "VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình"

Thời báo KTSG đăng tin này nhưng không đưa tin cách thức GS Nhật bảo vệ quan điểm của mình. Do đó không biết vị GS này dựa theo cái gì để nói. Nhưng theo cách nói trong bài này thì tôi nghĩ GS không có cơ sở để chứng minh. Ông nói "bẫy thu nhập trung bình là xu hướng chứ không phải là thời điểm nào" và "chừng nào tư duy chưa thay đổi thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy” càng khẳng định VN chưa rơi vào bẫy. Quả thực VN vẫn đang tăng trưởng nhanh hơn trung bình của thế giới, của khối các đang phát triển, của nhóm các nước trong khu vực... và với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người khoảng 5% thì chưa thể bị coi là rơi vào bẫy. Tôi đồng ý với TS Thiên là nếu cứ với cách làm hiện nay thì chúng ta sẽ đi vào bẫy; cái này gọi là "vừa mới ngoi lên khỏi mặt nước đã kiệt sức". Còn TS Cung lo ngại ta tụt hậu với TQ hiện nay và Nhật Bản xưa kia là đúng nhưng đây là 2 nước với 2 giai đoạn phát triển thành công nhất thế giới, trong lịch sử không ở đâu có, nên so sánh với họ có vẻ như VN với hơi cao; nó cũng không cho phép kết luận VN đang rơi vào bẫy.
Giáo sư Nhật bảo vệ quan điểm "VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình"
Tư Giang: (TBKTSG Online) - Việt Nam đã sa vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế tại hội thảo do Ban Kinh tế trung ương tổ chức sáng 15/4.

Nền kinh tế tăng trưởng chỉ dựa vào khai thác tài nguyên. Ảnh TL SGT.
Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno, người gần đây khẳng định Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình trước các học giả Việt Nam. Ông Ohno nói: “Tôi có thể nói rằng Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tôi biết, nhận định này không thống nhất với các chuyên gia gần đây, nhưng theo tôi bẫy thu nhập trung bình là xu hướng chứ không phải là thời điểm nào. Và tôi nói về xu hướng này là có cơ sở của tôi”.

Nhận xét rằng, việc xây dựng chính sách ở Việt Nam “rất khác biệt”, không theo những “chuẩn mực quốc tế”, ông Ohno khuyến nghị, Chính phủ cần thay đổi tư duy chính sách, và quan trọng hơn phải hành động.

“Tôi e ngại là sau buổi thảo luận này lại có thảo luận khác xem ông Ohno đúng hay sai. Tôi nghĩ rằng cần có sự thay đổi là Chính phủ cần hành động. Chính sách thì có nhiều lựa chọn, và không nhất thiết như tôi đề xuất, nhưng chừng nào tư duy chưa thay đổi thì Việt Nam sẽ rơi vào bẫy”, ông nói.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam đã trải qua bảy năm là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới WTO, nhưng đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội để thay đổi về công nghệ, thể chế nhằm nâng cao tăng trưởng.

Ông Thiên cho rằng nguồn nhân lực và lực lượng doanh nghiệp là hai yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam bứt phá. Song sự nghiệp trồng người đang rất kém, mà biểu hiện là đề án cải cách giáo khoa đắt tới 35.000 tỉ đồng chỉ làm theo phong trào. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân là lực lượng quan trọng nhất để tuân thủ kinh tế thị trường lại bị khu vực DNNN chèn ép vì DNNN đã được xác định giữ vai trò chủ đạo.

Ông Thiên nói: “Chúng ta đang đi vào bẫy, song chúng ta ngại nói đến điều này vì ngại đụng đến lập trường quan điểm và tự hào dân tộc”.

Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, nhắc lại sự phát triển thần tốc của Nhật Bản, và Trung Quốc và nói: "Nhìn người lại ngẫm đến ta. Ta chỉ có 10 năm tăng trưởng cao, họ có tới 30 năm. Chúng ta đang có khoảng cách rất xa trên các phương diện với họ”.

“Chúng ta biết rằng mấy năm nay liên tục giảm sút tăng trưởng, chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Như vậy, chúng ta tụt hậu xa hơn về mức thu nhập/đầu người so nước khu vực chung quanh”, ông Cung nói.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận xét, để thúc đẩy đất nước phát triển, Việt Nam cần thay đổi tư duy phát triển “tiến lên hiện đại và tiến cùng thời đại” chứ không thể lằng nhằng như hiện nay. Bên cạnh đó, ông Hồ cho rằng cần phát triển kinh tế thị trường hiện đại, và đặc biệt là phát huy dân chủ đích thực, rộng rãi.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển để bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Thu nhập trung bình đầu người là 1.068 đô la Mỹ năm 2010 và 1.960 đô la Mỹ năm 2013.

Ông Huệ khẳng định, Việt Nam cũng như các nước khi đạt được mức thu nhập trung bình đều phải quan tâm đến nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình.


1 nhận xét:

  1. VN không những đang sang trọng hùng dũng vừa đi vừa hát" ta tự hào đi lên ôi VN" chui vào bẫy Thu nhập trung bình mà thật ra còn không chuẩn bị được một bảo bối gì để ngủ ngon trong cái bẫy 2000 đôla / nhân khẩu đó nên chắc chắn sẽ rơi cắm đầu xuống khi dầu hết,gạo cạn (do nước biển dâng) chứ không thể mơ thoát ra theo hướng thăng thiên.Hãy nhìn Nhật, Đài loan, Hàn quốc,TrQ họ đều phải vượt lên không phải chỉ bằng cơ bắp,bằng chăm chỉ 16 tiếng mõi ngày mà trước hết phải bằng cái đầu suy nghĩ độc đáo khác người.Nhưng Hệ thống của VN bắt phải PHỤC TÙNG nên đã tự cho ra lò hàng chục ngàn TS ĂN THEO NOÍ LEO và lớp trẻ NHẪN NHỤC CÚI ĐẦU. Không có cơ .

    Trả lờiXóa