Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Bí ẩn cuốn sổ - Phạm Ngọc Tiến

Truyện ngắn Tết:
Bí ẩn cuốn sổ
Phạm Ngọc Tiến, 08/02/2013
I- Chưa bao giờ trong đời lính tôi được chứng kiến hình ảnh kỳ vĩ đến vậy. Bạn hãy hình dung cả một cánh trảng lớn rộng mênh mông ngút hết tầm mắt. Thi thoảng xen vào vài ba cụm cây thốt nốt đứng dàn hàng trơ trọi. Mặt trảng khô khốc chỗ nào cũng thành đường để đại quân ta hành tiến. Xe pháo thành đoàn giăng dọc giăng ngang. Pháo mặt đất, pháo phòng không, xe bọc thép, xe chở quân, xe tải đạn, xe tải quân dụng khí tài, xe chở lính…. Đôi lúc một đội hình tăng dăm bảy chiếc hùng hổ gầm rú dọa nạt chính những người anh em xe pháo khác. Người thì cơ man. Bộ binh đi trong đội hình, đi tản mát gần như lấp kín trảng. Bụi bốc cuộn thành đám cất lên. Âm thanh các loại chen lấn ầm ĩ, cả tiếng pháo tiếng bom phía xa ì ùng dội lại. Tôi bám chặt tay vào thành xe kéo pháo mắt bao quát cả không gian chiến trận. Đang là những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Hình ảnh tôi đang chứng kiến ở một vùng đất Căm Pốt gọi là Mỏ Vẹt. Đây là vùng đất có địa hình lồi vào đất ta thuộc tỉnh Svay Rieng được dùng làm vùng đệm cho đại quân cắt ngang thọc về Long An. Chỗ trảng trống này thuộc quyền kiểm soát của quân Pôn Pốt nhưng vì đoạn này tiếp giáp với đất ta nên chúng không dám gây khó dễ. Mấy đoạn trước đó chúng tôi phải hành quân đội hình hàng dọc theo sự khống chế của đám lính áo đen rất mất thì giờ.
Minh họa của Họa sĩ Đỗ Phấn
Đang tầm trưa. Đơn vị được lệnh dừng hành quân để lo việc ăn uống. Hành quân dã ngoại gấp gáp nên đại đội chia khẩu phần lương thực cho từng khẩu đội tự túc nấu nướng. Khẩu đội tôi đặt bếp ngay dưới một gốc thốt nốt. Sướng vì được đun nấu thoải mái không phải đào bếp che chắn khói. Bữa cơm trận mạc nhưng nó khác hẳn với chỉ mấy ngày trước khi chưa có lệnh chiến dịch tổng tấn công đánh vào Sài Gòn. Không khí đi trận như hội này tạo cho chúng tôi cảm giác chiến tranh sắp kết thúc cần phải sống gấp nên lính tráng đua nhau có gì cất giấu đều mang ra đả bằng hết. Bởi thế bữa cơm tươm tất như đại tiệc. Trong lúc ăn, tôi để ý thấy có một tốp lính bộ binh cũng ngả ngớn nghỉ cùng dưới gốc thốt nốt. Họ ăn gạo sấy cùng đồ hộp của Mẽo. Lính tráng tiện đường gặp gỡ nên rất thân tình. Chúng tôi chào mời ăn cùng cho vui nhưng tốp lính bộ binh từ chối. Đám này ăn nhanh rồi tất tả đi ngay chỉ còn lại một gã ngồi lặng lẽ hút thuốc. Đợi chúng tôi ăn xong gã thăm hỏi đường sá thấy tiện đường hành quân nên ngỏ ý muốn đi nhờ xe. Thấy thái độ gã này từ đầu nhìn cánh lính pháo lạnh lùng kẻ cả nên tôi không muốn cho đi nhưng đấy chỉ là do tôi nghĩ trong đầu thế nên cũng chả phản đối khi mọi người đồng ý. Về nguyên tắc là cấm tiệt không cho người lạ đi cùng nếu không được lệnh trên cho phép nhưng đang chiến dịch thế này chẳng ai nỡ quá khắt khe. Khi cả khẩu đội vừa lên xe theo lệnh hành quân của đại đội thì bất ngờ có hai chiếc A37 của Không lực Sài Gòn bất ngờ lao đến cắt bom trong tiếng cao xạ từ trận địa của đơn vị bảo vệ hành quân bắn trả quyết liệt. Chúng tôi nhảy vội xuống gầm xe để tránh. Bom đánh cuống cuồng vung vãi tít tận bìa trảng nên chẳng mấy tác động đến cảnh hành quân hoành tráng chỉ để lại dăm cột khói vất vơ lạc lõng. Trở lại xe tôi ngạc nhiên thấy gã lính bộ binh vẫn ngồi bình thản nơi góc thùng xe. Gã không thèm cả nhảy xuống. Sẵn ác cảm chẳng khó khăn gì tôi nhận ra ánh mắt giễu cợt của gã. Lính bộ binh xưa nay vốn coi thường lính cao xạ. Trong mắt đám ấy lính cao xạ là một lũ công tử bột, không rành trận mạc, đánh đấm thì vi vút với trời xanh, hành quân bằng xe có vứt đi bộ một đoạn là thở là oải. Gã bộ binh có đôi mắt mỏi mệt thâm quầng nhưng hoàng điểm rất sáng. Loại mắt đó cực kỳ tinh ranh, tôi biết gã cũng đã nhận ra ánh mắt thù địch của tôi nhưng làm ra vẻ phớt lờ không thèm chấp trẻ ranh một phần. Phần nữa gã biết mình đang nhờ vả cánh tôi nên không muốn dây. Xe chuyển bánh. Gã móc bao Capstan mềm không đầu lọc châm hút. Cách bật chiếc Zippo cũng rất sành điệu. Mấy anh lính trẻ khẩu đội tôi giương hết cỡ mắt nhìn gã đầy thán phục. Ánh mắt gã lướt một lượt dừng ở tôi rồi gã chìa ra bao thuốc:

-Hút đi này.

Đám lính vồ ngay lấy bao thuốc khiến tôi chạnh lòng. Đến lượt, tôi lắc đầu đầy vẻ khinh mạn nhưng thực chất đó là sự mặc cảm cố gồng. Trước thái độ thần phục của đám lính, gã bộ binh dù có vẻ đang rất mệt mỏi nhưng đột nhiên tỏ ra cởi mở. Sự cởi mở bề trên là chắc chắn. Nghe kìa, gã giảng giải về kinh nghiệm tránh bom, tránh pháo. Những thứ đó tôi biết tỏng, đám lính khẩu đội tôi cũng biết nhưng mấy ông bạn tôi nghe một cách hào hứng. Có vẻ như gã lính muốn chọc tức tôi thì phải. Khuôn mặt bợt bạt sàm sạm vì sốt rừng của gã chứng tỏ sự từng trải, tất nhiên. Mặt kia, dáng ấy hẳn gã vào chiến trường trước chúng tôi vài niên là hợp lý nhưng sao phải cao giọng dạy dỗ thế. Gã khoe từng bôn ba nhiều chiến trường và sau cùng điều này mới là cốt yếu, gã cũng là lính Hà Thành. Trời đất, ngay cả chi tiết này cũng không chinh phục nổi tôi, không xóa đi được tẹo nào ác cảm dù đám bạn tôi giờ rối rít quanh gã. Thi thoảng gã lại ném một cái nhìn giễu nhại vào mặt thằng tôi. Dù rất tức tối nhưng tôi chẳng có cớ gì để gây sự với gã. Đến một khúc quẹo gã chợt hốt hoảng bảo dừng, dừng cho mình xuống. Một bạn lính định vỗ nóc ca bin xe ra hiệu thì tôi lên tiếng và gạt tay anh này:

-Qua khúc quanh này đã kẻo ùn đội hình.

Thoáng ngạc nhiên nhưng gã chỉ nhướng mày không nói gì. Xe chạy phải vài trăm mét tôi mới đứng lên vỗ xe ra hiệu. Chiếc xe Jin 157 từ từ táp vào vệ đường. Gã bộ binh đeo chéo khẩu AK vào người tay xách túi mìn Claymo đựng đồ nhảy xuống. Tôi kịp nhận ra luồng mắt hằn học của gã dành cho riêng tôi. Xuống đến nơi và dạt ra mép đường gã trừng mắt nhổ bãi nước miếng và chửi:

-Thằng cao xạ tồi tàn. Mẹ mày.

Đám lính cười rộ lên nhìn tôi nhìn gã lính, không phải hưởng ứng mà vì những chuyện chửi bới như thế quá thường. Tôi vươn người phản ứng định chửi lại thì như có luồng điện khi chân tôi chạm vào chiếc bồng căng đầy của gã bộ binh đặt trong lòng xe ngay sát tôi (bồng là loại túi vải có dây thắt miệng và quai đeo thay cho ba lô). Chiếc bồng gã đặt đó từ lúc lên xe nhưng có lẽ do uất vì phải đi bộ ngược mấy trăm mét khiến gã cáu giận chửi tôi nên quên phắt mất. Giây phút đấu tranh tư tưởng. Sự ác cảm cộng dồn vào câu chửi của gã lính khiến tôi đã bột phát hành động để rất nhiều năm sau này tôi phải mang vác nỗi ân hận khôn nguôi. Tôi không chửi lại gã và ngồi yên chẳng hề nhắc đến chiếc bồng. Cả xe cũng không ai để ý. Xe tiếp tục chạy. Tôi nghé mắt quan sát. Gã lính bộ binh đi ngược chiều xe. Phải xa lắm mới thấy gã vội vã quay người. Giờ thân hình gã chỉ còn là một bóng hình nhỏ nhoi. Tôi thấy gã huơ hai tay lên và chạy theo chiều xe. Rồi thấy gã ngã sõng soài. Bụi cuốn, xe chạy, người đi, nuốt chửng hình hài gã. Tối đó đến nơi tập kết tôi bắt đầu nghĩ ngợi về hành động của mình. Gia tài lính tráng chỉ có chiếc bồng. Giờ bị thất lạc, gã biết xoay xỏa ra sao. Mình đúng là đồ tồi thật. Nhưng ai bảo gã chửi tôi. Lỗi chính từ gã. Cứ thế tôi xoay trở và đành phải cố diễn cho xong vai kịch. Tôi làm bộ vô tình bảo chiếc bồng này của ai nè. Mọi người ồ lên xuýt xoa. Thôi chết của anh lính bộ binh bỏ quên. Làm sao đây. Tất cả thống nhất mở bồng kiểm kê và tìm xem có địa chỉ đơn vị không. Tôi được phân công làm thư ký ghi chép. Hai bộ quần áo dài vi ni lon màu xanh nhạt, trang phục của lính B2 kỳ cựu. Một áo len. Mấy thứ đồ lót cùng xà phòng bàn chải kem đánh răng. Đương nhiên là không thể thiếu chiếc võng dù và tăng vi ni lon. Chiếc ca đuy ra có nắp dùng để pha trà, cao trà đã bám dày đỏ hoen trong lòng ca. Một chiếc đồng hồ Oriente 3 sao mặt trắng. Tay chơi đây. Một chiếc ví và một cuốn sổ dày tự đóng. Tút nguyên thuốc lá Capstan. Hai gói trà Blao. Quá bảnh. Một chiếc bật lửa Zippo chiến lợi phẩm có dòng chữ “Tổng thống Việt Nam cộng hòa thân tặng”. Ra gã này có những hai chiếc bật lửa. Lạ lẫm đôi chút có một chiếc gương và lược đuy ra. Đỏm. Thêm một cuốn truyện mất hết bìa, sau đọc thì tôi biết đó là cuốn “Phía tây không có gì lạ” của Erich Maria Remarque, các trang đã sờn nát. Chấm hết. Sở dĩ tôi phải liệt kê đầy đủ mọi thứ quân tư trang trong bồng của gã lính để có thế thấy rõ gã đích thị là một thứ lính gốc thành phố và gã hiển nhiên là người biết hưởng thụ. Bằng chứng là cây thuốc cao cấp kia. Lũ chúng tôi từ thuốc lá miền Bắc chuyển sang hút thuốc Nam, sang trọng phởn phơ lắm cũng chỉ dám chơi bao lẻ Rubi Quân tiếp vụ xanh có hình tay lính cộng hòa chân co chân duỗi còn thì toàn giã Basto nặng như thuốc lào và khét mù. Đến đoạn quan trọng là kiểm tra ví và cuốn sổ. Trong ví chỉ có 2 tờ 500 đồng con cọp tiền Sài Gòn. Thì ăn hút thế kia lấy đâu ra tiền dự trữ. Loại bét dem như tôi lúc đó cũng có trăm đồng tiền miền Bắc. Tiền Nam vài ngàn và cả một chỉ vàng ta lận từ Bắc vào. Không thấy chứng minh thư trong ví. Lật cuốn sổ thì thấy có mấy tấm ảnh đen trắng chụp gia đình và ảnh một cô gái tô màu kẹp ở trong nếp gấp bìa. Cả cuốn sổ viết gần đến trang cuối, kín đặc những chữ là chữ tịnh không thấy một dòng địa chỉ phiên hiệu. Bấy giờ tôi đã là cây viết chủ lực của trung đoàn từng sáng tác thơ và kịch nói hội diễn giành giải cấp sư đoàn nên được mọi người động viên cố đọc trong đó xem có manh nha gì về đơn vị gã không. Tôi không thể từ chối việc này với lý do mọi người chẳng thể ai biết. Tôi đã thấy hối về hành động nhỏ nhen của mình.

Chiến dịch cuốn nhanh như lốc. Chỉ ít ngày sau đơn vị chúng tôi đã cùng với đại quân tiến vào Sài Gòn. Cuộc sống hòa bình chẳng được mấy nả vì người đi học, người thuyên chuyển, người ra quân. Chẳng ai biết được tin tức gì về gã lính. Số tài sản của gã vẫn giữ ở khẩu đội tôi được đám lính tặc lưỡi chuyển hóa thành bữa liên hoan tiễn đưa mấy người xuất ngũ trong đó có tôi. Có được sự kiện hoành tráng này chủ yếu là nhờ bán chiếc đồng hồ còn những thứ tư trang khác thì phân phát cho mấy anh lính mới. Tôi giữ lại cuốn sổ và chiếc bật lửa của gã. Không ai biết có những gì trong cuốn sổ đó. Làm sao biết được khi tôi im mồm như thóc. Những gì được gã lính viết trong đó thực sự làm tôi chấn động và ám ảnh cùng nỗi ân hận giày vò nhiều năm trời sau.

II- Trở về sau chiến tranh tôi bươn chải nhiều nghề để sống. Phải mất nhiều năm sau tôi mới bắt đầu công việc viết văn dù đó là niềm ham thích mê cuồng dạo còn ở lính. Ngay cả khi về Hà Nôi bao năm sau đó tôi cũng không một lần hé răng về cái vụ gã lính mất bồng. Càng không nói gì về cuốn sổ. Tôi muốn giữ cho riêng mình bí mật này. Ngượng, xấu hổ đã đành nhưng những gì gã lính ghi chép trong đó có nói ra mấy ông bạn lính cũng không hiểu bởi nó chẳng chung lĩnh vực. Ngay tối hôm ở chỗ trú quân tôi đã dùng đèn pin để đọc. Ngay lập tức tôi bị hút vào những dòng viết đầy u uẩn và tâm trạng. Cũng là dạng ghi chép nhật ký nhưng không như kiểu mọi anh lính khác vẫn viết theo ngày dựa vào những việc đã xảy ra. Gã viết nhằm vào giãi bày tâm tưởng của mình sau những sự kiện của chặng đường quân ngũ. Có khi là cảm xúc sau một trận đánh. Đôi lúc lại là những đúc kết của một chiến dịch. Thậm chí là những miêu tả kỹ lưỡng về cái chết của binh lính cả hai phía. Càng đọc tôi càng vỡ ra nhiều điều về người lính dạn dày trận mạc này. Những đoạn viết về cái chết hay và vô cùng nhân văn. Những trang nhật ký tôi coi đấy thực sự là những trang văn thấm đẫm cảm xúc. Bằng những dòng viết không liền mạch, không thời gian, không đích ngắm thậm chí là tràng giang vô định của gã, cái thằng tôi dẫu chỉ dựa vào những cảm giác chân chất có phần trần trụi của lính trận, tôi đã coi gã lính là một nhà văn thực thụ. Và điều này mới là cốt lõi. Nó không giống như tất cả những gì tôi lọc được trong các tác phẩm chiến tranh đã đọc xưa nay. Tôi không ngạc nhiên chút nào khi trong ba lô của gã lính có cuốn “Phía tây không có gì lạ”. Cuốn tiểu thuyết chiến tranh dựng hành trình hành quân của anh lính Đức trong thế chiến lần 1 có cái gì đó tương đồng về âm hưởng với những trang văn nhật ký kia. Dạo còn ở đơn vị khi đọc xong những gì viết trong cuốn sổ tôi đã lặng lẽ yểm kỹ , không cho bất cứ một ai khác xem. Khỏi nói tôi ân hận biết chừng nào. Có thể hành động tồi tàn của tôi ngày đó đã gây ra những di hại cho gã. Biết đâu nó lại chả làm mất đi cảm hứng, mất đi vô vàn tư liệu quý giá làm cản trở con đường gã lính đã chọn. Phần cuối của những dòng viết chính là những suy nghĩ trước chiến dịch mà cả gã và tôi tham gia cùng hướng. Gã viết về những dự định sau này khi cuộc chiến kết thúc. Khi đọc đến đó tôi tin gã lính nếu số phận sắp xếp đi trên con đường văn chương thì đó sẽ là một nhà văn viết về chiến tranh có một cái nhìn sắc nét và đa chiều hơn đứt những người khác. Tôi càng thêm giày vò khi biết vào đúng hôm đó gã vừa dứt một trận sốt rét kinh hoàng nhưng vẫn cố bám theo đơn vị để tham gia trận đánh cuối cùng. Mệt, sốt nên gã chẳng còn đủ sức đi bộ phải nhờ xe quá giang một độ đường. Nhưng thôi, có ân hận có ăn năn có xấu hổ thì tôi cũng chẳng thể nào làm lại được. Có những lầm lỡ suốt cuộc đời sẽ theo ta và không cho một mảy may cơ hội để sửa chữa. Nói thêm, tôi hiểu được nhiều điều còn mù mờ qua những gì đã được chứng kiến trong cuốn sổ. Những bí ẩn trong góc khuất của tâm hồn con người gã soi rọi cho tôi nhiều điều. Tôi thán phục gã đến mức mê dùng bật lửa Zippo đến tận bây giờ. Dạo về Hà Nội tôi lùng bằng được thuốc lá Capstan để hút. Sau này không thể kiếm ra được nữa tôi mới phải chuyển loại. Ngay cả trong sáng tác tôi cũng học theo cách của gã viết trực diện bám theo những nghĩ suy của mình trước những vấn đề hiện thực. Nhưng nếu tất cả chỉ có thế thì rất có thể nỗi ân hận giày vò kia sẽ dần nguôi ngoai theo thời gian. Vâng đúng như thế nếu như số phận không trớ trêu khi tôi bắt đầu dấn vào nghiệp văn chương thì bất ngờ gặp lại gã lính.

Thoạt đầu tôi không tin vào mắt mình khi thấy gã xuất hiện ở một trại viết quân đội mà tôi là một trại viên. Tôi nhận ra gã ngay dù đã hơn chục năm trôi qua. Vẫn cặp mắt mỏi mệt dù không còn thâm quầng như năm nào. Còn đấy ánh sáng hoàng điểm đến độ tinh ranh. Càng ngạc nhiên khi tôi được biết gã là nhà văn X vừa xuất bản một cuốn sách chiến tranh. Tôi cắm cúi đọc ngay cuốn sách của gã. Vừa đọc vừa toát mồ hôi hột dù tiết đông lạnh giá. Chẳng khó khăn gì tôi nhận ra ngay cái âm hưởng của mạch truyện trầm buồn mỏi mệt và giọng văn không thể trộn lẫn. Những kiến giải sắc sảo ở một tâm thế rất khác đồng nghiệp, những trang sách miêu tả chiến trận đến tận cùng mà tôi đã bắt gặp trong cuốn sổ. Ngay lập tức tôi lảng xa gã lính. Trại viết chỉ có chừng hai chục nhà văn thế nên cái sự lảng này rất đỗi khó khăn. Chẳng biết gã có nhận ra tôi không khi tôi cảm giác ánh mắt của gã vẫn có gì đó giễu nhại. Hay là bỏ trại. Tôi cứ vân vi toan tính mãi. Lại là sự giằng xé. Chắc gì gã đã nhận ra mình. Cả xe lốc nhốc gần chục thằng lính ăn mặc giống nhau, đầu tóc như nhau. Những gì xảy ra trên đường lắc lư xe xóc chắc gì gã nhớ, có lẽ mình thần hồn nát thần tính thôi. Nhưng ánh mắt kia thì sao. Lạnh lẽo, cười cợt. Gã nhận ra nhưng như một cuộc chơi mèo vờn chuột gã cố tình xem thằng cao xạ này ứng xử thế nào. Dám thế lắm. Những ngày ở trại viết quả thật là cực hình với tôi. Càng lảng tránh gã thì tôi lại càng như bị hút vào. Thêm nữa có vẻ gã đối xử với tôi cũng không mấy khác những người cùng trại. Đã có lần ăn cơm bất đắc dĩ phải ngồi cùng mâm tôi căng thẳng đến mức định mượn rượu phọt ra cho rồi những uẩn khúc quá khứ nhưng may kìm lại được. Đận đó nếu mang theo cuốn sổ thì có lẽ tôi đã bất chấp mọi hậu quả để thú nhận sự tồi tàn của mình đúng như câu gã chửi. Kết thúc trại viết tôi quyết định từ giờ sẽ chẳng bao giờ đụng mặt gã nữa cho yên thân. Nhưng sự đời nếu cái định nào cũng thành thì đã chẳng nên chuyện. Càng tránh tôi càng bị kéo lại gần gã. Đa phần bạn bè văn chương của tôi đều là bạn gã lính. Và cứ thế ban đầu miễn cưỡng dần dần tôi gần gã như là sự mặc nhiên. Thậm chí gã còn coi tôi như một người bạn vong niên tâm huyết. Tôi cũng vậy luôn quý trọng gã. Gần gã theo thời gian tôi càng hiểu thêm về những gì gã đã viết trong cuốn sổ thời tóc còn xanh. Câu chuyện cũ vẫn ám ảnh vẫn câu thúc nhưng tôi nghiêng về nhận định gã chẳng hề nhận ra tôi. Chỉ đôi lần trong lúc thân mật gã chửi đùa loại lính cao xạ như tôi là bọn trẻ con biết gì. Những lần đó nhìn mắt gã tôi lại giật mình thon thót. Hay là gã đã biết tỏng. Cứ thế tôi xoay trở trong mặc cảm vô bờ mãi dùng dằng trong quyết định nói ra hay không nói bất chấp thời gian. Nhoắng cái trẻ trung dạo nào giờ gã và cả tôi nữa đã trở thành những ông già. Tôi biết mình sẽ mãi phải mang điều bí ẩn từ cuốn sổ của gã như một sự trừng phạt.

III- Nhà văn X, người tôi mang món nợ đời đột nhiên một ngày mang đến tặng tôi cuốn tiểu thuyết mới. Lại một quyển sách về những năm tháng thuở nào. Nhìn mái tóc bạc rối xõa của anh tôi chợt thấy nao lòng. Suốt cuộc đời cầm bút anh chỉ cày ải mỗi đề tài chiến trận. Từng là lính tôi biết có những người vĩnh viễn không thể bước ra nổi khỏi cuộc chiến. Chiến tranh mãi giam cầm trí tuệ, tâm hồn thậm chí là cả thân xác họ. Nhiều năm gần gụi tôi hiểu anh chỉ luôn xoay trở sống cùng ký ức. Những gì của đời sống hiện đại hôm nay anh chẳng thể tiếp nhận được. Cũng như những cuốn sách khác trước đó của anh, bao giờ tôi cũng đọc một cách vồ vập. Nhưng lần này. Hệt như cảm giác lần đầu tiên tôi đọc của anh ở trại viết. Một câu chuyện khác. Một cách viết khác. Khác toàn bộ nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy tâm thế của anh như lần đầu tiên ấy. Vẫn âm hưởng ấy. Cái âm hưởng trầm buồn mỏi mệt. Không thể khác. Tất cả là ở đó. Từ cuộc chiến. Trong cuốn sổ. Anh đã viết nó cách đây mấy chục năm. Cuốn sách kích thích tôi đến độ tôi quyết định mang đến tận nhà trả lại anh cuốn sổ, chiếc bật lửa Zippo và câu chuyện tôi đã phải nặng lòng cất giữ mấy chục năm. Nhà văn X sững sờ mất một lúc. Bằng chứng là anh mãi mân mê cuốn sổ, lật giở liên hồi. Anh không tin có thể gặp lại được những kỷ vật đã mất. Càng không thể tin câu chuyện về chiếc bồng lại có diễn tiến như vậy và người gây ra việc đó lại chính là tôi. Sau những giãi bày hai phía, nhà văn X bình thản như không có chuyện gì, lặng lẽ lấy lại mấy tấm ảnh cũ kẹp trong cuốn sổ rồi gạt tất cả lại trước mặt tôi. Ánh mắt mệt mỏi nhưng lần này đượm buồn, anh bảo:

-Ông cứ giữ chúng. Nếu thích.

Tôi choáng nhưng rồi hiểu ngay tắp lự. Anh không cần đến cuốn sổ kỷ vật nữa. Tất cả đều đã được lưu giữ trong chính con người anh và đó là lý do vì sao anh mãi giam mình trong ký ức chiến trận để luôn viết về nó. Như một kẻ mộng du trước mắt tôi trôi trôi hình ảnh của cuộc hành quân kỳ vĩ ở chiến dịch cuối cùng nơi trảng trống Mỏ Vẹt. Và anh. Anh chỉ còn là một bóng hình nhỏ nhoi. Tôi thấy anh huơ hai tay lên và chạy theo chiều xe. Rồi thấy anh ngã sõng soài. Bụi cuốn, xe chạy, người đi, nuốt chửng hình hài anh. /.

Hà Nội 24/12/2012

PNT
Phạm Ngọc Tiến
http://www.phamngoctien.com/2013/02/08/bi-an-cuon-so-truyen-ngan-tet/?replytocom=8907#respond

  1. Giật mình khi bác Tiến chuyển từ truyện ngắn chủ nhật sang chuyện ngắn Tết, kinh quá, từ hàng tuần nhảy phắt sang hàng năm. Sau truyện này chắc phải chờ tới Tết năm sau mới có truyện mới của bác ?… :)
    Truyện này em rất thích bác ạ, đúng là cuộc sống con người, mang dáng dấp truyện phật pháp. Đầu tiên là sự kiện xảy ra, mình làm sai và bối rối. Tiếp đến là sai lầm nối tiếp sai lầm vì không dám dũng cảm nhận lỗi. Cuối cùng là ăn năn, nhận khuyết điểm; chỉ thiếu đoạn xin hứa sẽ khắc phục hậu quả và từ nay không phạm nữa như đám X, Y, Z gì đó. Nói chung có mở bài, thân bài, kết luận, đều lô gic, hợp với suy nghĩ của mọi người. Đọc một đoạn em đã đoán thể nào rồi bác cũng gặp lại anh lính, sẽ trả lại cuốn sổ; chỉ có điều không ngờ là bác xấu hổ, ngại ngùng, vân vi toan tính mãi nên mãi tận khi có sự kiện đột biến (anh ấy đến tặng sách), bác mới đột nhiên liều mình mang đến tận nhà trả lại.
    Từ bé, em đã ngẫm thấy trong cuộc sống, có sai lầm cứ giấu, nó thành cục nợ thường trực trong người, thì cũng như cục ung thư vậy, làm mình sống chẳng lúc nào thấy sung sướng. Đấy là không gặp lại người cũ, còn như bác, gặp lại anh ấy, thậm chí còn thành bạn vong niên tâm huyết nữa, thì cục nợ đó càng nặng nề. Em chắc anh ấy nhận ra bác vì: (i) anh ấy có cặp mắt hoàng điểm đến độ tinh ranh; (ii) mất cuốn sổ nên anh ấy khắc sâu kỷ niệm chuyến đi nhờ xe của các anh; (iii) quan trọng nhất: trừng mắt nhổ bãi nước miếng và chửi bác, người anh ấy có ấn tượng nhất.
    “Có những lầm lỡ suốt cuộc đời sẽ theo ta và không cho một mảy may cơ hội để sửa chữa”: Đúng thế bác ạ. Năm 1991, em có đưa vợ chồng anh Jean Pierre Verbiest, trưởng đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ở VN, đi thăm Hoa Lư, Bích Động. Vào khu đền các vua Lê, trẻ em ùa ra bán hương đông nghịt. Lúc đầu em mua cho bọn trẻ mỗi đứa 1 thẻ hương, nhưng mua hơn chục thẻ thấy nhiều quá nên chuyển sang cho tiền những đứa còn lại mà không lấy hương nữa. Sau đó, sợ ảnh hưởng đến người nước ngoài nên ban quản lý ngăn chúng lại để vợ chồng anh ấy vào tham quan và thắp hương. Lúc ra trẻ con tụ tập còn đông hơn, khoảng 30-40 đứa lít nhít, và dĩ nhiên muốn bán hương và xin tiền càng tốt. Sợ nên em bảo vợ chồng anh ấy lên xe ngay, em cũng lên, lúc ngồi trong xe, qua cửa kính, nhìn thấy hai chị em đứa 7-8 tuổi dắt đứa 2-3 tuổi buồn bã nhìn vào xe, em thấy thương thương nhưng xe chuyển bánh luôn. Suốt dọc đường về HN, em cứ nhớ mãi khuôn mặt của hai chị em đó, nhớ cái nhìn tội nghiệp của chúng, nếu là xe của em thì chắc em phải quay lại gặp chúng, nhưng vì đây là xe của ADB nên chịu. Sau này em có trở lại khu đền, đứng đúng ở điểm xe đỗ, nhìn về nơi 2 đứa trẻ đã từng đứng, tưởng tượng… nhớ lại hình ảnh suốt cuộc đời sẽ theo ta và không cho ta một mảy may cơ hội để sửa chữa… Khi viết những dòng chữ này, em lại nghĩ đến họ; chị em cô ấy giờ đã 20-30 tuổi, không biết cuộc đời họ ra sao, họ có bao giờ nhớ đến chiếc xe Toyota Crown và cặp vợ chồng Tây mà họ đã gặp năm nào…
    PS: Anh Jean Pierre Verbiest người Bỉ nhưng thích đạo phật. Năm 1986 em tặng anh ấy 1 tượng Quan Âm Bồ Tát màu trắng rất đẹp, làm đơn chiếc ở Bát Tràng. Năm 1991,em ở Pháp về, chủ động đến thăm anh ấy ở ADB, vừa nhìn thấy em, anh ấy bảo ngay thường vẫn nhớ đến em vì đi đâu anh ấy cũng mang bức tượng theo. Sau đó anh ấy đưa em vào phòng làm việc, lại nhìn thấy bức tượng được đặt ở một vị trí trang trọng…
    • Mình nghĩ đời người ai cũng đều mang một lỗi lầm tương tự. Khác nhau ở mức độ và tùy thuộc vào tâm tính từng người. Câu chuyện đi Hoa Lư năm nào của LTM đọc thấy xúc động và ám ảnh bởi đôi mắt hai đứa trẻ. Cũng khó trong tình huống ấy thật. Nhưng phải có ám ảnh ấy thì mới có được lần đến sau có được những dòng viết ở trên bây giờ. Suy cho cùng đó mới chính là cuộc đời. Khekhe…
      • “Tôi choáng nhưng rồi hiểu ngay tắp lự. Anh không cần đến cuốn sổ kỷ vật nữa. Tất cả đều đã được lưu giữ trong chính con người anh và đó là lý do vì sao anh mãi giam mình trong ký ức chiến trận để luôn viết về nó”.
        Đọc những đoạn bên trên thấy bác cứ vân vi mãi xem có nên trả lại cuốn sổ không, em đã nghĩ chắc gì anh bộ binh ấy cần đến nó nữa. Thời điểm bị mất anh ấy rất tiếc, nhưng rồi cuộc sống tiếp diễn với đủ loại thông tin, suy nghĩ mới, những điều trong sổ dần dần lạc hậu, đến lúc nào đấy anh ấy sẽ thấy cuốn sổ không còn giá trị thông tin; thậm chí giá trị kỷ niệm cũng hết (như chúng ta bây giờ, có mấy ai còn ôm khư khư bao nhiêu sổ tay, bài viết ghi chép từ thời nảo thời nào đâu), đến lúc cũng phải thanh lý nó để lấy chỗ cho những cái mới, cần thiết hơn. Đối với tuyệt đại dân chúng, chỉ có vài thứ rất đặc biệt mới được họ lưu giữ lâu dài làm kỷ niệm; cuốn sổ đó cũng có thể là 1 thứ nếu nó gắn với một kỷ niệm quá đặc biệt nào đấy, khả năng ấy có, nhưng xác xuất chắc thấp.
        Nếu khi bác trả mà anh ấy mừng rỡ đón nhận thì mới quý, mới gọi là kịch tính, mới thấy đúng là nó ghi nhận một sự kiện quan trọng trong đời anh ấy chứ không chỉ gồm những ghi chép cảm xúc, tâm trạng.
        • Nó không chỉ là sự kiện trong đời anh ấy mà nó là chính cuộc đời anh ấy rồi. Khekhe…Tết nhất vui vẻ nhé.
  2. Truyện ngắn cuối năm này hay quá, và comment của bác “Tôi thích đọc” cũng rất hay. Cuối năm chị Hà Linh chắc đang bận, nên chưa viết comment được, em đang chờ. Truyện nào của anh, em cũng thích các phần comment của các anh chị rất nhiều. Chúc các anh chị năm mới viết khỏe, comment nhiều cho em út đọc nha nha..
    • Cái hay của blog chính ở chỗ ấy. Sự giao lưu luận bàn trao đổi. Năm mới chúc vợ chồng Hùng Thoa mọi sự như ý nhé. Và bình an thanh thản.
    • Cám ơn bác hungthoa đã đồng cảm với comment của mình. Chúc bác, bác Tiến và toàn thể gia đình hai bác luôn luôn vui, khỏe và đầy hạnh phúc trong cả năm Quý Tỵ nhé.
      Em cũng mong được đọc comment của chị Hà Linh lắm, nhưng chắc cuối năm chị ấy đang cuống cuồng chạy nước rút nên chưa có thời gian viết. Vả lại, nếu được đọc comment của chị ấy vào sáng 1 Tết thì cũng là một điều may mắn cho năm Quý Tỵ các bác nhỉ.
      • Khekhe…may mắn đâu chưa biết nhưng biết rõ là LTM mong HL. Khekhe….
        • Chờ đến ngày này năm sau sẽ biết có may mắn hay không bác ạ. Nhưng biết đâu sáng mai 1 Tết cũng chẳng thấy comment của chị ấy đâu thì… hỏng chuyện.
          Nói thật với bác là đời em toàn gặp chuyện may vì chủ tâm sống lúc nào cũng đều đều, chẳng cần phát tài phát lộc phát tình gì lắm. Em theo quan điểm “được cái này sẽ mất cái khác”, “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, “giầu không quá ba họ, khó không quá ba đời”… nên cứ được trung bình là tốt nhất, kẻo mình được thì đến đời con cháu mình chúng sẽ khổ.
          • Nhà miềng khó đời cha sang đời con là hai đời rồi. Trông vào đời con miềng nhưng chửa thấy đâu. Khekhe…Thôi cứ phấn đấu sống cho đúng thật là mình. Được thế quá ổn. Khekhe…
            • Riêng chuyện bác có tới 2 tiểu thư đã là sự quá tuyệt vời rồi bác Tiến ạ. Giờ là thời của phụ nữ mà; và rồi càng ngày càng thế.
              Chắc giờ này bác đang được chàng rể đầu mang gà trống thiến và Chivas 25 đến Tết đây, nói như chị Hà Linh: Nhất bác Tiến đấy ạ.
            • Thì đi Tết bố vợ mấy chục năm nay cũng phải gặt hái gỡ gạc chứ. Khekhe….

  3. Gửi minh họa truyện ngắn này cho ông rồi mà. phải cho lên để bà con thưởng thức chứ.
    • Tôi sáng nay về quê thắp hương các cụ ngày 30 vừa ra xong. Minh họa đẹp rất ưng ý, giữ giùm tôi tranh gốc. À, báo một tin buồn hôm trước toàn bộ cốp xe bị khoắng chẳng biết mất ở chỗ nào. Trong số đồ bị mất có mấy cái minh họa gốc và 2 cuốn sách của ông. Đau quá. Tiếc ngẩn ngơ.
        • Đúng cái con khỉ. Mất nhiều thứ trong đó nhưng tiếc nhất là 2 bức minh họa.
          • Đồng ý với bác Đỗ Phấn quá. Mất cái này được cái khác hoặc trước đã được nhiều cái khác thì giờ phải vui vẻ chấp nhận mất cái này thôi bác Tiến ạ. Năm mới chúc bác sớm quên phắt mấy từ “Đau quá”, “Tiếc ngẩn ngơ” hay “Tiếc nhất” đi nhé.
            Hôm nay 1 Tết, em chúc mừng năm mới thật tốt đẹp đến với hai bác và tất cả bạn đọc của tranghttp://www.phamngoctien.com nhé.
            Chầu chực trong trang của bác đến giờ này mà vẫn không có comment của chị HL, vậy là chuyện dự báo có may mắn hay không coi như hỏng bác Tiến ạ.
            • Chia vui với cả nhà là chị Hà Linh chắc đã cơ bản xong việc và vào đây chúc Tết bác Tiến và cả nhà. Có chị ấy còm đâu ra đấy thì em đỡ phải viết và được thả sức đi chơi Tết thâu đêm và uống rượu say cho sướng.
              Có điều lúc chị ấy vào chúc thì buổi sáng mùng một Tết đã qua lâu rồi, giờ cũng đã sang ngày mới… Chị ấy cũng chưa đọc được truyện và chưa có nội dung còm. Tóm lại, dự báo có may mắn hay không coi như hỏng bác Tiến ạ.
  4. Năm mới chúc Tiến trọc vui khỏe dẻo dai, chúc cả nhà vạn sự như ý, phúc lộc đầy nhà!
    • Khekhe…Chúc Bọ và Mạ Hồng cùng các con khỏe, an lành. Cả nhà gặt hái thành công.
  5. Tên truyện ngắn làm em nhớ tới một phim truyền hình có tên là “Cuốn sổ ghi đời”, tuy nội dung hoàn toàn khác, nhưng cũng có điều gì đó tương đồng…
    Anh Tiến ơi, năm mới thực sự đã tới rồi! Em chúc anh thật nhiều sức khỏe và nhiệt huyết, để mang đến cho bạn đọc những trang viết hay. Chúc anh chị và các cháu một năm mới an lành, hạnh phúc, thành công và mọi sự như ý.
    • Năm mới thực sự đến anh thấy nó cũng chẳng khác gì đâu như mọi ngày thôi. Nhưng vẫn cảm ơn và chúc lại em. Mới. Thật mới để đừng tẻ nhạt và buồn bã với ngay cả chính mình. Khekhe…
  6. Anh Tiến ơi,
    Em chúc bác, anh chị và các cháu năm mới luôn khỏe, an khang và có nhiều niềm vui mới. Cuộc sống có buồn có vui nhưng luôn được thanh thản nhé anh Tiến.
    Em bận quá chừng, chưa đọc được truyện mới, ghé qua chúc mừng năm mới tới anh và qua anh tới các bạn đọc đã cùng chia sẻ những nỗi niềm, xúc cảm về cuộc sống, con người. Khóc cùng nhau, cười cùng nhau để rồi thấy mình mới mẻ lên qua những buồn vui.
  7. Chẳng biết ” tôi” có mục đích gì hơn khi giữ lấy cuốn sổ của người lính đó lại, nhưng dù sao cuốn sổ cũng đã may mắn gặp được người hiểu và trân trọng, nâng niu như một báu vật. Và ít nhiều, cuốn sổ đó cũng đã góp phần tạo nên một nhà văn ” tôi” viết với những giá trị đích thực. Nhà văn X “mất” cuốn sổ quý giá đó, nhưng bạn đọc lại “được” một nhà văn biết viết và muốn viết lên những áng văn thấm đẫm tinh thần nhân văn. Có lẽ chính vì thế mà nhà văn X đã không ngần ngại tặng lại cho “thằng cao xạ tồi tàn” kỷ vật thân yêu đến vậy vì ” thằng cao xạ tồi tàn ” là một nhà văn tốt-may mắn thay.
    Cuốn sổ gặp may, và nhà văn X cũng gặp may vì những ghi chép của ông được yêu quý đến thế.
    Hẳn người lính X năm xưa khi mất đi cuốn sổ kia đã đau đớn lắm. Cuốn sổ-không còn là cuốn sổ thông thường, mà đó là người bạn lắng nghe, người giữ lại cho anh tất cả những nỗi niềm, xúc cảm từ những ngày vào trận tuyến. Có lẽ anh đã có hai đời sống: một đời sống ầm vang bom rơi đạn nổ, màu đỏ của máu, màu đen của khói, những bước chân nhọc nhằn..một đời sống chung như bất cứ ai vào trận,như bất cứ ai bị guồng quay số phận xô đẩy khi sinh ra , sống trong thời binh đao. Nhưng anh còn có một đời sống khác, đó là đời sống của chính anh, niềm mơ ước của chính anh..nơi đó chỉ có tiếng sột soạt êm ả của ngòi bút trên tờ giấy trắng tuôn chảy những cảm xúc, nỗi niềm chân thành tự đáy tim..Cuốn sổ như là người bạn dịu hiền lắng nghe,và cất giữ cho anh tất cả..cuốn sổ là một phần cuộc sống của anh..là phần tinh thần của anh. Ngay sau đó cuộc chiến kết thúc..và nếu cuốn sổ mất đi, phải chăng là một phần cuộc đời với những ký ức, ý nghĩ tươi rói cũng mất đi…Hãy tưởng tượng, sau một ngày hành quân mệt mỏi, sau một ngày nhìn thấy người đồng đội thân mến ra đi…anh lính trở về một góc rừng..lấy cuốn sổ từ đáy ba lô, và cây bút trong tay…anh bước vào thế giới khác…. buồn đau vợi đi, hy vọng dấy lên, anh lại có thể đối mặt với cái chết, với những đau thương trong chiến tranh, lại thêm can đảm..
    Cuốn sổ mất đi, những ngôn ngữ tươi mới của những ngày qua mất đi, nhưng vẫn còn trong tim óc anh tất cả những gì đã chứng kiến, trải qua…những tình cảm đẹp đẽ về con người, những suy tư về chiến tranh…tất cả như vẫn vẹn nguyên và anh vẫn viết được vẹn nguyên về những năm tháng đi qua như không hề mất cuốn sổ….Có lẽ quan trọng không phải những gì đã biến thành ngôn ngữ đã viết ra, mà quan trọng là điều gì đọng lại trong trái tim con người ấy, người lính ấy, nhà văn ấy….
    Bởi vậy, nhà văn X chẳng cần nhận lại những trang ghi chép năm xưa? không phải vì ông đã quên những năm tháng xưa cũ mà có lẽ vì ông vẫn sống và viết với tấm lòng của người lính có vẻ ngoài lạnh lùng năm xưa…
    Nếu ông không còn viết, nếu văn ông viết là niềm thất vọng đối với anh lính cao xạ ngày xưa thì hành động từ chối nhận lại cuốn sổ-một phần đời của ông là sự lãng quên quá khứ, chối bỏ những ngày qua. Nhưng ông vẫn viết với những ám ảnh như trong cuốn sổ ghi chép thì đó là vì những cảm xúc của ông không phai mờ qua năm tháng.Và như vậy thì thái độ với quá khứ chính là cách xử sự với ngày hôm nay có đẹp đẽ hay không? có nhân văn hay không? Dù có những trang viết thấm đẫm nhân văn như anh lính cao xạ vô tình có được, nhưng ngày nay ông nhà văn X lại viết nên những trang văn nhạt nhẽo,vô tình như chưa hề có những trang viết đó thì mới thật là điều buồn.
    Và cách “tôi” xử sự với cuốn sổ, với nhà văn X cũng thế, một mặt nào đó người ta có thể trách ” tôi” sao lại xử sự thế, giữ cuốn sổ để làm gì, để làm một người đạo văn, ăn căp ý tưởng hay sao? nhưng “tôi” trân trọng, gìn giữ cuốn sổ trong bao nhiêu năm trời, học nguyên tắc viết nhân văn, trung thực với cuộc sống, làm bạn đọc trung thành của nhà văn X nhưng vẫn có những sáng tạo của riêng mình, làm nên những trang viết của riêng mình..góp thêm cho đời những áng văn hay, đưa đến cho bạn đọc những thông điệp tốt lành, những cảm xúc nhân văn để họ sống đẹp hơn, hay hơn…Thật là một cách” sửa lỗi” rất đáng khen! Trong cuộc đời, chẳng ai tránh khỏi sai sót, đôi khi từ sai sót lại biến thành một động lực, một hành động tốt đẹp
    Em nghĩ anh Tiến giờ đây đã có thể bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết về những năm tháng đó được rồi ấy chứ, đã qua trải qua nhiều thăng trầm, đã có những cái nhìn bình thản và nhân văn hơn nữa..và với thực tế trải nghiệm của người lính..chắc sẽ có những trang tiểu thuyết chuyển tải tuyệt vời về cuộc chiến đã qua..Không phải là gợi lại đau thương mà để thêm một lần sẻ chia với những người lính, để kể lại câu chuyện về một thời đã qua dưới đôi mắt nhân văn, an hòa…cho lớp trẻ…
    Câu chuyện dù sao vẫn có chất trầm hùng không phải vì tả cảnh binh đao khói lửa, về người lính vượt qua những khắc nghiệt mà còn ở những tính cách trung trực với con đường mình chọn, bỏ qua những tham sân si trong cuộc đời để sống và viết với bản lĩnh của trái tim.
    • Thật bõ cho LTM thấp thỏm. Giờ đọc những cái com như thế này anh Tiến hay bất cứ tác giả nào cũng phải căng mình lên để gồng trước những thu nhận cảm xúc. Nếu là một bài phê bình thì đành một nhẽ đằng này lại là những cảm nhận của độc giả kèm theo những nhận xét chí tình và sự cộng hưởng sáng tác. Còn có gì hơn. Anh Tiến không bao giờ bị ru ngủ bởi những lời khen, không buồn phiền vì những lời chê, không thích chường mình ra nơi đông đúc văn chương cũng như cuộc đời chỉ muốn sự ẩn lặng nhưng quả thực những comment thế này rất cảm động và có tính khích lệ. Năm mới cảm ơn HL. Chúc mọi điều tốt đẹp cho anh em mình. Khekhe….
      • Còm của chị Hà Linh sâu sắc quá, lại đặt thêm nhiệm vụ cho bác nữa: bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết về những năm tháng đó… Bác chuẩn bị căng mình, gồng mình lên để làm việc nhé, đừng cười em nữa nha.
        Đùa trêu chị HL thế là đủ vui đầu năm rồi bác Tiến ạ, em dừng thôi kẻo đầu năm làm chị ấy giận thì không hay. Bên em và chị ấy phải đi làm, còn bên bác vẫn chơi dài dài cả tháng nữa… sướng thật.
        Chúc bác và các anh em đồng đội của bác có nhiều chuyến vui xuân thuận lợi và như ý nhé.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét