Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Tỉ giá không nên đuổi theo thị trường

Trong mấy ngày qua, thị trường ngoại hối có nhiều biến động, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, về quan điểm điều hành tỉ giá ngoại hối
* Phóng viên: Chúng ta đã giữ tỉ giá ổn định trong suốt năm qua. Vậy theo ông, có nên điều chỉnh tỉ giá vào thời điểm hiện nay hay không?
- Ông Trần Hoàng Ngân: Việc điều chỉnh tỉ giá ngoại hối (gọi chung là tỉ giá) đã cho chúng ta nhiều bài học trong 5 năm qua. Những quan điểm về tăng tỉ giá đều đưa ra một mục tiêu là hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng qua tổng kết từ năm 2008 đến nay, việc điều chỉnh giảm giá VNĐ thực tế đã cho chúng ta những bài học cay đắng bởi nó gây bất ổn vĩ mô, đẩy lạm phát tăng cao. Khi tiền đồng mất giá thì giá xăng dầu trong nước sẽ tăng (vì phải nhập) và tạo ra phản ứng dây chuyền đến giá các loại mặt hàng khác, như: điện, vận tải, nguyên liệu đầu vào… Vòng xoáy lạm phát - phá giá tiền đồng sẽ rất khó gỡ, nếu chúng ta không chủ động ổn định được một trong hai mục tiêu này mà cứ điều chỉnh đuổi theo thị trường.
* Cơ sở nào để giữ ổn định tỉ giá, thưa ông?


- Từ khi có Nghị quyết 11/NQ-CP (tháng 2-2011) của Chính phủ về thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để ưu tiên ổn định vĩ mô thì tỉ giá bắt đầu ổn định. Suốt năm 2012, tỉ giá ổn định đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 114,57 tỉ USD, tăng 18,2% so với năm 2011, xuất siêu 780 triệu USD. Vì nguồn cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua được nhiều USD, đạt được 2 mục tiêu: ổn định tỉ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Từ năm 2012 đến nay, NHNN đã mua 18 tỉ USD, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 30 tỉ USD. Như vậy, việc giữ tỉ giá ổn định đã giúp cho chúng ta đạt những thành quả nói trên. Vì vậy, ở thời điểm hiện nay không có cơ sở để phá giá tiền đồng. Vì tỉ giá là do cung-cầu quyết định. Cung ngoại tệ đang thừa thì làm sao phải phá giá ?
Ở thời điểm hiện nay không có cơ sở để phá giá tiền đồng. Ảnh: HỒNG THÚY

Trong những ngày qua, thị trường ngoại tệ xao động là do những ảnh hưởng về tâm lý. Chính phủ đã khẳng định nền kinh tế chúng ta ổn định nhưng chưa vững chắc nên yếu tố tâm lý rất dễ bị tác động. Chỉ cần có những tin đồn thiếu cơ sở cũng dễ làm cho niềm tin mới tạo lập được một năm bị lung lay. Do đó, cần phải tiếp tục kiên trì tạo lập niềm tin vào đồng tiền Việt Nam. Vì vậy, NHNN nên can thiệp thị trường bằng nhiều biện pháp. Biện pháp kinh tế, đó là bán ngoại tệ thông qua ngân hàng thương mại để cung cho doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu. Biện pháp hành chính là phối hợp với cơ quan an ninh để bảo đảm chống những tin đồn nhảm. Đồng thời, cần quản lý tốt thị trường ngoại tệ chợ đen, thị trường vàng, nhập khẩu hàng để bảo đảm thị trường chính thức hoạt động có hiệu quả.

* Theo ông, có nên giảm lãi suất nữa không?

- Theo tôi, NHNN nên xử lý thị trường ở từng khoản mục và ở từng thời điểm, chứ không thể đa mục tiêu được. Chính sách tiền tệ về lâu dài là phải hạ lãi suất. Vì lãi suất thấp sẽ giúp cho thị trường chứng khoán ổn định và trở thành một kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Doanh nghiệp có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán và bớt quá lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Để làm được điều này đòi hỏi phải kiểm soát tốt giá cả, đặc biệt là phải đeo đuổi lạm phát mục tiêu trong một giai đoạn dài.

QUANG ANH thực hiện
http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/nld.com.vn/Ti-gia-khong-nen-duoi-theo-thi-truong/10449191.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét