Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Điều hành tỷ giá: NHNN luôn phải đi trên dây

Lạ thật, mục tiêu của điều chỉnh tỷ giá chủ yếu là để điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh các loại sản phẩm thương mại quốc tế được (nhưng không thiết phải đem xuất khẩu mà có thể vẫn để sử dụng ngay trong thị trường nội địa) và qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của từng sản phẩm và toàn nền kinh tế. 
Thế nhưng trên sách báo, người ta chỉ nhấn mạnh mỗi mục tiêu làm tăng kim ngạch xuất khẩu để làm cơ sở ngăn chặn sử dụng tỷ giá như là một công cụ chính sách hiệu quả. Nhìn ra thế giới, thấy tỷ giá USD/Euro, Euro/Yên, CHF/Euro... thay đổi rất lớn qua các năm, khi tăng lên, lúc giảm đi... tùy theo tương quan hoạt động kinh tế lên, xuống giữa các nước chứ đâu phải cứ neo chặt lại là tốt.
Báo chí cũng hay nói nhiều ngành ở sử dụng đầu vào nhập khẩu lớn nên phá giá thì chi phí tăng. Điều này đúng, song đầu vào nhập khẩu chỉ chiếm 1 phần (dù lớn) trong kim ngạch xuất nên thì sau khi phá giá, người xuất khẩu vẫn có lợi. Mặt khác, phá giá chắc chắn làm giá hàng nhập khẩu tăng. Do đó nếu phá giá đúng thời điểm, không tạo tâm lý hoảng loạn trong xã hội thì nhất định sẽ có tác dụng khuyến khích tiết kiệm tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Trong tiếng Anh, người ta dùng từ tradable good không rõ nghĩa lắm, nhưng trong tiếng Pháp, thuật ngữ hàng hóa thương mại quốc tế được dễ hiểu hơn: Bien internationalement echageable, là hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước nhưng có thể đem ra trao đổi được trên thị trường quốc tế (tức là có người chấp nhận mua dù chúng có thể chỉ được dùng trong nước mà không đem đi xuất khẩu). Ngược lại những hàng mà đem bán, dù giá rẻ đến mấy cũng không ai chấp nhận mua (ví dụ sắt thép, xi măng hay hàng tiêu dùng chất lượng quá thấp), hoặc những mặt hàng không đem ra nước ngoài bán được được như cắt tóc, gội đầu, cho thuê nhà đất... thì được gọi là hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được.

(CafeF) Hiện tại chúng ta không có nhiều bằng chứng cũng như lập luận hộ cho việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Xoay quanh diễn biến tỷ giá USD những ngày gần đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ.
Ông nhận xét gì về tình hình biến động tỷ giá thời gian gần đây?
Sự biến động của tỷ giá VND/USD trong mấy ngày qua có thể xuất phát từ những thay đổi trong cung - cầu của người dân về USD trước và sau Tết Nguyên Đán. Đó có thể do những thay đổi về khối lượng mua – bán USD của NHNN, và cũng có thể do những thay đổi về kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp trước những nhận định của các chuyên gia trong những ngày vừa qua về diễn biến của tỷ giá trong thời gian tới.
Hiện tại, tôi không có đủ thông tin để khẳng định đâu là nguyên nhân chính. Mặc dù vậy, chúng ta không khó để nhận thấy rằng, với những nền tảng kinh tế vĩ mô hiện tại (tổng cầu yếu, lạm phát không cao, cán cân thương mại cân bằng, kiều hối ổn định, Fed tiếp tục nới lỏng tiền tệ và các dòng vốn ngoại đang chảy vào Việt Nam để tìm kiếm tài sản giá rẻ), thì NHNN hoàn toàn có đủ khả năng để định đoạt tỷ giá VND/USD.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên chủ động tăng tỷ giá trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, ông thấy ý kiến này thế nào?
Hiện tại chúng ta không có nhiều bằng chứng cũng như lập luận hộ cho việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu.
Mặc dù điều chỉnh tỷ giá có thể khiến doanh thu bằng VND của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng, nhưng những tác động đến khối lượng xuất khẩu thì chưa chắc đã mạnh.
Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu và có độ co giãn của cầu không lớn. Một số các mặt hàng như dầu thô, khoáng sản, gạo… thì được giao dịch theo giá thế giới. Một số mặt hàng khác như dệt may có tỷ trọng nguyên vật liệu nhập khẩu lớn, nên tăng tỷ giá cũng sẽ dẫn đến tăng chi phí.
Lập luận về việc VND bị định giá cao so với USD trên cơ sở lý thuyết ngang giá sức mua cũng có lỗ hổng, bởi ngoài những tranh cãi về mặt học thuật như thời điểm lấy tỷ giá gốc, rổ hàng hóa để so sánh, lý thuyết này, nếu đúng trên thực tế, cũng đòi hỏi một thời gian rất dài, có thể lên đến cả chục năm.
Hơn nữa, các hàng hóa của Mỹ không cạnh tranh với hàng hóa của Việt Nam. Người Mỹ xuất khẩu Ipad, còn chúng ta thì xuất khẩu cá tra, cá basa. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta là các nước trong khu vực.
Ngoài ra, nếu chúng ta muốn các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện tái cơ cấu theo hướng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, chuyển đổi cơ cấu hàng hóa, thì việc VND bị định giá hơi cao một chút so với các đồng tiền khác có thể tạo thêm động lực cho việc cải cách.  
Với những lý do trên, chính sách tỷ giá trong giai đoạn hiện nay nên hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nhiều hơn.
Tất nhiên, sự ổn định không đồng nghĩa với việc cố định tỷ giá. Nếu tỷ giá được cố định trong một thời gian dài, nhiều khả năng một ngày nào đó trong tương lai sẽ lại xuất hiện một làn sóng đầu cơ vào USD trên thì trường, nhất là khi xảy ra những biến động lớn, chẳng hạn như khi các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn khỏi Việt Nam.
Chính sách tỷ giá cần tìm được điểm cân bằng trong cả ngắn hạn cũng như dài hạn. Đây là một việc không hề dễ dàng. NHNN luôn phải đi trên dây.
Liệu đây đã phải là thời điểm thích hợp để điều chỉnh tỷ giá chưa, thưa ông?
Trong giai đoạn hiện nay, NHNN không nên cam kết một mức điều chỉnh tỷ giá cụ thể, cũng như một thời điểm điều chỉnh tỷ giá cụ thể trong năm, bởi những cam kết này sẽ khuyến khích người ta đầu cơ vào USD khi thời điểm điều chỉnh đến gần.
Một chính sách tỷ giá hợp lý cho Việt Nam hiện nay, một mặt, phải đảm bảo được sự ổn định về kinh tế vĩ mô cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua việc cam kết một biên độ dao động vừa phải, chẳng hạn trong khoảng từ 0-4%.
Tuy nhiên, mặt khác, chính sách tỷ giá cần tạo ra một sự bất định cho thị trường, tất nhiên là trong biên độ đã cam kết, để các nhà đầu cơ phải tính đến những rủi ro chính sách khi họ có ý định tích trữ USD.
Việc điều chỉnh tỷ giá, nếu thực hiện, cần được giữ bí mật. Tỷ giá có thể được điều chỉnh vào lúc thị trường ít ngờ tới nhất.
Theo NHNN tháng 1 vừa qua lạm phát ở mức 1,25%, nhiều khả năng, lạm phát tháng 2 - tháng Tết nên sẽ cao hơn. Từ đó, sẽ có nhiều yếu tố tạo áp lực gia tăng lạm phát cho thời gian tới, do vậy chưa nên đặt vấn đề tăng tỷ giá vào lúc này. Theo ông lý do này có hợp lý không?
Chính sách tỷ giá sẽ được hoạch định không chỉ dựa trên mức lạm phát của một tháng, thậm chí là của cả một năm.
NHNN sẽ phải cân bằng nhiều mục tiêu khác nhau, từ lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, các nhà đầu tư nước ngoài đến nghĩa vụ trả nợ của NSNN và các doanh nghiệp như Vinashin, kỳ vọng của thị trường hay mức lãi suất trên thị trường trong nước và quốc tế…   
Ông dự báo gì về diễn biến và điều hành tỷ giá trong năm nay?
Tỷ giá có thể điều chỉnh trong biên độ từ 0 - 4%, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Xin cảm ơn ông!

Khánh Linh (thực hiện)

http://www.baomoi.com/Home/TaiChinh/cafef.vn/Dieu-hanh-ty-gia-NHNN-luon-phai-di-tren-day/10421291.epi

Lạ thật, mục tiêu của điều chỉnh tỷ giá chủ yếu là để điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh các loại sản phẩm thương mại quốc tế được (nhưng không thiết phải đem xuất khẩu mà có thể vẫn để sử dụng ngay trong thị trường nội địa) và qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của từng sản phẩm và toàn nền kinh tế. Thế nhưng trên sách báo, người ta chỉ nhấn mạnh mỗi mục tiêu làm tăng kim ngạch xuất khẩu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét