Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Dự luật cư trú thiên về cấm đoán

Những quy định liên quan tới việc cấm, xóa đăng ký thường trú trong dự luật cư trú đã vấp phải phản đối trong buổi làm việc của Thường vụ Quốc hội sáng 26/2.
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những quan điểm chỉ đạo xây dựng dự luật là nhằm tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho hay, có 5 điểm chỉnh sửa liên quan tới các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; xóa đăng ký thường trú; thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; đăng ký tạm trú; lưu trú và thông báo lưu trú.
Trong một số hành vị bị nghiêm cấm có quy định cấm ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động nhưng thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đã ký hợp đồng đó; hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dự luật thay vì cấm đoán phải tạo điều kiện để khuyến khích người dân. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương ngoài việc có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm cả điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Ngoài ra, một điểm mới nữa là người xuất cảnh từ 2 năm trở lên sẽ bị xoá đăng ký thường trú.

Chỉ ra khúc mắc của một số điểm liên quan đến "cấm, cắt, xóa" tại dự thảo luật, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không được dùng luật này làm căn cứ để cấm người dân việc này, việc kia. "Tôi là dân Việt Nam, tôi muốn ở đâu trên đất Việt Nam thì tôi ở, tôi không đăng ký hộ khẩu tôi vẫn ở thì anh có cấm được tôi không? Lẽ ra anh phải khuyến khích tôi đăng ký cho anh quản lý thì anh lại cấm đoán", ông Hùng nói.

Liên quan tới quy định xóa đăng ký thường trú sau 2 năm xuất cảnh, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ không đồng tình. Ông yêu cầu không chỉ đảm bảo quyền tự do cư trú mà còn đồng thời đảm bảo cả quyền học tập, chữa bệnh… cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng đăng ký thường trú là quyền cơ bản của con người, là quyền bất khả xâm phạm. Đăng ký thường trú và thường trú là hai vấn đề khác nhau.

Theo ông Hiện, dự thảo luật nên nói rõ là cấm giả mạo điều kiện đăng ký thường trú chứ không phải cấm không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. "Đi công tác nước ngoài hai năm mà xóa thì thành ra công dân không có nơi thường trú à? Như vậy là không thấy gốc vấn đề, phải xem kỹ lại", ông Hiện nêu quan điểm.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nếu muốn tăng cường quản lý thì khi xóa thường trú càng khó quản lý. Bà cũng cho rằng quản cư trú không thể nặng về cấm đoán. Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, nhiều quy định tại dự luật chỉ tạo thuận lợi cho quản lý, gây khó khăn cho dân.

Lưu ý với tiến trình sửa đổi Hiến pháp đang thực thi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu rà soát lại dự án luật để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân và sau khi thông qua Hiến pháp không phải làm lại. Theo ông, chỉ đưa ra điều kiện chứ không được cấm đoán quyền cư trú của công dân. "Việc gì mà phải cấm, phải xóa, phải cắt? Phải dùng cách văn minh lịch sự để người dân cảm thấy dễ chịu", ông yêu cầu.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tự do cư trú là quyền hiến định, nhà nước phải tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền này. Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5 tới đây.

Nguyễn Hưng

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/02/du-luat-cu-tru-thien-ve-cam-doan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét