Trường của em rách nát, nằm ở giữa rừng hoang….
Mười mấy năm trước, chuyến công tác đầu tiên trong đời làm báo, lên xã biên giới ở huyện Quản Bạ (Hà Giang), khi đi qua điểm trường nằm ở bản, mình tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy cái túp lều được gọi là lớp học, nằm trơ trọi giữa tứ bề núi đá trọc lóc.
Từ ngạc nhiên chuyển sang… khâm phục các cô các trò, bởi trường làng mình học ở vùng ngoại thành đất Cảng, ít nhất cũngcó bàn ghế gỗ đặt trên nền đất lồi lõm và ít nhất cũng có mái che nắng, tường che mưa, bảng đen để viết, chứ không thông thống, dột nát và trò phải ngồi thân cây, cô dùng tường nứa làm bảng, như trên miền núi…
Bao năm đi làm báo, có lúc chợt giật mình tự trách, bởi sự ngạc nhiên – khâm phục ngày xưa đã trở thành vô cảm, vì đến vùng cao biên giới nào, cũng vẫn gặp những lớp học – ngôi trường như thế, nằm heo hút giữa thung sâu – núi cao.
Mà không ít đâu nhé!. Càng những điểm trường nằm xa đường đi lại, càng gặp những cảnh rách nát và cô trò dạy và học, cứ như đánh trận.
Mùa hè còn đỡ, bởi mưa rào, còn lấy lá che đầu, giữ sách ngồi học.
Mùa đông dài dằng dặc, mới thấy cực khổ khi cả cô trò dúm dó như những con chuột, run cầm cập bởi gió lạnh vẫy vùng, sương mù luồn vào đặc quánh, che lấp cả tầm mắt trẻ con nhìn lên bảng.
Ối giời! Càng lên cao càng thấy hết rừng, núi đồi trọc lốc, đến kiếm củi nấu ăn còn khó, thứ để đốt, duy nhất là thân và lõi ngô để dành, sau vụ thu hoạch.
Chả thế mà bọn học sinh nội trú, cứ thứ 6 cuối tuần là được nghỉ buổi chiều, cho về sớm với bố mẹ, để ngày thứ Bảy và Chủ nhật đi kiếm củi, bòn lõi ngô, đầu tuần lếch thếch cùng sách vở – mắm muối đến Trường, để làm thứ nấu cơm canh, ăn cả trong tuần tới.
Mình không theo dõi về mảng Giáo dục – Y tế, nhưng cũng biết là đầu tư cho Giáo dục, nhất là xây dựng trường lớp các tỉnh vùng cao biên giới nhiều lắm.
Chả hiểu, số tiền ấy chậm giải ngân hay ở nước mình, nhiều cơ sở giáo dục quá mà qua bao năm, những nơi dạy con chữ – rèn con người vẫn cứ hồn nhiên đến mông muội, nguyên thủy vậy?.
Mình đang cùng các anh chị trong tít Sài Gòn huy động tiền bạc – công sức để triển khai xây dựng điểm Trường Háng Gàng (xã Pá Hu, Trạm Tấu, Yên Bái) 2 gian lớp học, tít trên đỉnh núi. Dẫu xa xôi, mọi thứ đều phải mang vác trên vai giáo viên, bộ đội, dân quân và phụ huynh, nhưng nhà lắp ghép, cũng chỉ gần 400 triệu.
400 triệu cho một ngôi trường rộng rãi, ấm áp, kín gió và dạy dỗ mỗi năm gần 100 đứa trẻ.
Chỉ 10 năm học, sẽ có cả nghìn đứa trẻ được học ra học, người ra người.
Như thế có hiệu quả – chất lượng, so với việc dạy khổ học sở như ở những nơi “trường của em rách nát, nằm ở giữa rừng hoang”, bây giờ không, nhỉ?..
* Hình ảnh do MTH, các Thành viên Chương trình Áo ấm biên cương và đồng nghiệp, ghi được trong các chuyến công tác, khảo sát tại các tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc. Một số ảnh đã được đăng tải trên mạng xã hội FB, OF, Phượt…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét