Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Vụ Philippines kiện TQ: Đến lúc VN cần điều chỉnh quan điểm?

Philippines tuyên bố cho dù có hay không có sự tham gia của Trung Quốc, Hội đồng phân xử Tòa quốc tế gồm 5 thành viên cũng sẽ được hình thành. Philippines dứt khoát theo đuổi vụ kiện, bất kể thái độ của Trung Quốc. Và đã đến lúc Việt Nam nên có những điều chỉnh về lập trường.
Chính phủ Philippines ngày 20/2 tuyên bố quyết định của Trung Quốc từ chối tham gia vụ Manila khởi kiện tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế. Thông cáo này được đưa ra từ dinh Tổng thống Philippines sau khi đại sứ Trung Quốc tại Manila, bà Mã Khắc Khanh, hôm 19/2 thông báo với Ngoại trưởng Albert del Rosario của Philippines rằng Bắc Kinh từ chối ra tòa.
Trung Quốc vẫn lớn tiếng, hành động của Philippines là "sai trái", "vô căn cứ" và "vi phạm sự đồng thuận trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC". Trung Quốc cùng các nước ASEAN bao gồm Việt Nam đã ký bản Tuyên bố này hồi năm 2002. Bắc Kinh viện dẫn DOC quy định là các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán hữu nghị và thương lượng giữa các bên có liên quan trực tiếp.
Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền đường lưỡi bò
Mắt khác, Trung Quốc kiên quyết nhắc lại quan điểm lâu nay rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể chối cãi ở Biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn được Trung Quốc phát họa từ cuối những năm 40. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định phản ứng của Trung Quốc không ảnh hưởng tới quá trình vụ kiện theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Philippines nói cho dù có hay không có sự tham gia của Trung Quốc, hội đồng phân xử của tòa quốc tế gồm 5 thành viên cũng sẽ được hình thành.
Ðơn kiện của Philipinnes nói rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp.


Phụ tá của Tổng thống Philippines, ông Rene Almendras, cho biết Philippines dứt khoát theo đuổi vụ kiện bất kể thái độ của Trung Quốc như thế nào đi chăng nữa. Ông cũng đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng tòa án quốc tế sẽ có quyết định và hành động ủng hộ Manila.
Ông Almendras nhấn mạnh đưa vụ kiện ra tòa quốc tế là biện pháp ôn hòa nhất, chứ không phải là một hành động thách thức Bắc Kinh. Hành động pháp lý của Philippines được tiến hành giữa lúc Manila cho biết không còn giải pháp ngoại giao và chính trị nào khác để giải quyết tranh chấp Biển Đông trước sự lấn lướt dồn dập của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez cho biết trong suốt 18 năm qua, nước ông đã giao tiếp với Trung Quốc trong rất nhiều cuộc đối thoại chính trị và ngoại giao, nhưng vẫn không thuyết phục được Bắc Kinh giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa vì Bắc Kinh khăng khăng đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển mà Trung Quốc, Philippines, và Việt Nam có ký kết, Manila giờ đây có 2 tuần để yêu cầu tòa quốc tế về Luật biển chỉ định một người đại diện cho Trung Quốc trong hội đồng phân xử.
Một khi Hội đồng triệu tập, phán quyết đầu tiên của họ sẽ là ra quyết định xem có thụ lý vụ kiện hay không.
Các viên chức của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 mà cả Trung Quốc và Philippines đều đã ký kết cho phép Manila yêu cầu tòa án phân xử mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc. Trợ lý Ngoại trưởng Philippines đặc trách vấn đề hải dương, ông Gilberto Asuque, nói rằng tiến trình trọng tài quốc tế dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển là có tính chất bắt buộc.
Ông Asuque nói: "Tiến trình đã bắt đầu. Tiến trình này không thể bị cản trở. Những hành động của Trung Quốc không thể cản trở sự hoàn tất của tiến trình này vì không có điều khoản nào trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển nói rằng chúng ta có thể gây cản trở hoặc can thiệp vào tiến trình này."
​​Philippines có lợi thế trong vụ kiện
Đơn kiện đòi trọng tài của Philippines cho rằng Trung Quốc vi phạm khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà Công ước Liên hiệp quốc đã qui định. Văn kiện này cũng nói rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp.
Hoa Kỳ và Việt Nam không phản đối việc Philippines đưa bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế hôm 22/1 vừa qua. Washington, Hà Nội và một số nước ASEAN đều tuyên bố ủng hộ các biện pháp ôn hòa, hợp pháp trong tranh chấp Biển Đông.
Giáo sư Myron Norquist, Phó Giám đốc Trung tâm Luật pháp và Chính sách Hải dương của Đại học Virginia, cho rằng vụ kiện này "khá bất thường" vì chỉ có sự tham gia của một bên trong vụ tranh chấp.
Ông Norquist nghi ngờ khả năng thành công của vụ kiện. Ông nêu câu hỏi: "Làm thế nào mà chúng ta có thể trông đợi một nước vốn dĩ đã không muốn vụ tranh chấp được giải quyết bởi một bên thứ ba lại cảm thấy bị ràng buộc bởi một quyết định của một tiến trình mà họ không tham gia."
Tuy nhiên, giáo sư Norquist cũng cho rằng vụ kiện này không phải là hoàn toàn vô ích, đặc biệt là vì Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển có nhiều tài nguyên này.
Ông Norquist nói: "Vụ kiện sẽ giúp Philippines đạt được một trong các mục tiêu của họ là thu hút sự chú ý đối với vấn đề này, và về mặt chính trị, nó giúp cho chính phủ Philippines có thể tuyên bố một cách mạnh mẽ là "Này nhé, chúng tôi đã cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình nhưng các ông lại không chịu như vậy."
Trong vài năm gần đây, chính phủ Philippines đã nhiều lần kháng nghị với Trung Quốc điều mà họ cho là những vụ xâm nhập ngày càng nhiều vào khu vực đặc quyền kinh tế của họ. Đồng thời, họ cũng ra sức tăng cường các mối quan hệ đồng minh trên trường ngoại giao khu vực để củng cố vị thế của họ trong vụ tranh chấp. Ngoài ra, quốc gia tương đối yếu về mặt quân sự này cũng thiết lập lại các mối liên hệ với Hoa Kỳ, là nước đã ký Hiệp ước Phòng thủ chung với Philippines và đang theo dõi sát những diễn tiến trong khu vực.
Sĩ quan tình báo thuộc Hạm đội Thái bình dương của hải quân Hoa Kỳ, Đại úy James Fanell đã có một nhận xét khá tiêu cực về những hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Hoa Ðông và Biển Ðông.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo về vấn đề quốc phòng ở California hồi tháng trước, Đại  úy Fanell mô tả các tàu hải giám Trung Quốc là "một tổ chức sách nhiễu chủ quyền biển đảo hoạt động toàn thời gian". Ông nói rằng ông không thấy có vụ việc hay tranh cãi nào trong vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và vì vậy, ông cho rằng lập trường của Trung Quốc là "của tôi là của tôi và chúng ta sẽ thương lượng với nhau về cái của anh."
Đại úy Fanell cho biết Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị thế trung lập trong những vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo nhưng Trung Quốc cần phải bảo đảm cho an ninh hải dương ở vùng Đông Á.
Trung Quốc lâu nay vẫn nhất mực chống đối những hành động của Philippines và các nước khác mà họ cho là quốc tế hóa vụ tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh cũng thường xuyên lên tiếng thúc giục Philippines thông qua các nỗ lực song phương để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Việt Nam nên điều chỉnh quan điểm
Các tranh chấp liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough và Biển Đông nói chung, đã tồn tại từ lâu, nhưng việc Philippines khởi kiện Trung Quốc trước một Tòa Trọng tài LHQ được thiết lập theo UNCLOS là lần đầu tiên một nước khởi kiện một nước khác trước trọng tài quốc tế.
Liên quan đến vụ kiện của Philippines, xin được nhắc lại tuyên bố của ngoại trưởng Phạm Bình Minh năm ngoái liên quan đến cáo buộc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Ông Phạm Bình Minh phát biểu: "Thứ nhất là tranh chấp lãnh thổ, thứ hai là hoà bình và ổn định trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nếu có bất cứ chuyện gì xảy ra trên Biển Ðông và thứ ba là các tuyến giao thông hàng hải. Nếu nhìn vào chừng ấy bối cảnh, chúng ta có thể nhận thấy bản thân Biển Đông đã là một vấn đề quốc tế".
Chủ quyền của một quốc gia rõ ràng không thể do quốc gia khác định đoạt. Chủ quyền của Việt Nam phải do Việt Nam quyết định! Chủ quyền của Việt Nam không thể trông chờ vào một bên thứ ba được. Lịch sử đã chứng minh chỉ có người lãnh đạo sáng suốt mới có thể giữ vững chủ quyền của dân tộc!
Nay là lúc "Việt Nam nên tìm một phán quyết ràng buộc trong quan hệ với Trung Quốc, hoặc tự mình khởi kiện giống Philippines, hoặc tìm cách tham gia vào chính thủ tục trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc". Đấy là ý kiến của chuyên gia Nguyễn Đăng Thắng, giảng viên khoa Luật, Học viện Ngoại giao Việt Nam về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa quốc tế về luật biển.
Còn theo ông Lê Vĩnh Trương, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đàm phán song phương về vấn đề Hoàng Sa, đa phương về tranh chấp Trường Sa và bảo vệ biển Đông.
Trên đây là những cơ sở để khẳng định chủ trương quốc tế hóa vấn đề tranh chấp. Rõ ràng, Biển Đông, ngoài các vùng nước thuộc quyền của từng quốc gia chiếu theo UNCLOS, là tài sản chung của thế giới và là con đường vận chuyển huyết mạch của các nước Nga, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc... Vì vậy, cần phải có sự góp hạ nhiệt của tất cả các nước có liên quan.
"Sức mạnh mềm" lớn nhất cần tạo dựng chính là một ASEAN hạt nhân, "ASEAN-6": bốn nước tiền tuyến Việt Nam, Philipinnes, Malaysia, Brunei và hai nước không đòi chủ quyền là Indonesia và Singapore (Indonesia là nước anh cả và Singapore là nước năng động và có nhiều sáng kiến trong khối).
Chỉ có một "ASEAN hạt nhân" mạnh, trong đó có tiếng nói của những thành viên không đòi chủ quyền mới góp thêm hy vọng để đẩy DOC lên COC giữa ASEAN với Biển Đông.
Bên cạnh đó, đúng như ông Lê Vĩnh Trương kêu gọi, cần tạo thế và kết lực bằng những biện pháp mềm như văn hóa, ngoại giao, truyền thông tích cực để luôn có thể vô hiệu hóa tất cả các ý đồ xâm lấn nhờ vào một mặt trận được tạo lập, gắn kết với toàn thế giới yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa.
Hải Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét