Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Nhật sang đông tìm Mỹ, Trung Quốc ngược bắc gặp Nga

Thế trận domino là không thể tránh khỏi; nước này phải dựa vào nước khác, kể cả các cường quốc cũng phải tạo vây cánh bảo vệ nhau. Chỉ duy nhất VN không cần dựa ai, tài thật, tài đến thế là cùng... (VN không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia).
Nhật sang đông tìm Mỹ, Trung Quốc ngược bắc gặp Nga
Chính sách 'ba không' của quốc phòng Việt Nam
Sớm nhất cũng phải đến trung tuần tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình mới có thể tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nga. Thế nhưng thông tin về cuộc gặp đã được tiết lộ từ lúc này không ngoài mục đích đáp trả cho cuộc hội đàm Mỹ - Nhật đang diễn ra.
Tổng thống Obama tiếp Thủ tướng Abe. Ảnh: AP
Cục diện thế giới đang rơi vào cảnh rối ren hiếm thấy. Cường quốc số 1 là Mỹ đã không còn giữ được vị thế tuyệt đối. Cường quốc đối thủ cũ là Nga đang muốn tìm lại sức mạnh trước đây. Trung Quốc ngày càng thể hiện sức mạnh cả về kinh tế và quân sự, đồng thời không che giấu tham vọng bá quyền ở các khu vực ảnh hưởng gần. Châu Âu tiếp tục suy yếu và vật lộn với các vấn đề nội tại từ vài năm nay.
Trong thế gườm nhau giữa các con hổ, không có gì ngạc nhiên khi các đám lửa xung đột và chiến tranh bùng phát ở khu vực Trung Đông và không có dấu hiệu bị dập tắt. Các cuộc nội chiến liên tục nổ ra khiến châu Phi chìm trong bất ổn như nhiều năm qua. Cũng không phải tự nhiên mà Iran và Triều Tiên có thể tập trung để phát triển chóng mặt các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân khiến thế giới phải lo ngại.
Đứng trước nguy cơ từ một Triều Tiên với các động thái khó lường và đặc biệt trước sức ép từ Trung Quốc, một đế quốc cũ là Nhật Bản đã liên tục có các bước đi đúng đắn. Thủ tướng mới mà cũ của Nhật Bản - ông Shinzo Abe - trong chuyến khởi hành đầu tiên của nhiệm kỳ mới đã chọn điểm đến là các nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Hành động này nằm trong chiến lược tạo mối liên kết với những nước cũng đang có xung đột lãnh hải với Trung Quốc, đồng thời mở một cánh cửa cho doanh nghiệp Nhật tìm kiếm cơ hội thoát ly khỏi công xưởng thế giới. Năm 2005, ông Abe đã chọn Bắc Kinh làm điểm đến đầu tiên sau khi đắc cử. Sau 7 năm, mối quan hệ tốt đẹp đã quay ngoắt sang thành thù địch.

Không dừng lại ở đó, ông Abe còn tìm cách mở rộng “vành đai bao vây” Trung Hoa bằng việc cung cấp tàu tuần tra biển cho Philippines, một hành động có giá trị không cao về vật chất nhưng lại cực kỳ ý nghĩa khi ngay chính các thành viên cùng khối ASEAN cũng chưa dám công khai ủng hộ Manila trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên là cơ hội không thể tốt hơn để Tổng thống Mỹ Obama, người mà từ khi thắng cử lần hai dường như đã một vài lần tránh né Tokyo, gặp ông Abe. Chủ đề chính là Triều Tiên, mục tiêu lớn khác của Washington là thuyết phục Nhật gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng điều dư luận trông đợi nhất chính là chủ đề Senkaku. Mặc dù các phát ngôn đến nay của cả hai phía còn tỏ ra khá thận trọng, nhưng chỉ việc đề cập đến nó thôi đã hàm chứa nhiều ý nghĩa, và khiến Bắc Kinh phải dè chừng.

Không phải vô cớ mà các nguồn tin ngoại giao của Trung Quốc tiết lộ Tổng bí thư Tập Cận Bình đã quyết định sẽ tiến hành chuyến thăm Nga sau kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 3 tới. Đương nhiên, Moscow không phải nơi duy nhất mà Bắc Kinh tìm sự ủng hộ khi tìm cách chọc thủng tuyến bao vây mà Nhật đang tạo ra. Nhưng với chuyến đi nước ngoài đầu tiên này, ông Tập nhắm tới nhiều mục đích. Thứ nhất, đáp lễ hành động thăm Bắc Kinh trước tiên mà Tổng thống Putin tiến hành sau khi trở lại điện Kremlin nhiệm kỳ 3. Thứ hai, thắt chặt quan hệ với Nga như một cách tạo đối trọng với chiến lược chuyển trục sang Thái Bình Dương của Mỹ. Thứ ba, là để phá thế liên hoành Mỹ - Nhật đang dựng nên.

Nga đang muốn phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông, biểu hiện rõ ràng là việc tổ chức hội nghị APEC 20 tại thành phố cảng Vladivostock. Hẳn Bắc Kinh không muốn chặn trước không để Moscow lại sớm bắt tay liên kết với Tokyo để thu hút nguồn đầu tư cho khu vực này.

Trung Quốc từng trở cờ với Liên Xô, dựa vào Mỹ, thu hút tiền từ Nhật để tạo nên sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Quốc gia này đang thực hiện triệt để châm ngôn “không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi vĩnh viễn”. Trong vòng xoáy hợp tung liên hoành của các cường quốc, những nước nhỏ hơn và kém phát triển dễ trở thành con bài đem ra mặc cả. Khi thế và lực không tương đương, đừng mong chuyện đàm phán công bằng. Việc hình thành liên minh với các nước có cùng hoàn cảnh và lợi ích vì thế là điều bắt buộc để có thể giữ được tiếng nói độc lập.
Cuộc chạy đua ngoại giao Nhật – Trung bắt đầu kịch tính
Obama-Abe: Kiên quyết với Bình Nhưỡng, cầm chừng với Bắc Kinh
Khẩu chiến Nhật – Trung leo thang ngay trong chuyến công du Mỹ của ông Abe
Kiện lên tòa án quốc tế: Bài học bảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc
Nguyên Phong

http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/nhat-sang-dong-tim-my-trung-quoc-nguoc-bac-gap-nga
----------
Chính sách 'ba không' của quốc phòng Việt Nam
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) tiếp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh. (Ảnh: THX/TTXVN)
Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định chính sách "ba không" của Việt Nam, và nhấn mạnh rằng mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước láng giềng là "tốt đẹp". 
Sớm hoàn thành đường dây nóng cấp cao Việt - Trung
60 năm quan hệ ngoại giao
Chính sách "ba không" mà Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhắc đến, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Việt Nam có liên minh quân sự với Mỹ hay không, cũng như phản ứng của Việt Nam trước sự lớn mạnh không ngừng của quốc phòng Trung Quốc.
Cuộc họp báo trên diễn ra trong chuyến thăm của Đoàn đại biểu Bộ quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu sang thăm Trung Quốc từ ngày 22-25/8 để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào 12/10 tới.
Trong thời gian ở thăm, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc hội đàm với Phó tổng tham mưu trưởng quân giải phóng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên, gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
Trong các buổi hội đàm và tiếp xúc, phía Việt Nam nhận thấy, những quan điểm mà Trung Quốc đưa ra phù hợp với quan điểm và các vấn đề mà ASEAN đã thống nhất. Trung Quốc bày tỏ ủng hộ Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà tổ chức thành công hội nghị lần này.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã chuyển lời mời tham dự hội nghị và thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tới Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có "đại cục quan hệ tốt đẹp", Việt Nam ủng hộ trước sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có phát triển quốc phòng. Sự ủng hộ ấy xuất phát từ lòng mong muốn và niềm tin Trung Quốc không sử dụng sức mạnh của mình để làm phương hại đến lợi ích của các nước khác, không làm phương hại đến hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trung Quốc có vai trò to lớn trong Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, nếu như Trung Quốc sử dụng sức mạnh quốc phòng của mình để tham gia vào cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm hoạ thì là điều rất tốt cho cả Trung Quốc và khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết quan hệ quốc phòng Việt Nam -Trung Quốc đang có bước phát triển tốt đẹp. Sự giao lưu hai bên diễn ra thường xuyên liên tục. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tháng 4 vừa qua đã có chuyến thăm đến Trung Quốc. Cuối năm nay, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 4, và đây là lần đối thoại cấp thứ trưởng đầu tiên giữa hai bên. Các hoạt động trên sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin, tăng cường quan hệ quốc phòng nói riêng và quan hệ hai nước nói chung.
(Theo VOV)
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2010/08/3ba1fb29/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét