Hướng đi của tỷ giá hối đoái năm 2013
Hoàng Tâm Nguyên
“... hướng điều hành tỷ giá năm 2013 sẽ giống như năm 2012. Lạm phát là một nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nền kinh tế èo uột như Việt Nam, do đó các đề nghị phá giá đồng nội tệ so với USD sẽ nhanh chóng bị bác bỏ vì mục tiêu kiềm chế lạm phát...”
Xu hướng diễn biến của lạm phát trong năm 2013 vẫn còn mịt mù nhiều ẩn số. Tuy nhiên, có lẽ không quá sớm khi đưa ra những tiên liệu về hướng đi của chính sách điều hành tỷ giá hối đoái năm nay.
Tình hình xuất nhập khẩu và dự trữ ngoại hối
Trong năm 2012, lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 15 tỷ USD, yếu tố giảm tổng cầu đã giúp cho tỷ giá Việt Nam năm 2012 ổn định. Kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu sấp sĩ ở mức 114,3 tỷ USD, lượng kiều hối ước khoảng 10,5 tỷ USD là liều thuốc tiếp sức quý báu cho tình trạng sức khỏe kinh tế khá nhạy cảm năm 2012. Lần đầu tiên kể từ năm 2007, cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2012 đã thặng dư 10 tỷ USD. Tình trạng xuất siêu xảy ra trong năm qua là hệ quả biểu hiện của một nền kinh tế suy giảm, hơn là dấu hiệu tích cực của tăng trưởng xuất khẩu. Bởi nền kinh tế Việt Nam phát triển là nhờ vào xuất khẩu, nhưng cơ cấu xuất khẩu lại chủ yếu phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Cả năm 2012, biên độ điều chỉnh tỷ giá tối đa được ghi nhận là +1%, tỷ giá bình quân liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 20.828 VND/USD.
Tình trạng lạm phát năm 2013 sẽ thể hiện nhiều qua CPI (chỉ số giá tiêu dùng) trong 2 tháng đầu năm. Tháng 1/2013, CPI đã tăng 1,25%; CPI của tháng 2 chỉ tăng 1,32%. Tính trong vòng 10 năm qua, CPI tháng 2/2013 đứng thứ hai về mức tăng thấp, khi chỉ cao hơn tháng 2/2009 (1,2%). Cần phải thấy rằng, nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2013 tăng thấp là do sức mua thấp, người tiêu dùng không thể mạnh tay chi tiêu; đây là hệ lụy từ việc 52.000 doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân đã giải thể hoặc phá sản. Các doanh nghiệp còn hoạt động thì chỉ sản xuất được từ 30% đến 40% công suất, thu nhập của người lao động giảm trong năm qua.
Tương tác giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2013 diễn ra sáng 9/1, Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, lạm phát là do cách điều hành đồng tiền. Theo Thủ tướng Dũng, Thống đốc Ngân hàng là thành viên chính phủ thì phải làm sao điều hành lạm phát thấp mà giúp tăng trưởng kinh tế cao. Xem ra ngay bản thân ông Thủ tướng cũng cảm nhận tính bất khả thi trong yêu cầu đặt ra, cho nên đã tự diễn giải đây không phải là những đòi hỏi duy ý chí nhưng là một mục tiêu kép.
Giữa tỷ giá hối đoái và lạm phát có tác động cộng hưởng. Chẳng hạn, căn cứ theo mô hình định lượng mà giới nghiên cứu tài chính Việt Nam thường sử dụng, nếu phá giá đồng nội tệ 1% sẽ tác động làm tăng CPI trong ngắn hạn khoảng 0,65% với độ trễ khoảng 3 tháng (trong điều kiện các nhân tố khác không đổi). Nếu điều chỉnh tỷ giá USD/VND ở mức tăng 3 - 4% sẽ gián tiếp làm tăng CPI ở mức 1,95 - 2,60% với độ trễ khoảng 3 tháng. Ngoài ra, mức độ lạm phát của Việt Nam liên quan với nhiều biến số khác nhau, chẳng hạn như tình hình kinh tế thế giới. Dự báo về tương lai kinh tế thế giới không giống nhau. Có ý kiến cho rằng, hiện đã có những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế thế giới, riêng khu vực Á châu đã có những bước đi vững vàng hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến như Ngân hàng Trung ương Hàn quốc (BOK) thì nhận định trong năm 2013, tình trạng kinh tế yếu kém sẽ kéo dài ở khu vực sử dụng đồng euro và kinh tế Mỹ chậm phục hồi. Một nền kinh tế còn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ mức độ hồi phục của kinh tế thế giới.
Tự bản thân tỷ giá không quyết định được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, vì nếu xem kim ngạch xuất khẩu là một hàm nhiều biến, thì tỷ giá hối đoái chỉ là một biến số. Và cần phải nhận định rằng, các tuyên bố giữ ổn định tỷ giá ngoại tệ cũng không hẳn chỉ có mặt tích cực, mặt trái của chủ trương này là sẽ kích hoạt luồng tiền nóng từ bên ngoài vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất và tận dụng bảo hiểm tỷ giá “miễn phí”.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng 15 tỷ USD và tiếp tục mua ròng 5 tỷ USD trong khoảng thời gian từ đầu năm 2013 đến trước Tết Nguyên đán, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước tới nay. Tự số liệu lượng dự trữ ngoại hối năm 2012 tăng gấp đối so với năm 2011 và tiếp tục mua trong hai tháng đầu năm 2013 đã phản ánh VND đã và đang chịu sức ép tăng giá so với USD, động thái Ngân hàng Nhà nước liên tục phải mua USD cần nhận định đã là một phương cách giữ cho VND không tăng giá gây bất lợi cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến phá giá đồng nội tệ không hẳn lúc nào cũng xuất phát từ nhu cầu mua ngoại hối hoặc các bức bách về thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng. Mặt khác, lượng dự trữ ngoại hối khoảng 20,9 tỷ USD (tính đến cuối tháng 12/2012) của Việt Nam chỉ là con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Theo số liệu đăng công khai của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ), ở cùng thời điểm, dự trữ ngoại hối của Malaysia là 140,4 tỷ USD (với dân số 29 triệu người); Singapore có 253,3 tỷ USD (với dân số hơn 5 triệu người); Thái Lan có 172,8 tỷ USD (với 67 triệu người); Philippin có 80,58 tỷ USD (với 103,7 triệu người). Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế trong hoàn cảnh không ổn định, giải pháp định giá thấp đồng nội tệ hay được các chính phủ đem ra sử dụng. Phá giá đồng nội tệ là một hình thức áp thuế tinh vi lên người làm công ăn lương.
Trước mắt, việc đưa VND ra mua USD để giữ ổn định giá nội tệ mà vẫn kiểm soát được lạm phát là cực kỳ khó. Quan điểm kiên trì kiềm chế lạm phát thể hiện rõ trong năm 2012 đã thắng thế. Có lẽ biên độ điều chỉnh tỷ giá hối đoái năm 2013 chỉ ở mức +/- 3%. Trong cuộc phỏng vấn ngày 22/2 vừa qua ở Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngay Thông đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng xem lạm phát là một nguy cơ có nhiều yếu tố sẽ xuất hiện trong năm 2013. Kiềm chế lạm phát thấp hơn là một trong những mục tiêu kinh tế của chính phủ Việt Nam trong năm 2013. Sau hết mọi vấn nạn, vào thời điểm đầu năm hiện nay đã xuất hiện hoàn cảnh thuận lợi cho lãnh vực tài chính của Việt Nam. Với lượng dự trữ ngoại tệ khả dĩ, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước có thể chủ động điều chỉnh tỷ giá theo nhiều hướng: giảm, giữ ổn định, hay để VND tăng giá so với USD.
Kết luận
Tất nhiên, sẽ có nhiều cân nhắc của các cơ quan hữu trách cho quyết định phá giá đồng nội tệ trong năm 2013 hay không. Thay vì đưa ra một lộ trình rõ ràng và minh bạch, các quyết sách tài chính của chính quyền hiện nay vẫn còn nghiêng về hình thức “đánh úp”, phía bị dính đòn luôn là người dân. Muốn vượt qua những bất trắc khôn lường của năm 2013, nhà điều hành cần phải tạo được niềm tin thị trường. Cú biến động ngày 21/2 làm giá vàng, USD đồng loạt tăng; thị trường chứng khoán tụt dốc (đạt mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 tháng) chỉ vì tin đồn lãnh đạo một ngân hàng bị bắt... Sự kiện này cho thấy rằng, các cơ quan chức năng đã phản ứng chậm chạp và lúng túng trước các tình huống bất ngờ, thị trường tài chính Việt Nam còn thiếu minh bạch và dễ vỡ.
Hơn nữa, thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là chuyển từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang đặt nền tảng vào tiêu dùng nội địa. Muốn tăng tiêu dùng, phải tăng thu nhập hộ gia đình. Đến lượt mức thu nhập lại tùy thuộc vào tình trạng lao động; với tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, khả năng tăng tiêu dùng gần như là một ảo vọng. Với hoàn cảnh thực tế như vậy, đề xuất của chúng tôi là: thuận theo diễn biến của thị trường, chọn ra các bước đi thích ứng; các cơ quan chức năng không nên chủ động phá giá đồng nội tệ.
Ngày 26/02/2013
Hoàng Tâm Nguyên
Hoàng Tâm Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét