Ông Bảy Nhị. Ảnh: H.L
|
1 - Tôi biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu (năm 1988) tại cuộc hội nghị mà ông là phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng chủ trì tại dinh Thống Nhất. Lần ấy tôi mới là giám đốc sở Nông nghiệp, nhưng được thay mặt uỷ ban tỉnh làm trưởng đoàn đi dự hội nghị. Với tâm trạng nặng nề về chính sách đất đai mất lòng dân và không nhất quán lúc đó, cũng như những chủ trương chính sách cải tạo công – nông – thương nghiệp, cấm chợ ngăn sông... còn ràng ràng đây, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước qua hơn mười năm, nên khi nghe ông phê phán "cán bộ miền Tây nhậu quá trời, lãng phí vô biên", tôi như "chạm nọc".
Không phải tôi ở trong phe nhậu, nhưng chữ "lãng phí" nói ra đây là chuyện vặt. Chuyện lớn tày trời là sự lãng phí ghê gớm về thời gian và vật chất với những cơ chế chính sách làm nghèo dân chúng và làm đất nước bị tụt hậu xa lắc so các nước trong vùng từng nghèo và lạc hậu hơn – cũng mới hơn một thập kỷ nay thôi – mà nay ta mơ được như họ.
Khi lên phát biểu tôi nhấn mạnh khuyết điểm này của Trung ương, gây lãng phí không thể chỉ tính bằng tiền và đặc biệt là vấn đề đất đai thì cả nước như "gà mắc tóc". Tuy biết tôi không ám chỉ cá nhân ông, nhưng tôi thấy ông có vẻ bực bội vì lời lẽ nặng nề.
Đọc "tự truyện" tới phần này, ông Bảy cười ngất nói. Có ông phó Văn phòng Trung ương hỏi một anh trong đoàn An Giang dự họp: "Thằng đó là ai mà ngang tàng vậy?"
2 - Nhận chức giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh, mơ ước của tui lúc đó là phải chi có mô hình nông nghiệp làm dịch vụ trọn gói cho nông dân, hướng họ vô chỗ làm ăn bài bản. Hồi xưa, nông dân Tứ giác Long Xuyên (TGLX) nghèo xơ xác, trong khi bên Chợ Mới làm lúa trúng thấy ham. Tui nói phải chi bên đây khá bằng Chợ Mới, chỉ bằng thôi thì cũng mừng rồi. Tới bây giờ, nhìn thấy cánh đồng mẫu ở vùng TGLX, nay có một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành do công ty CP BVTV An Giang và Syngenta đầu tư… giống như ước mơ, hoàn thiện dần theo mô hình doanh nghiệp hướng tới phúc lợi của nông dân.
Mùa lũ năm 1996, khởi đầu cho hệ thống kiểm soát lũ theo QĐ 99/TTg là việc đưa lũ ra biển Tây, đã xuất hiện những ý kiến trái chiều. "Đồng chí Sáu Dân thấy sự phức tạp đã yêu cầu ghi nhận, lắng nghe tất cả những câu hỏi, những ý kiến trái chiều và nói với các bộ rằng những ý kiến đó phải được giải đáp", GS Nguyễn Văn Hiệu nhớ lại. Cuối tháng 3.1996, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia tổ chức cuộc họp, GS Nguyễn Sinh Huy trình bày biện pháp lấp bảy con kinh chảy qua bảy cầu trên quốc lộ 91 đi Châu Đốc – Tịnh Biên; Trà Sư và Tha La phải làm đập cao su để kiểm soát lũ. Có ý kiến phản đối vì phía trên quốc lộ 91, nước sẽ "sình" lên và Campuchia sẽ kiện mình. Cắt nửa cây số đường quốc lộ thay bằng cầu cạn, cũng có một nhóm bảo chênh lệch nước, nhóm thì không. Nếu đợi tới mùa lũ mới biết có đúng như vậy không thì phải mất sáu tháng. GS Hiệu đề nghị: cứ cho là nước chảy về phía tây theo kinh Vĩnh Tế tới Lạc Quới, Tuần Thống. Sẽ đào kinh T5 để thoát lũ. Kinh hẹp giữa hai quả núi, làm sao chứa được lượng nước chảy từ Campuchia về? GS Hồ Chính lúc đó đưa ra chi tiết: có một dòng sông cổ chảy quanh quả núi.
"Làm sao tin được?", GS Nguyễn Văn Hiệu nghĩ ngay tới ông Bảy Nhị. "Hồi làm du kích, đi từ bờ bên đây sang bên kia phải khiêng xuồng lên bờ. Chênh lệch mực nước và dòng sông cổ là có thật. Với trí nhớ tuyệt vời, anh Bảy đã giúp cho công trình thiết kế, thi công nhanh hơn một năm trời sau khi tôi báo cáo với anh Tạn", GS Nguyễn Văn Hiệu kể lại.
Những năm đó, dân phải chạy lũ, mỗi mùa thiệt mạng ít nhất vài trăm người. Nhận gạo phát chẩn năm hết mùa lũ này tới mùa khác, người trồng lúa nói họ cảm thấy nhục khi ngửa tay xin gạo cứu tế.
Việc kiểm soát và từ từ sống chung với lũ bằng cách đưa dân lên gò cao, lập làng định cư, phát triển giao thông – thuỷ lợi, phát triển giáo dục cho dân vùng lũ là mong muốn của Thủ tướng. Từ tháng 4 đến tháng 9.1997, công trình đầu tiên của hệ thống kiểm soát lũ ở TGLX được "khai trương", kinh T5 được đặt tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dân "thấy nhục khi nhận gạo phát chẩn" đã dựng tượng Thủ tướng của mình ở đầu kinh để tưởng nhớ.
3 - Có thêm 10 triệu tấn lúa từ công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười và TGLX, Liên hiệp quốc công nhận kỳ tích vượt qua nạn đói trở thành cường quốc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ra quyết định 99/TTg Thủ tướng đã 74 tuổi. Người nói xuôi, nói ngược ông cũng lắng nghe hết.
Tới chuyện con cá tra, Thủ tướng ra quyết định dẹp cầu tõm vì thấy cầu tõm thì ai thèm mua cá nữa!
Tứ giác Long Xuyên (1988 – 2012)
Diện tích trồng lúa ở TGLX: 765.600ha, trong đó An Giang: 433.300ha, tổng sản lượng lúa 2.717.353 tấn/tổng sản lượng toàn vùng: 4.737.357 tấn. Tại Kiên Giang có 130.000ha trong TGLX. Năm 2011: sản lượng lúa trên 1,9 triệu tấn/tổng sản lượng cả tỉnh: 2,280 triệu tấn. Diện tích nuôi tôm trong vùng TGLX: 1.500ha, năm 2015: 5.000ha; sau năm 2015: 10.000ha. Sau 20 năm khai thác vùng TGLX đóng góp 20% GDP cả tỉnh Kiên Giang.
|
Chương trình chinh phục TGLX đến năm 1988, trong ký ức ông Bảy, đất tây sông Hậu nghèo nên làm lúa không đẹp như bên Chợ Mới. Con gái bên đây cũng queo quắt hơn bên cù lao. "Phải chở phân apatit Lào Cai từ ngoài Bắc về cải tạo đất phèn ở TGLX, phải làm nhiều thứ để dân TGLX biết mình yếu cái gì? Cùng ở TGLX tại sao người nghèo bên An Giang nhiều hơn bên Kiên Giang? Dân bên đó họ chịu khó bám giữ đất nên quy mô đất đai lớn hơn. Hễ chịu học thì làm giỏi".
Nhà nước giao nông dân miền Tây làm lúa, lo lương thực quốc gia và thế giới nữa. Bây giờ, chuyện nóng hổi là biến đổi khí hậu, bản tin mới đây nói năm 2060 nhiệt độ tăng 4ºC, nước biển dâng cao… An Giang chắc tiêu! Làm gì để giữ được công sức của dân?
Thủ tướng ra quyết định 99/TTg xuất phát từ nhân tâm, nhưng hồi đó một cán bộ của bộ Giao thông về An Giang công tác, ngồi trên xe nói: "Ổng đưa ra vậy thôi chứ vài năm nữa nghỉ hưu rồi, ai mà làm? Tới nay lộ 91 đã xong đâu! Trong khi đó, cầu qua sông Hồng đã năm cây rồi, sẽ làm thêm hai cây nữa".
Trời sanh đồng bằng sông Cửu Long để làm lúa, nuôi cá… Lúc sinh thời, Thủ tướng vẫn thấy ngổn ngang nhiều chuyện, muốn đi Hà Lan để học hỏi, đã hẹn rồi nhưng mọi việc chưa xong thì Thủ tướng đột ngột qua đời.
Nhân chứng Bảy Nhị, trên khuôn mặt vốn dĩ hóm hỉnh ấy, thoáng nét buồn!
HOÀNG LAN (LƯỢC THUẬT)
http://sgtt.vn/Bao-xuan/Bao-xuan-2013/174507/Nhan-chung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét