Các nhà khoa học đang bị lãng quên?
(Kienthuc.net.vn) - “Việc đổi tên Viện KH&CN Việt Nam và Viện KH&XH Việt Nam thành Viện Hàn lâm không có gì đặc biệt cả. Sẽ không có sự đột phá chỉ bởi thay đổi cái tên”, GS.TSKH Ngô Việt Trung chia sẻ với phóng viên.
Là một nhà khoa học đang làm việc trong Viện KH&CN Việt Nam (từ ngày 22/2 là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), cảm giác của ông như thế nào với việc đổi tên thành Viện Hàn lâm?
Đây là một tên gọi tự nhiên nếu nhìn vào lịch sử ra đời của Viện KH&CN Việt Nam. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Chính phủ đã có kế hoạch thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam theo mô hình các Viện Hàn lâm ở các nước XHCN.
Theo tôi việc đổi tên viện lần này là để phân biệt với hàng trăm viện tràn lan ở Việt Nam hiện nay. Hiện đâu đâu cũng có viện khoa học. Ngay trong chính Viện KH&CN Việt Nam cũng có hàng chục viện nghiên cứu. Viện trong viện, đó là sự bất hợp lý. Tôi thấy việc đổi tên như vậy là bình thường.
Khi nói đến một Viện Hàn lâm khoa học, nhiều người cho rằng đó phải là một nơi đỉnh cao về khoa học, về kiến thức, cũng như nhà khoa học làm việc ở đó phải là những nhà khoa học hàng đầu. Liệu sau khi đổi tên, 2 viện này có đáp ứng được yêu cầu đó?
Đúng vậy. Đây thường là nơi tập trung các nhà khoa học hàng đầu. Thế hệ chúng tôi coi việc được vào làm việc tại Viện KH&CN Việt Nam là một vinh dự và các vị lãnh đạo Chính phủ trước đây thường tham khảo ý kiến của các nhà khoa học của Viện. Vì vậy Viện KH&CN đã thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn và khảo sát trong những năm 70-90. Hiện nay, Chính phủ dường như đã quên mất các nhà khoa học Việt Nam.
Các nhà khoa học đang bị lãng quên thưa ông?
Việc hành chính hóa hệ thống khoa học và chế độ đãi ngộ thấp đã làm nản lòng tất cả những ai muốn theo đuổi con đường khoa học. Có thể nói không đâu trên quả đất này có chế độ lương bổng cho các nhà khoa học thấp như vậy. Hệ thống khoa học của chúng ta không theo một chuẩn mực quốc tế nào cả. Vì vậy, không lấy gì làm lạ nếu nhân lực và vật lực của Viện KH&CN Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được các nhiệm vụ ghi trong quyết định thành lập Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Theo ông thì ở Việt Nam có cần thiết phải có một viện hàn lâm?
Tôi nghĩ cái tên Viện Hàn lâm không quan trọng. Đó là viện hàn lâm hay viện gì đấy thì cũng được. Quan trọng là chúng ta làm gì để thúc đẩy sự phát triển bằng khoa học, đủ sức giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra.
GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học. |
Ra đi vì không thấy tương lai
Khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một nhà khoa học, ông thấy chúng ta đã làm được điều này chưa?
Trên văn bản giấy tờ, chủ trương chính sách thì khoa học công nghệ lúc nào cũng là quốc sách hàng đầu. Đâu đâu cũng hô hào khẩu hiệu phải quan tâm đến khoa học, khoa học phải là động lực phát triển kinh tế. Thế nhưng thực tế thì khác? Quốc sách gì mà càng ngày càng ít người theo đuổi sự nghiệp khoa học. Chỉ còn rất ít giới trẻ say mê khoa học thì họ đều tìm cách du học và ra đi không trở lại vì không nhìn thấy tương lai trên quê hương mình.
Ông có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?
Một ví dụ đơn giản khác là việc xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Ở nhiều nước đều có bảo tàng này. Nó phải được đặt ở nơi trung tâm, người dân vào tìm hiểu khoa học, mở rộng hiểu biết về thế giới tự nhiên. Có quyết định thành lập của Chính phủ rồi nhưng đã nhiều năm trôi qua mà vẫn chưa có đất xây Bảo tàng. Cứ sau mỗi lần được giới thiệu chỗ nào thì sau một thời gian thành phố lại duyệt cho dự án khác. Chỗ được giới thiệu mới lại lùi xa thành phố thêm chục cây số. Nếu cuối cùng được đất xây thì chắc cũng chả có người đến xem vì xa quá. Lãnh đạo thành phố không biết có thông suốt các nghị quyết về khoa học và trí thức không.
Có lẽ các bậc lãnh đạo nhiều việc phải lo, phải làm quá. Một cái bảo tàng thì có gì là quan trọng đâu?
Thì thế, ai cũng nghĩ thế thì khoa học làm sao phát triển được.
Còn việc đầu tư cho khoa học thì sao thưa ông. Tôi thấy năm nào các nhà khoa học cũng tiêu không hết tiền?
Ngân sách không nhỏ nhưng sử dụng và phân bổ ngân sách không hiệu quả. Người ta thường chia ngân sách khoa học cho các bộ và các tỉnh rồi các nơi này lại chia thành các đề tài nghiên cứu và triển khai. Việc làm này không hiệu quả vì những người duyệt đề tài không phải là các nhà khoa học và số tiền thực sự dùng cho việc thực hiện đề tài đã rơi rớt dọc đường phần lớn.
Tại sao không dùng phần lớn ngân sách này trả lương cho các nhà khoa học thực sự và ưu tiên cho họ thuê hoặc mua nhà ở để họ có thể an tâm theo đuổi sự nghiệp khoa học? Chỉ khi nào các nhà khoa học có một sự ổn định về cuộc sống thì giới trẻ mới dám làm khoa học
Khó tìm nhà khoa học đầu đàn
Là một nhà khoa học làm quản lý, ông đánh giá thế nào về đội ngũ các nhà khoa học làm quản lý hiện nay?
Việc hành chính hóa hệ thống khoa học còn dẫn đến việc nhiều lãnh đạo các cơ quan khoa học có xuất thân từ các phòng ban mà chưa làm khoa học bao giờ hoặc có thời gian làm khoa học quá ngắn ngủi. Trên thế giới thì lãnh đạo các cơ quan khoa học bao giờ cũng phải là các nhà khoa học đầu đàn. Bây giờ thì chọn được một nhà khoa học đầu đàn cũng khó vì chúng ta không đánh giá trình độ của các nhà khoa học theo các chuẩn mực khoa học. Điều này dẫn đến việc ai cũng giống ai ở học vị và chức danh. Vừa qua chúng tôi bỏ phiếu quy hoạch cán bộ lãnh đạo Viện giai đoạn 2016-2020. Trong bản giới thiệu trình độ các ứng viên chỉ có mục học vị, chức danh và các bằng cấp quản lý và chính trị, nhưng không có mục thành tích nghiên cứu và giải thưởng khoa học.
Nghĩa là nhiều vị trí lãnh đạo nhà khoa học nhưng lại không hề có trình độ khoa học?
Trong hệ thống khoa học, những cán bộ hành chính đóng vai trò chủ đạo chứ không phải các nhà khoa học. Các trường và các viện đều có những phòng ban tổ chức hay kế hoạch tài chính đóng vai trò quản lý giống như các vụ ở các Bộ. Trước kia, những phòng ban này chỉ mang tính chất giúp việc cho lãnh đạo nhưng với thời gian chúng đóng vai trò lãnh đạo các nhà khoa học luôn.
Nhưng người có chuyên môn giỏi chưa chắc đã quản lý giỏi, và ngược lại?
Chúng ta hay dùng từ “quản lý khoa học”, nhưng trên thế giới làm gì có từ này. Nghiên cứu cái gì do chính cá nhân hay tập thể các nhà khoa học quyết định. Tự do học thuật là một điều được ghi trong hiến pháp nước Đức. Nhà nước chỉ có thể định hướng nghiên cứu khoa học thông qua việc phân bổ kinh phí ở tầm vĩ mô. Có rất nhiều những bất cập như vậy trong hệ thống khoa học Việt Nam và buồn hơn là những người có trách nhiệm không có quyết tâm thay đổi thực trạng này.
Xin cảm ơn ông!
- Viện Hàn lâm ở Việt Nam không có chức năng phong viện sỹ. Một số người cho rằng liệu có dẫn đến tình trạng “loạn viện sỹ” giống như loạn giáo sư hay phó giáo sư không, thì tôi khẳng định là không có chuyện đó. - Trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội liên quan tới đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ... http://kienthuc.net.vn/khoa-hoc/201302/Cac-nha-khoa-hoc-dang-bi-lang-quen-896837/ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét