Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

GIỎI VÀ NGHÈO (Giỏi = Nghèo và Dốt = Giàu)

Phạm Xuân Cần
Từ xưa đến nay cứ nói đến Nghệ Tĩnh là người ta nghĩ ngay đến hai “đặc sản”: Học giỏi và nghèo. Cái sự giỏi và nghèo ấy đã được hình tượng hóa bằng ông đồ Nghệ và con cá gỗ trứ danh. Trong kho tàng văn học dân gian của ta những người giỏi giang như thầy đồ, hay anh học trò đều nghèo rớt mùng tơi, còn những kẻ dốt nát lại giàu nứt đố đổ vách bao giờ cũng là quan lại và mấy ông phú hộ. Hàng trăm, hàng nghìn năm như thế vô hình chung người ta thừa nhận cái đẳng thức: Giỏi = Nghèo và Dốt = Giàu như một chân lý thuộc hàng tiên đề. Cấm cãi! Và, tai hại hơn là từ tiên đề đó đã đẻ ra hàng loạt những định lý và hệ quả khác, như: ghét người giàu sang (có độc mới có, phủ như chó mới giàu) và tự ru ngủ cái nghèo (thanh bần lạc đạo). 
Bước vào thời kỳ mới, chính sự công bằng mà nghiệt ngã của kinh tế thị trường đã làm thay đổi các thang bảng giá trị. Không ai còn tự ru ngủ cái nghèo của mình được nữa khi ba bề bốn bên hàng xóm đã phất lên, khi sự thật đã phơi bày cái giàu không hẳn đã xấu, đó là chưa kể giàu thì dễ sang, còn nghèo thì khó tránh khỏi hèn, muốn không hèn chỉ có thể... gàn.

Và, đặc biệt hơn sự giao lưu quốc nội và sự hòa nhập quốc tế đã dần hé lộ cho dân Nghệ biết một sự thật khác: có nhiều và rất nhiều người vừa giỏi vừa giàu, mà họ lại giàu lên bằng chính cái giỏi của mình. Ngay dân Nghệ quê mình cũng đã có nhiều tấm gương như thế. Vậy thì té ra cái đẳng thức nói trên chính là bất đẳng thức, cái tiên đề xưa nay thừa nhận chính là ngụy đề.

Tôi cho rằng ngộ ra sự thật đơn giản và hiển nhiên này thực sự là một cuộc cách mạng về nhận thức và tư tưởng của người Nghệ. Nếu như Đổi mới đã bắt đầu từ đổi mới tư duy, thì đây mới thật sự là sự thay chuyển tư duy căn cốt nhất của “dân choa”. Trên các trang mạng xuất hiện một câu (chưa biết định danh cho nó là gì, tục ngữ chăng?), chắc là của học trò xứ Nghệ: “Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi tại sao giỏi mà vẫn nghèo?”. Nghe qua tưởng như đùa, nhưng thực ra có câu hỏi nào nghiêm túc đến đau đớn như câu hỏi này?

Người ta chỉ có thể làm được cái gì người ta có trong đầu. Trong đầu của người Nghệ đã có chữ giàu, nhưng từ chỗ có chữ giàu trong đầu, đến chỗ biết biến chữ giỏi thành chữ giàu là một chặng đường khác khó khăn, nghiệt ngã hơn nhiều.
Công bằng mà nói từ trước đến nay có nhiều người được cho là học giỏi, cũng có quyết tâm biến giỏi thành giàu mà không được. Họ chỉ góp thêm “ví dụ” cho cái đẳng thức - tiên đề nói trên mà thôi. Sự thất bại của họ có nhiều nguyên nhân, nhưng rất có thể nguyên nhân chính nằm trong sự “giỏi” của họ. Cả đất nước đổi mới, nhưng giáo dục đào tạo lại đang là toa tàu sau rốt, nặng nề, ì ạch và thậm chí có nguy cơ đã đi chệch đường ray tiến bộ của nhân loại. Thay vì dạy và học sự sáng tạo, người ta lại đã và đang cố công đúc người học trong những cái khuôn giáo điều. Ít ra là trong thời buổi kinh tế thị trường này một người học giỏi, nhưng là giỏi giáo điều liệu có thích nghi hơn một người không giỏi nhưng được rèn dũa trong môi trường sáng tạo? Điều này giải thích tại sao nhiều người học giỏi mà hành thì kém. Rõ ràng, giỏi là giỏi sự sáng tạo, nếu giỏi giáo điều thì nguy cơ vô dụng, vô dụng cho mình, cho gia đình và quê hương là điều tất yếu.
Cách đây trên dưới hai mươi năm, tại cuộc Hội thảo khoa học “Nghệ An trong tiến trình đổi mới” do Trung tâm KHXH&NV quốc gia và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, một giáo sư gốc Nghệ cũng đã khuyến cáo người Nghệ nên hướng sự học sang khu vực gia dụng, thiết thực, chắc giáo sư muốn nói đến tính thực dụng của sự học. Quan sát trong thực tế chúng ta đã có thể ghi nhận được sự chuyển hướng đó. Với dân ta đó là một sự chuyển hướng tích cực. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải học cho được sự sáng tạo, mà điều này thì không nhất thiết phải có bằng cấp cao.
Nếu thật sự có sáng tạo người Nghệ sẽ thành công, kể cả trên lĩnh vực kinh tế và nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Và, khi đó Giỏi sẽ = Giàu, chí ít cũng là không nghèo.

Thế nhưng đó mới là lời giải cho câu chuyện giỏi và nghèo của một cá nhân, một gia đình. Để cho cả quê hương này bứt phá, để thoát nghèo, để giàu còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu giỏi = giàu, mà quê ta vẫn nghèo, thì đừng tìm câu trả lời đâu xa, khách quan, chủ quan gì cho mệt. Câu trả lời nằm ngay ở chỗ cái giỏi đã không được sử dụng, nguồn tài nguyên con người đã bị lãng phí kinh khủng, thậm chí không ít trường hợp đã bị tận diệt! Đành rằng người tài thật sự thì phải biết tự sử dụng mình, nhưng đứng về phương diện xã hội để lãng phí người tài, người giỏi là cái tội của các nhà lãnh đạo và quản lý! Đó là gốc rễ sâu xa và trực tiếp nhất của cái nghèo, một người bạn “kinh niên” của quê Nghệ ta!
Vì vậy, suy cho cùng người giỏi nhất chính là người biết quy tụ và sử dụng được những người giỏi khác, kể cả người giỏi hơn mình. Để cho cả quê hương này bừng sáng, Nghệ An đang cần MỘT NGƯỜI và một số người như thế.
http://www.faxuca.com/2013/02/gioi-va-ngheo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét