Chứng khoán mất tỷ USD vì 'sếp ngân hàng bị bắt'
Thị trường chứng khoán (TTCK) chao đảo mất hàng chục phần trăm trong chỉ vài ngày. Hệ lụy của tin đồn, nhất là tin đồn trong lĩnh vực ngân hàng đến TTCK dường như ngày càng tệ hại.
Náo loạn tin đồn Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt
Công an điều tra thủ phạm tung tin Chủ tịch BIDV bị bắt
Công an điều tra thủ phạm tung tin Chủ tịch BIDV bị bắt
Chao đảo vì tin đồn
Đúng sau 6 tháng sau thảm họa “bầu Kiên”, TTCK Việt Nam lại chứng kiến một phiên hoảng loạn. Chỉ trong 30 phút cuối phiên 21/2 hàng loạt lệnh bán khủng ồ ạt tung ra nhấn chìm thị trường, bất chấp mọi lực đỡ sàn, bắt đáy.Hàng loạt cổ phiếu tốt xấu nhanh chóng giảm sàn như PVX, PVF, REE, SCR, VND, KLS, BVS… Nhiều mã trên sàn chứng khoán Hà Nội nhanh chóng chuyển từ trạng thái tăng trần sang “lau sàn” với biên độ giao động lên tới 20% (biên độ mới +/-10% áp dụng từ 15/1).
Nhà đầu tư đồng loạt tháo chạy khiến VN-Index giảm hơn 18 điểm xuống 476 điểm, trong khi HNX-Index giảm 5,3% (HNX30-Index đo lường 30 cổ phiếu lớn có thanh khoản cao nhất thị trường thậm chí giảm 7,23% - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử kể từ khi HNX30-Index ra đời).
Trên các diễn đàn giới đầu tư nhỏ lẻ hoang mang không biết thực hư như thế nào, chỉ biết bấm lệnh bán đua theo các lô hàng lớn được tung ra bán ồ ạt. Tất cả những thông tin nhà đầu tư nhỏ lẻ biết khi đó là đại gia xây dựng PVX thông báo lỗ khủng hơn 1.200 tỷ năm 2012. Tuy nhiên, giải thích xem ra không hợp lý bởi PVX chỉ là một doanh nghiệp và hoạt động thuần túy trong lĩnh vực xây dựng.
Diễn biến bán tháo bằng mọi cách (khiến TTCK bốc hơi 1,6 tỷ USD trong chốc lát) được đánh giá khá giống với thời điểm ông Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên, một ông trùm trong ngành ngân hàng bị bắt.
Chỉ một lúc sau khi hai sàn chứng khoán đóng cửa, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sau khi bán dứt tay mới biết, TTCK rơi tự do là do các nhà đầu tư lớn bán tháo khi nhận được tin đồn bịa đặt Chủ tịch Ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà bị bắt.
Trước đó, ngày 2/11/2012, giới đầu tư cũng đã có một phiên thực sự sóng gió khi ông Đặng Văn Thành chính thức rời khỏi ghế Chủ tịch HĐQT Sacombank. TTCK đã ngay lập tức bốc hơi hơn 1 tỷ USD với 400 mã giảm điểm, trong đó có hơn 210 mã giảm sàn.
Sự rút lui của ông Thành trên thực tế là có ảnh hưởng tới TTCK bởi Sacombank là một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu và gia đình ông Thành đang nắm giữ rất nhiều cổ phiếu từ ngân hàng, BĐS tới mía đường... Tuy nhiên, điều khiến thị trường u ám, các nhà đầu tư ồ ạt bán ra lại là các tin đồn liên quan tới việc ông Thành bị bắt, bị xét xử… Các thông tin không được công bố rõ ràng để phủ nhận các tin đồn này.
Trước đó nữa, sự lan truyền của tin đồn và sự việc bầu Kiên bị bắt cũng đã khiến TTCK “không cánh mà bay” mất 3,85 tỷ USD trong 3 ngày (từ 21-23/8/2012). Sau 3 phiên lao dốc, VN-Index mất 10% còn HNX-Index mất 13,4% giá trị. Thị trường thậm chí còn bị ảnh hưởng trong nhiều phiên sau đó.
Không chỉ ACB, Sacombank, BIDV, hồi đầu tháng 9/2012, giới đầu tư còn chứng kiến tin đồn thất thiệt Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh bị bắt. Hay như tin đồn CEO Bản Việt “bị công an mời”, tin đồn chủ tịch Masan - Nguyễn Đăng Quang bị bắt…
Trục lợi hay phá hoại TTCK?
Có thể thấy, một điểm chung trong các phi vụ đưa thông tin thất thiệt là, tin đồn thường nhắm tới những doanh nhân đứng đầu tại các doanh nghiệp, tổ chức lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường.
Trong các “bị hại” nói trên Sacombank, ACB, BIDV, Techcombank là những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Trong khi đó, Masan lại là doanh nghiệp có quy mô lớn có thể có ảnh hưởng rất lớn tới chỉ số VN-Index trên TTCK.
Trong trường hợp tin đồn thất thiệt BIDV nói trên, những người tung tin đã đánh trúng vào tâm lý bầy đàn, tâm lý dễ bị tổn thương sau hai vụ “bầu Kiên” và gia đình ông Đặng Văn Thành.
Điều đáng nói là, chỉ với 1 tin đồn “không đâu vào đâu” mà TTCK mất 1,6 tỷ USD - một con số quá lớn so với quy mô vẫn còn nhỏ bé của thị trường Việt Nam. Sự bất ổn định này có thể sẽ làm mất uy tín đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mất hàng trăm triệu cho tới vài tỷ đồng chỉ riêng trong phiên 21/2.
Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà, những kẻ tung tin đồn trong vụ việc gần nhất này có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các TTCK, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Tin đồn ra, giá cổ phiếu giảm đồng loạt nhưng giao dịch lại tăng mạnh.
Không chỉ ông Hà, nhiều chuyên gia và nhà đầu chứng khoán khác cũng tỏ ra bức xúc, lên ánh mạnh mẽ và yêu cầu làm rõ phiên giao dịch hôm 21/2/2013. Theo họ, đây là thời điểm TTCK cần khôi phục niềm tin từ giới đầu tư trong và ngoài nước để hút vốn vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu.
Việc xác định những tin đồn thất thiệt, tin đồn lũng đoạn thị trường cần được xử lý nhanh chóng. Các cơ quan chức năng có thể tạm ngừng giao dịch và phát đi những thông báo chính thức để tránh những tổn thất không đáng có.
Mạnh Hà
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/109984/chung-khoan-mat-ty-usd-vi--sep-ngan-hang-bi-bat-.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét