Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Trả lời bạn đọc về cách tính CPI quý khi làm các mô hình toán kinh tế

Trả lời bạn đọc về cách tính CPI quý khi làm các mô hình toán kinh tế
(viết vội trước khi đi làm, định sẽ bổ sung thêm khi có thời gian)
Hỏi:
Chào chú ạ. Chú ơi, chú vui lòng cho cháu hỏi chú có tìm hiểu về cách tính chỉ số CPI theo quý không ạ?
Theo Tổng cục thống kê và các báo cáo số liệu thường công bố tốc độ tăng CPI hoặc chỉ số CPI theo tháng hoặc bình quân năm thôi ạ.
Cháu có tham khảo một vài cách tính chỉ số CPI nhưng không biết nên tính như thế nào là chính xác.

- Cách 1: Lấy chỉ số giá của tháng này so với tháng trước đó để thấy tỷ lệ tăng/giảm của từng tháng. Sau đó cộng dồn tất cả tỷ lệ theo quý hoặc theo năm lại thành con số tăng giá của quý/năm.
- Cách 2: Đem chỉ số của tháng này so với chỉ số của tháng cùng kì năm trước đó. Tỷ lệ chênh lệch là tỷ lệ tăng giá mỗi tháng. Lấy trung bình cộng của 3 tháng (12 tháng) chính là CPI của quý (năm).
- Cách 3: Lấy chỉ số CPI từng tháng chia cho 100, nhân các số đó lại theo tứng quý (năm) rồi lấy tích trừ đi 1. Nhân số tìm được với 100 = chỉ số CPI của quý (năm).
- Cách 4: Lấy chỉ số tháng cuối cùng của quý làm chỉ số CPI của quý đó.
Mong chú chỉ dẫn cho cháu để cháu nắm bắt được phương pháp tính CPI theo quý (năm) từ chỉ số CPI hằng tháng với ạ.


Trả lời:
Chào bạn,

1) Về 4 cách tính CPI quý bạn gợi ra, xin được trả lời bạn thế này:

Cách 1: Lấy chỉ số giá của tháng này so với tháng trước đó để thấy tỷ lệ tăng/giảm của từng tháng. Sau đó cộng dồn tất cả tỷ lệ theo quý hoặc theo năm lại thành con số tăng giá của quý/năm.
Cách làm này trong thực tế cũng gần đúng, song không đúng với lý thuyết. Theo lý thuyết, tốc độ tăng qua hàng tháng, hàng năm phải là nhân liên tiếp, giống như cách tính tốc độ tăng trưởng kinh tế vậy: Tháng này bằng tháng trước nhân với tốc độ tăng lên trong tháng mà.
Ví dụ tỷ lệ tăng giá tháng 1 (so với tháng 12 năm trước) là 1%, tháng 2 (so với tháng trước) là 3%, tháng 3 (so với tháng 2) là 2% thì chung của 3 tháng được tính theo công thức:
1.01 * 1.03 * 1.02 = 1.0611 tức lạm phát cả quý 1 là 6,11%. Còn phép cộng của bạn ra xấp xỉ là 6%. Nếu các tỷ lệ lạm phát thấp thì dùng phép cộng sẽ không sai nhiều, nhưng nếu cao thì sẽ sai lớn so với số thật.

Cách 2: Đem chỉ số của tháng này so với chỉ số của tháng cùng kì năm trước đó. Tỷ lệ chênh lệch là tỷ lệ tăng giá mỗi tháng. Lấy trung bình cộng của 3 tháng (12 tháng) chính là CPI của quý (năm). 
Cách 2 này cũng đúng và được quốc tế hay sử dụng. Đây là cách đúng nhất. Tuy nhiên đối với VN lại chưa dùng được. Đó là vì hệ thống thống kê của VN còn khác quốc tế.
Theo cách làm của quốc tế, đọc báo thấy nói lạm phát tháng 3 là 2%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá tháng 3 năm nay tăng 2% so với mặt bằng giá tháng 3 năm trước.
Còn ở ta, đọc báo thấy nói lạm phát tháng 3 là 2%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá tháng 3 năm nay tăng 2% so với mặt bằng giá tháng 2 cũng của năm.
Tương tự, đọc báo quốc tế thấy nói lạm phát năm 2012 là 6%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá trung bình tất cả các tháng của cả năm 2012 tăng 6% so với mặt bằng giá trung bình tất cả các tháng của cả năm 2011.
Nhưng đọc báo ở ta thấy nói lạm phát cả năm 2012 của VN là 6%, phải hiểu điều đó nghĩa là mặt bằng giá tháng 12 của năm 2012 tăng 6% so với mặt bằng giá tháng 12 của năm 2011.

Khi nghiên cứu quan hệ giữa các chỉ tiêu kinh tế, nhất là trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế lượng, điều cực kỳ quan trọng là phải đảm bảo tính đồng nhất giữa các chỉ tiêu. Nếu CPI cả năm đã được xây dựng theo nguyên tắc lấy giá tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước thì CPI quý cũng phải như vậy, tức là phải lấy giá tăng tính đến cuối quý so với giá của cuối quý trước trong cùng năm..
Do đó, nếu bạn sử dụng CPI quý theo cách làm của quốc tế thì khi xây dựng mô hình kinh tế lượng (gồm nhiều phương trình) trong đó chắc chắn sẽ có mặt biến số CPI năm, sẽ không đảm bảo tính tương thích giữa CPI quý và CPI năm..

Mặt khác, nhiều chỉ tiêu khác của VN cũng được tính theo kiểu lấy kết quả tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước, hoặc ngày 31 tháng 12 năm sau so với ngày 31 tháng 12 năm trước, điển hình là tỷ giá danh nghĩa hay các chỉ tiêu tiền tệ.

Trong khi đó, các chỉ tiêu như GDP, thu chi ngân sách, tài chính, tiêu dùng, đầu tư, việc làm, xuất nhập khẩu, doanh số kinh doanh hay bán lẻ... đều được tính cho cả năm. Dân số hay lao động được tính vào ngày 1.7 hàng năm...
Rõ ràng với cách làm thống kê như hiện nay của ta, có sự không đồng nhất, không tương thích giữa các chỉ tiêu nên các quan hệ trong các mô hình không thực sự đúng về mặt lý thuyết. Đây là điều rất buồn đối với người làm mô hình. Bột nào thì ra hồ đấy; các mô hình của ta chưa tốt; kết quả phân tích dự báo chưa đúng cũng có nguyên nhân quan trọng từ chuyện này.

Cách 3: Lấy chỉ số CPI từng tháng chia cho 100, nhân các số đó lại theo từng quý (năm) rồi lấy tích trừ đi 1. Nhân số tìm được với 100 = chỉ số CPI của quý (năm).
Mình đọc song không hiểu ý bạn trong cách này.


Cách 4: Lấy chỉ số tháng cuối cùng của quý làm chỉ số CPI của quý đó.
Theo cách này, có hai trường hợp:
i) Nếu CPI tháng được xây dựng theo đúng chuẩn mực quốc tế, tức là CPI được đo bằng mặt bằng giá tháng của năm nay tăng hay giảm so với mặt bằng giá cùng tháng năm trước, thì cũng có thể dùng làm đại diện cho CPI quý, nhưng không đúng lý thuyết và chưa khoa học. Trong điều kiện nước ta, với hệ thống số đã có, bạn có thể tính CPI quý chính xác hơn, theo cách 1 tôi phân tích ở trên.
ii) Nếu CPI được xây dựng theo cách của ta (mặt bằng giá tháng sau so với tháng trước) thì không thể lấy chỉ số tháng cuối cùng của quý làm chỉ số CPI của quý đó.

Lưu ý bạn là đa số các chỉ tiêu kinh tế mang tính thời vụ, đặc biệt là giá cả. Trong năm giá cả có thể biến động rất lớn qua các tháng, ví dụ Tết rơi vào tháng 1 thì giá tháng 1 tăng rất mạnh, nhưng giá tháng 2 lại tăng rất chậm, thậm chí giảm. Ngược là nếu Tết rơi vào tháng 2 thì giá tháng 1 tăng rất chậm, nhưng giá tháng 2 lại tăng rất nhanh. Tương tự, vì lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong CPI nên vào các tháng giáp hạt thì giá tăng nhanh, song vào các tháng thu hoạch nông sản thì giá lại tăng chậm...

2) Về cách làm của tôi:
Trong các mô hình kinh tế lượng quý, tôi tính CPI quý theo cách 1, tức là tích dồn biến động CPI của cả ba tháng trong quý. Như vậy, nếu tổng hợp chung cả 4 quý, sẽ được CPI cả năm thống nhất với chỉ tiêu CPI do Tổng cục Thống kê công bố và vẫn được báo chí sử dụng phổ biến. 


Điều này rất quan trọng vì chúng ta đều biết mặc dù phân tích và dự báo các chỉ tiêu theo quý, nhưng khi tổng hợp báo cáo kết quả cần chuyển chúng sang số liệu năm để biết CPI, GDP, tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu cả năm thế nào. Khi tính GDP quý hay CPI quý đúng lô gic với tính GDP năm hay CPI năm thì có thể dễ dàng dùng 1 công thức để gộp 4 quý lại thành năm. Trong trường hợp GDP, chúng ta cộng GDP 4 quý lại thành GDP năm. Trong trường hợp CPI, chúng ta nhân liên tiếp CPI quý 4 năm trước với tốc độ tăng giá (CPI) của 4 quý năm nay...

Một ưu điểm nữa của cách tính CPI này là CPI quý thu được cũng sẽ tương thích với các chỉ tiêu tăng trưởng tỷ giá, tiền tệ, tài chính... vì các chỉ tiêu này thường được xây dựng bằng cách so kết quả lúc cuối quý hay cuối năm với cuối quý trước hay cuối năm trước.

Trân trọng.

13 nhận xét:

  1. Cháu cảm ơn chú rất nhiều, những thông tin chú chia sẻ giúp ích rất nhiều cho bọn trẻ tập tành nghiên cứu như cháu! :)

    Trả lờiXóa
  2. Nếu thông tin mình viết có ích cho bạn thì là điều làm mình vui rồi. Cảm ơn bạn đã để lại nhận xét.

    Trả lờiXóa
  3. Bác cho cháu hỏi các chuỗi số liệu trong một mô hình có yêu cầu được quy về cùng một năm gốc không ạ? Ví dụ tổng sản phẩm quốc nội thực (real GDP) được tính theo giá năm 1994, thì có yêu cầu tỷ giá thực hiệu dụng (real effective exchange rate) và lạm phát phải tính về năm 1994 không ạ? Thêm nữa cháu tìm chuỗi số liệu real GDP của Việt Nam theo quý từ IMF thấy có ghi là discontinued. Cháu không hiểu lắm ạ. Bác vui lòng trả lời giúp cháu với.Cháu cảm ơn bác ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Chào bạn,

    1. Trong một mô hình, điều cực kỳ quan trọng là đảm bảo tính đồng nhất giữa các chỉ tiêu, ví dụ nếu 1 chỉ tiêu tính theo giá hiện hành thì các chỉ tiêu khác cũng phải được tính theo giá hiện hành, hoặc nếu tính theo giá cố định thì chúng phải được nhân thêm với chỉ số giá của chúng.
    Nếu không thể đảm bảo được tính đồng nhất cho toàn hệ thống mô hình (do đặc điểm số liệu) thì tối thiểu cũng phải đảm bảo được cho từng phương trình.
    Việc quy các chuỗi số liệu về cùng một năm gốc hay để nguyên tùy thuộc vào mô hình của bạn và nhất là vào từng phương trình.
    Ví dụ nếu bạn xây dựng phương trình theo giá cố định thì tất cả các biến đều phải được quy về giá cố định, trên cơ sở đó mới tính tỷ lệ, tốc độ... và đưa vào phương trình.

    2. Ví dụ của bạn về GDP thực: GDP có thể tính theo gia hiện hành hoặc giá cố định, còn REER hay lạm phát đều là chuỗi số trung tính, chỉ có 1 chứ không có 2, tức là không có lạm phát tính theo giá cố định 94 hay lạm phát tính theo giá hiện hành. Vì thế cách đặt vấn đề của bạn là vô nghĩa.

    3. Khi gặp chuỗi số "discontinued" hay NA thì có nghĩa là tại thời điểm đó, chuỗi không có số liệu, tức là chuỗi số không liên tục. Để có chuỗi liên tục, bạn phải tìm số liệu thời điểm thiếu này ở nguồn khác hoặc tự ước lượng ra một số xấp xỉ.

    Cám ơn bạn đã quan tâm vào đọc Blog nhé.

    Trả lờiXóa
  5. Dạ, cháu cảm ơn bác ạ!^^

    Trả lờiXóa
  6. Bác ơi, cháu muốn tìm số liệu về tiền cơ sở của ngân hàng Nhà nước nhưng mãi không tìm được, bác có biết nguồn số liệu này ở đâu không ạ?

    Trả lờiXóa
  7. Tiền cơ sở của NHNN gồm tiền mặt (trong lưu thông và tại NHNN) và tiền dự trữ tại các NHTM.
    Vì đến nay NHNN không công bố bất cứ số liệu nào về tiền tệ nên duy nhất chỉ có con đường tham khảo từ International Financial Statistics (IFS) của IMF.
    Ví dụ xem ở đây: http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/07/blog-post_13.html
    Bảng Việt Nam trang 582 trong đó có:
    Monetary Autorities: Reserve Money: 512.842
    Banking Institution: Reserves: 142.598
    Tổng hai khoản này tạo thành cơ sở tiền tệ.

    Trả lờiXóa
  8. cho cháu hỏi, phương pháp Holt Winters dùng dự báo các chuỗi quan sát chỉ chính xác trong dự báo ngắn hạn có phải không ạ?
    Ví dụ như các chỉ tiêu kinh tế: CPI, GDP, v.v dùng phương pháp Holt winters liệu có đưa ra dự báo một cách gần đúng đc không ạ?

    Với các chuỗi quan sát có tính mùa (seasonal), có thể dùng ARIMA được không ạ? hay phải dùng Holt Winters.

    Trả lờiXóa
  9. cho cháu hỏi thêm, cháu có đọc về việc xác định các hệ số alpha, beta, gama của Holt Winters sao cho RSS hay MSE nhỏ nhất. Bác có kinh nghiệm gì về việc xác định các hệ số này không ạ? nhất là đối với các chỉ tiêu kinh tế, ví dụ như CPI thì các hệ số này nên chọn như thế nào ạ?

    Trả lờiXóa
  10. bác ơi cho cháu hỏi,bậy giờ bọn cháu muốn tính SPI_Student price index thì nên làm như thế nào ạ

    Trả lờiXóa
  11. bác ơi cho cháu hỏi,bậy giờ bọn cháu muốn tính SPI_Student price index thì nên làm như thế nào ạ

    Trả lờiXóa
  12. SPI_Student price index thoạt đầu là một bài tập các thầy giáo cho sinh viên làm để thực tập cách tính chỉ số lạm phát CPI. Sau bài giảng cách tính CPI, thấy giáo cho học sinh làm bài tập theo nhóm, mỗi nhóm có nhiệm vụ nhớ lại xem mình đã mua những hàng hóa tiêu dùng gì (hoặc chỉ loại thực phẩm gì) ở mỗi cửa hàng trong vùng, số lượng mua ở từng cửa hàng ra sao, giá thế nào. Trên cơ sở đó tính toán chi phí mua hàng (Cost of the Basket) tại thời điểm đó.

    Đồng thời cũng với những mặt hàng đó, sinh viên phải nhớ lại quý trước, nửa năm trước hay năm trước giá bao nhiêu, từ đó tính cost of the Basket đó tại thời điểm trước để qua đó tính chỉ số lạm phát hàng phục vụ sinh viên

    Đôi khi thầy giáo cũng cho số liệu đã tính của các nhóm trong các quý, các nửa năm trước hay năm trước để nhóm học sinh tính chỉ số lạm phát hàng mình mua so với các quý, các nửa năm trước hay năm trước

    Qua tính toán, sinh viên sẽ phát hiện ra:

    - Tại thời điểm đó, để mua một giỏ hàng hóa như vậy, mua ở cửa hàng, siêu thị nào rẻ hơn (giả dụ chất lượng hàng của các cửa hàng như nhau). Đặc biệt, qua thảo luận, sinh viên sẽ thấy đối với từng mặt hàng, mua ở cửa hàng, siêu thị nào thì rẻ nhất. Điều này đặc biệt hữu ích khi sinh viên mua với khối lượng lớn để cất vào tủ lạnh dùng cả tuần.

    - Lạm phát giá hàng cho sinh viên ở cửa hàng nào tăng nhanh nhất, thấp nhất... Dự báo đến bao giờ thì nên đổi sang mua ở cửa hàng khác vì ở cửa hàng giá hiện nay rẻ nhất nhưng tới đây sẽ thành đắt hơn.

    Sau này thấy ý tưởng hay, các Dining Committee of Undergraduate Association (UA) đã xây dựng các CSPI (chỉ số giá rẻ) để cung cấp thông tin sinh viên biết giá hàng ở đâu rẻ nhất, loại hàng nào ở đâu rẻ nhất...

    Cách tính SPI có khác gì cách tính CPI đâu. Bạn chọn danh mục mặt hàng, số lượng mua từng loại, rồi giá của chúng qua các kỳ, nhân với nhau, cộng với nhau ra tổng, chia các tổng sẽ có chỉ số CPI.

    Trả lờiXóa
  13. cám ơn nhiều ạh, thông tin rất bổ ích, em sẽ tính theo cách thứ 2 vì nó hợp lý hơn và lúc chạy mô hình sẽ cho kết quả chuẩn hơn, với lại trong bài em cũng sẽ ko đề cập đến các số liệu theo năm nên cũng ko sao

    Trả lờiXóa