Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Về một kiểu thơ hay



(Toquoc)- Trong thế giới thơ hay, thường có hai kiểu hay; một là những bài thơ tác giả rất dụng công trong quá trình sáng tác, có khi phải sửa chữa hàng chục năm vẫn chưa yên, phải đánh vật với chữ nghĩa đến mệt mỏi…hai là những bài thơ xuất thần viết ra nhanh chóng trong một lúc cảm hứng dâng trào, chữ nghĩa cứ cuồn cuộn tuôn chảy cho đến lúc dừng. Cố nhiên không hẳn rạch ròi, bởi rất nhiều bài thơ là sự đan xen, cài cuộn giữa cảm xúc trực giác và sự tỉnh táo phân minh của lí trí. Tuy nhiên có những bài thơ hoàn toàn do thần hứng mà có. Chúng tôi muốn nói tới dạng thơ này, và thử cắt nghĩa vì sao không phải qua quá trình lao động khổ não mà vẫn mang lại cái hay của chữ dùng, của hình ảnh, nhạc điệu…mà có khi lăn vào đánh vật với thời gian cũng không mang lại kết quả.
Đó là thơ có thể gọi là “dễ hiểu”, thậm chí “dễ làm” nữa kia; bởi nhìn chung chỉ rặt một thứ ngôn ngữ đời thường, không cao siêu, không sử dụng tới lớp từ thơ đầy tính hàn lâm. Thơ ấy là thứ “trời cho”, không chộp lấy ngay, là biến mất; thơ ấy làm một lần, sau đó muốn nữa, cũng chịu; thơ ấy không thể chuẩn bị trước, như định ra bố cục, tên bài; thơ ấy là nhĩ ngọc tiết ra từ đá, chứ không phải và cũng không thể luyện đá thành ngọc; thơ ấy là tiếng chim rừng chứ không phải giọng con chim bách thanh ngọng nghịu học nói tiếng người...
Nhiều nhà thơ có khối bài thơ hay, nhưng dạng hay đang bàn, là không nhiều, thậm chí có người cả đời không có lấy bài nào; ngược lại có người không phải nhà thơ, có khi lại có được một bài thơ tiếng lòng để đời da diết. Vì sao? Bởi thơ nào nhà thơ cũng phải gắn bó, buồn, vui, hi vọng với cuộc đời, con người; nhưng thứ thơ này lại phải vui nổ trời, đau chết được…mới cho ra nổi.
Có thể thấy đó là Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa khóc chồng, Vĩnh Mai khóc bạn trong Khóc Hoài, Nguyễn Vĩ đau đời nghệ sĩ qua Gửi Trương  Tửu... Những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước bị giam cầm thường có những vần cảm khái đầy khí phách hoặc tâm trạng nhớ quê hương, nhớ vợ con, nhớ mảnh trời xanh tự do bên ngoài vách xà lim…
Có hai bài thơ viết “như chơi” xưa nay ai cũng ưa thích của Cầm Giang (?), là Nhớ vợ, và Em tắm:
Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem!
Người con gái đang tắm rõ ràng là rất đẹp, vừa rụt rè, vừa tự nhiên bởi trước mình là người đàn ông song lại là chồng; còn “anh” thì quá si mê, dù vợ đấy, nhưng vẫn quá hấp dẫn. Bài thơ chắc được làm rất nhanh, lời lẽ như hai nửa đích thực của nhau nói chuyện với nhau, mãi mãi là những câu thơ nếu thay một chữ thôi, cũng sẽ hỏng. Hẳn Cầm Giang cũng là anh chàng từng rình vợ tắm, nếu không, rất khó làm nên phần hồn cho bài thơ hay đến vậy. 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ
Trong chiến tranh, Phạm Tiến Duật gắn bó với Trường Sơn, có nhiều thơ hay, nhưng hình như cũng không nhiều những bài giản dị tôi đồ rằng được nhà thơ viết nhanh như Tiểu đội xe không kính, hẳn cũng có nguyên do nào đó của nó:
Xe không kính không phải vì không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ mất rồi
Nhà thơ Hữu Thỉnh có bài thơ Năm anh em trên một chiếc xe tăng trần trụi những câu, chữ, đâu có thời gian khề khà chọn thủ pháp nọ, phép tu từ kia, nếu có “làm văn”, thì cũng chỉ buột ra những hình ảnh quen thuộc, dễ hiểu:
Năm anh em trên một chiếc xe tăng
Như năm bông hoa nở cùng một cội
Như năm ngón tay trên một bàn tay
Đã xung trận là năm người như một…
Đó chỉ là những lời nói rời, nhưng đem đặt bên nhau sẽ tạo ra chất thơ; nghĩa là ở đây cuộc sống đi thẳng vào thơ, nên thơ ấy dung dị, bình dân, và dĩ nhiên đạt tới độ hay của nó mà nếu cố viết, cố làm chữ nghĩa, vẫn có cái bài thơ cùng tên gọi, nhưng không hay được như vậy.
Cũng nhiều trường hợp nhà thơ không là người trong cuộc, nhưng bằng một trực giác tinh nhạy, vẫn tóm được những  câu thơ hay bay lơ lửng giữa trời; và hẳn hoi có được vậy, yếu tố ngẫu nhiên cũng chỉ chiếm một phần nào đó mà thôi. Có thể với nhà thơ Ngô Văn Phú là một trường hợp như vậy:
Trên trời mây trắng như bông
Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng
Dạng thơ này không tốn nhiều công sức lao động để làm ra; nhưng hơn thế, đó phải là kết quả của một quá trình sống, lăn lộn, nếm trải lắm khi phải trả giá tính ra còn ‘mệt” hơn rất nhiều việc “cuốc cày” trên trang giấy. Đó là “giọt nước tràn ly” thôi vậy. Nghĩa là vẫn không ngoài quy luật thơ nào công lao ấy! Đó là nhát búa của Robinson làm nổi lên con tàu bị chìm mà ai cũng biết…
Dạng thơ này ta gặp khá nhiều, và sự lí giải cũng còn nhiều điều thú vị, đây chúng tôi chỉ là kẻ ngoại đạo mạo muội khơi ra cái phần ngọn, mong các nhà phê bình, các nhà thơ, nhất là những người đã thành công ở nhánh thơ này đi sâu bàn bạc.
Hoàng Thái Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét