Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Từ “1Q84” của Murakami nghĩ về văn chương sex


(Toquoc)- Trong thế giới phẳng, mọi cái xảy ra quanh chúng ta cũng như những gì do con người tưởng tượng ra đều có thể được hiện hình trong tác phẩm văn chương. Sex cũng thuộc về con người nên không phải là trường hợp ngoại lệ. Bởi lẽ qua những trang viết về nó, bạn đọc có thể thấy cách mà nhà văn đã văn hóa hóa cái bản năng ở đẳng cấp nào.

Những bậc thầy văn chương sex

“1Q84” là cuốn thiểu thuyết mới nhất của Haruki Murakami được dịch ra tiếng Việt do Nxb Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành năm 2012, sau các cuốn sách đình đám gây sốt trên toàn thế giới trước đây của ông như: “Rừng Na Uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Người tình Sputnik”, “Kafka bên bờ biển”...

Ngoài những chủ đề khác, sex là một vấn đề quan trọng khiến tiểu thuyết của Murakami có độ lan tỏa rộng lớn và sức hút kỳ diệu trong làng tiểu thuyết đương đại thế giới. Ngay lần xuất bản đầu tiên cuốn sách đã bán được trên 1.000.000 bản trong vòng một tháng, một kỷ lục vượt quá sức tưởng tượng của các tiểu thuyết gia hiện nay.

Công bằng mà nói sex không phải là một vấn đề mới mẻ gì và Haruki Murakami cũng không phải là người đầu tiên đề cập đến nó, một chủ đề khá nhạy cảm đối với bất cứ ai và trong bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, sex trong các tác phẩm của ông không phải là sự mô tả trần trụi các hành vi tình dục do các nhà văn tự huyễn hoặc ra, mà là sự khám phá trải nghiệm về khía cạnh tinh thần của nhân vật, làm cho những ai khi đã đọc “1Q84” khó có thể cưỡng lại bởi sự hấp dẫn của nó.
Ngược thời gian một chút, ta có thể thấy nhà văn Pháp Gustave Flaubert (1821-1880) được coi là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất của nền văn chương phương Tây thế kỷ XIX. Trong kiệt tác “Madame Bovary” (Bà Bovary), Flaubert đã miêu tả một cách tài tình nhu cầu tình dục của người phụ nữ Pháp luôn bị những cái “mặt nạ” của thói đạo đức giả của giới quý tộc Pháp đương thời che đậy, khiến bà nhiều lúc phát điên và muốn phá bỏ tất cả để trở về với con người tự nhiên nguyên khởi của mình.

Trường hợp Knut Hamson (1859-1952), nhà văn Na Uy trong truyện ngắn “Tiếng gọi đời thường” chưa đến 1700 chữ viết về sex đã đưa ông đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn chương với giải Nobel văn học năm 1920. Câu chuyện chỉ xoay quanh tâm trạng của người thiếu phụ ngoài 20 tuổi, tên là Ellen, sau khi người chồng xấu số hơn cô đến 30 tuổi lâm bệnh nặng vừa mới qua đời. Nhưng Ellen không thể tiếp tục sống mãi với người chồng không còn nữa, mà cô cần phải sống như một người bình thường. Khát vọng tình dục là chuyện bình thường đối với một người phụ nữ tuổi mới ngoài hai mươi như Ellen. Và cô đã tìm được nó ngay giữa cuộc sống thường nhật một cách hết sức tự nhiên.

Ở Việt Nam ta Nguyễn Du trong kiệt tác Truyện Kiều của mình, ông đã đưa sex vào như một sự khám phá thế giới nội tâm của các nhân vật cả nam lẫn nữ. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng có hàng bài bài thơ viết về sex như là sự khám phá nhu cầu tự nhiên của người phụ nữ trong xã hội đương thời. Nhà văn lớn của dòng văn chương hiện thực phê phán trước năm 1945 là Nam Cao với truyện “Chí Phèo” đã rất thành công khi đưa yếu tố sex để mô tả quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng giữa Thị Nở và Chí Phèo “làm tàu chuối trong vườn dưới ánh trăng cũng hứng tình giãy lên đành đạch”. Còn Vũ Trọng Phụng với các tiểu thuyết như: “Làm đĩ”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”... đều nhan nhản các yếu tố sex. Trong “Làm đĩ” Vũ Trọng Phụng cho rằng quan hệ tình dục, tự thân nó là vấn đề tự nhiên nguyên khởi của con người không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, giới tính, màu da, sắc tộc,...

Tuy nhiên đối với những nhà văn bậc thầy đưa yếu tố sex vào tác phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào logic tự nhiên của tình huống truyện và sự phát triển của tính cách nhân vật, chứ họ không có ý định đưa yếu tố sex vào để câu khách. Người đọc không hề thấy họ cố tình miêu tả sex như là nhu cầu cá nhân của nhà văn, nên hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Sex trong các tác phẩm văn chương Việt đương đại
Trong nhiều truyện ngắn của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban… không thiếu các yếu tố sex. Đặc biệt trong “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp, sex là quá trình khám phá con người tự nhiên của một ông Vua, nhằm chống lại việc thần thánh hóa con người, biến nó thành một cái gì đó không có các nhu cầu ăn, ngủ, đi lại và sex như những người bình thường khác. Điều này rất phổ biến trong dòng văn học thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kéo dài suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến trước đổi mới. Sau khi một loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ra đời, hóa ra vấn đề sex không đến nỗi phải quá “kiêng khem” như người ta vẫn nghĩ trước đây.

Cách đây gần chục năm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cũng có nhiều đoạn nói về sex, nhưng độc giả vẫn thấy chị không cố tình dùng nó như là một mốt thời thượng để đánh vào sự tò mò của một bộ phận công chúng. Trái lại sex trong tác phẩm này là sự khám phá tính cách vừa bỗ bã, bặm trợn, trực tính và hằn học muốn trả thù đời của người đàn ông vùng sông nước Cà Mau một cách khá chân thực và thành công.

Thế nhưng, tiếc thay cách đây chưa lâu “I am đàn bà” của nhà văn Y Ban từng bị cơ quan chức năng thu hồi vì có những đoạn mô tả một cách tự nhiên chủ nghĩa, tỉ mỉ đến tận chân tơ kẽ tóc của hoạt động tình dục. Trước đó là “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu cũng đã gây nhiều ý kiến trái chiều về việc miêu tả sex. Sex trong “Bóng đè” hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra khi nhân vật “tôi” luôn ám ảnh cảnh làm tình với ông bố chồng đã chết, mỗi lần cô ta nhìn lên bức ảnh đặt trên bàn thờ, khiến người đọc vừa cảm thấy khiên cưỡng, vừa thấy rõ sự băng hoại về đạo đức của một bộ phận giới trẻ hôm nay. Rõ ràng cách làm này chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân và có tính chất câu khách. Sau này, nhiều cuốn miêu tả sex khác như “Ngày hoàng đạo” của Nguyễn Đình Chính, “Trả giá”, “Cõi mê” của Triệu Xuân và gần đây có “Dại tình” của Bùi Bình Thi, “Thể xác lưu lạc” của Tiến Đạt,...

“Thể xác lưu lạc” của Tiến Đạt, thực chất chỉ là một vũng lầy ngập tràn sắc dục, có những kẻ vật lộn hòng thoát ra, nhưng không thể, như anh chàng Trần, còn số đông bị nhấn chìm trong vũng lầy đó. Bởi lẽ trên mỗi bước đi, bọn họ đều luôn đối mặt với sự quyến rũ của nhục thể đàn bà. Và cuối cùng, sau khi thỏa mãn: “Anh khỏa thân nằm một mình, ngủ tích cực, triền miên, ngủ như trẻ thơ, cứ mặc những mùa gió cũ quay ngược chở nặng ký ức xao động giữa cố hương”. Có thể nói đây là cuốn sách viết một cách vội vàng và thô thiển về sex, khi Tiến Đạt muốn rung lên hồi chuông cảnh báo về một bộ phận giới trẻ hôm nay đang bị mất phương hướng trên con đường đi tìm tình yêu và ý nghĩa đích thực của cuộc sống, nhưng đã không thành, mà chỉ khiến người đọc cảm thấy ghê rợn.

Đấy là chưa kể một số cây viết trẻ muốn trở thành người nổi tiếng nhanh trong làng văn cũng hào hứng thêm sex vào truyện như một yếu tố “mới lạ”. Thế nhưng, có không ít người vì chưa đủ tầm về văn hóa, nghèo nàn về chữ nghĩa, chỉ có một số vốn từ nhất định cứ nhai đi, nhai lại hết đoạn này đến đoạn khác làm người đọc nhàm chán. Cũng có thể từ thẳm sâu trong số họ khi viết truyện có yếu tố sex cũng muốn mô tả hấp dẫn và thanh cao lắm, nhưng ngặt nỗi tầm thì thấp, tài lại hèn, sức thì mọn, nên rơi vào lối diễn đạt thô vụng khiến người đọc cảm thấy ghê sợ thực sự.

Sex là vấn đề rất nhạy cảm, viết về nó vừa khó lại vừa dễ, nhưng chắc chắn chỉ dành cho những nhà văn có tài năng thực thụ, có tầm văn hóa cao, hoàn toàn có thể làm chủ được ngòi bút của mình mới mong đem lại thành công. Còn những ai không hội đủ những yếu tố trên xin đừng chạy theo lối viết thô thiển về sex, làm dơ bẩn bầu không khí văn chương nước nhà vốn có quá nhiều sự nhiễu loạn bấy lâu nay./.

Đỗ Ngọc Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét