Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Tin buồn từ Hà Nội: 'Tri thức và sức khỏe đang xuống dốc nghiêm trọng'


Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 4/12, nhiều đại biểu HĐND Hà Nội lo ngại về tình trạng đạo đức xuống cấp, nhất là trong giáo dục và y tế.

Đại biểu Mai Văn Lâm (Chánh thư ký Phật giáo thành phố) cho rằng, cái quý nhất của con người là tri thức và sức khỏe, song cả 2 lĩnh vực này đều không phát triển mà ngày càng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm học, các khoản phụ thu ở trường học trong nội đô đã tạo dư luận bất an, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đạo đức học đường.

"Ngày 20/11 vừa qua, có trang mạng lấy ý kiến của học sinh và 40% cho rằng đối với giáo viên không cần phải tôn trọng biết ơn vì họ phải trả tiền học rất cao, có giáo viên còn cho biết nhiều học sinh ghét thầy cô. Điều đó cho thấy đạo đức xã hội đã xuống cấp, giáo dục chạy theo thành tích, 98% học sinh tốt nghiệp song nhiều người thi đại học được điểm 0 ở môn Lịch sử", ông Lâm phát biểu.

Theo đại biểu Lâm, đạo đức nghề nghiệp và tri thức của người thầy hiện đáng báo động, điểm vào đại học của ngành này rất thấp so với mặt bằng, trong khi đáng lẽ những người thầy phải là ưu tú, có trình độ cao. Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh cũng đang báo động, y đức của nhiều bác sĩ xuống cấp khi người bệnh phải hối lộ mới được hưởng các dịch vụ y tế thiết yếu.

Đại biểu Lê Văn Thành: "Ngân hàng đang giết nhiều doanh nghiệp". Ảnh:Đ.L.
Cũng bàn về giáo dục, đại biểu Phạm Xuân Tài cho rằng, năm 2012, Nghị quyết của HĐND đã đặt nhiều nhiệm vụ để giáo dục thủ đô thực chất hơn, nhưng chưa thấy sự chuyển biến. Các báo cáo của thành phố không đánh giá chất lượng giáo dục, chưa rõ định hướng phát triển của ngành.

Đại biểu này cũng nhận định, chỉ tiêu dạy ngoại ngữ năm 2013 sẽ không khả thi, dẫn đến lạm thu bởi hiện môn nay đã được dạy trong nhiều trường, song gặp nhiều khó khăn do trình độ giáo viên chưa đồng đều, cơ sở vật chất chưa đồng bộ.

Một số đại biểu lo ngại, nạn thất nghiệp gia tăng trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Nguyễn Xuân Diên cho rằng, năm nay tỷ lệ thất nghiệp lên tới 7,6% nên cần nghiên cứu chỉ tiêu thất nghiệp dưới 5,2 %.

Còn đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, để tạo việc làm cần hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, giúp an sinh xã hội. Ngoài ra, thành phố không chỉ sản xuất rau an toàn mà cần thêm thực phẩm sạch, đưa ra chính sách tiêu thụ sản phẩm để giúp doanh nghiệp và người dân.

Cũng liên quan đến việc làm, đại biểu Lê Văn Thành cho rằng, nguyên nhân thất nghiệp do doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều hơn số đăng ký mới, số doanh nghiệp ngừng hoạt động trên thực tế khác so với báo cáo.

"Doanh nghiệp chết rất nhiều do nợ xấu, họ ngừng hoạt động song không phá sản được vì thủ tục phá sản phức tạp. Việc này liên quan đến ngân hàng, vì ngân hàng cho vay hơn 20% thì lấy hết phần tích lũy của doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ phải đi trước một bước mới tạo niềm tin cho doanh nghiệp", ông Thành bày tỏ.

Là chủ doanh nghiệp, ông Thành cũng cho rằng, Hà Nội nên học tập Đà Nẵng tìm hướng hỗ trợ, cần có chính sách để tạo niềm tin cho doanh nghiệp bởi năm 2013 - 2015 kinh tế thế giới dự báo vẫn còn khó khăn.

Đại biểu Phạm Văn Trâm: "Thành phố cần phân tích kỹ hơn
 để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp". Ảnh: Đ.L.

Phản bác ý kiến của đại biểu Lê Văn Thành, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của ngân hàng, "doanh nghiệp mà chết thì ngân hàng cũng chết". Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần điều chỉnh lãi suất nên được doanh nghiệp và thị trường chấp nhận. Thực tế, không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà không được vay vốn.

Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng cho rằng, Hà Nội và TP HCM là 2 đầu cầu về kinh tế nên phải đặt các chỉ tiêu cao hơn cả nước để phấn đấu, ví dụ GDP tăng 8 - 8,5% và không nên thấp hơn năm trước. Do vậy, thành phố giữ nguyên phần lớn các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2013 đã được đưa vào dự thảo nghị quyết.

Cuối buổi sáng, HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2013 với số phiếu tán thành 90,5%.

Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội của Hà Nội năm 2013:
- Tốc độ tăng GDP 8 - 8,5%
- Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển: 15 - 16,5%
- Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa: 9 - 10%
- Thu ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Trung ương giao
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước: 1%
- Tỷ lệ thất nghiệp: 5,2%
- Số hộ dân cư được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa": 84%
- Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 122
- Tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch: 100%
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch: 36,9%
- Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp lần đầu): cấp cho tổ chức 1.000 giấy; cấp cho hộ gia đình và cá nhân 86.420 giấy
- Tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày: Đô thị: 98%; Nông thôn: 85%.

Đoàn Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét