Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Lên thâm sơn cùng cốc để trị "bệnh trung niên"

Lên thâm sơn cùng cốc để trị "bệnh trung niên"

(Nguoiduatin.vn) - Sẵn sàng từ bỏ một cuộc sống đầy đủ vật chất, không ít người ở độ tuổi trung niên chấp nhận cuộc sống nơi "thâm sơn cùng cốc" để vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên.
Thừa thãi nên... khủng hoảng?
"Tôi cảm thấy chán nản mỗi sáng ngủ dậy?", "Tôi không biết mình thức dậy làm gì?", hay: "Tôi thấy mình không còn yêu vợ. Chúng tôi như mặt trăng mặt trời mỗi khi ở gần nhau. Giờ đây cáu gắt, bực bội được thay thế cho sự sẻ chia, cảm thông trước kia. Tôi không còn là tôi, vợ tôi thì như một người lạ từ đâu xuất hiện...". Đó chỉ là một trong số rất ít câu hỏi mà các trung tâm tư vấn tâm lý, tham vấn sức khỏe nhận được từ những khách hàng tuổi trung niên.
Theo các chuyên gia, đàn ông và phụ nữ tuổi từ 35 - 55 là dễ bị ảnh hưởng nhất. Đối với phụ nữ, sự khủng hoảng ở giai đoạn tuổi trung niên có xu hướng xảy ra đồng thời với việc con cái của họ ra sống riêng hoặc không có thời gian để quan tâm đến họ nhiều như trước nữa. Còn đối với nam giới, đó có thể là do sự nhận thức về tuổi già và sự suy giảm lòng tự trọng. Điều này thường liên quan đến công việc của họ. Đặc biệt là với phụ nữ, bước vào độ tuổi 35, cảm giác già nua, buồn chán có thể xâm chiếm tinh thần. Nhiều người khi có những dấu hiệu chán nản, buồn bực... dẫn đến trầm cảm. Các triệu chứng trầm cảm lâu ngày có nguy cơ dẫn đến sa sút tâm thần rất cao.

Thực tế lâm sàng cho thấy, bị trầm cảm ở tuổi trung niên thường dai dẳng, có thể một phần do chữa trị muộn, có thể do dùng thuốc chống trầm cảm chưa chọn lọc phù hợp và do đó không tuân thủ, có thể do người trung tuổi và kế sau trung tuổi hiện nay thường mắc các bệnh lý nội khoa khác nhau như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch hay các bệnh về xương khớp... Đặc biệt, nhiều người rơi vào khủng hoảng dẫn đến có các mối quan hệ "ngoài luồng" khiến gia đình lục đục.
Đi đến những nơi nghèo khó là một trong những cách mà nhiều người ở tuổi trung niên chọn để vượt qua khủng hoảng.
Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho biết, chị thật sự sốc khi nhận được cuộc điện thoại từ một khách hàng nữ 15 tuổi. Vị khách hàng nói rằng, bố cô là giám đốc một công ty xây dựng và mẹ làm kế toán. Cô bé này chuẩn bị đi du học tại Singapore, nhưng điều khiến cô bé lo lắng gọi điện đến gặp chuyên gia tư vấn tâm lý không phải là về cuộc sống và việc học tập ở nước ngoài. Điều khiến vị khách đặc biệt này lo là những biểu hiện "bất thường" ở bố và mẹ. Cô bé này có kể với chuyên gia tâm lý rằng, bố cô thời gian gần đây tự dưng rất thích làm "đỏm". Khác với bề ngoài có phần luộm thuộm trước đây với đôi giày luôn lấm lem bụi bẩn công trường, chiếc áo đậm mùi mô hôi sau mỗi lần ra công trình, bố cô giờ có cả những chiếc áo sơ mi màu hồng không hợp với tuổi 45 của ông.
Bố cô bé còn dùng cả nước hoa ngoại đắt tiền. Còn mẹ cô thường ngồi trong phòng khóc và sử dụng một loại thuốc gì đó vào mỗi tối, khi các con đã về phòng riêng. Một lần, cô xem trộm điện thoại của bố khi ông đi tắm thì liền giật mình thấy dòng chữ: "Già làng" đang làm gì đó? Gà con đói bụng quá?". Vị khách hàng này một mực khẳng định đó là "bồ" của bố cô, sinh năm 1993!.
Cô bé này chia sẻ, trước kia, lúc gia đình cô còn khó khăn, bố mẹ cô rất thương yêu nhau, giờ hai người hiếm khi nói chuyện vui vẻ như trước. "Chúng tôi thường nhận được những cuộc điện thoại lo lắng về tình trạng hôn nhân, mối quan hệ tình cảm của các cặp vợ chồng bước vào tuổi trung niên. Tuy nhiên, cuộc điện thoại từ một người con của họ khiến chúng tôi nhớ hơn cả", vị chuyên gia này chia sẻ.
Quay lại đói khổ để... chữa "bệnh"
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hiền (trung tâm tham vấn tâm lý Share, Hà Nội) cho rằng, số đông người dễ bị khủng hoảng nhất thường là những người không cảm thấy hài lòng trong một thời gian dài. Tình trạng khủng hoảng ở tuổi trung niên có thể ảnh hưởng nặng nề và đặc biệt là với những người làm các công việc mà họ không hề đam mê hay có một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Họ nghĩ rằng, họ buộc phải làm tất cả những điều đó và họ có thể đột nhiên trở nên hết sức tuyệt vọng dẫn đến trầm cảm. Những ai không vượt qua được giai đoạn này rất có thể dẫn đến tự tử, rơi vào nghiện rượu... để thoát khỏi khủng hoảng.
Theo chia sẻ của một chuyên gia tâm lý, chính chuyên gia này cũng ngạc nhiên khi được người đàn ông 41 tuổi từng gọi đến than thở về cuộc sống buồn chán mỗi sáng thức dậy, dù rằng người đàn ông này đang làm bác sỹ, hai người con cũng đang đi du học tại Úc. Chính anh đã chủ động gọi điện lại là đã tìm thấy hy vọng và tình yêu vào cuộc sống bằng việc mua một căn nhà ở chân núi Ba Vì (Hà Nội).
Theo đó, mỗi tuần, cứ đến chiều thứ 6, hai vợ chồng họ lại lái xe lên căn nhà này để được quay lại tuổi thơ thiếu thốn. Điều đặc biệt là, mọi tiện nghi cuộc sống họ đều chối từ. Căn nhà này không có điện, không có tivi, không internet... Họ kể với chuyên gia tâm lý về những buổi hai vợ chồng cùng nhau vào rừng để nhặt củi về đun, đi câu cá ở sông đầy hứng khởi. Quan trọng hơn cả, hai vợ chồng họ thấy yêu cuộc sống hơn và không thấy mỗi ngày thức dậy đầy vô vị như khi gọi điện đến trung tâm tư vấn tâm lý.
Không phải ai cũng có điều kiện để có thể quay lại thời thơ ấu đầy chất "đại gia", nên thơ với căn nhà riêng ở chân núi như người đàn ông làm bác sỹ ở trên. Anh Nguyễn Văn Hải, giám đốc một công ty môi giới bất động sản (Từ Liêm, Hà Nội) lại tìm thú vui cho hai vợ chồng bằng cách đi "phượt". Chuyện kể của hai vợ chồng anh Hải có lẽ cũng khiến không ít tay "phượt" trẻ ngán ngẩm. Họ thường hay tổ chức các chuyến đi lang thang dọc các cung đường miền núi phía Bắc như: Mù Căng Chải (Yên Bái), Cao nguyên đá (Hà Giang), Lũng Cú, đèo Pha Đin... đều đã in dấu chân họ. Họ thường mời gọi bạn bè U40 cùng tham gia đội "phượt" già.
Anh Hải có yêu cầu chung với các chiến hữu cùng cảnh chán nhàn hạ, sống "lờ nhờ" ở phố là "phải có xe 4 bánh riêng và tuổi là U40 (hoặc dao động đến 45 tuổi), không có con nhỏ đi theo, không "đua đòi" mạo hiểm dữ dội như mấy bạn trẻ, sẵn sàng ngủ giữa đường nếu gặp đá lở...". Sau mỗi chuyến đi, anh Hải "líu lo" kể với bạn bè về những hành trình đầy cam go mà anh vượt qua cùng bà xã. Anh không thấy "bà già" lắm mồm mọi khi nữa mà thay vào đó là một người bạn "phượt" chu đáo và đầy tình cảm với những đứa trẻ khó khăn nơi hai vợ chồng đến thăm...
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: "Khủng hoảng tuổi trung niên hay còn gọi là khủng hoảng giữa đời có thể xảy ra với hầu hết mọi người. Lứa tuổi dễ rơi vào khủng hoảng nhất là khoảng 40. Như những năm gần đây, lứa tuổi rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên có xu hướng giảm đi vì tư tưởng sống gấp đến sớm hơn. Lúc này, với cả phụ nữ và nam giới, công danh sự nghiệp đã ổn định, gia đình con cái đề huề. Những người rơi vào khủng hoảng nặng nhất là những người có tâm lý hưởng thụ, sống cho mình. Thậm chí, nhiều người khủng hoảng nặng dẫn đến sống buông thả như ngoại tình, rượu chè... rất dễ làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình".
Sẻ chia yêu thương là "liệu pháp" hiệu quả nhất
Bác sỹ Lê Quốc Nam, phòng khám tâm lý Y khoa - Tâm thần kinh Quốc Nam (TP.HCM) cho biết: "Theo thống kê, nhiều bệnh nhân có ý định tự tử có bệnh lý liên quan đến tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm 80%. Ngoài ra, có đến 15% bệnh nhân lệ thuộc rượu tử vong vì tự tử. 25% số người chết vì tự tử do lệ thuộc rượu. Nghiên cứu ở 259 bệnh nhân nghiện rượu tại TP.HCM cho thấy, có đến 13 người có ý nghĩ hay hành vi tự tử. Những nhà chuyên môn sẽ giải quyết bệnh lý tâm thần cơ bản, giải quyết hoàn cảnh gây sang chấn, thông qua thuốc men hay tâm lý liệu pháp để từ đó, đưa bệnh nhân dần trở về trạng thái ban đầu. Sự sẻ chia, yêu thương và gần gũi của gia đình, người thân chính là liệu pháp góp phần giải quyết các bệnh lý này".
 Hoàng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét